1. Xác định và nhận diện môn học
Hát dân ca là bộ môn bắt buộc trong chương trình đào tạo bậc đại học chuyên ngành âm nhạc và sư phạm âm nhạc ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhạc viện TP.HCM, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Học viện Âm nhạc Huế… Mặc dù giống nhau về nội hàm, tức là các cơ sở đào tạo âm nhạc đều cho học sinh, sinh viên học hát một số bài dân ca điển hình của các vùng trong cả nước, nhưng mỗi cơ sở đào tạo lại có tên gọi khác nhau: môn dân ca, môn hát dân ca, môn dân ca Việt Nam…
Việc đưa môn học này trở thành môn bắt buộc đối với sinh viên chuyên ngành sư phạm âm nhạc cũng nằm trong quan điểm của Đảng ta về chiến lược đào tạo con người Việt Nam gắn liền với việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta xác định con người là vốn quý nhất, việc bồi dưỡng con người toàn năng là mục tiêu, động lực - một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đặc biệt, từ Đại hội VI (1986), với sự đổi mới toàn diện cả về lý luận và thực tiễn, Đảng ta luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển, là đối tượng, mục tiêu và động lực của mọi hoạt động kinh tế, xã hội.
Ý thức được vai trò, vị trí của nguồn lực con người trong phát triển đất nước, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về công tác giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài; xác định giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục luôn được ưu tiên, chiếm 20% tổng chi ngân sách nhà nước.
Hơn nữa, Đảng ta cũng rất coi trọng văn hóa. Trong kháng chiến, văn hóa được coi như vũ khí tinh thần, có vai trò động viên, cổ xúy quân và dân ta hăng hái đánh giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa. Đến thời kỳ công nghiệp hóa, toàn cầu hóa, Đảng ta nhìn nhận lại một lần nữa vai trò của văn hóa, coi văn hóa như động lực thúc đẩy và phát triển nền kinh tế xã hội. Vấn đề này đã được khẳng định rõ trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng, đặc biệt được nhấn mạnh trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể nói chung, trong đó có âm nhạc dân gian của các vùng/miền, tộc người nói riêng là vấn đề mang tính sống còn đối với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay. Vấn đề này, Nhà nước đã giao nhiệm vụ cho Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) thực hiện Chương trình quốc gia về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể. Rõ ràng, việc bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc không của riêng ai, mà của toàn xã hội.
Từ những vấn đề trên có thể thấy, việc đưa môn dân ca vào dạy ở chương trình đại học cho một số chuyên ngành, trong đó có chuyên ngành sư phạm âm nhạc, nhìn trên phương diện về đào tạo con người toàn diện và bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, việc nhìn nhận môn học hát dân ca ở các trường âm nhạc chuyên nghiệp hoặc các trường có chuyên ngành âm nhạc vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Vấn đề này, tác giả Phạm Lê Hòa cho rằng: “Việc truyền dạy những âm điệu âm nhạc dân tộc truyền thống cho thế hệ trẻ ở Việt Nam hiện nay là một vấn đề còn nhiều bất cập… Tuy thế hệ trẻ hiện nay vẫn có thái độ trân trọng di sản văn hóa âm nhạc dân gian truyền thống của quê hương, nhưng không có khả năng diễn xướng những giai điệu đó một cách chính xác và đúng phong cách. Các em cho rằng những lời ca cổ đó lạc hậu, khó hiểu làm họ rất khó thuộc” (1).
Bên cạnh những vấn đề tồn tại nêu trên, môn dân ca Việt Nam tại Học viện Âm nhạc Huế còn tồn tại nhiều bất cập xung quanh các phương diện như: quan điểm của lãnh đạo và ban giám hiệu, của giảng viên, sinh viên cũng như sự chưa phù hợp trong chương trình, giáo trình, thời gian và phương pháp dạy học.
2. Vai trò của môn dân ca Việt Nam trong chương trình tại Học viện Âm nhạc Huế
Dân ca có vai trò khá quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân, được hiểu là “những bài hát cổ truyền do nhân dân sáng tác, được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác và được nhân dân ca hát theo phong tục tập quán của từng địa phương, từng dân tộc” (2). Có thể nói, ở một phương diện nào đó, dân ca là bức tranh thu nhỏ của xã hội Việt Nam. Nó ra đời không phải sự ngẫu nhiên, mà là cả một quá trình tích tụ, vận động, sáng tạo của tập thể nhân dân lao động. Dân ca không chỉ là bài hát đơn thuần, mà nội dung của nó được cấu thành bởi nhiều yếu tố như: môi trường (đồng ruộng, sông nước…); lao động (nhịp điệu, cường độ); phong tục, tập quán (kết chạ, kết bạn…); nghi lễ, tín ngưỡng, tôn giáo; ngôn ngữ, ngữ điệu; âm nhạc. Nếu nhìn vào tầng sâu trong lời ca còn thấy sự đa dạng, đa chiều của nhiều lớp văn hóa về lịch sử, xã hội, cách ứng xử và các tri thức dân gian mà lớp người xưa ký thác lại qua lời ca và giai điệu âm nhạc.
