Góp phần tìm hiểu đám cưới của người Dao Đỏ xã Cần Nông, Thông Nông, Cao Bằng

Cần Nông là một xã miền núi, vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng. Xã có tổng diện tích tự nhiên 2.673,21 ha; gồm 12 thôn với 1.871 người (2017), gồm 3 dân tộc cùng cư trú là: Dao (nhóm Dao Đỏ): 1.107 người, chiếm 57,66%; Nùng: 682 người, chiếm 38,39% và Hmông: 80 người, chiếm 3,95%, (thôn Lũng Vai). Người Dao Đỏ tập trung chủ yếu ở thôn Nà Tềnh, Ngườm Quốc, Phiêng Pán, Khau Dựa. Ngoài ra, họ cư trú xen kẽ với người Nùng tại các thôn: Nậm Đông, Phia Rạc, Lũng Rỳ, Bó Thẩu, Nặm Dựa, Nà Én, Nà Ca. Trong đời sống, đồng bào vẫn duy trì thực hành nhiều sinh hoạt và phong tục tập quán truyền thống, tạo nên nét văn hóa riêng, góp phần làm giàu bản sắc nền văn hóa chung của quốc gia đa dân tộc. Người Dao Đỏ quan niệm, người ta sống ở đời có ba việc lớn và quan trọng nhất: làm nhà, cưới vợ và báo hiếu với tứ thân phụ mẫu. Lễ cưới là một trong những sự kiện quan trọng trong chu kỳ đời người, không những chỉ là ngày hạnh phúc của đôi trẻ, niềm vui và niềm tự hào của cha mẹ, anh em dòng họ mà còn là dịp sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng làng bản. Vì vậy, quy trình tổ chức lễ cưới được họ hết sức coi trọng cả về nội dung và hình thức.

Lễ rước dâu trong đám cưới của người Dao Đỏ xã Cần Nông, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng.

Ảnh: Ngô Phương Thảo

1. Các nghi lễ trước đám cưới

Tìm hiểu

Người Dao Đỏ quan niệm: con gái từ 20 tuổi trở lên coi như đã quá lứa, cô ta hoặc gia đình chắc hẳn có vấn đề bất ổn. Người ta luôn cảm thấy bất hạnh khi con gái đã lớn mà chưa có ai dòm ngó, vì điều đó làm ảnh hưởng đến uy tín và thanh danh của gia đình. Trái lại, nếu con gái của họ tuy mới chỉ 13 - 14 tuổi, nhưng đã có gia đình đến đặt vấn đề xin dạm hỏi là niềm hãnh diện của cha mẹ. Cũng theo quan niệm của họ, khi con cái đã đến tuổi dậy thì, nhu cầu yêu đương của chúng là điều chính đáng, phù hợp. Chính vì thế, trước kia con cái từ 14 - 15 tuổi đã được tự do yêu đương, tìm hiểu người bạn đời, cha mẹ không ngăn cấm. Điều đặc biệt là việc tìm hiểu, yêu đương của trai gái ngay từ khi còn ở tuổi vị thành niên lại được dư luận xã hội thừa nhận. Tuy vậy, trước kia, cho dù đôi trẻ có yêu nhau bao nhiêu, song việc có trở thành vợ, chồng hay không lại hoàn toàn do bố mẹ quyết định. Bên cạnh yếu tố huyết thống, việc tuân thủ nguyên tắc trong hôn nhân, tiêu chuẩn dựng vợ gả chồng hay giàu nghèo… thì yếu tố hợp số mệnh (lá số) bao giờ cũng được đưa ra xem xét.

