Đảng Cộng sản Việt Nam với vai trò là đảng chính trị duy nhất cầm quyền, là hạt nhân lãnh đạo trong hệ thống chính trị Việt Nam, vì vậy mọi thành tựu hay hạn chế trong các lĩnh vực của đất nước nói chung cũng như sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam đều bắt nguồn trước tiên từ nhận thức của Đảng nói chung và của từng đảng viên giữ vai trò là người đứng đầu các cấp, các bộ ngành, địa phương. Do vậy, khái quát lịch sử phát triển nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về CNTT sẽ cung cấp một phương diện quan trọng trong tổng thể bức tranh lịch sử phát triển CNTT ở Việt Nam.
CNTT (Information technology hay là IT) là một nhánh ngành Kỹ thuật sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền tải và thu thập thông tin. Tại Việt Nam, CNTT đã và đang trở thành một ngành Kinh tế - kỹ thuật hiện đại, đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển kinh tế, xã hội, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động trong toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước.
Hạ tầng kỹ thuật CNTT đã được đầu tư với công nghệ tiên tiến, từng bước hiện đại. Ứng dụng CNTT góp phần nâng cao năng suất lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp và nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Lịch sử phát triển CNTT ở Việt Nam chịu sự chi phối lớn từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mỗi quan điểm, chủ trương của Đảng đối với phát triển CNTT có tính quyết định chủ yếu tới tiến trình trở thành nước mạnh về CNTT. Nói một cách khác, hiệu lực lãnh đạo của Đảng gắn với khả năng thúc đẩy sự phát triển CNTT ở Việt Nam. Chuyển biến trong nhận thức của Đảng về CNTT là vấn đề then chốt để CNTT góp phần quan trọng đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Nhận thức về CNTT của Đảng thể hiện trong nhận thức của từng đảng viên, đặc biệt là những đảng viên đứng đầu các đầu mối phát triển trong bộ máy nhà nước Việt Nam; nó thể hiện và kết tinh trong quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng.
Trong khoảng 15 năm đầu thời kỳ đổi mới (1986-2000) khi cuộc cách mạng khoa học công nghệ trên thế giới mới phát triển mạnh mẽ, CNTT ở nhiều nước bắt đầu có nhiều thành tựu mang tính bước ngoặt, đột phá; sự quan tâm và chủ trương phát triển lĩnh vực này còn rất khiêm tốn trong tổng thể đường lối cách mạng của Đảng. Trong khoảng thời gian này, CNTT được nhìn nhận dưới nhiều khía cạnh khác nhau: điện tử, tin học, máy tính, thông tin liên lạc, công nghiệp điện tử - tin học - bưu chính viễn thông… Năm 1986, CNTT được chú trọng phát triển ở mức độ một số “đề tài” và cho đến năm 1991, vẫn ở trong tình trạng phôi thai, đang “thúc đẩy hình thành”, “phát triển có trọng điểm một số hướng công nghệ”. Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30-3-1991 của Bộ Chính trị về khoa học và công nghệ trong sự nghiệp đổi mới đã nêu: “Tập trung sức phát triển một số ngành khoa học công nghệ mũi nhọn như điện tử, tin học,...”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương (khóa VII) ngày 30-7-1994 xác định: “Ưu tiên ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến, như CNTT phục vụ yêu cầu điện tử hóa và tin học hóa nền kinh tế quốc dân”. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VIII (năm 1996) nhấn mạnh: ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực kinh tế quốc dân, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế... Hình thành mạng thông tin quốc gia liên kết với một số mạng thông tin quốc tế... Tháng 4-1997, Bộ Chính trị thừa nhận bằng văn bản “phát triển công nghệ tin học là một nhu cầu tất yếu của các quốc gia trên thế giới”, nhưng theo phương châm là quản lý chặt chẽ đến đâu thì phát triển đến đấy. Như vậy, sau 15 năm kể từ khi tiến hành đổi mới nhận thức về CNTT, vẫn chưa có chuyển biến, chưa có cái nhìn đầy đủ, thống nhất, trước hết là ở cấp Trung ương Đảng về CNTT và phát triển CNTT. So với sự chuyển biến mau lẹ của tình hình công nghệ thế giới, quá trình đổi mới nhận thức như vậy là thiếu nhạy bén, còn chậm chạp.
