Hội thảo "10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình". Ảnh Thúy Hiền
Sau 30 năm đổi mới (1986-2006) dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta đã từng bước phục hồi và phát triển theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa (CNH, HĐH) và đô thị hóa. Trong xu thế phát triển toàn diện của đất nước về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa đã dẫn đến sự thay đổi về nhiều mặt trong đời sống của nhân dân, xây dựng gia đình Việt Nam theo mô hình nào và phương hướng nào cho phù hợp với đạo lý, thuần phong mỹ tục nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu xây dựng phát triển đất nước theo hướng hiện đại là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi phải được nghiên cứu toàn diện, sâu sắc và thể chế hóa để từng gia đình ở Việt Nam từng bước thích ứng với những điều kiện, hoàn cảnh mới.
Căn cứ vào Chỉ thị số 49/CT-TW ngày 21-2-2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa IX) về xây dựng gia đình Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH đất nước, được sự quan tâm của một số nhà luật học, xã hội học, chính trị học… Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21-11-2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2008. Luật này quy định về phòng ngừa BLGĐ; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng chống BLGĐ và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ.
Để bộ luật Phòng, chống BLGĐ có thể thực hiện và từng bước đi vào cuộc sống, xã hội, Chính phủ ban hành một số văn bản dưới luật, đó là: Nghị định số 08/2009/CP ngày 04-2-2009 về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống BLGĐ và Nghị định số 110/2009 ngày 10-12-2009 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ.
Những văn bản pháp quy nêu trên có ý nghĩa lịch sử to lớn, tác động mạnh mẽ đến ý thức con người, có tác dụng điều chỉnh hành vi và cách ứng xử của các thành viên trong mỗi gia đình, đồng thời góp phần khẳng định về bình đẳng giới thay cho sự phân biệt đối xử trọng nam khinh nữ trước đây, là động lực để xây dựng gia đình hạnh phúc ở nước ta.
Sau 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ (2008 - 2018) trên phạm vi cả nước, chúng ta có một khoảng thời gian nhìn nhận, đánh giá lại những nội dung của bộ luật đã quy định để có thể hiểu sâu hơn những khía cạnh của công tác phòng, chống BLGĐ trong điều kiện, hoàn cảnh mới. Từ đó, góp phần điều chỉnh, bổ sung, phát triển cho phù hợp với những biến đổi của các mặt thuộc đời sống gia đình hiện nay. Qua nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy về văn hóa gia đình và phòng, chống BLGĐ, đồng thời qua một số cuộc tìm hiểu, tiếp xúc, giải quyết hòa giải mâu thuẫn trong gia đình, chúng tôi có nhận xét về một số nội dung trong bộ luật phòng, chống BLGĐ. Đó là những nhận xét ban đầu, để các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa.
1. Về khái niệm BLGĐ và phòng, chống BLGĐ
Theo Từ điển Hán - Việt hiện đại, bạo lực là lực lượng cưỡng chế quốc gia, là sức hung bạo và bạo hành; là hành vi hung bạo, hành vi bạo ngược, hành vi hung ác (1).
Theo Đại từ điển tiếng Việt, bạo lực là dùng sức mạnh để trấn áp, chống lại lực lượng đối lập (2).
Từ đó có thể hiểu, BLGĐ là những hành động, hành vi hung ác, bạo ngược, khác thường, dùng sức mạnh cứng hoặc sức mạnh mềm nhằm trấn áp người khác, buộc người khác làm theo ý mình. Vậy BLGĐ không nên hiểu chỉ là hành vi cố ý như ở điều 1, khoản 2 của Luật Phòng, chống BLGĐ đã sử dụng.
Về quan niệm phòng, chống BLGĐ, chúng tôi nhận thấy ở hầu hết các chương, các điều trong bộ luật phòng, chống BLGĐ đều tiếp cận và trình bày theo hướng nhấn mạnh sự hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân của BLGĐ từ phía bên ngoài, nghĩa là từ phía các cá nhân, tổ chức trong gia đình và ngoài xã hội, chứ chưa đề cập đến vai trò của chính nạn nhân của BLGĐ trong quá trình tự phòng, chống BLGĐ. Nếu chúng ta tiếp cận từ hai phía, nhấn mạnh đến cả quá trình từ phòng, chống BLGĐ và cả sự can thiệp, bảo vệ, hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức bên trong và bên ngoài gia đình thì việc phòng, chống BLGĐ mới kịp thời, hiệu quả. Bởi chỉ có người bị BLGĐ và người gây ra BLGĐ mới có thể hiểu được nguồn gốc, nguyên nhân, bản chất, mức độ, nguy cơ… diễn ra BLGĐ để có cách phòng, chống tốt nhất.