Nghi lễ xin lá số (mình cho nình keng)

Việc đi xin lá số mới chỉ là khởi đầu và chưa quyết định việc hôn nhân. Đây là lần đầu tiên nhà trai sang nhà gái và bố mẹ là người trực tiếp sang hỏi chuyện. Khi đến nhà gái, nhà trai phải mang theo một chai rượu làm lễ vật và được nhà gái mời dùng cơm, trong bữa cơm, nhà trai cầm chén rượu lên mời rồi ướm hỏi ngày, tháng, năm sinh của cô gái. Rồi nhà trai nhờ người xem mệnh cho hai con, xem mệnh của cô gái với các thành viên trong gia đình nhà trai. Nếu hợp, bố mẹ nhà trai mang theo chai rượu sang nhà gái để mở lời muốn đón cô gái về làm dâu và hỏi bố mẹ cô gái xem có muốn cho con gái làm dâu nhà mình hay không. Việc hỏi ý kiến cô gái chỉ là thủ tục khẳng định chuyện hôn nhân giữa hai gia đình.

Người Dao Đỏ đặc biệt kiêng kỵ khi nhà trai lần đầu tiên đi hỏi mệnh cô gái mà dọc đường, gặp người vác cưa đi xẻ gỗ, người cắt tóc, cây đổ… vì những việc này tượng trưng cho việc không thông suốt, gặp trắc trở, ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân của đôi vợ chồng. Nếu gặp những trường hợp trên, nhà trai sẽ quay về và hủy hôn lễ, họ cho rằng đây là điềm gở báo trước một cuộc hôn nhân không trọn vẹn và hạnh phúc.

Nghi lễ thỏa thuận giữa hai gia đình (mình kong xìn chà cao)

Sau khi ăn cơm với nhà gái, nhà trai đề cập tới việc sắm sửa tổ chức cho đám cưới. Hai bên thỏa thuận và thống nhất các lễ vật: bạc trắng 10 đồng trở lên, đồ trang sức cho cô dâu gồm vòng cổ bạc 1 đôi, dây xà tích bạc 1 bộ loại 4 dây, hoa tai bạc 2 đôi, vòng tay bạc 1 đôi, đồng bạc nhỏ khoảng 200 đồng, trang phục cô dâu bao nhiêu bộ do hai bên thỏa thuận và nhà trai đi mua. Ngoài ra, nhà trai còn chuẩn bị tiền cưới cho nhà gái gồm: tiền cho cha mẹ, tiền quan lang dẫn đoàn đưa dâu, tiền mua chăn màn cho cô dâu, rượu 10 chum mỗi chum 30 lít, gạo tẻ 50 kg, thịt 6 con lợn mỗi con 50 kg. Bên cạnh đó, nhà trai còn chuẩn bị thịt cho bố mẹ cô dâu và đoàn đưa dâu (săn cha), nhà gái đưa dâu thường từ 60 người đến 100 người, mỗi người trong đoàn đưa dâu lúc quay về được nhà trai cho 1kg thịt lợn và 1 lít rượu. Trong hôn nhân truyền thống, lễ thách cưới là một nghi thức không thể thiếu, giữ vai trò quyết định sự thành bại của cuộc hôn nhân.

Nghi lễ ăn hỏi và trao vật làm tin (mình quý ế lẩy)

Sau khi bàn bạc và đáp ứng được lễ vật mà nhà gái yêu cầu, nhà trai sang nhà gái báo tin, quyết định hôn nhân và trao lễ vật làm tin gồm: chỉ màu nhiều loại, một mảnh vải màu chàm rộng khoảng 1m để sau này, cô gái thêu những đồ dùng mà mình thích như khăn đội đầu, viền áo trước ngực. Về ý nghĩa, việc trao vật làm tin là một trong những quy trình của đám cưới nhằm tạo sự gặp gỡ, tiếp xúc, duy trì sự gắn bó giữa hai bên.

