Ảnh tư liệu minh họa
Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi con người được sinh ra, trưởng thành cả về thể chất và nhân cách, là nơi bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời chống lại các tệ nạn xã hội. Trong đó, văn hóa gia đình có vị trí quan trọng, là mục tiêu, giá trị phải hướng tới, là cơ sở thúc đẩy sự phát triển của con người và xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình” (1).
Vấn đề gia đình từ lâu đã được Đảng, Nhà nước quan tâm và đặt ra với ví trí mang tầm chiến lược quốc gia. Năm 1991, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, Đảng đã khẳng định: Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Các chính sách của Nhà nước phải chú ý tới xây dựng gia đình ấm no, hòa thuận, tiến bộ. Nâng cao ý thức về nghĩa vụ gia đình đối với mọi tầng lớp (2). Trong các văn kiện của Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam đã quan tâm đến trách nhiệm của gia đình trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ, coi trọng xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội: “Nâng cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng các thành viên của mình có lối sống văn hóa, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội” (3), đồng thời “xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách” (4). Gia đình Việt Nam trong truyền thống và hiện đại vẫn là thiêng liêng nhất, là nơi hội tụ, gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau. Nét đẹp trong văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam đã góp phần làm phong phú hơn bản sắc văn hóa của dân tộc và ngày nay những giá trị đó cần được giữ gìn, phát huy, đặc biệt là nét đẹp trong giao tiếp ứng xử giữa các thành viên trong gia đình.
Văn hóa gia đình Việt Nam được hình thành qua hàng nghìn năm lịch sử và được hiểu là hệ thống những giá trị, chuẩn mực đặc thù chi phối đến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, giữa gia đình với xã hội. Gia đình có gia phong là gia đình sống có nề nếp, thuần phong, mỹ tục, có sự ứng dụng những tri thức để tổ chức gia đình, giáo dục con người, có sự hiếu thuận đối với ông bà, cha mẹ và tôn kính tổ tiên. Đó là biểu hiện ở tấm gương sáng về nhân cách văn hóa trong gia đình và truyền thống gia phong của gia đình, dòng họ. Văn hóa gia đình Việt Nam giàu tính nhân văn, đề cao giá trị đạo đức, xây dựng nếp sống có trật tự, kỷ cương, hun đúc tâm hồn, bản lĩnh cho con người, được thể hiện qua tác phong và ứng xử của các thành viên trong gia đình. Đó là sự kết tinh của nhiều giá trị văn hóa như: con cháu có hiếu với ông bà, cha mẹ; anh chị em hòa thuận, thương yêu nhau; vợ chồng thủy chung tình nghĩa…
Văn hóa gia đình Việt Nam luôn chú trọng đến việc giáo dục con cái với quan niệm “con hơn cha là nhà có phúc”. Gia đình là nơi dưỡng dục về thể chất, tinh thần, hình thành nhân cách ở mỗi người, là trường học đầu tiên để những người thầy thân yêu là cha mẹ, ông bà truyền dạy kiến thức, kỹ năng sống để có thể thích ứng và hòa nhập với đời sống xã hội. Trong đó, cách giáo dục tốt nhất đối với mỗi đứa trẻ chính là sự ứng xử có văn hóa giữa các thành viên trong gia đình như: cha mẹ yêu thương, tôn trọng, giúp đỡ nhau; cha mẹ kính trọng, hiếu thảo với ông bà; có mối quan hệ tốt với họ hàng, láng giềng và với cộng đồng như: trọng nhân nghĩa, sống chan hòa, làm điều thiện… Văn hóa gia đình Việt Nam xây dựng trên nền tảng đạo lý thủy chung, tình nghĩa, hòa thuận và lấy “đạo hiếu làm trọng”. Trong gia đình Việt Nam, con cháu phải tu dưỡng đạo đức, làm nên sự nghiệp để báo hiếu, đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và phụng dưỡng ông bà, cha mẹ. Còn ông bà, cha mẹ có trách nhiệm, nghĩa vụ nuôi dưỡng, bao bọc, dạy bảo con cháu nên người, biết hy sinh, sống bao dung và dành những điều tốt đẹp nhất cho con cái. Đồng thời, tu dưỡng bản thân, làm việc thiện và xây dựng nền nếp gia đình để truyền lại cho con cháu. Mối quan hệ cha mẹ - con cái luôn thấm nhuần trong tâm thức mỗi người Việt Nam. Điều này được thể hiện rất rõ trong kho tàng ca dao, tục ngữ dân tộc: Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ, kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Chữ “hiếu” luôn được đề cao trong mối quan hệ ứng xử giữa con cái với ông bà, cha mẹ và được thể hiện qua những việc làm báo hiếu. Việc phụng dưỡng cha mẹ là đạo lý mà con cái phải thực hiện thường xuyên trong suốt cuộc đời. Từ mối quan hệ giữa ông bà, cha mẹ với con cái đã hình thành nên đạo thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ để bày tỏ tấm lòng ghi nhớ công ơn “Uống nước nhớ nguồn”: Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.
Trong quan hệ giữa các anh chị em trong gia đình, phải biết yêu thương, nhường nhịn, đùm bọc, sống hòa thuận với nhau “em thuận, anh hòa là nhà có phúc”: Anh em như thể chân, tay/ Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần.
Trong mối quan hệ vợ chồng, sự hòa thuận, tình nghĩa thủy chung son sắt với nhau được đề cao “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, hay: Chồng em áo rách em thương/ Chồng người áo gấm xông hương mặc người.