2. Về khái niệm thành viên gia đình trong bộ luật phòng, chống BLGĐ
Ưu điểm của Luật phòng, chống BLGĐ là đã mở rộng khái niệm thành viên gia đình đến cả những gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc gia đình mà nam, nữ không kết hôn, không đăng ký, chỉ chung sống với nhau như vợ chồng. Nhưng như vậy vẫn chưa bao quát hết tình hình thực tế hiện nay. Trong những năm gần đây, ở nước ta đã xuất hiện và hình thành nhiều loại hình gia đình khác nhau như: đồng tính, đơn thân, độc thân, sống thử, gia đình có yếu tố nước ngoài, tái hôn bao gồm 2 hoặc 3 loại con khác nhau về huyết thống… Trong đó có nhiều gia đình mà con riêng của người vợ hoặc người chồng trong gia đình mới đã trưởng thành. Họ sống riêng và có cuộc sống độc lập, nhưng vẫn tham gia trực tiếp hoặc là tác nhân gây ra BLGĐ.
Như vậy, khái niệm thành viên gia đình trong bộ luật phòng, chống BLGĐ mới chỉ được hiểu và đề cập cập đến thành viên gia đình theo nghĩa hẹp, mà chưa bao quát hết các đối tượng khác cũng là thành viên gia đình kiểu mới theo nghĩa rộng của cụm từ này. Hiện nay, có nhiều gia đình mà anh chị em đã trưởng thành, có gia đình riêng, nhưng vẫn sống gần nhau, khi có tranh chấp về đất đai, nhà cửa, có hành vi bạo lực với nhau thì có được xem là hành vi BLGĐ hay không?
3. Quan niệm về các hành vi BLGĐ
Ở điều 2, chương 1, khoản 1 của bộ Luật phòng, chống BLGĐ có 9 tiểu mục đã cụ thể hóa một số hành vi BLGĐ. Nhìn chung, những điều này tương đối rõ ràng và một số điểm đã sát với cuộc sống thực tế ở một chừng mực nhất định. Nhưng chúng tối có một số suy nghĩ và góp ý như sau:
Thứ nhất, ở điểm đ, cưỡng ép quan hệ tình dục. Đa số chúng ta hiểu cưỡng ép quan hệ tình dục là hành vi của chồng đối với vợ. Nhưng trong thực tế, có những trường hợp cưỡng ép quan hệ tình dục không phải từ phía người chồng mà từ phía người vợ. Trong trường hợp tế nhị này, đàn ông không dám nói ra, nhưng nhà làm luật và quản lý nhà nước về gia đình cũng cần hiểu rõ để chia sẻ, động viên, giúp đỡ, tuyên truyền cho cả vợ và chồng để có sự hòa hợp, thông cảm và biết cách mới khắc phục tận gốc sự cưỡng ép đó.
Điều quan trọng hơn ở nội dung Cưỡng ép quan hệ tình dục này là chúng ta còn hiểu phiến diện, chưa bao quát hết tình hình thực tế. Có nhiều cặp vợ chồng thể hiện bạo lực tình dục không phải thông qua những hành vi cưỡng ép, mà lại qua thái độ, hành vi lạnh nhạt, vô cảm, thậm chí “cấm vận” trong một thời gian dài đã gây bức xúc cho vợ/chồng, dẫn đến khủng hoảng gia đình và BLGĐ. Vì vậy, điểm đ, khoản 1, điều 2 cần viết là Cưỡng ép quan hệ tình dục hoặc khước từ quan hệ tình dục để gây sức ép với vợ (hoặc chồng) nhằm đạt được mục đích khác.
Thứ hai, điểm e, khoản 1, điều 2 là: cưỡng ép tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.
Ở các tỉnh miền núi nước ta hiện nay, một số dân tộc thiểu số thường tổ chức, ủng hộ cho con cái tảo hôn. Tình trạng các em gái người Dao, Mông, Lô lô, Hà Nhì… mới 13, 14 tuổi đã lấy chồng khá phổ biến. Cuộc kết hôn đó được cha, mẹ, ông bà khuyến khích, ủng hộ, tổ chức nên mới diễn ra thành công được. Vì trong luật chỉ quy định hành vi cưỡng ép tảo hôn là BLGĐ, do đó tình trạng tảo hôn tràn làn mà chính quyền địa phương khó lòng can thiệp, dẫn đến luật chưa đi sâu vào cuộc sống, chưa bao quát hết thực tế, chưa thành cơ sở pháp lý để bộ máy công quyền vận dụng. Vì vậy, sự động viên, khuyến khích, ủng hộ cũng là những hành vi cần được ngăn cấm.