Trong giai đoạn từ 2000-2010, nhận thức của Đảng và toàn xã hội về CNTT được nâng lên, hạ tầng kỹ thuật và truyền thông đã được trang bị và phát triển theo hướng hiện đại, nguồn nhân lực về CNTT cũng tăng lên. Tuy nhiên, CNTT của Việt Nam tại thời điểm này vẫn ở tình trạng lạc hậu, phát triển chậm, có nguy cơ tụt hậu xa hơn so với nhiều nước trên thế giới và khu vực. Đứng trước thực trạng đó, ngày 17-10-2000, Bộ Chính trị (Khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị số 58-CT/TW về Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (gọi tắt là Chỉ thị số 58) với mục tiêu đến năm 2010, CNTT ở Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Đây được xem là Chỉ thị chuyên đề đầu tiên của Đảng về CNTT, chấm dứt tình trạng thiếu tập trung, phân tán trong lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực này, là dấu mốc quan trọng đánh dấu chuyển biến mạnh mẽ có tính cách mạng trong nhận thức về CNTT. Nội hàm thuật ngữ CNTT đã được định hình rõ nét. Vai trò, vị trí của CNTT được nhận thức phù hợp hơn với xu thế vận động, phát triển của lĩnh vực này trên thế giới. Chỉ thị số 58 ra đời đã chấm dứt thời kỳ coi chỗ đứng của CNTT là ngành khoa học ứng dụng, mở ra thời kỳ mới: CNTT với vai trò mũi nhọn trong kinh tế và là động lực quan trọng hàng đầu thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác. Ngay sau đó, tháng 11-2000, Văn phòng Trung ương Đảng đã ban hành công văn hướng dẫn tổ chức triển khai. Nửa cuối năm sau, Chính phủ thành lập các ban chỉ đạo chuyên trách để triển khai (phê duyệt đề án 112, tháng 7-2001 và thành lập ban điều hành vào tháng 9-2001, thành lập Ban chỉ đạo Chương trình hành động triển khai Chỉ thị số 58-CT/TW, tháng 11-2001). Những văn bản chủ đạo để tạo hành lang pháp lý đã được ban hành: Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông (5-2002), Luật Giao dịch điện tử (11-2005), Luật CNTT (6-2006), Luật Công nghệ cao (11-2008), Luật Viễn thông (11-2009)… Như vậy, Chỉ thị số 58-CT/TW, mặc dù bước đột phá tư duy rất mạnh, nhưng cũng phải mất khoảng nửa thập niên thì mới bắt đầu có kết quả trong cuộc sống.
