Vượt qua hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, điện ảnh Việt Nam vẫn thiết lập nên những kỷ lục doanh thu mới và ghi thêm những dấu ấn sáng tạo trong một chùm các bộ phim tiêu biểu vừa tham gia tranh giải tại Liên hoan phim Việt Nam (LHP VN) lần thứ XXII. LHP đã kết thúc nhưng những giải thưởng được trao vẫn để lại nhiều dư âm trong khán giả và cả giới chuyên môn. Đạo diễn - NSƯT Nguyễn Vinh Sơn - Trưởng Ban giám khảo phim truyện điện ảnh bật mí những đánh giá của Ban giám khảo (BGK) về giải thưởng được công chúng quan tâm nhất: giải dành cho cho phim truyện điện ảnh.
Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Vinh Sơn trao giải Bông sen Bạc
●Với tư cách Trưởng BGK phim truyện điện ảnh, ông đánh giá thế nào về chất lượng nội dung và nghệ thuật của 17 bộ phim truyện dự thi tại LHP VN năm nay?
- Trong số 17 bộ phim dự thi, chúng tôi chọn 7 phim vào vòng trong và 2 phim chỉ xét giải cá nhân vì là phim làm lại theo phim nước ngoài (Tiệc trăng máu và Bằng chứng vô hình). Những phim vòng trong đều “tám lạng nửa cân”, hầu như đều đã đạt được những đánh giá tích cực khi phát hành với các doanh thu và giải thưởng vượt trội. Có những nguồn đầu tư từ nhà nước, tư nhân và phim độc lập, có phong phú về đề tài, thể loại. Kịch bản có những đột phá độc đáo như các phim Bố già, Ròm, Miền ký ức… Đạo diễn, quay phim cao tay nghề và diễn viên với những gương mặt mới sáng giá như Kaity Nguyễn, Tuấn Trần, Trần Anh Khoa…Đặc biệt phần âm nhạc, âm thanh đạt chất lượng cao cả về nghệ thuật và kỹ thuật.
Miền ký ức của đạo diễn Bùi Kim Quy có tính chất phim tác giả, đầy suy tưởng, đề cập đến vấn đề lằn ranh giữa sự sống và cái chết
Quả là một khó khăn cho BGK khi phải cân nhắc, chọn lựa!
●Ông có thể cho biết vì sao Ban giám khảo lại chọn Mắt biếc để trao giải Bông sen Vàng?
- Trong mối tương quan giữa ba phim nổi trội: Mắt biếc, Bố già và Ròm, thì Mắt biếc đạt giá trị tổng hòa cao hơn cả về nghệ thuật và hiệu ứng xã hội. Bộ phim đạt được sự sáng tạo trong phong cách kể chuyện, dẫn dắt hài hòa, chặt chẽ các tuyến nhân vật. Đặc biệt, ý nghĩa nhân văn và sự kết hợp khá hoàn chỉnh về các mặt diễn xuất, hình ảnh, âm nhạc… tất cả đã giúp Mắt biếc đạt được sự đồng thuận cao trong BGK.
●Bố già cũng tạo được hiệu ứng xã hội khi thiết lập kỷ lục hơn 400 tỷ doanh thu cả trong nước và nước ngoài. Còn bộ phim Ròm cũng thu hút được sự chú ý của giới chuyên môn cùng doanh thu phòng vé hơn 60 tỷ đồng, bên cạnh đó phim cũng chu du nhiều LHP quốc tế và đạt được thành tích. Vậy BGK đánh giá thế nào về hai bộ phim này, thưa ông?
- Hai phim Bố già và Ròm cũng có những ưu điểm nổi trội, nhưng trong cách mô tả hiện thực xã hội, có những tình tiết được cho là hơi quá đà, dẫn đến một cái nhìn có vẻ bi quan và bế tắc.
●Giải thưởng năm nay được đánh giá là hài hòa giữa tính nghệ thuật và tính giải trí khi chọn Mắt biếc và Bố già để trao giải. Khi chấm giải Bông sen Vàng và Bông sen Bạc, Ban giám khảo đã đề ra những tiêu chí gì, thưa ông?
- Một phim được đánh giá thành công khi tạo được cảm xúc cho người xem. Những cảm xúc đó đến từ tính thẩm mỹ cao của người làm phim, nội dung độc đáo, có tính nhân văn và sự sáng tạo trong hình thức thực hiện. Tiêu chí sáng tạo mới lạ rất quan trọng, vì trước đây chúng ta vẫn theo những công thức cũ trong xây dựng cốt truyện, xem trước biết sau, nhân vật cứng nhắc trong những hình mẫu chính diện, phản diện, vận hành trên những trục xung đột kịch tính giả… và cách giải quyết sơ lược, dễ dãi.
●Các Giải thưởng năm nay đã được trao cho những chủ nhân rất xứng đáng, tuy nhiên vẫn có những giải gây tranh luận như giải Đạo diễn xuất sắc cho đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh bởi báo chí cho rằng bộ phim Bằng chứng vô hình của anh khi Việt hóa đã không thành công như tác phẩm gốc Blind. Xin ông cho biết vì sao Ban giám khảo lại chọn Trịnh Đình Lê Minh để trao giải thưởng này?
- Bằng chứng vô hình không nằm trong vòng tranh giải phim, nhưng thực sự là một phim chỉn chu về nghề nghiệp, đặc biệt là đạo diễn. Một câu chuyện hình sự phá án được khai thác dưới khía cạnh tâm lý xã hội khá sâu sắc, với nhiều tuyến nhân vật và các mối liên hệ phát triển đa dạng và đầy bất ngờ. Có thể câu chuyện dựa trên một mẫu hay có sẵn, nhưng giọng kể nhẹ nhàng, không lên gân, thậm chí đầy chất dí dỏm của đao diễn Trịnh Đình Lê Minh đã giữ được nhịp điệu cuốn hút của phim. Nói phim này không bằng phim gốc, tôi e là một nhận xét cảm tính chủ quan. Điều có thể thấy là anh đã không cần dẫm chân đi theo người trước mà có lối đi riêng của mình.
●Ông đánh giá thế nào về tay nghề của các đạo diễn trong những bộ phim độc lập như Ròm, Miền ký ức?
- Đạo diễn Trần Thanh Huy làm phim đầu tay Ròm đã chứng tỏ tài năng của mình với khuynh hướng sáng tạo độc đáo, được giới làm nghề trong cũng như ngoài nước đánh giá cao. Miền ký ức của đao diễn Bùi Kim Quy có tính chất phim tác giả, đầy suy tưởng, đề cập đến vấn đề lằn ranh giữa sự sống và cái chết. Chúng tôi rất thích thú với dạng phim này, nhưng rất tiếc là vẫn mang tính thử nghiệm, chưa đạt được “ độ chín” về mặt kịch bản và đạo diễn.
●Vậy còn các đạo diễn làm phim đầu tay như Kiều hay Con đường có mặt trời?
- Những bộ phim này vẫn chưa thấy nhiều sáng tạo, khá công thức trong đường dây cốt truyện và xây dựng nhân vật.
●Xin trân trọng cảm ơn ông!
NGÔ HỒNG VÂN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 484, tháng 12-2021