Tối 2/10, Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V năm 2022 đã chính thức bế mạc sau một tuần tranh tài của 200 nghệ sĩ từ 13 đơn vị nghệ thuật trên cả nước với 13 tác phẩm sân khấu đặc sắc thuộc các loại hình: chèo, cải lương, kịch nói, xiếc. Đây là Liên hoan định kỳ hai năm một lần do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp Sở VHTT Hà Nội tổ chức với mục đích tôn vinh những tác phẩm vinh danh con người và vùng đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến, đồng thời cũng thêm một cơ hội tụ tập anh tài, nhìn lại sự phát triển của sân khấu trong thời gian qua.
Vở cải lương Đêm trước giờ hoàng đạo của Sân khấu Đại Việt (TP.HCM) tham dự Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2022
Cũng đã từ dăm thập niên gần đây, các kỳ liên hoan, hội diễn, cuộc thi sân khấu đều chia theo từng loại hình để “đọ sức” cùng nhau như Liên hoan Cải lương toàn quốc, Liên hoan Chèo toàn quốc, Liên hoan Kịch toàn quốc, Liên hoan Tuồng và Dân ca…do Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ VHTTDL tổ chức. Nhưng ở Liên hoan Sân khấu Thủ đô, người ta lại thấy được sự tổng hợp của nhiều thể loại sân khấu như Cải lương, Chèo, Kịch, Xiếc… Sự trở lại của không khí náo nức, đa dạng này dường như cũng khiến khán giả thêm mê đắm, theo dõi từng đêm diễn với sự hào hứng bởi cảm xúc đan xen, phong phú của các cách thể hiện.
Nét được dễ nhận thấy là, những tác phẩm sân khấu hôm nay đã “có nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao về tư tưởng, nội dung và nghệ thuật” khiến Hội đồng Giám khảo phải đề xuất số lượng giải thưởng vượt quy chế. “Đã có những tác phẩm đạt tới sự hoàn hảo tương đối ở tất cả các thành phần sáng tạo: tác giả, đạo diễn, diễn viên, thiết kế mỹ thuật, âm thanh, ánh sáng, âm nhạc…”- trích bài tổng kết của Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, TS. Nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương. NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhận xét: “Liên hoan lần này đánh giá cao những tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật có hiệu quả của các thành phần sáng tạo và đội ngũ diễn viên, nhạc công, làm rõ hơn các chức năng nhận thức - giáo dục - dự báo của sân khấu, mang đến giá trị, ấn tượng thẩm mỹ cho người xem… Sự tham gia nghiêm túc của các đoàn nghệ thuật, sự hưởng ứng nhiệt thành của các khán giả đã góp phần làm cho sức sống nghệ thuật sân khấu được lan tỏa tích cực, góp phần tạo nên không khí sôi động chào mừng kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022) - một trong những trang sử vẻ vang của dân tộc”.
Ba vở diễn đạt Huy chương Vàng Liên hoan năm nay là các vở Mưa đỏ (Nhà hát Kịch Quân đội); Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên (Chi hội biểu diễn nghệ thuật Thăng Long - Hội Sân khấu Hà Nội); Trung Trinh liệt nữ (Nhà hát Chèo Hà Nội) và 4 Huy chương Bạc cho các vở diễn xuất sắc: Đêm trước ngày hoàng đạo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tổ chức biểu diễn Song Việt; Hoa cúc nhà trời của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường của Nhà hát Kịch Hà Nội và Bất tử với Thăng Long của Nhà hát Cải lương Việt Nam.
Ngoài các giải cho vở, cho diễn viên, Ban Tổ chức cũng trao giải cho các thành phần sáng tạo, gồm: một giải Tác giả xuất sắc (nhà văn Chu Lai); một giải Đạo diễn xuất sắc (NSND Lê Hùng); một giải Biên đạo múa xuất sắc (Thạc sĩ Hoài Anh); một giải Họa sĩ xuất sắc (nghệ sĩ Đặng Minh Tuấn); bốn giải Nhạc công xuất sắc (Võ Thanh Liêm, Bùi Tất Trọng, Phạm Hồng Tiếp, NSƯT Phạm Hữu Vương).
Các vở diễn về đề tài lịch sử đã tìm được cách nhìn riêng, có được sự lý giải độc đáo về giai đoạn lịch sử từng được khai thác nhiều trước đây như về nhân vật An Tư công chúa, tác giả Hồng Vân của Trung Trinh liệt nữ đi sâu vào tâm tư của nhân vật chính, An Tư với những hy sinh cho đại cục, dấn thân vào chốn hiểm nguy với tư thế của người nhìn xa trông rộng. NSƯT Lê Chức theo dõi tất cả các đêm diễn nhận xét: “Những tác phẩm khai thác đề tài lịch sử tham dự Liên hoan đã khẳng định rất rõ nhận thức và cách nhìn mới của những người làm nghệ thuật hôm nay, điều này thể hiện ở cách đặt vấn đề, cách khai thác nhân vật nhiều chiều. Có lẽ giới nghề đã và đang chịu ảnh hưởng bởi khuynh hướng chính trị, dân chủ, dám nghĩ, dám làm, dám nhìn thẳng vào sự thật… sau những hội nghị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021. Vượt qua không gian, thời gian, nghệ thuật sân khấu đã nói được những vấn đề lớn đương thời và tư tưởng ấy vẫn còn nguyên vẹn giá trị đối với xã hội hiện đại”.