Lễ ăn hỏi diễn ra với mục đích để cho hai bên thỏa thuận những vấn đề liên quan đến lễ cưới, sau khi thỏa thuận xong, khoảng ba tháng sau, nhà trai sẽ tiến hành lễ ăn hỏi. Đoàn nhà trai thường có 11 người, trong đó có chú rể, bố mẹ chú rể, ông chủ hôn nhà trai, và anh em họ hàng thân thích của chú rể. Họ cho rằng 11 người là số lẻ đến đón dâu nữa là thành đôi. Nếu đi số chẵn, thêm dâu nữa là thành lẻ, đó là sự chia ly, không thể sống với nhau đến đầu bạc răng long. Lễ vật ăn hỏi nhà trai mang sang nhà gái gồm: một con lợn (40kg), một đôi gà, rượu (30lít)ngoài ra còn có trang sức, trang phục cô dâu như đã thỏa thuận và một phần tiền cưới. Họ quan niệm, nếu đưa hết tiền cưới như đã thỏa thuận, có nghĩa là đã đi hết đoạn đường, không còn đi tiếp được nữa, như vậy đám cưới sẽ không được thuận lợi. Thành phần dự lễ ăn hỏi bên nhà gái gồm cô dâu, bố mẹ cô dâu, quan lang và anh em họ hàng thân thích của cô dâu, bên nhà trai gồm có chú rể, bố mẹ chú rể, chủ hôn và anh em họ hàng thân thích của chú rể. Từ đây, cô gái đã được coi là thành viên của gia đình nhà trai. Nhà gái chuẩn bị một mâm cơm để lễ tổ tiên gồm 2 con gà luộc (gà nhà trai mang sang), 1 miếng thịt lợn luộc, 5 cái chén, 1 chai rượu, 1 đôi bánh chưng gù, 2 hộp chè và phong bao giấy đỏ gói ít tiền lì xì, mong muốn đôi vợ chồng trẻ có cuộc sống sung túc. Quan lang cúng trình báo với tổ tiên lý do hôm nay nhà mình có nhiều người và cầu mong tổ tiên phù hộ cho cuộc hôn nhân của đôi trẻ.

Cúng xong, nhà gái bày một mâm cỗ mời bố mẹ, chủ hôn bên chú rể ăn cơm cùng với bố mẹ của cô dâu và quan lang. Sau đó, hai gia đình tổ chức viết hôn tự. Hôn tự do chủ hôn và quan lang viết theo đúng thỏa thuận về số lượng lễ vật mà hai bên đã thống nhất. Quan lang, chủ hôn và bố mẹ cô dâu, bố mẹ chú rể cùng ký vào tờ hôn tự, mỗi bên giữ một bản và từ đây, hai bên chính thức nhận nhau làm thông gia và đôi trẻ chuẩn bị thành đôi thành lứa.

Trước khi tiễn nhà trai, nhà gái khiêng 1 cái bàn đặt ngay trước cửa nhà, trên bàn có bày 2 chai rượu, 6 cái chén, 1 bát ngô (hoặc 1 bát gạo) trên đặt 1 phong bao lì xì của nhà trai. Nhà trai 3 người, nhà gái 3 người đứng đối diện nhau, nhà trai đứng ở bên trong, nhà gái đứng ở bên ngoài, nhà trai nói lời cảm ơn, chúc tụng chia tay nhà gái. Sau đó, hai gia đình uống hết 6 chén rượu và vái chào nhau ba lần. Sau đó lại đổi vị trí và lặp lại nghi lễ. Tiếp đến, nhà trai đưa bát ngô và trao phong bao lì xì cho gia đình nhà gái, mong nhà gái làm ăn ngày càng thịnh vượng, giàu sang. Đến đây, gia đình nhà trai cất bước lên đường, cô dâu tương lai tiễn đoàn nhà trai đi một đoạn đường và được mẹ chồng tương lai lì xì lại một ít tiền lộc để lấy phúc. Sau nghi thức tiễn biệt, chia tay, nhà gái đáp lễ nhà trai bằng thịt, gạo, rượu… mong nhà trai làm ăn phát đạt, giàu sang.

Việc nhà trai mang đủ những lễ vật theo yêu cầu nhà gái là thể hiện sự nghiêm túc, tôn trọng nhà gái, thể hiện sự trả ơn của nhà trai đối với công sinh thành của bố mẹ cô dâu.

