Thêm một lối ra cho sân khấu

Trước khi đại dịch COVID-19 làm đình trệ mọi hoạt động kinh tế, sinh hoạt văn hóa thì Đài truyền hình Việt Nam đã có một chương trình Nhà hát truyền hình để đưa nhiều vở diễn thuộc các loại hình nghệ thuật truyền thống như kịch nói, chèo, cải lương, tuồng… đến với khán giả. Dịch COVID-19 bùng phát, ngoài Nhà hát truyền hình, Nhà hát trực tuyến cũng là một kênh để đưa văn hóa nghệ thuật đến cho người dân.

Vở rối Trăng đất Việt

Khi các loại hình giải trí tràn ngập trên truyền hình, trên mạng Internet... các sân khấu phải đối mặt với tình huống ngày càng thưa vắng khán giả. Sự thay đổi như vũ bão của công nghệ, kỹ thuật, kỹ xảo và các loại hình giải trí trên mạng đã đem đến cho khán giả nhiều khám phá và trải nghiệm mới lạ. Trong khi đó, sân khấu truyền thống với những niêm luật bó buộc về lớp lang, hồi, cảnh, thắt nút, mở nút, cao trào... khiến cho việc thay đổi diễn ra chậm chạp. Việc lưu giữ và xây dựng các vở kịch phần lớn vẫn tuân theo hình mẫu truyền tải cũ khiến nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống bị vơi dần sức hấp dẫn theo thời gian và kéo theo lượng khán giả tụt giảm. Nhiều vở diễn dù được các nhà hát dày công xây dựng dựa theo những kịch bản nổi tiếng trong và ngoài nước nhưng vẫn chỉ đến được với số ít khán giả cũng như khó tạo được tiếng vang lớn trong đời sống văn hóa, giải trí hiện đại. 

Nhằm lưu giữ những vở kịch kinh điển, những tác phẩm điển hình trong nghệ thuật truyền thống của dân tộc thuộc nhiều loại hình như chèo, tuồng, cải lương, ca kịch, bài chòi, kịch nói…, chương trình Nhà hát truyền hình đã ra đời. Ngoài một số ít vở ghi hình trực tiếp (có sân khấu trình diễn, có khán giả…) thì nhiều vở được dựng lại để thu hình. Ở một số vở được dựng lại và phát trên chương trình Nhà hát truyền hình tuy không có cái lộng lẫy của sân khấu, sự hào hứng, nồng nhiệt của những tràng vỗ tay nhưng hình thức truyền tải này đã đưa nhiều vở kịch đến được với đông đảo người xem và giúp nuôi dưỡng, phát triển tình yêu với sân khấu truyền thống. Với lịch phát sóng cố định, đều đặn, các nhà hát đã có một đầu ra để quảng bá cũng như gìn giữ, tôn vinh những tác phẩm đặc sắc. Khán giả yêu mến chương trình này cũng có thêm những lựa chọn trong hàng trăm kênh sóng được phát 24/24. Nhờ có Nhà hát truyền hình mà một loạt vở diễn cả cũ và mới đã được lên sóng. Người xem biết đến vở Dưới cát là nước (kịch nói), Thân phận nàng Kiều, Trăng đất Việt (múa rối), Trung thần (Tuồng)…

Vở kịch nói Dưới cát là nước

Nhờ có những chương trình Nhà hát truyền hình được duy trì đều đặn mà một lớp công chúng lớn tuổi hay công chúng trẻ có cơ hội thưởng thức, biết đến các loại hình nghệ thuật truyền thống. Lớp khán giả lớn tuổi được xem lại những vở kịch đã nằm lòng theo thời gian như vở chèo 3 tập Bài ca dựng nước, vở Nghêu sò ốc hến, Gánh hành thần… khi họ khó có cơ hội được xem lại chúng trên các sàn diễn. Lớp khán giả trẻ qua các lần tiếp xúc với loại hình này cũng có người hiểu, thích và bắt đầu tìm hiểu. Trước khi đại dịch ập đến làm thay đổi mọi thứ thì chính chương trình Nhà hát truyền hình được duy trì đều đặn đã là một đầu ra, một kênh giải trí cho nghệ sĩ và khán giả.

Giữa tràn ngập những gameshow, những kênh phim phát bất tận 24/24, nhiều tiết mục của Nhà hát truyền hình đã đem tới những phút giây giải trí hoàn toàn khác. Việc đắm mình trong những vở kịch rồi bị hút vào những câu thoại, nhân vật qua đó thấm dần cái hay, cái sâu sắc hàm chứa trong câu nói, tình tiết, động tác của chèo, tuồng… cũng góp phần tìm kiếm và nuôi dưỡng một lớp khán giả mới cho các loại hình nghệ thuật truyền thống này. 

