Từ ngày 1 đến 31-3-2023, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ tổ chức các hoạt động thiết thực, có ý nghĩa gắn với tình yêu và trách nhiệm của thế hệ trẻ với văn hóa dân tộc tại “Ngôi nhà chung”, cùng với các lễ hội và hoạt động dân ca, dân vũ mang khí sắc mùa xuân, sức trẻ góp phần thu hút khách du lịch, đoàn kết chung tay bảo tổn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Hoạt động dân vũ của đồng bào đang sinh hoạt tại Làng Văn hóa - Ảnh tư liệu: Tuấn Minh
Hoạt động tháng 3 có sự tham gia của khoảng gần 100 đồng bào của 15 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer) cùng sự tham gia của 12 địa phương, với các điểm nhấn của các địa phương có đồng bào hoạt động hằng ngày (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng). Sự kiện huy động khoảng 50 nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 18, 19-3; khoảng 25 nghệ nhân, thanh niên đồng bào dân tộc Ba Na tỉnh Gia Lai ngày 25, 26-3.
Chương trình tháng 3 “Mùa xuân và Tuổi trẻ” với các nhóm hoạt động: Ngày hội thanh niên với văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc tại “Ngôi nhà chung”; tái hiện nghi thức cúng cây nêu cầu an (mở hội cồng chiêng) của dân tộc Ba Na tỉnh Gia Lai; Giới thiệu, trình diễn cồng chiêng của các bạn trẻ Tây Nguyên; giới thiệu văn hóa du lịch tỉnh Gia Lai. Đây là dịp các bạn trẻ yêu văn hóa dân tộc, là những người con của đồng bào các dân tộc chia sẻ các giải pháp, cách làm hay để cùng bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc mình; cùng nhau giao lưu văn nghệ, đánh chiêng, tổ chức giới thiệu các ăn món ăn dân tộc như cơm lam, thịt nướng…, trang phục dân tộc, nghề thủ công, trò chơi dân gian truyền thống .
Riêng ngày 4 và 5-3 sẽ tổ chức chương trình giao lưu tập trung tại điểm nhấn làng dân tộc Gia Rai với sự tham gia hỗ trợ của các nhóm đồng bào dân tộc Gia Rai, Cơ Tu, Xơ Đăng, Ê Đê (nhân sự tham gia theo thực tế và linh hoạt theo thời gian hoạt động): giới thiệu chương trình dân ca dân vũ “Tháng Ba mùa con ong đi lấy mật”; cùng đồng bào Tây Nguyên trải nghiệm âm nhạc dân gian truyền thống và thực hành diễn xướng cồng chiêng, đàn Tơ rưng, đàn Đinh Pút, thực hành múa xoang “vòng xoang Tây Nguyên”, vui cùng mùa lễ hội với trò chơi “Bịt mắt đánh trống”.
Các nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng tại Làng Văn hóa - Ảnh tư liệu: Tuấn Minh
Bên cạnh đó là các hoạt động trải nghiệm dành cho du khách và các nhóm, đoàn: trải nghiệm “Nấu bữa cơm gia đình trên nhà sàn dân tộc” tại làng dân tộc Tày, làng dân tộc Thái, làng dân tộc Nùng, làng dân tộc Xơ Đăng; trải nghiệm các nhạc cụ dân tộc truyền thống và thực hành diễn xướng dân gian với 4 nhạc cụ đàn Tính hát Then của dân tộc Tày, tập đánh chiêng của dân tộc Gia Rai, Ba Na; trải nghiệm với nhạc cụ tre nứa đàn Tơ rưng, Đinh Pút dân tộc Xơ Đăng, đàn Cha Pi của dân tộc Raglai.
Du khách cùng với các nghệ nhân đồng bào giới thiệu, trình diễn, thực hành di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại “Nghệ thuật Xòe Thái”, các điệu Xòe: xòe bá vai, xòe khôn điêu, xòe bổ bốn, xòe hái hoa, xòe sóc ốc… nghệ thuật múa xoang độc đáo của đồng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; trải nghiệm các trò chơi dân gian truyền thống với tổ hợp các trò chơi: ném pao, ném ngô vào quẩy tấu, đánh yến của dân tộc Mông, đi cà kheo, chơi tó má lẹ, kéo co của một nhóm đại diện các làng có thế mạnh, giới thiệu hoạt động trò chơi dân gian truyền thống; làm đồ thủ công truyền thống, với việc đan lát những vật dụng gắn với văn hóa của đồng bào các làng dân tộc Tày, Thái, Cơ Tu, Gia Rai, qua đó cũng rèn luyện được kỹ năng khéo léo, sự sáng tạo và sự tỉ mỉ, cần cù trong cuộc sống.
ĐĂNG NGUYÊN