Nghi lễ chọn và báo ngày cưới

Sau lễ ăn hỏi, nhà trai về xem ngày tốt rồi sang báo cho nhà gái ngày tổ chức cưới. Thời gian báo cưới phải trước một tháng để nhà gái chuẩn bị mời anh em họ hàng và khách mời trong đoàn săn cha đi đưa dâu. Người Dao Đỏ thường lấy hạt của cây pẹ lòng ở trên rừng, có quả và hạt màu đỏ tươi để mời cưới với màu đỏ thể hiện sự sung túc, tươi thắm, báo tin vui, may mắn.

Theo tục lệ, nhà trai sẽ dùng hạt pẹ lòng đưa sang cho nhà gái, số hạt tương ứng với số người được mời trong đoàn săn cha nhà gái sang dự đám cưới như đã thỏa thuận. Trong số đó có bốn hạt to hơn dành để đưa cho bố mẹ cô dâu, quan lang và bà đưa dâu. Nhà gái sẽ chia cho anh em, họ hàng mỗi người một hạt (thay cho thiệp mời). Nếu muốn mời gia đình nào hai người thì đưa cho hai hạt... Việc mời khách đến dự đám cưới nhà trai hay việc đi mời đoàn săn cha đưa dâu đều do hai gia đình trực tiếp đi mời.

2. Các nghi lễ trong đám cưới

Lễ cúng tổ tiên

Trước lễ cưới, gia đình nhà trai và gia đình nhà gái đều tổ chức lễ cúng tổ tiên. Đồ cúng nhất thiết phải có một cái thủ lợn, gan lợn, tiết, lòng luộc chín, đặc biệt có 1 chậu tiết lợn còn sống đặt trên một chiếc bàn gỗ cao bên dưới bàn thờ tổ tiên để báo với tổ tiên rằng, nhà trai đã mang lễ sang để trả công sinh thành, dưỡng dục cho cha mẹ cô gái. Lễ cúng này không được cúng ở trên bàn thờ tổ mà chỉ cúng dưới đất, trên một cái bàn nhỏ bằng gỗ. Ngoài đầu lợn, một ít gan, tiết, lòng lợn được luộc chín còn có thêm 5 chén rượu và ít tiền âm phủ. Người Dao Đỏ không mua tiền vàng ở ngoài chợ mà họ tự làm bằng giấy bản, sau đó dùng một cái đinh và lấy búa gõ để tạo thành những hình tròn và đây cũng được coi là một nét sinh hoạt đặc trưng của người Dao. Nhà gái sẽ mời thày mo đến làm lễ cúng tổ tiên, ban cho những điều tốt đẹp trên đường đi đưa dâu.

Lễ cưới bên nhà gái

Lễ cưới của người Dao Đỏ thường được tổ chức vào khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 12 (âm lịch), lúc mùa màng đã thu hoạch xong, thuận tiện cho việc cưới xin. Việc chuẩn bị lễ cưới bên nhà gái thường đơn giản vì mọi nghi lễ trong đám cưới được tổ chức bên nhà trai. Một điều đặc biệt là nhà gái sẽ đưa dâu sang nhà trai và bố mẹ của cô dâu cũng tham gia vào đoàn đưa dâu. Số lượng người đưa dâu thường rất lớn khoảng từ 60 - 100 người.

