Trong suốt hơn 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đảng ta luôn đề cao vai trò của đội ngũ giảng viên trẻ trong quân đội, trong đó đặc biệt quan tâm xây dựng và nâng cao bản lĩnh chính trị cho giảng viên trẻ.
Đại tá, PGS, TS Bùi Mạnh Hùng - giảng viên Học viện Chính trị (bên phải) trao đổi với giảng viên trẻ về phương pháp sư phạm - Ảnh: Thảo Nguyên
Bản lĩnh chính trị của giảng viên trẻ trong quân đội chính là sự phản ánh sâu sắc bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản Việt Nam, truyền thống kiên cường, bất khuất, anh dũng của dân tộc Việt Nam. Đó là sự kiên định, kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, họ luôn giữ vững niềm tin, có ý chí quyết chiến quyết thắng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; luôn nêu cao ý thức cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, tỉnh táo, chủ động, nhạy bén, có nhận thức sâu sắc về âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đập tan mọi mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch, đặc biệt là mặt trận chính trị tư tưởng.
Bản lĩnh chính trị của giảng viên trẻ trong quân đội được hình thành, phát triển thông qua việc bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện trong một quá trình từ những kiến thức cơ bản, toàn diện về đường lối, nhiệm vụ của cách mạng, của Đảng cũng như những kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, vốn sống, thực tiễn xã hội. Thông qua quá trình giáo dục đào tạo cơ bản, bản lĩnh chính trị của giảng viên đã được tích lũy với việc thường xuyên đưa họ vào môi trường rèn luyện thử thách trong thực tiễn để tiếp tục củng cố niềm tin, lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Đồng thời với quá trình đó, cần tiếp tục tăng cường bồi dưỡng, củng cố nâng cao năng lực, trí tuệ toàn diện. Vì nếu chỉ có niềm tin vững chắc mà năng lực, trí tuệ yếu kém thì khó có thể đảm đương được chức trách nhiệm vụ. Ngược lại, nếu có năng lực, trí tuệ nhưng niềm tin giảm sút thì trong những hoàn cảnh khó khăn thử thách, đứng trước sự cám dỗ của danh lợi, sự mua chuộc, lôi kéo của đồng tiền, lối sống thực dụng thì tư tưởng dễ bị dao động, ngả nghiêng, đạo đức, tư cách dễ bị tha hóa, biến chất, dễ đi đến thoái thác nhiệm vụ. Do đó, nói đến bản lĩnh chính trị của giảng viên trẻ trong quân đội cần chăm lo củng cố cả về niềm tin, năng lực trí tuệ và phải được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn.
Bản lĩnh chính trị của giảng viên trẻ trong quân đội luôn vận động phát triển cùng với sự vận động phát triển của cách mạng, của quân đội, gắn với điều kiện lịch sử xã hội. Ngày nay, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, nhiệm vụ của Đảng, của quân đội, trong bối cảnh tình hình chính trị, xã hội thế giới và trong nước đang diễn biến hết sức phức tạp, đan xen cả thuận lợi và khó khăn, cả thời cơ, vận hội và thách thức khó lường, trong khi đó, đa phần giảng viên trẻ trong quân đội chưa được trải nghiệm nhiều, rèn luyện thử thách trong thực tiễn, cũng như trong huấn luyện, lao động sản xuất, công tác xã hội và họ lại chính là một trong những đối tượng nằm trong “tầm ngắm” tiến công của địch bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”. Mặt khác, mặc dù họ có học vấn, được đào tạo cơ bản, có khả năng nhạy bén và thích ứng với cái mới, nhưng do trải nghiệm thực tiễn ít, họ không nằm ngoài sự tác động lớn từ mặt trái của kinh tế thị trường, những tiêu cực trong xã hội, sự tấn công của kẻ địch nên dễ dẫn đến dao động tư tưởng, mơ hồ nhận thức, suy giảm phai nhạt lý tưởng niềm tin, ý chí quyết tâm chiến đấu. Nguy hiểm hơn là trong thực tế, đã có “không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””(1).