Thứ ba, điểm h, ở điều 2 quy định hành vi BLGĐ là: cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức…
Trong thực tế, có những gia đình xảy ra hiện tượng cưỡng ép con cái hoặc cha, mẹ lao động quá sức nhưng không phải bằng hành vi đánh đập, mắng mỏ, mà bằng cách nịnh nọt, đề cao, tặng thưởng bằng vật chất, tiền bạc để buộc người khác phải lao động quá sức cũng cần phải được xem là một loại bạo lực mềm. Loại bạo lực này khá phổ biến trong xã hội hiện nay, nhưng chưa được pháp luật đề cập đến.
Thứ tư, tại điểm i, có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
Với nội dung này, chưa bao quát hết hiện trạng xã hội, vì nếu nhà đó là của cha mẹ mà con cái muốn chiếm đoạt, thậm chí có gia đình cha mẹ đã phân chia tài sản cho con cái, họ đã có chỗ ở ổn định nhưng lại làm thất thoát đi vì nhiều nguyên nhân do cờ bạc, rượu chè, buôn bán… Rồi lại tìm cách về nhà cha mẹ để lấn chiếm thì có được coi là hành vi BLGĐ không? Hoặc có những cha mẹ đến ở nhà của con, nhưng con cái xua đuổi cha mẹ cũng có trường hợp cha mẹ xua đuổi con cái bằng nhiều cách khác nhau. Như vậy, về luật pháp thì đất, nhà thuộc quyền sở hữu của ai thì người đó có quyền thể hiện chủ quyền và quyền chủ quyền. Như vậy, những hành vi xua đuổi các thành viên khác trong gia đình của chủ nhà là không vi phạm pháp luật.
Vậy, tại điểm i này cần bổ sung và sửa lại là: có hành vi trái pháp luật và trái đạo đức (nhấn mạnh ý này) buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hoặc buộc phải ở những vị trí không đủ điều kiện sống (như chuồng gia súc, gia cầm, nhà vệ sinh,…).
Thứ năm, trong thời đại khoa học công nghệ phát triển hiện nay, chúng ta cũng cần phải bổ sung các loại hình hành vi BLGĐ mới liên quan đến việc nhắn tin khủng bố, đe dọa, xúc phạm, vu khống, lăng mạ… thành viên gia đình. Đó là loại tội phạm thật, nhưng sử dụng mạng xã hội ảo để thực hiện hành vi BLGĐ.
4. Vấn đề bồi thường trong trường hợp có BLGĐ xảy ra
Tại khoản 4, điều 4 quy định người gây ra BLGĐ phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân BLGĐ khi có yêu cầu và theo quy định của pháp luật.
Chúng tôi nhận thấy rằng, trên thực tế, nếu BLGĐ xảy ra trong các gia đình hạt nhân (bao gồm các thành viên là vợ, chồng và con) thì việc thi hành bồi thường là bất khả thi và phi thực tế, bởi đa số trường hợp này gia đình chưa bị tan vỡ, nguồn tài chính kinh tế và thu nhập vẫn quy về một mối thì không thể lấy tiền bạc của chung để bồi thường cho nạn nhân của BLGĐ được. Hay nói cách khác, người gây ra BLGĐ lại có quyền lấy tiền bạc của gia đình, trong đó có phần của nạn nhân để bồi thường cho người bị BLGĐ.
Theo chúng tôi, ở điều 4 về Nghĩa vụ của người có hành vi BLGĐ nên bỏ khoản 4 là bồi thường thiệt hại cho nạn nhân BLGĐ, thay vào nội dung là: có trách nhiệm khắc phục hậu quả do hành vi BLGĐ gây ra. Như vậy, sự khắc phục ở đây không chỉ bao hàm những vấn đề liên quan đến kinh tế của gia đình hoặc những vết thương trên cơ thể của nạn nhân BLGĐ, mà còn bao trùm cả những vấn đề liên quan đến trạng thái tâm lý, tình cảm của người bị bạo hành. Đó là con đường mở ra cho người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân BLGĐ có điều kiện gần gũi với nhau, bỏ qua cho nhau và thông cảm để tiếp tục quan hệ tốt đẹp.