Trước hôm cưới, nhà gái chuẩn bị bữa cơm tối mời đoàn đưa dâu (săn cha), sau khi ăn cơm tối, mọi người uống nước, uống rượu, chờ giờ lành đưa dâu. Trang phục của cô dâu trong ngày cưới được trang trí rất cầu kỳ, nhiều bạc trắng được gắn trên yếm. Đây là của hồi môn mà bố mẹ cô dâu cho khi con gái về nhà chồng. Trước khi đi làm dâu, mỗi người con gái đều chuẩn bị cho mình bộ váy, áo đẹp nhất, càng chau chuốt bộ váy áo của mình thì càng được gia đình nhà chồng đánh giá cao và nhận được nhiều sự ngưỡng mộ của gia đình, dòng họ và làng xóm. Trên đường đi, cô dâu phải trùm vải đỏ, người phù dâu phải che mặt cho cô dâu từ lúc ra cửa đến khi được đưa vào nhà chồng. Người Dao đỏ quan niệm, người con gái đi lấy chồng không được để mặt trời nhìn thấy mặt bởi sợ mất vía, sẽ không gặp may trong đời sống sau này. Trước khi cô dâu rời nhà mẹ đẻ, quan lang thắp hương trình báo tổ tiên và cầu mong tổ tiên phù hộ cho đoàn đưa dâu đi đường được thuận lợi, không bị ma quỷ cản đường. Người Dao Đỏ có một quy tắc nhất định khi lựa chọn quan lang. Nếu gả con gái đầu thì quan lang là người bên ngoại (anh, em của mẹ), nếu gả con gái thứ hai thì quan lang là người bên nội (anh, em của bố), nếu gả con gái thứ ba thì quan lang sẽ là hai người anh rể hoặc là anh em trai trong gia đình của cô dâu. Đặc biệt quan lang phải là người am hiểu phong tục tập quán, ứng xử giỏi, đã có gia đình ổn định, hạnh phúc, bởi quan lang có ảnh hưởng đến đời sống của đôi vợ chồng trẻ.

Một điểm rất độc đáo trong văn hóa của người Dao Đỏ là một số gia đình thường dặn con gái trước khi ra khỏi nhà đi làm dâu, phải ngoái đầu lại nhìn ngôi nhà của bố mẹ đẻ để sau này, sinh con ra còn giống bên ngoại, đồng thời cũng nhắc nhở cô dâu luôn ghi nhớ công ơn dưỡng dục của bố mẹ mình. Trên đường đi, đoàn đưa dâu phải dừng chân ở rạp do nhà trai dựng sẵn mặc dù nhà gái gần nhà trai. Mục đích nghỉ tạm là để đoàn nhà gái sửa soạn trang phục và sắp xếp lại đồ đạc của cô dâu khi về nhà chồng. Đến đây, nhà trai cho người thiếu nữ khác ra cầm ô cho cô dâu thay cho thiếu nữ bên nhà gái. Tất cả những điều đó có nghĩa là họ muốn thấy hình ảnh của mình đẹp nhất trước khi bước vào nhà trai.

Khi đến gần nhà trai, đoàn săn cha thổi kèn báo hiệu nhà gái đã đến nơi; đội kèn nhà trai thổi đáp lời ra đón đoàn và cô dâu, đoàn nhà trai đến đón dâu, tiếng kèn, tiếng chiêng trống réo rắt, thúc giục, kết hợp với bộ trang phục của cô dâu đã tạo nên một không gian tràn ngập tràn sắc màu rực rỡ giữa khung cảnh núi rừng vùng cao biên giới.