Nâng cao bản lĩnh chính trị là yêu cầu trước hết, thường xuyên, lâu dài của quá trình hoàn thiện phẩm chất nhân cách của đội ngũ sĩ quan quân đội. Ngày nay, để đáp ứng yêu cầu phương hướng “xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ” (2), trong đó lấy xây dựng quân đội về mặt chính trị làm nền tảng thì vấn đề bản lĩnh chính trị của đội ngũ sĩ quan nói chung, giảng viên trẻ trong quân đội nói riêng được đặt ra có tính cấp thiết.
Để góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị của giảng viên trẻ trong quân đội trong giai đoạn hiện nay cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục bồi dưỡng, giáo dục giúp cho giảng viên trẻ trong quân đội nâng cao trình độ hiểu biết, nắm vững những quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, nhiệm vụ của Đảng, của cách mạng
Bồi dưỡng, giáo dục cho giảng viên những quan điểm, đường lối về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng quân đội trong giai đoạn hiện nay. Mặt khác, cần coi trọng giáo dục nâng cao trình độ, kiến thức về mọi mặt làm cơ sở tiếp tục củng cố và xây dựng niềm tin sâu sắc vào sự tất thắng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, của lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, tin vào sức mạnh của chính nghĩa, của tính nhân đạo; kiên định mục tiêu lý tưởng, con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; kiên định và nhạy bén trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống chiến lược “diễn biến hoà bình”, chống các luận điệu xuyên tạc, phản động của địch, bảo vệ vững chắc trận địa chính trị tư tưởng của Đảng, của quân đội trong mọi tình huống.
Hai là, tăng cường rèn luyện năng lực, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của giảng viên trẻ trong quân đội
Đội ngũ giảng viên trẻ ở các học viện, nhà trường quân đội phải thường xuyên được thực tập, thực tế và “luân chuyển” ở đơn vị cơ sở, trong đó cần ưu tiên các đơn vị vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những “điểm nóng” hiện nay. Bản lĩnh chính trị của giảng viên trẻ trong quân đội có điều kiện được bộc lộ khi họ được hoạt động trong môi trường có nhiều thử thách, trong tình huống phức tạp. Càng nhiều khó khăn, thử thách, thì càng bộc lộ rõ bản lĩnh chính trị. Bên cạnh đó, bản lĩnh chính trị được tôi luyện, vững vàng trong môi trường công tác có nhiều khó khăn, thử thách, có nhiều cám dỗ. Tình huống phức tạp về chính trị là dung môi tốt nhất để thử, để nhận biết về bản lĩnh chính trị của giảng viên trẻ trong quân đội. Thông qua đó, giảng viên trẻ không ngừng được tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất nhân cách, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của quân đội trong tình hình mới.
Ba là, thường xuyên tạo ra môi trường chính trị thuận lợi để giảng viên trẻ trong quân đội tự giáo dục, tự rèn luyện
Hiện nay, trước những biến động to lớn của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, môi trường kinh tế, chính trị, xã hội luôn biến động hết sức phức tạp; các thế lực thù địch lợi dụng quá trình giao lưu quốc tế, sự mở rộng hợp tác chủ động tấn công, chống phá đã làm cho môi trường chính trị phức tạp hơn bao giờ hết, kẻ thù bằng mọi cách, mọi thủ đoạn muốn lợi dụng những tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường để khơi dậy lối sống thực dụng, quá coi trọng lợi ích vật chất, cục bộ, bè phái, chủ nghĩa cá nhân... Điều đó tác động không nhỏ đến bản lĩnh chính trị giảng viên trẻ trong quân đội.