Nếu như phần nội dung văn học trong dân ca giữa các vùng ít biến đổi thì phần lời ca lại có sự biến đổi đáng kể bởi những hư từ. Sự biến đổi này là do yếu tố ngôn ngữ, vùng/ miền, tộc người cũng như các yếu tố xã hội, ngành nghề… quyết định. Điều này kéo theo sự biến đổi đáng kể và có lẽ đây cũng là một trong những nhân tố tạo ra sự khác biệt giai điệu âm nhạc của các bài dân ca giữa các vùng miền.
Có thể khẳng định rằng, dân ca Việt Nam nói chung, trong nội hàm của nó đã chứa đựng nhiều giá trị về: văn hóa, xã hội, nghệ thuật. Đó là kết quả của sự sáng tạo và quá trình trao truyền không ngừng nghỉ trong dân gian. Dân ca, xưa kia là đặc sản tinh thần của người dân lao động, ngày nay là tài sản chung của toàn xã hội. Với lý Huế cũng vậy, tuy là sản phẩm do người dân xứ Huế xưa sáng tạo, nhưng ngày nay giá trị tinh thần ấy đã lan tỏa rộng khắp. Để sức lan tỏa của lý Huế được xa hơn, rộng hơn thì việc bảo tồn những giá trị ấy thông qua việc truyền dạy cho thế hệ trẻ hiện nay là vấn đề cần được quan tâm một cách đúng mức. Việc đưa các bài hát dân ca vào chương trình giảng dạy cho sinh viên thông qua môn dân ca Việt Nam, chứng tỏ nội hàm của môn học có nhiều vấn đề để cung cấp những kiến thức cho người học. Mặt khác, với tư cách là một môn học có tên riêng đứng ngang hàng với các môn khác về nội dung, thời lượng cho thấy những người thiết kế chương trình đào tạo đại học âm nhạc đã phần nào nhận biết được vai trò quan trọng của môn học.
Dạy học môn dân ca Việt Nam, cả thày và trò ít nhiều sẽ hiểu được nhiều vấn đề trong xã hội xưa, đặc biệt là cách ứng xử giữa con người với con người. Đó là những cách ứng xử có văn hóa, bởi dân ca là những bài ca do nhân dân sáng tác được hát trên nền tảng lời của những bài ca dao. Tất nhiên, cũng là lời lấy từ ca dao, nhưng khi trở thành lời bài dân ca thì rõ ràng nó được nâng lên ở một tầm cao hơn. Chính là để hát, nên các nghệ sĩ dân gian đã phải chọn lọc những lời ca sao cho phù hợp với giai điệu và có tính văn học nhất. Chúng tôi chỉ lấy một ví dụ nhỏ trong cuộc sống xưa, chẳng hạn không may lấy được người bạc bẽo, người phụ nữ không la lối om sòm, mà chỉ nhỏ nhẹ than rằng: “Sao tệ, tệ thấy chàng; sao bạc, bạc thấy chàng”. Hay: “Muối để ba năm, muối còn mặn/ Gừng ngâm chín tháng, gừng còn cay/ Một lời chàng đó thiếp đây/ Can chi lo chuyện đổi thay rứa chàng”.
Dạy học môn dân ca Việt Nam, thày và trò phần nào hiểu và nắm được các thể thơ dân gian chính thức và biến thức. Các thể thơ gồm: 4 chữ, 5 chữ, 6/8, 7 chữ, thể song thất lục bát… cũng như các thủ pháp xây dựng hình tượng trong lời thơ. Dạy học môn dân ca Việt Nam, thày, trò sẽ được chìm đắm trong những giai điệu âm nhạc nhiều màu sắc, có thể học ở đó thủ pháp tiến hành giai điệu của các nghệ nhân dân gian thể hiện qua từng bài dân ca, đặc biệt là thủ pháp phổ nhạc vào thơ.
Bên cạnh đó, dạy học môn dân ca Việt Nam sẽ giúp cho thày, trò nhận thức được sự giống và khác nhau cơ bản giữa âm nhạc dân tộc và âm nhạc phương Tây. Đây có lẽ là một trong những cơ sở để xây dựng lòng tin cho sinh viên chuyên ngành liên quan đến âm nhạc dân tộc, lấy lại sự cân bằng trong cách nhìn nhận đánh giá vai trò ngang nhau của các chuyên ngành đang đào tạo trong Học viện. Nói xa và rộng hơn nữa, đây là một trong những cơ sở có tính nền tảng để thày, trò xác định được bản sắc văn hóa âm nhạc trong thời hội nhập hiện nay.