5. Vấn đề bố trí cho nạn nhân của BLGĐ đến nhà tạm lánh để tránh mâu thuẫn gay gắt hoặc đề phòng xảy ra những hành vi nguy hiểm đến tính mạng cho cả hai phía
Chúng tôi cho rằng, khi có BLGĐ xảy ra, cần phải tách những người trong cuộc ra một không gian và thời gian nhất định là đúng cả về mặt hành chính và về mặt tâm lý. Khi tách ra như vậy, các bên đều có thời gian suy nghĩ lại và bình tâm hơn để bớt đi sự nóng giận quá mức của mình. Nhưng ở đây, chúng tôi cho rằng khi điều chỉnh, bổ sung luật phòng, chống BLGĐ thì cần phải chú ý tới hai khía cạnh.
Một là, tại sao chỉ đưa người bị bạo hành gia đình đến nhà tạm lánh, mà đa phần nạn nhân thường là phụ nữ hoặc trẻ em, còn người có hành vi gây ra BLGĐ lại vẫn ở trong nhà của mình để tiếp tục sinh hoạt bình thường: uống rượu, chửi bới, hoặc phá phách... Nếu xử lý tình huống như vậy, vô tình đã tạo điều kiện cho người có hành vi BLGĐ khẳng định vị thế của mình trong gia đình và trở nên kiêu căng, hung hãn hơn, còn nạn nhân của BLGĐ khi phải rời bỏ căn nhà của mình đến ở nơi khác sẽ lâm vào tình trạng buồn chán, lo âu, hoảng sợ. Trong những trường hợp bạo hành gia đình công khai, nguy cơ gây hậu quả (có thể là chửi bới, to tiếng, dùng hung khí…) hoặc đã gây ra hậu quả, cơ quan chức năng hoặc người dân có thể ngăn chặn và đưa người có hành vi BLGĐ ra khỏi nơi cư trú, đến nhà tạm lánh hoặc đến UBND cấp xã để giải quyết. Như vậy sẽ có hiệu quả hơn và thực hiện đúng chức năng tham gia phòng, chống BLGĐ. Nếu không tiến hành cách ly và khống chế người gây ra BLGĐ mà vẫn để họ tại gia, có thể họ hung hãn lên, tiếp tục thực hiện hành vi bạo lực với các thành viên khác trong gia đình ở mức nguy hiểm hơn.
Hai là, nhà tạm lánh là cần thiết, nhưng không phải ở đâu cũng bố trí được nhà tạm lánh cho nạn nhân BLGĐ, rất có thể những người dân tốt bụng cưu mang, giúp đỡ nạn nhân BLGĐ sẽ bị kẻ hành hung đến gây sự, gây ra bạo lực mới, phức tạp hơn. Vậy, chúng ta nên quy định: nhà của trưởng thôn hoặc của trưởng, phó công an xã là nơi tạm lánh cho các nạn nhân BLGĐ vì đây là những người có trách nhiệm với cộng đồng và có chuyên môn, nghiệp vụ, có thể tuyên truyền, giáo dục, răn đe người có hành vi BLGĐ.
6. Vấn đề quyền và nghĩa vụ của nạn nhân BLGĐ
Những nội dung quy định ở điều 5 của Luật phòng, chống BLGĐ về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân BLGĐ, chúng tôi nhận thấy đã tương đối đầy đủ. Nhưng những nội dung này còn mang tính chất bị động, chưa cho người bị nạn BLGĐ một quyền chủ động. Bởi vì BLGĐ thường xảy ra rất nhanh chóng, trong khuôn viên gia đình cá nhân và có thể xảy ra vào ban đêm, nên thụ động chờ hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức giúp đỡ có khi đã muộn.
Vậy, ở điều này cần quy định quyền của nạn nhân BLGĐ là quyền tự vệ chính đáng để bảo vệ an toàn cho bản thân cũng như các thành viên khác trong gia đình và quyền tố cáo hành vi BLGĐ với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để can thiệp. Như vậy, việc phòng, chống BLGĐ được kết hợp giữa sự chủ động của nạn nhân BLGĐ với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đơn vị, cơ quan, tổ chức sẽ nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả hơn.
7. Vấn đề biện pháp ngăn chặn hành vi BLGĐ và bảo vệ nạn nhân BLGĐ
Tại điều 19, Luật phòng, chống BLGĐ quy định một số biện pháp ngăn chặn, bảo vệ nạn nhân BLGĐ. Về nội dung này, chúng tôi nhận thấy:
Thứ nhất, cần phải ngăn chặn hành vi BLGĐ từ trước khi nó xảy ra, do đó chúng ta phải đẩy mạnh nghiên cứu vấn đề BLGĐ dưới các khía cạnh luật pháp, tâm lý, đạo đức, văn hóa… Thực tế cho thấy, để BLGĐ xảy ra là kết quả của quá trình lâu dài, do đó, việc ngăn chặn hành vi BLGĐ cần phải được tiến hành qua 2 giai đoạn: ngăn chặn hành vi BLGĐ từ xa và ngăn chặn hành vi BLGĐ tức thời khi sự việc xảy ra.
