Dịch COVID-19 bước sang năm thứ hai đã ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều mặt trong đời sống xã hội, kinh tế, trong đó có giải trí. Hàng loạt hệ thống rạp chiếu đóng cửa. Nhiều nhà phát hành phải hướng tới các dịch vụ trực tuyến cho sản phẩm đầu ra của mình.
Phim Anh hùng Hamilton
Từ thế bị động, nhiều hãng phát hành đã chủ động tìm kiếm một hướng đi khác cho các sản phẩm bị dồn ứ, ảnh hưởng vì dịch bệnh. Sau nhiều lần hoãn lịch chiếu, Disney đã quyết định đưa phim Mulan với nữ diễn viên chính Lưu Diệc Phi lên chiếu trên nền tảng xem trực tuyến Disney+, trong mục PVOD (phim cao cấp theo yêu cầu). Khán giả đăng ký Disney+ sẽ có thể xem bộ phim hành động với phí 29,99 USD trả một lần. Theo Variety, Mulan cần 8,4 triệu lượt xem tính phí để hoàn lại kinh phí 200 triệu USD và 50 triệu USD tiền quảng bá. Trước đó, Disney cũng chuyển hai phim khác của họ là Hamilton và Artemis Fowl lên nền tảng này.
Việc phim chiếu rạp tìm đường phát hành mới diễn ra khi diễn biến dịch trên thế giới chuyển biến phức tạp. The Lovebirds (Yêu là tội) của Paramount là bộ phim đầu tiên hủy ra rạp như dự định. Thay vào đó, phim được phát hành trên nền tảng trực tuyến Netflix. Hai hãng phim Universal và Warner Bros. cũng chọn cách phát hành trực tuyến thay vì chiếu rạp cho hai bộ phim Trolls World Tour (Quỷ lùn tinh nghịch: Chuyến lưu diễn thế giới) và Scoob (Cuộc phiêu lưu của Scoob). Ngay sau đó, Trolls World Tour của Universal được công nhận là thành công đầu tiên của việc phát hành trực tuyến, thu về 100 triệu USD sau ba tuần. Doanh thu này khiến đại diện của NBC Universal - Jeff Shell phát biểu hãng sẽ cân nhắc việc phát hành đồng thời phim ngoài rạp và trên dịch vụ theo yêu cầu, kể cả khi rạp mở cửa trở lại.
Đại dịch cũng buộc nhà rạp phải thỏa hiệp về cửa sổ phát hành (thời gian phim chỉ chiếu ở rạp). Trước đây, rạp sẽ chiếu độc quyền các phim trong 90 ngày. Trong thời điểm dịch bệnh, một số hãng đã đưa phim mới ra rạp lên các nền tảng trực tuyến sớm hơn. Disney đưa phim hoạt hình Pixar Onward (Truy tìm phép thuật) lên các dịch vụ video theo yêu cầu chỉ hơn một tháng sau khi công chiếu tại Mỹ. Warner Bros. cũng làm tương tự với bom tấn Birds of Prey (Cuộc lột xác huy hoàng của Harley Quinn) cho phép người dùng iTunes và Amazon xem với giá 19,99 USD, chỉ hơn một tháng sau ngày công chiếu.
Phim hoạt hình Trolls World Tour
Hãng Universal và AMC còn đưa ra một thỏa thuận cho phép phim của Universal và Focus Pictures chỉ phải chiếu ít nhất 17 ngày ở cụm rạp AMC trước khi được phát hành dưới định dạng PVOD. CEO của AMC - Adam Aron - cho biết họ cũng chia sẻ doanh thu đến từ PVOD. Thỏa thuận này được Variety nhận định mang tính lịch sử. Christopher Escobar, chủ rạp Plaza Theatre ở Atlanta, tin rằng điều này giúp hãng phim tự tin phát hành tác phẩm mà không e ngại sự thua lỗ về mặt doanh thu.
Tuy nhiên, cũng có những bất đồng đến từ các bên khác. CEO của Cineworld, Mooky Greidinger, nói: “Xét ở góc độ tài chính, những phim lớn, những phim thực sự quan trọng, phải được chiếu rạp. Nhiều trường hợp, hơn nửa doanh thu phim đến từ doanh thu phòng vé toàn cầu. Tôi thực sự nghĩ các hãng phim lớn như Disney, Warner Bros., kể cả Universal, cũng nhìn nhận ra điều đó”.
