Việt Nam là nước có nhiều cô dâu lấy chồng Hàn Quốc nhất (chiếm 30%). Hôn nhân đa văn hóa Việt - Hàn là một phương diện tốt đẹp trong mối quan hệ bang giao hai nước Việt Nam - Hàn Quốc song cũng để lại nhiều hệ lụy cần được nghiên cứu từ góc nhìn văn hóa.
1. Thực trạng kết hôn đa văn hóa Việt - Hàn
Số lượng người Hàn Quốc kết hôn với người nước ngoài ngày càng tăng, trong đó cô dâu, chú rể là người Việt Nam chiếm tỷ lệ cao. Phần lớn phụ nữ Việt Nam quyết định kết hôn khi chưa hiểu rõ người chồng tương lai về tính cách, điều kiện kinh tế, gia đình nên hoàn toàn không thể dự liệu được những gì đang chờ đợi phía trước. Không có tình yêu, thiếu hòa hợp, khó khăn về kinh tế, lười lao động, thậm chí còn bị bạo hành đã khiến gia đình đôi khi trở thành địa ngục.
Theo Thạc sĩ Lê Vĩnh Châu - giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM, trong gần 20.000 cô dâu Việt lấy chồng và sinh sống tại Hàn Quốc, 50% có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, còn lại bị hắt hủi, đánh đập và có tới 14% cô dâu thường xuyên bị chồng hành hạ.
Giống như bất kỳ cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài, các cuộc hôn nhân Hàn - Việt, với tỷ lệ không hạnh phúc khá cao, đều có những nguyên nhân văn hóa nhất định.
Trong gia đình, người phụ nữ có vai trò quan trọng, là người chăm sóc và giáo dục con cái chủ yếu trong gia đình, sắp xếp, tổ chức cuộc sống gia đình. Hiện nay, phụ nữ tham gia công việc xã hội ngày càng nhiều và đạt được những thành công đáng kể, nhưng nhìn chung nội trợ vẫn là công việc chủ yếu do phụ nữ đảm trách. Người phụ nữ còn biết thông cảm, khéo léo động viên và tạo mọi điều kiện để người chồng yên tâm, hoàn thành công việc. Bên cạnh đó, người phụ nữ còn giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động cộng đồng xã hội, giữ quan hệ xã hội tốt đẹp (xóm giềng, thân tộc, bạn bè, cơ quan, đoàn thể...). Tuy nhiên, các cô gái Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc lại chưa thể hiện hết vai trò và vị trí của mình trong gia đình.
Những cô gái lấy chồng Hàn Quốc qua mai mối hầu hết là những người có cuộc sống khó khăn, với mong muốn thay đổi cuộc sống để bản thân và gia đình đỡ vất vả. Những thông tin về mặt trái của hôn nhân với người nước ngoài qua các công ty môi giới bất hợp pháp lại khó đến được với phụ nữ ở những vùng sâu, vùng xa (như miền Tây Nam Bộ). Họ ít đọc báo, nghe đài, vào mạng internet… Nếu có thì cũng quan tâm nhiều đến những chương trình giải trí, tin tức... Những gia đình có gốc Nho giáo, có truyền thống giáo dục con cái kỹ lưỡng, do số lượng ít nên không đủ tạo nên một luồng dư luận xã hội gây ảnh hưởng tới xung quanh.
Trước khi kết hôn, các cô dâu Việt Nam có suy nghĩ đơn giản, không lường trước được những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa mà kỳ vọng quá nhiều vào sự đổi đời khi kết hôn trong khi chưa tiếp cận với văn hóa Hàn Quốc, nhất là những nguyên tắc quan hệ, ứng xử trong gia đình. Không kết hôn vì tình yêu, người phụ nữ gặp chồng tương lai thông qua các công ty môi giới hôn nhân, mà bản thân họ, lúc đầu cũng mưu cầu vào kinh tế nhiều hơn là tình yêu. Đó là lý do chính tại sao phụ nữ nhập cư tại Hàn Quốc phải thường xuyên đối mặt với nạn bạo lực gia đình.
Một tình trạng phổ biến của hôn nhân môi giới tại Việt Nam là trước khi sang Hàn Quốc, các cô dâu không được đào tạo và tìm hiểu về những gì phải đối mặt khi tới nhà chồng. Họ chỉ được học tiếng Hàn, văn hóa cơ bản của người Hàn nhưng không chuyên sâu, thậm chí do trình độ kém hiểu biết, họ còn bị một số trung tâm mai mối và đào tạo lừa gạt. Tuy địa phương và nhà nước đã thành lập các trung tâm đào tạo văn hóa nhưng các cô gái vùng nông thôn Nam Bộ nghèo khó và thiếu hiểu biết thường gặp khó khăn khi tiếp cận và tham gia các trung tâm như vậy.