Lễ cưới bên nhà trai

Ngày thứ nhất - lễ cúng tổ tiên. Trước khi cô dâu vào cửa, đoàn săn cha đứng quanh cô dâu thành một nhóm. Sau đó, nhà trai thổi kèn mừng và múa vòng quanh cô dâu và đoàn săn cha. Sau đó, bà đưa dâu cầm tay cô dâu đến trước cửa nhà, cô dâu quay lưng vào cửa để chủ hôn làm lễ. Chủ hôn chuẩn bị sẵn một bát nước đến trước bàn thờ khấn tổ tiên và khấn sư thày phù hộ rồi bước bảy bước đến cửa đón cô dâu. Chủ hôn ngậm một ngụm nước trong miệng phun qua đầu cô dâu, dùng dao chặt đứt đầu con gà con rồi vứt ra ngoài và khấn xua đuổi ma quỷ. Sau đó, nhà trai sẽ mang một chậu nước ra đặt trước cửa, nhà trai cho một cô gái từ 9 tuổi đến 13 tuổi đến rửa chân và thay giày mới cho cô dâu. Tiếp đến, nhà trai cho một người phụ nữ đã có gia đình, làm ăn thuận lợi đến dắt tay cô dâu bước vào nhà thay cho bà đưa dâu. Nhà trai mang một chậu nước ra, lúc vào cửa, cô dâu phải bước qua chậu nước mới được vào nhà và đứng trước bàn thờ tổ tiên. Trước khi cô dâu vào buồng cưới, nhà trai cho người trải chiếu, là bà cô phúc hậu, con cái đầy đủ trai gái. Lúc này, chú rể được một người phụ nữ trong gia đình có hoàn cảnh kinh tế đầy đủ, gia đình hạnh phúc, con cháu khỏe mạnh đến dắt tay đưa đến gặp cô dâu tại chiếu lạy trước bàn thờ để làm lễ tổ tiên. Khi chủ hôn cho phép, chú rể lạy còn cô dâu nhún chân vái tổ tiên ba lần, sau đó chủ hôn phù phép vào hai chén rượu đưa cho cô dâu và chú rể cùng uống để ghép mệnh và hòa hợp trăm năm, kể từ đây họ đã chính thức trở thành đôi vợ chồng gắn bó với nhau suốt cuộc đời. Đây chính là nghi thức thông báo với các tổ tiên, thần thánh, từ nay hồn vía của cô dâu không còn ở mảnh đất của nhà gái nữa mà đã sang bên nhà trai, đã ở nhà trai thì là người của dòng họ khác và cũng từ đây, mọi việc do nhà trai quản lý và quyết định.

Ngày thứ hai - lễ hồi phúc.Trong lễ này, bếp trưởng lấy một đùi lợn từ 1 - 2 kg đã luộc chín, 1 chai rượu và 1 bát gạo bày lên bàn để cho quan lang nói lời cảm ơn gia đình nhà trai và chúc cho gia đình nhà trai làm ăn thuận lợi, phát đạt, chăn nuôi được nhiều. Ngoài ra, quan lang cầm chiếc khay có hai chén rượu và phong bao lì xì đi mời rượu và đưa phong bao cảm ơn những người giúp việc bên nhà trai đã chuẩn bị chu đáo để đám cưới diễn ra vui vẻ. Đồng thời chủ hôn đáp lời quan lang và chúc tụng nhà gái, đội kèn, đội bếp, đội tiếp khách đến cảm ơn quan lang.

Ngày thứ ba - lễ tạ ân. Trong lễ tạ ân, quan lang đem hai bông hoa bằng bạc cắm trong bát gạo rồi đưa cho hai vợ chồng trẻ, với ý cầu mong cho hai vợ chồng sớm sinh con cái, nối dõi tông đường. Cô dâu, chú rể chăm chú nghe lời căn dặn của chủ hôn từ cách xưng hô, cách ứng xử vợ chồng và phải thương yêu nhau, trong công việc phải bàn bạc với nhau... Trong đám cưới của người Dao Đỏ, có một nghi thức rất quan trọng, là việc dạy bảo đôi vợ chồng mới cưới. Hai vợ chồng mới cưới ra đứng giữa nhà, hướng về phía bàn thờ tổ tiên, nghe ông quan lang (hành mùi) thay mặt bên nhà gái đọc bài: lời giao dâu (mùi miên) cho nhà trai, sau đó ông chủ hôn (sình súi) đọc bài: lời dạy bảo vợ chồng mới (tầu lẩy). Sáng sớm hôm sau, cô dâu, chú rể dậy đun nước, chuẩn bị chậu nước ấm và khăn mặt lên cho chủ hôn và quan lang rửa mặt. Đầu tiên, ông chủ hôn nhà trai (vai người chồng) giặt khăn và lau mặt cho quan lang nhà gái (vai vợ). Mọi người xung quanh vỗ tay tán thưởng. Sau khi rửa mặt xong, chủ hôn và quan lang lấy khăn ở thành chậu trao cho nhau và gọi đôi vợ chồng trẻ ra, bê chậu nước đổ đi, mừng tiền làm lý cho vợ chồng trẻ. Ý nghĩa của việc trao khăn là mong cho vợ chồng thương yêu nhau và sống với nhau đến đầu bạc răng long.