Tổ chức Independent Cinema Alliance - đại diện cho các rạp tư nhân ở Mỹ - cũng bày tỏ lo ngại. Đại diện của tổ chức này nói trên Variety rằng: “Những cuộc đàm phán trong ngành tại thời điểm đại dịch nên là về các mục tiêu dài hạn hướng tới duy trì và nâng cao trải nghiệm rạp phim và không bị thúc đẩy bởi mong muốn bảo đảm ngắn hạn, tức thời”.
Mối lo âu của các chủ rạp tư nhân cũng đến từ việc rạp của họ có ít phòng chiếu hơn những cụm rạp như AMC. Việc thu hẹp cửa sổ phát hành có nghĩa là một phim có thể được rút về chiếu trên nền tảng trực tuyến trước cả khi rạp tư nhân kịp lên lịch chiếu bộ phim đó.
Tuy nhiên, Variety chỉ ra thỏa thuận giữa Universal và AMC không đảm bảo tất cả phim mới phát hành từ hãng sẽ chuyển lên PVOD sau 17 ngày. Universal có thể chỉ dùng lựa chọn này cho những phim có doanh thu không như kỳ vọng. Những phim bom tấn như Jurassic World (Công viên kỷ Jura) hay phim ăn khách bất ngờ như Get Out (Trốn thoát) nhiều khả năng không bị chịu khung phát hành thu gọn. Nhiều chuyên gia cho rằng việc chiếu trực tuyến chỉ áp dụng cho một số thể loại, chứ chưa phải trạng thái “bình thường mới” của việc phát hành phim.
Ông Erik Davis, Tổng biên tập của Fandango, cho biết: “Chúng tôi thấy những bộ phim xem ở nhà phần lớn thuộc thể loại gia đình. Nhiều gia đình đang cách ly tại gia, đó là lý do các tựa đề như Trolls World Tour, Scoob! và Artemis Fowl được chọn để phát hành trực tuyến hay trên các nền tảng theo yêu cầu".
Ngoài Mulan, Disney vẫn giữ lịch phát hành ngoài rạp cho hai bom tấn New Mutants (Dị nhân thế hệ mới) và Black Widow (Góa phụ đen) của họ. Hãng Warner Bros. dự kiến phát hành Tenet của đạo diễn Christopher Nolan trên toàn cầu vào ngày trước khi chiếu ở một số cụm rạp tại Mỹ vào cuối tuần.
Phim The Lovebirds (Yêu là tội)
Dù đa số bom tấn vẫn chọn cách lùi lịch chiếu thay vì phát trực tuyến, các chuyên gia đặt ra câu hỏi liệu khán giả còn ra rạp sau COVID-19. Ông Richard Greenfield - nhà nghiên cứu tại LightShed - nói với Time: “Việc dịch bệnh kéo dài hằng tháng đã khiến mọi người có thói quen xem phim trên Netflix. Liệu họ có muốn quay trở lại rạp không? Có một rủi ro lớn là lượng khán giả rạp sẽ không quay về mức như trước đại dịch”.
BBC thì dự đoán các rạp phim sẽ đông khách trở lại. Nguồn tin dẫn chứng sau đại dịch cúm năm 1918, đám đông đổ xô đến rạp chiếu phim, và dịch vụ phim theo yêu cầu sẽ chỉ khiến khán giả quan tâm đến điện ảnh hơn. Sau thời gian dài xem phim trên tivi và thiết bị vi tính, trải nghiệm xem phim trong rạp sẽ trở nên cuốn hút hơn. Chất lượng kỹ thuật của một bộ phim được chiếu ở rạp cũng khác trên nền tảng trực tuyến. Đồng thời, hầu hết đạo diễn sẽ tiếp tục muốn phim của mình được chiếu rạp vì đó là một trải nghiệm độc đáo.
Ông Philip Knatchbull - CEO cụm rạp Curzon ở Anh - cho biết: “Điện ảnh đã sống sót qua chiến tranh, qua đại dịch và nhiều thay đổi công nghệ. Việc ngồi trong một phòng tối cùng nhau xem phim có sức mạnh khó tả. Tôi tin rằng rạp phim mở lại sẽ là một sự kiện được tung hô, và chúng ta sẽ thấy khán giả nóng lòng ra khỏi nhà để cùng nhau ngồi trước màn ảnh lớn".
Chưa biết nhận định nào sẽ đúng khi dịch bệnh được đẩy lùi. Tuy nhiên, có một điều không ai có thể phủ nhận là chính đại dịch đã làm thay đổi cách phát hành phim cũng như thay đổi một số thói quen của khán giả.
TRẦN MY LAN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 484, tháng 12-2021