Năm 2007, Hàn Quốc bắt đầu thực hiện Đạo luật Hỗ trợ gia đình đa văn hóa bằng cách mở hàng loạt các trung tâm văn hóa trên khắp cả nước. Các trung tâm này mở các lớp học và nhiều dịch vụ khác nhau cho những phụ nữ nhập cư và gia đình của họ.
Mặc dù trong những năm qua, Chính phủ đã thay đổi đạo luật này vài lần nhưng các trung tâm đa văn hóa vẫn tiếp tục mọc lên (hơn 200 trung tâm). Ngân sách dành cho các gia đình đa văn hóa cũng tăng lên tới 120 triệu USD, gấp 20 lần so với trước kia.
Tuy các trung tâm đa văn hóa cung cấp lớp học thực hành, như ngôn ngữ Hàn Quốc, nhưng họ lại không đào tạo kỹ (400 giờ/ năm). Các trung tâm tập trung vào việc truyền đạt những vấn đề khá cao siêu, to tát đối với phụ nữ nhập cư như “dự án cải thiện nhận thức đa văn hóa”, “dịch vụ gia đình tích hợp giáo dục”, hay “dự án xúc tiến môi trường song ngữ”.
Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng, Chính phủ đang quá tập trung vào vấn đề đồng hóa văn hóa. Các nhà chức trách nên quan tâm đến những vấn đề nổi cộm như bảo vệ mặt pháp lý cho những phụ nữ nhập cư, ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình và nâng cao nhận thức về nhân quyền của họ.
Các cô dâu Việt khi lấy chồng Hàn Quốc sẽ sống trong một gia đình gồm 3-4 thế hệ. Việc này giúp các cô gái dễ tiếp xúc và gắn bó hơn với các thành viên trong gia đình chồng. Nhưng ngược lại, việc bất đồng ngôn ngữ và sự thiếu hiểu biết về văn hóa gia đình chồng lại khiến các cô gái bị cô lập trong một gia đình lớn. Số lượng thành viên trong gia đình lớn cũng tạo áp lực lên vai các cô dâu Việt trong việc chăm sóc, phụng dưỡng gia đình chồng.
Tình trạng các cô dâu Việt Nam bị bạo lực từ phía gia đình chồng Hàn Quốc vẫn tồn tại và đáng suy ngẫm. Khi gặp vấn đề, cách giải quyết của người Hàn Quốc và người Việt Nam cũng hoàn toàn khác nhau. Ở Hàn Quốc, có nhiều trung tâm hỗ trợ phụ nữ nước ngoài lấy chồng Hàn Quốc nhưng những thông tin về trung tâm đó không phải ai cũng biết và chưa biết cách tiếp cận. Đa số những vấn đề mà những cô dâu Việt Nam nhờ giúp đỡ đều bắt nguồn từ việc khác biệt về suy nghĩ và những vấn đề phát sinh liên quan đến kinh tế, hoặc những việc hiểu lầm nhưng không giải thích nổi vì bất đồng ngôn ngữ khiến quan hệ vợ chồng ngày càng căng thẳng vì những xung đột gia tăng.
Hòa nhập với gia đình chồng đã khó, hòa nhập cộng đồng nơi xa xứ của cô dâu Việt càng khó khăn hơn. Họ bị cô lập ở chính nhà chồng - nơi họ gắn bó nửa cuộc đời còn lại. Do bất đồng ngôn ngữ, không được tiếp xúc với xã hội bên ngoài nhiều nên các cô gái lấy chồng Hàn Quốc, vốn đã không có nhiều hiểu biết lại càng trở nên phụ thuộc, tù túng căng thẳng. Thậm chí họ còn không được tôn trọng, bị kỳ thị bởi những người xung quanh. Có quá nhiều yếu tố tác động xấu tới hôn nhân của họ.
Ở Hàn Quốc, mỗi gia đình, dòng họ đều được duy trì bởi một trật tự nhất định. Người già luôn được tôn trọng, là trụ cột của gia đình, nắm giữ quyền hành cao nhất, các thành viên khác phải làm theo yêu cầu của người chủ gia đình. Người vợ luôn phải tôn trọng và nghe lời chồng, con cái phải vâng lời cha mẹ. Khi gia đình theo chế độ gia trưởng thì kỷ cương và trật tự, nề nếp của gia đình sẽ được đảm bảo công bằng. Văn hóa Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng rất nhiều từ Nho giáo, nên người Hàn Quốc vẫn quan niệm về nghĩa vụ và vai trò của người đàn ông là “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Chính vì vậy, muốn làm được việc lớn ngoài xã hội, người đàn ông Hàn Quốc phải biết cách duy trì trật tự trong gia đình bản thân mình.