Trong ngăn chặn hành vi BLGĐ từ xa, cần phải nhận thức được rằng: BLGĐ xảy ra do tác động từ 2 phía, cả người có hành vi bạo lực và nạn nhân của BLGĐ. Do đó, trong quá trình tuyên truyền vận động hoặc bồi dưỡng kỹ năng cần phải được tiến hành từ 2 phía. Rất nhiều trường hợp do kỹ năng ứng xử không khéo léo, thiếu tế nhị, thiếu kiên quyết của người vợ (hoặc chồng) mà dẫn đến những hành vi BLGĐ, thậm chí dẫn đến án mạng trong gia đình.
Với nhiệm vụ bảo vệ nạn nhân của BLGĐ, Luật phòng, chống BLGĐ mới chỉ nhấn mạnh đến sự bảo vệ nạn nhân BLGĐ từ phía ngoài, nghĩa là từ người thân trong gia đình, hàng xóm hoặc cơ quan chức năng. Thực tế cho thấy “chờ được vạ thì má đã sưng”, nên trong biện pháp bảo vệ của nạn nhân BLGĐ ở đây, chúng tôi nhấn mạnh đến khía cạnh tự bảo vệ của nạn nhân BLGĐ. Như vậy mới chủ động, kịp thời, hiệu quả và sau đó mới là sự hỗ trợ, bảo vệ từ phía bên ngoài. Muốn vậy, cần bồi dưỡng, hướng dẫn chị em phụ nữ, hoặc những người có nguy cơ bị BLGĐ về tâm lý, cách ứng xử, nhận biết nguyên nhân cũng như biểu hiện của hành vi BLGĐ để họ phòng tránh.
Trong chương 4, từ điều 31 đến 41 quy định trách nhiệm của cá nhân, trách nhiệm của gia đình, Mặt trận TQVN và các tổ chức thành viên, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống BLGĐ, Bộ VHTTDL, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường và các cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ TTTT, các cơ quan thông tin đại chúng và trách nhiệm của cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát. Ở chương này, mặc dù bộ luật nêu đã khá đầy đủ về trách nhiệm của các cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong công tác phòng, chống BLGĐ nhưng chúng tôi nhận thấy các điều khoản còn chung chung, chưa cụ thể. Điều đặc biệt là chưa nói rõ trách nhiệm chính thuộc về ai, tổ chức nào, tổ chức liên quan và có trách nhiệm đến phòng, chống BLGĐ như vậy không có điều quy định cơ chế phối hợp, kết hợp thì hiệu quả sẽ không cao; không biết và không thể quy kết trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi có hành vi BLGĐ xảy ra.
Để duy trì trật tự, nề nếp, bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho mỗi thành viên gia đình, để gia đình thực sự trở thành một tổ ấm, một tế bào của xã hội rất cần sự chung tay góp sức của chính các thành viên trong gia đình, ngoài xã hội và đặc biệt là các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị từ cơ sở đến trung ương. Thực tế, chúng ta có nhiều bộ luật quan tâm, góp phần xây dựng cuộc sống tốt đẹp ở các gia đình như Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình… ngoài ra còn có các bộ luật Dân sự, Hình sự… cũng liên quan đến ngăn chặn, xử lý các hành vi BLGĐ. Mặc dù các bộ luật có liên quan đến nhau, trở thành một hệ thống luật pháp để răn đe, thay đổi hành vi BLGĐ và bạo lực xã hội nhưng mỗi một bộ luật khi được ban hành phải là một chỉnh thể độc lập, một văn bản có logic chặt chẽ và các nội dung phải rõ ràng, khả thi. Chính vì vậy mà một bộ luật không thể thay thế cho các bộ luật và hàng trăm bộ luật cũng không thể thay thế cho một bộ luật.
Luật pháp là sản phẩm của lịch sử, chịu sự tác động của các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ… Cho nên việc đáp ứng được sự thay đổi của xã hội trong thời kỳ CNH, HĐH, đô thị hóa dưới tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra, góp phần bảo vệ con người, thực hiện bình đẳng giới, thực hiện sự tiến bộ, văn minh và nhân văn của đất nước ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.
______________
1. Trần Thị Thanh Liêm, Từ điển Hán - Việt hiện đại, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2006, tr.53.
2. Nguyễn Như Ý, Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Đại học quốc gia TP.HCM, 2011, tr.83
Tác giả: Phạm Ngọc Trung
Nguồn: Tạp chí VHNT số 415, tháng 1 - 2019