Tại Liên hoan, nhiều tác phẩm đã mạnh dạn đưa ra và lý giải những câu chuyện lịch sử đầy táo bạo: “Người viết sử phải ghi chép lại sự thật cho đời sau soi xét - có bao nhiêu phần trăm sự thật được ghi chép lại? Phải được viết bằng tim óc thậm chí bằng máu và sinh mạng của mình - đó còn là trách nhiệm và danh dự của một thời đại - một dân tộc nên không thể khác” (Vương Quyền của Chi hội biểu diễn Nghệ thuật Thăng Long - Hội Sân khấu Hà Nội); “Ta đến nơi đây không phải chỉ ngồi trên chiếc ghế này hưởng lợi cho riêng mình mà ta chỉ muốn cùng với muôn dân gìn giữ và bảo vệ cho Hà Nội” (Bất tử với Thăng Long của Nhà hát Cải lương Việt Nam)… NSƯT Lê Chức nhận định, những lời thoại mạnh mẽ, sắc lẹm của các nhân vật lịch sử tại Liên hoan lần này khó gặp được ở các kỳ cuộc liên hoan sân khấu chuyên nghiệp trước đây. Có những cảnh diễn thực sự đã khiến nhiều người vốn quá quen với sân khấu cũng phải rơi nước mắt vì cảm phục như cảnh diễn Tống Thị Quyên (nghệ sĩ Bình Tinh của Chi hội biểu diễn Nghệ thuật Thăng Long - Hội Sân khấu Hà Nội, TP.HCM) bị “trầm hà” được đạo diễn Lê Nguyên Đạt đã dàn dựng bằng cách sử dụng các thanh tre và bè mảng, kết hợp với kỹ xảo điện ảnh, xiếc.
Vở Trung Trinh liệt nữ (Nhà hát Chèo Hà Nội) - HCV
Bên cạnh đó, cần ghi nhận, trân trọng sự tham gia của các đơn vị sân khấu phía Nam và sự kết hợp giữa các nghệ sĩ Nam - Bắc trong cùng một tác phẩm. Điều đó cho thấy sức thu hút của một Liên hoan có sự đầu tư, có chỉ đạo và tình cảm của anh chị em nghệ sĩ hai miền. Khán giả Hà Nội háo hức với những tên tuổi lớn của sân khấu phía Nam như: NSND Thoại Miêu, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Kim Tiểu Long, NSƯT Trịnh Kim Chi, các nghệ sĩ Cát Tường, Quý Bình, Võ Minh Lâm, Bình Tinh, Phương Cẩm Ngọc, Hoàng Quốc Thanh… và thưởng thức một phong cách diễn nhẹ nhàng, diễn như không diễn, cách ca đúng chất cải lương của các ngôi sao phía Nam. Hương sắc phương Nam thực sự đã ghi được dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng Thủ đô, tầng lớp khán giả vẫn bị xem là khó tính, tinh tế mà khó chiều. Sự tham gia của các đơn vị xã hội hóa từ Nam ra cùng Sân khấu Lệ Ngọc lại càng khiến nhiều người thêm thắc mắc với những đơn vị đóng trên địa bàn Thủ đô vì những lý do khác nhau mà không tham dự. Điều đó cho thấy tinh thần, ý thức cũng như sự thiếu kế hoạch hóa một cách hợp lý của các đơn vị này.
Những đánh giá xứng đáng cho các tác phẩm đạt giải cao càng làm rõ ranh giới với những vở diễn chưa tốt, bị nhận xét là “thiếu đầu tư về kinh phí, thời gian trong quá trình chuẩn bị tác phẩm, mang tới Liên hoan vở diễn sơ sài, đơn giản, thiếu thẩm mỹ về nội dung và hình thức thể hiện, tạo nên sự đơn điệu, nhàm chán cho khán giả. Có kịch bản bộc lộ sự yếu kém của tác giả trong xác định vấn đề, cấu trúc kịch bản, tổ chức mâu thuẫn xung đột, dùng nhân vật lịch sử làm cái cớ để hư cấu… Nghệ thuật đạo diễn đã xuất hiện khuynh hướng vận dụng phương pháp sáng tạo của sân khấu lễ hội, phá vỡ không gian sân khấu hộp….” (trích Bài Tổng kết của TS, nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương). Mong rằng sự tích cực tham gia Liên hoan kỳ sau cũng đồng nghĩa với việc nhiệt huyết, đầu tư kỹ càng hơn nữa cho tác phẩm.
Cũng từ những vở diễn được đánh giá cao này, người xem nhận ra một trong những vấn đề khá cấp bách: các vở diễn ở Liên hoan kỳ này phần lớn là về đề tài lịch sử, dã sử, chiến tranh cách mạng. Rất thiếu những vở diễn về cuộc sống và con người ngày hôm nay, lại càng thiếu những tác phẩm về con người, cuộc sống của Thủ đô yêu dấu.
Lý giải cho điều này lãnh đạo các đơn vị như NSND Trung Hiếu - (Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội), NSƯT Thu Huyền - lãnh đạo Nhà hát Chèo Hà Nội đều cho rằng, dù nhiều năm nay các đơn vị này rất chú ý tới việc tìm kịch bản hay về Hà Nội, nhưng rất lâu rồi, Thủ đô đang thiếu các biên kịch giỏi, thành công và chuyên viết về đề tài mảnh đất và con người Tràng An địa linh như Nguyễn Anh Biên… Vì vậy, các đơn vị của Hà Nội hy vọng, sẽ có những trại sáng tác, những cuộc vận động sáng tác riêng về đề tài này để họ có được những kịch bản hấp dẫn - bước đầu tiên để xây dựng tác phẩm sân khấu thành công về Thủ đô. Chỉ có những bước hành động thật tích cực thì mới có thể là cơ sở để các kỳ Liên hoan sau này sẽ có những tác phẩm hấp dẫn, thành công vượt trội về hiện thực cuộc sống Hà Nội.
CAO NGỌC
Nguồn: Tạp chí VHNT số 517, tháng 11-2022