Theo quan niệm đó, người đàn ông được giao trách nhiệm đại diện, ủng hộ và bảo vệ cho gia đình mình trong mọi chuyện. Nếu người đàn ông nào không giữ được vai trò lãnh đạo gia đình thì anh ta đang tự đánh mất đi thể diện của bản thân. Có thể thấy, xã hội Hàn Quốc rất coi trọng vai trò của người đàn ông. Những nguyên tắc thứ bậc được duy trì. Tuy nhiên, đa phần các ông chồng của cô dâu Việt lại không như vậy.
Nếu như trước khi lấy chồng Hàn Quốc, các cô gái Việt phải học tiếng Hàn, học phong tục tập quán của nhà chồng tương lai tại các trung tâm đào tạo với học phí không hề nhỏ thì các chú rể Hàn Quốc lại không làm điều này. Họ coi việc lấy vợ Việt như một cuộc trao đổi món hàng, do không còn lựa chọn tốt hơn tại chính quốc. Đa số phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Hàn Quốc đều thuộc diện kết hôn lần đầu, trong khi đó đàn ông Hàn Quốc đa số lớn tuổi, đã từng kết hôn và có con riêng, thậm chí có người còn bị khuyết tật. Do vậy, người phụ nữ Việt Nam bị thiệt thòi. Mục đích tìm vợ của những người đàn ông này là sinh con để nối dõi, có thêm nhân lực để phục vụ gia đình mà không xuất phát từ tình yêu và sự am hiểu nhau. Khoảng cách về tuổi tác khiến sự chênh lệnh về tâm sinh lý cũng là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vướng mắc trong cuộc sống. Với tuổi bình quân đàn ông Hàn Quốc khi lấy vợ là 40-49 tuổi, 20-30 năm sau, khi người chồng quá già hoặc qua đời, người vợ Việt Nam vẫn còn trẻ, họ phải sống một mình, gánh vác gia đình và nuôi dạy con cái.
2. Giải pháp hạn chế sự đổ vỡ trong hôn nhân
Điều 21, Mục III (hỗ trợ kết hôn) về “Nguyên tắc hoạt động hỗ trợ kết hôn” của Nghị định 68/2002/NĐ-CP của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài quy định: “Hoạt động hỗ trợ kết hôn theo quy định tại Nghị định này cần phải tuân thủ nguyên tắc nhân đạo, phi lợi nhuận. Nghiêm cấm hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới kết hôn hoặc lợi dụng việc hỗ trợ kết hôn nhằm mua bán phụ nữ, xâm hại tình dục đối với phụ nữ hoặc vì mục đích trục lợi khác”.
Tuy nhiên trên thực tế, các công ty môi giới trá hình vẫn hoạt động bất hợp pháp một cách công khai. Các công ty này có mạng lưới cò mồi đông đảo, ở khắp các tỉnh thành, đặc biệt ở miền Tây Nam Bộ, nơi nhu cầu lấy chồng nước ngoài cao. Lợi dụng tâm lý muốn đổi đời của các cô gái trẻ, sự thiếu hiểu biết của người dân, các đối tượng này sử dụng chiêu trò lừa đảo, dụ dỗ nạn nhân nhằm trục lợi. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần có quy định cụ thể, xử phạt nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân hoạt động bất hợp pháp trong lĩnh vực này.
Phối hợp với các cơ quan hữu quan, các tổ chức có thẩm quyền thường xuyên kiểm tra, xử phạt các tổ chức, cá nhân có hành vi tiếp tay, trục lợi thông qua hoạt động hỗ trợ cho các công ty môi giới hôn nhân bất hợp pháp như các khách sạn, nhà nghỉ cho phép, tổ chức gặp mặt trái phép giữa các cô dâu, chú rể.
Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc cần phối hợp với nhau trong việc ngăn ngừa, xóa bỏ các tổ chức môi giới xuyên quốc gia hoạt động bất hợp pháp, ngăn chặn hoạt động của các tổ chức tội phạm mua bán phụ nữ xuyên quốc gia núp bóng công ty môi giới hôn nhân.
Nguyên nhân của những xung đột và đổ vỡ trong hôn nhân Việt - Hàn thời gian qua chủ yếu là những nguyên nhân văn hóa. Các nguyên nhân kinh tế có thể có nhưng không phải là trực tiếp và thường xuyên. Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là những nguyên nhân văn hóa cần được giải quyết một cách đồng bộ, thỏa đáng cho cả hai phía. Đây là trách nhiệm của Chính phủ hai nước trong việc ban hành những chính sách phù hợp và thiết thực hơn, đồng thời cần ngăn chặn được các hành vi lợi dụng niềm tin của phụ nữ để kiếm lời của các công ty môi giới hôn nhân ở Hàn Quốc và Việt Nam.
______________
Tài liệu tham khảo
1. vnexpress.net
2. nld.com.vn
3. plo.vn
Tác giả: Kim Gang San
Nguồn: Tạp chí VHNT số 431, tháng 5-2020