Những đổi mới đáng ghi nhận

Dõi xem chương trình Nhà hát truyền hình thì bên cạnh những vở diễn tuân thủ hình thức truyền tải và nội dung của những vở diễn nổi tiếng, kinh điển đã có một số vở được dàn dựng theo lối mới. Vở kịch nói Dưới cát là nước được nhiều đoàn dàn dựng. Vở đưa lên truyền hình là của đoàn Kịch nói Quân Đội. Với cách dựng cách điệu là những mặt người ẩn sau chiếc mặt nạ, vở kịch đưa người xem tiếp cận với ngôn ngữ kịch mới đầy ẩn dụ mà vẫn bật lên được ý nghĩa: Chỉ có tình yêu thương mới giúp con người xóa bỏ hận thù, xích lại gần nhau giống như dưới lớp cát bỏng cháy là nguồn nước mát lành. Êkip đã chọn cách dựng tối giản và hình thức này đã giúp khán giả tập trung và làm bật lên được nội dung của vở kịch. 

Đặc biệt hai vở rối Thân phận nàng Kiều và Trăng Đất Việt của Nhà hát múa rối Việt Nam khi xuất hiện trong chương trình Nhà hát truyền hình đã mang tới rất nhiều công chúng cho hai vở diễn này. Trái với quan niệm hạn chế về rối, xem Thân phận nàng Kiều thì rối chính là lựa chọn tối ưu để gói gọn cuộc đời ba chìm bẩy nổi của nàng Kiều vào trong vở diễn. Trong Thân phận nàng Kiều, sự cách điệu về không gian, thời gian, chuyển cảnh bằng những con rối đặc trưng làm bật lên từng mẩu chuyện, kịch tính xảy ra trong cuộc đời nhiều thăng trầm, chìm nổi của Kiều. Các cung bậc lúc vui, lúc buồn, khi ba chìm bảy nổi, lúc khổ đau, tuyệt vọng hay hạnh phúc, quyền uy... đều chạm đến được người xem. Hình ảnh đại diện cho định kiến, dư luận hiện hình qua những con Vịt quoàng quạc, ngoác mỏ khá thú vị. Với những sáng tạo độc đáo, vở diễn đã giành được nhiều giải thưởng tại Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế 2019. Nhờ có truyền hình, vở diễn cũng tiếp cận được với đông đảo khán giả và góp phần thay đổi cách nhìn còn nhiều hạn chế về loại hình này. 

Vở rối Thân phận nàng Kiều

Một vở rối nữa cũng mang đến nhiều trải nghiệm mới lạ là vở Trăng đất Việt. Sử dụng cùng lúc hai loại hình rối cạn và rối nước, kết hợp giữa rối và người, vở diễn đã tái hiện khung cảnh của nhiều miền đất nước dưới ánh trăng. Khi là vùng non cao với tiếng khèn, tiếng sáo, lúc là vùng Bắc Bộ với chiếc nón thân quen, khi là vùng kênh rạch với chiếc xuồng sông nước. Khi trên bờ, khi dưới nước, cuộc sống của dải đất hình chữ S được tái hiện với nhiều cảnh vật, sinh hoạt quen thuộc. 

Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông thì việc xây dựng Nhà hát truyền hình, Nhà hát trực tuyến là xu thế của thời đại. Cùng với Nhà hát truyền thống, nhà hát truyền hình, nhà hát trực tuyến góp phần phát triển, lan tỏa nghệ thuật sân khấu, nghệ thuật biểu diễn. 

Nghệ sĩ Xuân Bắc thì cho biết: “Cần tận dụng công nghệ nhiều hơn, rộng hơn trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Nhà hát Kịch Việt Nam đang xây dựng các chương trình, nội dung giải trí trên các nền tảng mạng xã hội, như YouTube, TikTok để tăng tương tác với khán giả, quảng bá tác phẩm mới…”.

Vở tuồng Trung thần

Trong những tháng dịch bệnh hoành hành, Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đã xây dựng kênh Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam trên YouTube và Facebook để phát trực tuyến một số cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Hình thức phát trực tuyến này đã giúp nghệ sỹ và khán giả cả nước cùng cập nhật mọi thông tin về các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp mà không cần phải tới xem trực tiếp. Hình thức này mới có thể trở thành giải pháp cho sân khấu trong thời đại 4.0. Trong tương lai, Nhà hát truyền hình, Nhà hát online sẽ tồn tại song song với Nhà hát truyền thống, phục vụ cả hai đối tượng: Khán giả trực tiếp đến sân khấu và khán giả qua màn ảnh nhỏ.

Với Nhà hát truyền hình và giờ đây có thêm Nhà hát trực tuyến, Nhà hát online… sân khấu Việt có thêm những lối ra để tiếp cận gần hơn với công chúng. Bên cạnh gìn giữ, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, việc có thêm những đổi mới, tiệm cận sân khấu hiện đại, phát triển sẽ giúp sân khấu có thêm nhiều lớp công chúng mới cho mình.

CẨM TIÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 484, tháng 12-2021

;