Do đó, tạo ra môi trường chính trị thuận lợi để giảng viên trẻ tự giáo dục, tự rèn luyện là một giải pháp hết sức quan trọng nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị cho giảng viên trẻ trong quân đội. Về thực chất, tạo môi trường chính trị thuận lợi để giảng viên trẻ trong quân đội tự giáo dục, tự rèn luyện là việc đáp ứng đầy đủ mọi thông tin có định hướng cả những thuận lợi và khó khăn, cả những tích cực, tiêu cực và những mặt trái của chính trị, kinh tế, xã hội trong nước, thế giới, trong và ngoài quân đội... Đồng thời, thường xuyên theo dõi, giúp đỡ nâng cao trình độ mọi mặt, nắm vững tình hình diễn biến tư tưởng của giảng viên trẻ trong quân đội, kịp thời phát hiện và có biện pháp giải quyết phù hợp.
Bốn là, phát huy tính tích cực, tự giác rèn luyện bản lĩnh chính trị của giảng viên trẻ trong quân đội
Tự học tập, tự giác tu dưỡng, rèn luyện của giảng viên trẻ trong quân đội là phương thức chủ yếu và trực tiếp để họ tự nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực công tác đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới và sự nghiệp đổi mới hiện nay. Muốn vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tăng cường công tác giáo dục thường xuyên cho đội ngũ giảng viên trẻ về tiêu chuẩn cán bộ, đảng viên trong quân đội, về tầm quan trọng của việc tự tu dưỡng, tự rèn luyện bản lĩnh chính trị. Bên cạnh đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần chú trọng xây dựng cơ chế để mỗi người đều phải nỗ lực rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Học lúc ra thực hành mới vững chắc, hăng hái, lúc gặp khó khăn mới kiên quyết, hy sinh để tu dưỡng đạo đức cách mạng: Có đạo đức cách mạng thì mới hy sinh tận tụy với cách mạng, mới lãnh đạo được quần chúng đưa cách mạng tới thắng lợi hoàn toàn. Học để tin tưởng: Tin tưởng vào Đoàn thể. Tin tưởng vào nhân dân. Tin tưởng vào tương lai của dân tộc. Tin tưởng vào tương lai của cách mạng” (3). Ngoài ra, cấp ủy, chỉ huy các cấp cũng cần tạo môi trường, điều kiện, nhất là tạo ra các phong trào để giảng viên trẻ tích cực, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị.
Năm là, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội cho giảng viên trẻ trong quân đội
Thực hiện chính sách hậu phương quân đội, thực chất là chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho giảng viên trẻ trong quân đội và thân nhân của họ. Chính sách hậu phương quân đội là một trong những nội dung cơ bản của chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Chính sách này góp phần nâng cao tính tích cực xã hội của quân nhân trong hoạt động quân sự. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ là thực hiện các quan điểm, mục tiêu chính trị, là những giải pháp phát huy nhân tố con người trong lực lượng vũ trang, trong xây dựng môi trường chính trị - xã hội góp phần khắc phục những tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường đến bản lĩnh chính trị của quân nhân nói chung, giảng viên trẻ trong quân đội nói riêng. Cần tiếp tục phát huy các nội dung liên quan đến người thân của quân nhân, đồng thời chú trọng đến đối tượng là giảng viên trẻ, giải quyết vấn đề nhà ở, hợp lý hóa gia đình và tạo công ăn, việc làm cho vợ, con của họ... Đây là một vấn đề tác động trực tiếp đến tâm tư, tình cảm của sĩ quan quân đội nói chung, giảng viên trẻ nói riêng, giúp họ an tâm phục vụ, đầu tư thời gian, công sức trí tuệ cho giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đấu tranh tư tưởng lý luận.
Nâng cao bản lĩnh chính trị cho giảng viên trẻ trong quân đội vừa là nhiệm vụ thường xuyên, vừa là yêu cầu cấp bách trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Đó là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, các cấp chỉ huy các cấp... đồng thời cũng là trách nhiệm của chính giảng viên trẻ trong quân đội. Làm tốt việc nâng cao bản lĩnh chính trị của giảng viên trẻ trong quân đội chính là góp phần trực tiếp củng cố và nâng cao vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, giữ vững và phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”.
________________
1. Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết 26-NQ/TW về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” ngày 19-5-2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.157-158.
3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.360-361.
PHẠM HOÀNG ANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 494, tháng 4-2022