3. Về nội dung chương trình đào tạo và những vấn đề từ thực tiễn
Cho đến thời điểm hiện tại, môn dân ca Việt Nam được giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Huế vẫn chủ yếu dùng Chương trình chi tiết học phần dân ca do Dương Bích Hà biên soạn năm 2007, gồm cả lý thuyết và thực hành. Đối tượng học là sinh viên sư phạm năm thứ 3. Để được học môn học này, sinh viên phải có nền tảng kiến thức về nhạc lý cơ bản và các môn cơ sở về âm nhạc. Học viên sẽ làm quen với các làn điệu dân ca 3 miền (Bắc, Trung, Nam). Nội dung được chia thành 2 phần:
Phần thứ nhất: Khái niệm chung về môn dân ca Việt Nam và phương pháp học hát môn dân ca Việt Nam, gồm các vấn đề: nghe giảng viên hát, sau đó giảng viên sẽ tập cho sinh viên hát (chủ yếu bằng phương pháp truyền khẩu), học viên hát theo cho chuẩn; nắm được xuất xứ của từng bài; phân tích nội dung bài dân ca trên phương diện, nội dung, thang âm điệu thức và việc các nhạc sĩ áp dụng bài đó (nếu có thể) để đưa vào sáng tác mới. Kết thúc môn học, ngoài việc hát thuộc các bài dân ca, sinh viên sẽ làm một bản thu hoạch tổng hợp về các kiến thức âm nhạc.
Phần thứ hai: Các bài dân ca được chọn, gồm 37 bài, như: Ru con (dân ca Tày), Gà gáy le te (dân ca Coống Khao), Xe chỉ luồn kim (dân ca Quan họ Bắc Ninh), Duyên phận phải chiều (dân ca Phú Thọ), Lới lơ (chèo), Hò đường trường (dân ca Thanh Hóa), Ví ghẹo (dân ca Nghệ An), Ví dặm (dân ca Hà Tĩnh), Hò khoan Lệ Thủy (dân ca Quảng Bình), Lý năm canh (lý Huế), Lý nam xang (lý Huế), Lý thương nhau (dân ca Quảng Nam), Lý Thiên thai (dân ca Quảng Nam), Chim bay xa (dân ca Chăm), Mùa xuân đi câu cá (dân ca Ba na), Lý con sáo Gò Công (dân ca Nam Bộ)… Số lượng các bài dân ca đưa vào chương trình khá nhiều và phong phú, đặc biệt, lý Huế gồm 6/37 bài. Tính đa dạng, vùng miền là điều vô cùng cần thiết, trang bị cho sinh viên khối lượng kiến thức phổ quát về dân ca. Tuy nhiên, khi nhìn nhận trên nhiều phương diện thì có lẽ người dạy cần quan tâm tới một số vấn đề sau:
Đây là chương trình dành cho sinh viên sư phạm âm nhạc, xây dựng theo khung chương trình và được Bộ GDĐT phê duyệt. Do đó muốn hay không, chương trình phải đảm bảo được cả về dung lượng bài và thời gian thực hiện. Chúng tôi hiểu rằng, không phải tất cả bài trong chương trình đều đưa hết vào để dạy cho sinh viên. Với biên độ bài rộng như vậy, giảng viên sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn, trong đó bài nào hợp với thế mạnh của mình thì dạy cho sinh viên. Đây rõ ràng là một lợi thế cho giảng viên, nhưng có thể lại tạo ra sự bất lợi cho tính vùng miền trong dân ca. Mặc khác, nội dung chương trình của môn học được thực hiện trong 6 đơn vị học trình (90 tiết), chưa bàn đến khả năng dạy của giảng viên, chỉ nhìn vào số lượng bài và thời gian thực hiện, như vậy là hợp lý. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, do yếu tố chủ/ khách quan tác động, số tiết của môn học bị cắt giảm khá nhiều.
Hơn nữa, Học viện Âm nhạc Huế ngoài đào tạo diễn viên, nhạc công, nhạc sĩ, các nhà lý luận âm nhạc… còn có nhiệm vụ tham gia nghiên cứu bảo tồn, phát huy các giá trị âm nhạc dân gian xứ Huế nói riêng và khu vực miền Trung Tây Nguyên nói chung. Nhiệm vụ này nằm trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 tầm nhìn 2030 của Bộ VHTTDL. Phải xác định rõ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc cũng là một trong những nhiệm vụ then chốt của chiến lược phát triển văn hóa trong thời đại mới. Phải tập trung điều tra, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và văn hóa phi vật thể; các loại hình nghệ thuật cổ truyền đặc sắc, văn hóa dân gian của từng địa phương… Điều tra, sưu tầm, xây dựng ngân hàng dữ liệu về văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể tiêu biểu. Kết hợp với các sở VHTTDL để đưa dân ca vào trường học, đó là một quan điểm đúng đắn về bảo tồn di sản văn hóa ngay trên địa bàn sinh ra thể loại đó.