3. Các nghi lễ sau đám cưới

Lễ lại mặt (tạ kèng tin)

Lễ lại mặt được diễn ra bên nhà gái và sau ngày cưới. Khi sang nhà bố mẹ vợ, gia đình nhà trai nhờ vài người thân trong gia đình đi cùng và có nhiệm vụ trực tiếp làm mâm cơm để mời bố mẹ, anh chị em cô dâu. Khi đến nhà vợ, nhà trai mang theo một đôi gà trống thiến và mười mâm thức ăn chín để làm bữa cơm thân mật mời gia đình nhà gái, tất cả những người bên ngoại đều không phải làm gì bởi trong quan niệm của người Dao Đỏ, bên nhà ngoại luôn được tôn trọng. Trong thủ tục lại mặt, điều quan trọng nhất chính là nghi lễ cúng tổ tiên với mục đích nhập khẩu bên nhà vợ và mong tổ tiên nhận mặt con rể. Có một điểm độc đáo ở người Dao Đỏ đó là trước khi đôi vợ chồng trẻ ra về, nhà vợ chuẩn bị một khay rượu để bố mẹ vợ giới thiệu kỹ từng người trong gia đình, vai vế và cách xưng hô. Trong lúc giới thiệu, con rể uống rượu với anh em họ hàng mỗi người một ly, khi được chàng rể mời rượu, những người trong họ đều mừng tiền tùy theo điều kiện nhiều hay ít. Đặc biệt là số tiền này được quan lang đưa cho hai vợ chồng và một con gà nhỏ để về làm giống, với ý nghĩa mong cho đôi vợ chồng trẻ ăn nên làm ra và thường xuyên về thăm bố mẹ, anh em họ hàng bên ngoại.

Tục chúc tết

Trong các dịp tết Nguyên đán, các đôi vợ chồng trẻ thường thực hành nghi thức chúc tết bên nhà vợ/bên ngoại. Năm đầu tiên sau khi cưới, qua mồng 2 hoặc mùng 3 Tết, đôi vợ chồng thường mang lễ vật: gà, rượu, bánh kẹo đến biếu thăm ông bà ngoại. Sau khi đã có con, việc thăm nhà ngoại cũng tùy tâm, song nếu ở gần thì thường vào những ngày cuối năm, con rể hoặc con gái mang quà biếu đến thăm nhà ngoại. Quà biếu cũng thường tùy tâm như bánh trái, chai rượu.

Có thể nói, nghi lễ trong đám cưới thể hiện đậm nét các đặc trưng văn hóa của cộng đồng tộc người, mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, giàu tính nhân văn. Những nét đẹp trong hôn nhân truyền thống của người Dao Đỏ sẽ mãi mãi trường tồn theo dòng chảy của văn hóa các dân tộc Việt Nam.

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Đỗ Thúy Bình, Thực trạng hôn nhân các dân tộc phía Bắc, Tạp chí Dân tộc học, số 2-1999, tr.19-27.

2. Các dân tộc ở tỉnh Bắc Kạn, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2003, tr.191-221.

3. Phạm Quang Hoan, Vài suy nghĩ về hôn nhân và gia đình các dân tộc ở nước ta hiện nay, Tạp chí Dân tộc học, số 3-1993, tr.44-45.

4. Vũ Đình Lợi, Phong tục cưới xin của người Dao ở Quảng Ninh, Tạp chí Khoa học về phụ nữ, số 3-1999, tr.32-38.

5. Lý Hành Sơn, Các nghi lễ chủ yếu trong chu kỳ đời người của nhóm Dao Tiền ở Ba Bể, Bắc Kạn, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998.

 

Tác giả: Ngô Thị Phương Thảo

Nguồn : Tạp chí VHNT số 411, tháng 9 - 2018

 

;