Giai đoạn từ 2010-2020, kể từ sau Chỉ thị số 58-CT/TW (2000), thế giới đã có nhiều thay đổi lớn nhờ tiến bộ công nghệ nhanh chóng và không ngừng. Hiệu năng xử lý thông tin là chìa khóa thành công cho mỗi quốc gia nếu không muốn bị lỡ nhịp phát triển và tụt hậu so với các nước khác. Để nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, Đảng đã ban hành Nghị quyết 13, ngày 16-1-2012, xác định CNTT là một trong những hạ tầng thiết yếu, hạ tầng của hạ tầng trong kết cấu hạ tầng đồng bộ, phục vụ phát triển hiện đại; đặc biệt Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 1-7-2014 về Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Đây được xem là lần đầu tiên, Đảng ta có Nghị quyết chuyên đề về phát triển CNTT. Nghị quyết khẳng định: “CNTT là một công cụ hữu hiệu tạo lập phương thức phát triển mới và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, là một trong những động lực quan trọng phát triển kinh tế tri thức, xã hội thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế; góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước” (1). Để đưa Nghị quyết 36-NQ/TW vào cuộc sống, cụ thể hóa một số định hướng và nội dung đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT, ngày 15-4-2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, cùng danh mục một số nhiệm vụ, đề án cụ thể. Chương trình này đặt mục tiêu thể chế hóa và thực hiện đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW. Tính trong hai năm 2015-2016, đã có 14 văn bản quan trọng về CNTT được ban hành, trong đó có 6 nghị định của Chính phủ, 8 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Các văn bản nêu trên đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để CNTT trở thành phương tiện chủ lực giúp Việt Nam có thể đi tắt đón đầu, rút ngắn khoảng cách phát triển, tạo khả năng thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: “Giai đoạn 2016-2020 nói chung, toàn ngành Thông tin và Truyền thông đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận với việc tập trung thực hiện chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Ba đột phá chiến lược được tập trung chỉ đạo thực hiện tốt trong ngành đã đạt được nhiều kết quả khả quan: Hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia tiếp tục được xây dựng hiện đại và rộng khắp. Tổng doanh thu toàn ngành đạt 3.063.606 tỷ đồng, tăng trung bình 7,5% trong giai đoạn 2006-2020, nộp ngân sách nhà nước 105.876 tỷ đồng, tăng trung bình 7,2%. Thể chế tiếp tục được cải thiện nhằm hỗ trợ các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nguồn nhân lực toàn ngành đạt 1.324.606 lao động, trong đó lần đầu tiên, đã vượt qua con số 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin với trên 64.000 doanh nghiệp, sẵn sàng cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số quốc gia” (2). Tỷ lệ % số lượng người sử dụng internet ở Việt Nam từ 54,19% (năm 2016) tăng lên 74,8% (năm 2020); tỷ lệ % số lượng người được phủ sóng di động 2G, 3G, 4G năm 2017 là 99,5% đến năm 2019 và 2020 đều đạt 99,8% dân số (3).
Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vì vậy, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52/NQ/TW ngày 27-9-2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngày 14-1-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 01/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, thể hiện sự triển khai hành động kịp thời Nghị quyết của Bộ Chính trị về chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cụ thể hóa chủ trương, định hướng phát triển, ứng dụng công nghệ số vào phát triển kinh tế, ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm “mục tiêu kép” vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực toàn cầu. Để tạo cơ sở pháp lý cho kinh tế số ra đời và phát triển, Quốc hội đã ban hành Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật CNTT năm 2006, Luật An ninh mạng năm 2018. Chính vì vậy, lĩnh vực chuyển đổi số nổi lên là điểm sáng tích cực trong bình diện quốc tế và trong nước: Theo Báo cáo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc công bố năm 2020, Việt Nam xếp hạng ở vị trí thứ hạng 86/193 quốc gia về chỉ số chung phát triển Chính phủ điện tử, tăng 2 bậc so với năm 2018, cao hơn so với trung bình thế giới. Chỉ số dữ liệu Chính phủ mở (OGDI) của Việt Nam năm 2020 nằm trong nhóm chỉ số OGDI trung bình của thế giới, xếp hạng 97/193 quốc gia. Chỉ số tham gia điện tử cũng có sự tăng hạng (tăng 2 bậc so với năm 2018), có vị trí xếp hạng là 70/193 quốc gia” (4).
