Gia đình là tế bào của xã hội, một nhóm xã hội đặc thù có vai trò cơ sở kiến tạo nên toàn bộ xã hội rộng lớn của cả một cộng đồng người. Quá trình phát triển của quốc gia, dân tộc phụ thuộc rất nhiều vào sự tồn tại và phát triển của hàng triệu gia đình trong cả nước. Thông thường, ở nhiều quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao, gia đình là điểm xuất phát và trở về của các chính sách xã hội. Gia đình là môi trường quen thuộc với hầu hết mọi thành viên xã hội. Đó là lĩnh vực mà ai cũng có thể tham gia với tư cách là người trong cuộc. Đó cũng là lĩnh vực tinh tế, phong phú, phức tạp, đầy mâu thuẫn và biến động.
1. Tiếp cận khái niệm gia đình
Gia đình là một xã hội thu nhỏ, trong đó hiện diện đầy đủ các quan hệ xã hội như kinh tế, giáo dục, văn hóa, tổ chức… Những biến chuyển xã hội đã và đang dội vào gia đình trên mọi phương diện, đưa đến những hệ quả đa chiều. Thiết chế có tính bền vững này cũng đang vận động, đổi mới và thích ứng với nhu cầu của xã hội đương đại. Trong tư cách tế bào của xã hội, hàng triệu gia đình sẽ làm nên sinh thể của một cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Gia đình là môi trường đồng hành với vòng đời của con người, có tác dụng chi phối sự hình thành, trực tiếp nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách cho con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, phòng, chống và ngăn ngừa các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
Gia đình là nhóm xã hội được hình thành trên cơ sở hôn nhân và từ đó, có các quan hệ huyết thống. Những thành viên trong gia đình có sự gắn bó và ràng buộc với nhau về trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ, có tính hợp pháp, được Nhà nước thừa nhận và bảo vệ.
Gia đình cũng là một nhóm xã hội có tâm lý, tình cảm đặc thù, với các mối quan hệ bên trong, với sự tác động qua lại trong nội bộ của các thành viên để thỏa mãn những nhu cầu của mỗi người, đặc biệt là mối quan hệ giữa vợ và chồng, theo đó là quan hệ giữa các thế hệ cụ, ông, bà, bố, mẹ, con, cháu, chắt… trong gia đình.
Tuy vẫn còn có sự khác biệt về quan điểm, nhưng giới nghiên cứu đều thống nhất rằng: gia đình là một thiết chế xã hội, dựa trên hai mối quan hệ cơ bản là hôn nhân (chồng - vợ) và huyết thống (cha - mẹ - con). “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền giữa họ với nhau” (1). Tựu trung lại, gia đình có những đặc trưng cơ bản: là một nhóm xã hội phải có từ hai người trở lên; trong gia đình phải có giới tính; quan hệ trong gia đình phải là quan hệ ruột thịt huyết thống, nghĩa là có quan hệ tái sản xuất con người; các thành viên trong gia đình phải gắn bó với nhau về đặc điểm tâm sinh lý; gia đình phải có ngân sách chung; gia đình phải sống chung trong không gian một nhà.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “... nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt”. Chính vì vậy, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của cả xã hội.
Hiện nay, gia đình Việt Nam đang phải đương đầu với một loạt thử thách lớn khi chuyển từ mô hình gia đình truyền thống sang gia đình hiện đại. Để sinh tồn và phát triển, mỗi gia đình phải tìm cách thích ứng với những điều kiện mới, từng thành viên phải tự điều chỉnh các mối quan hệ trong gia đình. Trên thực tế, sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng cùng với những trào lưu tiến bộ về khoa học công nghệ có phần chưa đồng hành với sự phát triển văn hóa, xã hội. Mặt trái của kinh tế thị trường và lối sống tiêu dùng, hưởng thụ, sùng bái vật chất cực đoan, thực dụng đã làm đổ vỡ, mờ nhạt một số hệ thống giá trị tinh thần, đạo đức, tan vỡ các giá trị văn hóa gia đình ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
2. Các mô hình gia đình Việt Nam tiêu biểu trong xã hội đương đại
Hiện nay, khi đất nước đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có thể nhận diện một số mô hình gia đình chủ yếu ở nước ta như sau: gia đình hạt nhân gồm vợ chồng và những đứa con chưa trưởng thành; gia đình mở rộng nhiều thế hệ gồm những gia đình có quan hệ ruột thịt, cùng chung sống trong một hộ; gia đình ghép từ hai gia đình hạt nhân trở lên (thường là đa hôn); gia đình thỏa thuận mới; gia đình cấu tạo lại; gia đình đơn thân, độc thân; gia đình kết bạn (như vợ chồng); gia đình chỉ có mẹ hoặc bố; gia đình đồng tính; gia đình có yếu tố nước ngoài (kết hôn với người nước ngoài). Gia đình Việt Nam ngày nay đa số là gia đình hạt nhân, trong đó chỉ có một cặp vợ chồng (bố mẹ) và con cái mà họ sinh ra. Hầu hết các gia đình trí thức, công chức, viên chức nhà nước, công nhân, gia đình quân đội, công an đều là gia đình hạt nhân.