Cho dù Học viện Âm nhạc Huế là cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp thuộc Bộ VHTTDL nhưng vẫn có sự liên đới nhất định với Bộ GDĐT, đặc biệt khi Học viện đào tạo khối sư phạm âm nhạc. Tuy nhiên, với âm nhạc dân gian, Bộ GDĐT cũng thể hiện được đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời hội nhập. Với dân ca của các địa phương, một chiến lược về đào tạo con người đã được Bộ GDĐT thực hiện đó là: đưa dân ca vào học đường ngay ở các bậc học phổ thông, để tạo cho học sinh một tầng nền tri thức về dân ca, và khi tiếp xúc với dân ca ở các cấp học trên, các em sẽ không còn bỡ ngỡ.
Từ những vấn đề về đường hướng chiến lược phát triển văn hóa của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, chúng tôi coi đó là cơ sở lý luận để nhìn nhận lại nội dung chương trình môn dân ca Việt Nam, nếu tiếp tục được áp dụng trong những năm tới thì nên chú ý mấy vấn đề sau:
Thứ nhất, cần xác định lại đối tượng đào tạo ở đây là sinh viên sư phạm âm nhạc. Sau này khi tốt nghiệp ra trường, các em không đơn thuần chỉ là thày, cô giáo dạy nhạc ở trường phổ thông, mà còn là người trực tiếp giữ gìn, truyền đạt những làn điệu dân ca đặc sắc của các vùng miền trong cả nước tới học sinh trong trường. Trách nhiệm trong tương lai là cao cả như vậy, nhưng hiện nay, số giờ lên lớp dành cho môn dân ca Việt Nam lại quá ít. Nội dung chương trình môn dân ca Việt Nam rất phong phú, đa dạng, nhưng không phải tất cả các bài trong nội dung chương trình đều được đưa vào giảng dạy mà giảng viên sẽ chọn một số bài đảm bảo tiêu chí về vùng miền. Họ thường chọn: Lới lơ (chèo), Xe chỉ luồn kim (dân ca quan họ), Lý Hoài xuân (lý Huế) và một số bài ngoài chương trình biên soạn như Ru em (dân ca Gia rai), Lý ngựa ô, Lý kéo chài (Nam Bộ). Đây đều là những bài quen thuộc với sinh viên, thậm chí họ đã thuộc giai điệu. Với thời gian thực học khoảng 2-3 tiếng/buổi, giảng viên phải dạy sinh viên một bài, như vậy buổi học chỉ mang tính giới thiệu.
Thứ hai, qua quá trình học của bản thân, tôi thấy để hiểu, hát ra chất một bài dân ca là điều không đơn giản. Đặc biệt, đối với bài Lới lơ, Xe chỉ luồn kim, không dễ dàng hát luyến láy, vang rền như sinh viên ở khu vực châu thổ sông Hồng. Điều này có lẽ là do ngôn ngữ vùng miền ảnh hưởng nhiều đến việc phát âm, nhả chữ trong giai điệu của hai bài dân ca. Có lẽ, việc sử dụng bài hát trong chương trình giảng dạy môn dân ca Việt Nam cũng cần được xem xét lại.
Thứ ba, phải dứt khoát về cách tư duy và thống nhất quan điểm trong dạy học: học đến đâu hiểu biết đến đó, học bài nào phải hiểu và hát được bài đó. Vì thế không nên tràn lan, không dạy và học theo kiểu điểm mặt, chỉ tên bài trong môn học. Điều đó dẫn đến tình trạng nửa vời, người dạy và người học rơi vào tình trạng cưỡi ngựa xem hoa mà không biết và không hiểu sâu sắc vấn đề nào một cách tường tận.
Có thể thấy, việc giảng dạy dân ca hiện nay còn tồn tại nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Trước tiên, đó là phải có nhận thức đúng đắn về môn học, trên cơ sở đó sẽ điều chỉnh lại nội dung giáo trình cho ngắn gọn, phù hợp với yếu tố vùng miền và phù hợp với thời gian học tập. Bên cạnh đó, giảng viên phải tự nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với chương trình và đối tượng học.
_______________
1. Phạm Lê Hòa, Giữ gìn bản sắc là vấn đề sống còn của âm nhạc dân tộc cổ truyền trong bối cảnh toàn cầu hóa, spnttw.edu.vn.
2. Phạm Phúc Minh, Tìm hiểu dân ca Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1994, tr.11.
Tác giả : Nguyễn Hoàng Tịnh Uyên
Nguồn : Tạp chí VHNT số 410, tháng 8-2018