Nét đẹp văn hóa ứng xử trong gia đình đã góp phần hình thành nên nhiều giá trị văn hóa mang tính truyền thống của người Việt như: sự hiếu thảo, sự hòa thuận, tình nghĩa, thủy chung, lòng yêu thương… Người Việt quan niệm từ góc độ gia đình để đánh giá và nhìn nhận xã hội. Nếu gia đình ổn định thì xã hội ổn định (5). Do đó, để phát huy được vị trí, vai trò của gia đình trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, cần phải giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa ứng xử trong gia đình truyền thống, xây dựng những chuẩn mực và giá trị gia đình phù hợp với xã hội hiện đại, góp phần làm phong phú hơn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Hiện nay, sự giao lưu hội nhập với các nền văn hóa tiên tiến trên thế giới đã tạo điều kiện cho văn hóa gia đình Việt Nam có nhiều cơ hội và có sự thay đổi nhất định. Bên cạnh những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa gia đình truyền thống, nhiều giá trị tiến bộ cũng đã thâm nhập vào các gia đình Việt Nam. Trong gia đình, văn hóa ứng xử giữa các thành viên đã có sự thay đổi nhưng những khuôn phép, gia phong của mỗi gia đình vẫn không thể thiếu được. Nhiều gia đình Việt Nam hiện nay vừa giữ được những nét tốt đẹp của văn hóa gia đình truyền thống vừa tiếp thu những giá trị tiên tiến của văn hóa gia đình thời đại mới. Cụ thể là sự phát triển kinh tế của gia đình đáp ứng được nhu cầu vật chất và tinh thần cho các thành viên; các thành viên trong gia đình tôn trọng lẫn nhau và được hưởng mọi quyền lợi về học tập, lao động, nghỉ ngơi, giải trí và chăm sóc sức khỏe. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em. Các thành viên trong gia đình phải luôn có ý thức học tập, rèn luyện để nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực của bản thân, xây dựng lối sống lành mạnh phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc và xu thế phát triển của thời đại; đồng thời, biết gắn bó, yêu thương, quan tâm và chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ và ngăn chặn sự xâm nhập của tệ nạn xã hội đối với các thành viên trong gia đình.
Trong gia đình hiện đại, các giá trị tự do, dân chủ, bình đẳng, công bằng là những giá trị mới được tôn vinh. Tính độc lập cá nhân được gia đình tôn trọng, tạo điều kiện phát triển, khuyến khích năng lực sáng tạo để hình thành nên phong cách sống và bản sắc riêng. Trong mối quan hệ ứng xử giữa cha mẹ và con cái, nhiều nét đẹp trong văn hóa ứng xử được giữ gìn và phát triển như: tình yêu thương, sự hy sinh của cha mẹ vì con cái và sự kính trọng, biết ơn, hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Bên cạnh đó, con cái được quyền tự do quyết định nhiều việc lớn liên quan đến cuộc đời mình như: lựa chọn nghề nghiệp, quyết định trong hôn nhân và tương lai của mình. Những giá trị văn hóa truyền thống với niềm tin, thái độ và cả những tri thức mới trong quan hệ ứng xử giữa ông bà, cha mẹ và con cái đã làm cho mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng gắn bó mật thiết, gần gũi nhau hơn, góp phần hạn chế những mâu thuẫn hằng ngày, qua đó đẩy lùi bạo lực gia đình.
Trong mối quan hệ vợ chồng, lấy tình yêu làm cơ sở, có sự thông cảm, tôn trọng nhau, bình đẳng trong mọi việc, chia sẻ trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Người phụ nữ trong gia đình hiện đại đã có tiếng nói trong việc quyết định các vấn đề lớn của gia đình, được tham gia vào các hoạt động xã hội, vợ chồng tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển, cùng quan tâm đến lợi ích riêng và lợi ích của cả gia đình… Những giá trị tự do, dân chủ, bình đẳng đã từng bước làm thay đổi các mối quan hệ trong gia đình, không phân biệt đối xử giữa các thành viên, tư tưởng trọng nam khinh nữ cũng đã được cải thiện và làm nảy nở những tình cảm mới mẻ. Đồng thời, phát huy được tinh thần sáng tạo, năng động, độc lập, tự chủ, dám nghĩ dám làm của các thành viên gia đình, mở ra những cơ hội phát triển toàn diện của phụ nữ trong xã hội.
Xây dựng văn hóa gia đình ở Việt Nam hiện nay bao gồm các nội dung, mục tiêu: gia đình hòa thuận, dân chủ, bình đẳng; các thành viên gia đình phải có thái độ, trách nhiệm xã hội, có ý thức chấp hành chính sách, tuân thủ pháp luật, có thói quen tu dưỡng đạo đức, tinh thần học tập không ngừng mở mang nhận thức, kiến thức. Chỉ có được một mô hình văn hóa gia đình theo các mục tiêu, tiêu chí như thế thì đời sống vật chất, kinh tế gia đình mới tăng trưởng, phát triển bền vững, xã hội mới an lành, hạnh phúc, văn minh. Việc giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa ứng xử, các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình trong công tác xây dựng gia đình, hướng tới xây dựng gia đình có đời sống kinh tế phát triển và đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú là yêu cầu bức thiết không chỉ đối với từng gia đình mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội ở Việt Nam hiện nay.
______________
1. Chỉ thị số 49/CT-TW ngày 21-2-2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Một số văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, Hà Nội, 1991, tr.13.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.
5. vanhoahoc.vn
Tác giả: Lê Thị Bích Thủy
Nguồn: Tạp chí VHNT số 419, tháng 5-2019