Xuất phát từ tình hình thực tiễn của đất nước đang bước vào cơ hội đặc biệt khi phải tích cực chuyển đổi số để tận dụng những lợi thế từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bứt phá tăng trưởng, hướng tới khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường, phồn thịnh, thuộc nhóm các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa năm 2045, tại Đại hội XIII của Đảng đã đưa việc phát triển và ứng dụng CNTT lên tầm cao mới, lần đầu tiên Đảng nhấn mạnh đến chuyển đổi số và phát triển kinh tế số: “thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế” (5)… “chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số” (6). Song, việc chuẩn bị điều kiện, giải pháp thực hiện và phát triển kinh tế số đã được chuẩn bị từ sớm, bắt nguồn từ quá trình nhận thức của Đảng về phát triển CNTT. Những văn kiện này tiếp tục góp phần kiến tạo môi trường thuận lợi cho CNTT Việt Nam phát triển. Sự thay đổi đó có tính bước ngoặt trong nhận thức của Đảng về CNTT, đã mở ra con đường đưa vị trí CNTT Việt Nam từ không thành có trên bản đồ phát triển công nghệ thế giới, lan tỏa ảnh hưởng của CNTT tới mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam. Cách thức phát triển CNTT của Nhà nước chuyển từ phát triển trong giới hạn quản lý sang quản lý phải theo kịp sự phát triển, quản lý kiến tạo sự phát triển.
Từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh và diễn biến khó lường trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhờ có CNTT, chuyển đổi số, các hoạt động kinh tế - xã hội vẫn diễn ra bình thường trong điều kiện giãn cách, cách ly; CNTT cùng với truyền thông giữ vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. Các nền tảng, ứng dụng công nghệ số của Việt Nam đã đáp ứng nhu cầu kết nối thông tin và tạo sức mạnh cộng đồng, xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong những năm tiếp theo, CNTT cần tiếp tục có những bước phát triển vượt bậc, tập trung vào các chủ điểm như trí tuệ nhân tạo, chiến tranh công nghệ cao, siêu hội tụ công nghệ, hoạt động nghiên cứu - phát triển công nghệ lõi, đặc biệt, công nghệ số và dữ liệu số là động lực chính, trong đó, công nghệ số là cơ sở hạ tầng mở, trung gian kết nối, cho phép trong phát triển kinh tế số, nhà sản xuất và người tiêu dùng tương tác trực tuyến với nhau, còn dữ liệu số được ví như nhiên liệu của kinh tế số. Dữ liệu số là cốt lõi của tất cả các công nghệ số như: phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi blockchain, internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây và công nghệ robot... Vị trí, vai trò và xu hướng của CNTT phải biến đổi theo tốc độ phát triển chung của nền CNTT thế giới, đó là xu hướng tất yếu và không thể bị kìm hãm hoặc đảo ngược nếu không muốn bị tụt hậu và gia tăng khoảng cách. Do đó, nhận thức về CNTT đối với chủ thể lãnh đạo - quản lý không chỉ dừng ở việc nhận thức đúng về hiện tại, mà còn phải có viễn kiến về tương lai để định hướng hành động nhằm nắm bắt được các xu thế có lợi cho sự phát triển văn minh của quốc gia, dân tộc.
Như vậy, với vai trò là đảng chính trị duy nhất cầm quyền, thành tựu hay hạn chế của CNTT ở nước ta đều bắt nguồn trước tiên từ nhận thức của Đảng nói chung và của từng đảng viên giữ vai trò là người đứng đầu các cấp, các bộ ngành, địa phương. Do vậy, để CNTT có thể đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, và trở thành nước mạnh về CNTT và bằng CNTT, thì nghiên cứu lịch sử quá trình nhận thức của Đảng về phát triển CNTT thời kỳ đổi mới góp phần có được cái nhìn đúng đắn, khách quan, rõ hơn về sự nhạy bén trước những thay đổi của bối cảnh trong nước và quốc tế. Đồng thời thấy được sự nỗ lực phấn đấu của toàn dân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
_______________
1. Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu học tập những nội dung chính của Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1-7-2014 về Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế (Kèm theo Hướng dẫn số 113 - DH/BTGTW, ngày 5-9-2014).
2, 3, 4. Bộ Thông tin và Truyền thông, Sách trắng Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam 2021, Nxb Thông tin và Truyền thông, tr.10, 26-28, 11.
5, 6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.201, 204.
Ths ĐOÀN THANH THỦY
Nguồn: Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022