Xu hướng hạt nhân hóa gia đình ở Việt Nam (tức là loại gia đình chỉ có hai thế hệ) đang có chiều hướng gia tăng vì nhiều ưu điểm và lợi thế của nó. Trước hết, gia đình hạt nhân tồn tại như một đơn vị độc lập, gọn nhẹ, linh hoạt và có khả năng thích ứng nhanh với các biến đổi xã hội. Gia đình hạt nhân có sự độc lập về quan hệ kinh tế. Kiểu gia đình này tạo cho mỗi thành viên khoảng không gian tự do tương đối lớn để phát triển cá nhân. Con người cá thể có xu hướng được đề cao cá tính. Trong xã hội hiện đại, mức độ độc lập cá nhân được coi là một yếu tố biểu hiện chất lượng cuộc sống gia đình. Tính độc lập cá nhân được gia đình tạo điều kiện nuôi dưỡng, phát triển sẽ tạo ra phong cách sống, tính cách, năng lực sáng tạo riêng khiến mỗi người đều có bản sắc. Đó cũng chính là con người có khả năng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tuy nhiên, gia đình hạt nhân cũng có những điểm yếu nhất định. Chẳng hạn, do mức độ liên kết thuyết minh giảm sút và sự ngăn cách không gian giữa các gia đình nên khả năng hỗ trợ lẫn nhau về vật chất và tinh thần bị hạn chế. ảnh hưởng của thế hệ tới nhau ít đi cũng làm giảm khả năng bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình. Mặc dầu vậy, gia đình hạt nhân vẫn là loại hình khá phổ biến ở nước ta hiện nay và đó cũng là loại gia đình thịnh hành trong các xã hội công nghiệp - đô thị phát triển. Đây cũng là kiểu gia đình tương lai trong xã hội hiện đại.
Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại ở nước ta, các loại hình gia đình cũng dần biến đổi với nhiều dạng gia đình mới như: gia đình đơn thân (mẹ và con, cha và con); gia đình các cặp đôi nam - nữ không kết hôn vẫn chung sống tự nguyện, thậm chí là “gia đình đồng tính” đang gây nhiều ý kiến trái chiều ở Việt Nam và trên thế giới. Đây là những biến đổi của gia đình thời hiện đại, hàm ẩn nhiều giá trị khác nhau, chịu sự chi phối của các điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
3. Văn hóa gia đình
Văn hóa gia đình được xem là hệ thống các giá trị, chuẩn mực khu biệt, đặc thù, điều tiết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và mối quan hệ giữa gia đình và xã hội, phản ánh bản chất của các hình thái gia đình đặc trưng cho cộng đồng các tộc người, các dân tộc và các khu vực khác nhau, được hình thành và phát triển qua lịch sử lâu dài của đời sống gia đình, gắn liền với những điều kiện phát triển kinh tế, môi trường tự nhiên và xã hội. Văn hóa gia đình chính là một hệ giá trị tinh thần được hình thành lâu dài theo thời gian, được hiển thị qua sự quy ước cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Văn hóa gia đình thể hiện qua sự gắn bó vợ chồng và sinh đẻ con cái; thỏa mãn nhu cầu tâm lý, tình cảm; ấn định uy tín và địa vị xã hội; giáo dục con người; bảo vệ các thành viên (an ninh tinh thần); giải trí; thực hành tôn giáo, tín ngưỡng. Các mối quan hệ trong gia đình, sự cấu kết giữa các thành viên trong gia đình bắt nguồn từ quan hệ huyết thống ruột thịt và quan hệ tình cảm, trách nhiệm. Trong gia đình, các thành viên gắn bó với nhau bằng những mối liên hệ thường xuyên, lâu dài. Khi gia đình thuận hòa, hạnh phúc, các thành viên sẽ luôn quan tâm đến nhau, hy sinh cho nhau, không ngại thiệt thòi.
Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hội nhập quốc tế, việc tổ chức gia đình tốt và giáo dục trong gia đình chu đáo sẽ có tác động sâu xa đến việc hình thành nhân cách con người, tạo tiền đề quan trọng để cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu của đất nước trong quá trình phát triển. Vì vậy, giáo dục gia đình thể hiện tính đa dạng và nhiều chiều, vừa có ảnh hưởng của cá nhân đối với cá nhân, vừa có ảnh hưởng của cả tập thể gia đình liên kết với nhau, tác động đến từng cá nhân qua lối sống, nếp sống ở mỗi gia đình. Tính đa dạng của giáo dục gia đình còn thể hiện qua phương pháp giáo dục, không chỉ bằng lời nói mà bằng thái độ, tình cảm, không chỉ là nói lý thuyết suông mà phải bằng thực tiễn từ những việc làm cụ thể.
Muốn cho gia đình ấm no, trước hết, mỗi thành viên cần phải góp phần cùng gia đình làm tốt chức năng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Muốn gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững thì các thành viên phải được học tập, giáo dục.
Như vậy, xây dựng gia đình theo chuẩn mực “ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” không chỉ tạo sự tiến bộ toàn diện cho mọi gia đình, mọi người mà cái cốt lõi là việc tạo nên điểm tựa vững chắc cho mỗi tế bào xã hội. Khi lớn lên trong môi trường lành mạnh và phát triển của gia đình, con người sẽ trở thành những chủ nhân tương lai, đáp ứng với yêu cầu của thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
4. Vấn đề xây dựng văn hóa gia đình hiện nay
Ngày nay, truyền thống văn hóa gia đình của dân tộc được hun đúc trong hàng ngàn năm lịch sử cần được trân trọng, giữ gìn và phát huy trong xã hội hiện đại. Đặc biệt ở Việt Nam, vấn đề gia đình được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, đã chọn ngày 28-6 là Ngày Gia đình Việt Nam và hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững”. Đảng ta luôn luôn xác định phải chăm lo phát triển văn hóa và sớm có chiến lược quốc gia về gia đình Việt Nam. Trên cơ sở đường lối của Đảng về văn hóa gia đình, Chính phủ đã khẳng định quan điểm: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội”(2). Nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục gia đình, cần chú ý đến một số biện pháp sau:
Nâng cao nhận thức cho cộng đồng xã hội về vai trò đặc biệt quan trọng của gia đình trong việc giáo dục con người.
Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ (nam nữ thanh niên) giai đoạn tiền hôn nhân (trước khi kết hôn, phải được bồi dưỡng về văn hóa gia đình, văn hóa tình yêu, văn hóa tình dục, kiến thức về hôn nhân và gia đình, các chức năng gia đình).
Thường xuyên tọa đàm về các phương pháp nuôi dạy trẻ.
Ông bà, cha mẹ phải là tấm gương sáng cho con cháu, dạy con, cháu theo các phương pháp khoa học sư phạm: trao truyền cho con cháu những giá trị đạo lý và pháp lý của dân tộc (truyền thống và hiện đại); dạy con cháu qua việc làm cụ thể (qua lao động và bằng lao động, việc làm hằng ngày, từ đơn giản đến phức tạp); học cùng con cháu; tôn trọng, khuyến khích, động viên kịp thời; tạo dựng ý thức ngăn nắp, kỷ luật trong gia đình; sử dụng truyền thông (chủ yếu là mạng xã hội, internet, truyền hình) phải phù hợp với từng lứa tuổi; cần dạy trẻ em qua trò chơi trực quan; dạy trẻ em tự thuyết trình, biết vẽ bản đồ tư duy, biết tổng hợp, khái quát, có tư duy độc lập, sáng tạo...
Cần thường xuyên kết hợp chặt chẽ, đồng thuận ba bộ phận: gia đình, nhà trường và xã hội trong quá trình giáo dục con người. Đặc biệt, gia đình phải tiếp tục chăm lo, bảo vệ, giữ gìn và nâng đỡ con người suốt cuộc đời trước những đổi thay, biến động của cuộc sống, nhằm đạt được chuẩn mực chân, thiện, mỹ và những vẻ đẹp văn hóa, văn minh của nhân loại.
_______________
1. Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2010 (Chương 1, Điều 8, Khoản 10 - Những quy định chung).
2. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 629/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, năm 2012.
Tác giả: Nguyễn Minh Thông
Nguồn: Tạp chí VHNT số 426, tháng 12- 2019