Cách Hà Nội 76km về phía Tây Bắc, Hòa Bình thuộc khu vực chuyển tiếp giữa vùng đồng bằng sông Hồng và vùng núi phía Tây Bắc của Tổ quốc nên có địa hình, cảnh quan phong phú, phù hợp để phát triển những loại hình du lịch sinh thái, khám phá và nghỉ dưỡng. Đặc biệt, Hòa Bình là nơi lưu trú lâu đời của đồng bào dân tộc Mường, Kinh, Thái, Tày, Mông, Dao với nhiều nét văn hóa độc đáo. Đây là những lợi thế cạnh tranh không nhỏ, tạo sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách. Hiện nay, cùng với sự phát triển của các loại hình du lịch ở các địa phương khác trong tỉnh, du lịch sinh thái trên hồ Hòa Bình đang được đầu tư mạnh, có trọng tâm, trọng điểm.
Khu du lịch hồ Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030 tại quyết định số 1528/QĐ-TTg, ngày 1-8-2016. Với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, đa dạng, có cảnh quan đẹp, được ví như vịnh Hạ Long trên cạn, cùng với sự phát triển các loại hình du lịch nói chung, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng đã trở thành mối quan tâm của các nhà đầu tư, đang có bước phát triển, trở thành điểm nhấn trong phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình, nhằm khai thác lợi thế mặt nước, cảnh quan, hệ sinh thái tự nhiên và các giá trị văn hóa dân tộc Mường, tạo nên sự khác biệt về sản phẩm du lịch, góp phần tạo dựng thương hiệu của khu du lịch hồ Hòa Bình.
Hồ Hòa Bình là hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, trải dài 230km từ Hòa Bình đến Sơn La. Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, hồ nằm trong địa bàn của thành phố Hòa Bình và 4 huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu. Nơi đây còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mường, Dao. Thế mạnh của khu du lịch hồ Hòa Bình có giá trị nhất đối với hoạt động du lịch đó là địa hình, khí hậu, nước, rừng, bản sắc văn hóa của tộc người… Tất cả điều kiện tự nhiên và nhân văn này tạo cho khu du lịch hồ Hòa Bình một dáng vẻ riêng mà không phải địa phương nào cũng có được. Trong đó, các loại tài nguyên sinh thái nhân văn của cộng đồng người sinh sống quanh lòng hồ Hòa Bình đã hòa quyện vào nhau làm cho nơi đây trở thành điểm du lịch mang bản sắc riêng. Hồ Hòa Bình không chỉ thiên về nghỉ mát, hoặc du ngoạn đơn thuần… mà là một sự chiêm ngưỡng, du lịch với một hàm lượng văn hóa cao. Bởi môi trường sinh thái văn hóa của các tộc người là đối tượng cung cấp nhiều thông tin cho khách du lịch. Đó là nơi cư trú, sinh sống, làm ăn… của các tộc người được định hình trong quá trình lịch sử và hiện đại, trên các loại địa hình, gắn với một không gian cụ thể, một phong cách kiến trúc, một loại hình canh tác…
Trước đây, các xóm, bản ven hồ chỉ thuần túy là hoạt động nông, lâm nghiệp, đánh bắt thủy sản, đến nay, nhiều hộ đã chuyển sang làm du lịch theo hình thức homestay, tiêu biểu như ở bản Ngòi (Ngòi Hoa), xóm Ké (Hiền Lương), xóm Đá Bia (Tiền Phong)... Một vài năm trở lại đây, hoạt động du lịch ở khu vực hồ Hòa Bình đã được tỉnh nâng tầm, khai thác, phát triển, được coi là hoạt động xóa đói giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Có thể nói, du lịch đã tác động không nhỏ đến đời sống của người dân địa phương, khiến cho hoạt động này ngày càng trở nên sôi nổi. Từ một bản, dần dần nhiều bản trong khu du lịch hồ Hòa Bình cũng tham gia làm du lịch. Trước đây, chuyện làm du lịch ở địa điểm này không mấy phổ biến. Nhưng nay, việc có nhiều bản, nhiều hộ gia đình làm du lịch đã trở thành một hiện tượng khá phổ biến. Nhiều ngôi nhà của người dân cũng nhanh chóng được sửa sang lại, đầu tư trang thiết bị để thu hút khách. Những cái tên như: homestay Ngọc Nhềm, homestay LakeView, homestay Đinh Thu (xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc), homestay Bùi Hiện, homestay Moon house (xóm Ngòi, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc), homestay Hữu Thảo, homestay Sánh Thuấn, homestay Sắc Luyến (xóm Ké, xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc)…thực sự thu hút du khách.
Hiện nay, trong phát triển du lịch dạng homesay ở các bản thuộc khu du lịch hồ Hòa Bình, các gia đình có nhu cầu phát triển du lịch sẽ phải tự bỏ vốn ra đầu tư, bên cạnh đó họ cũng được hỗ trợ của tỉnh và các đơn vị, tổ chức khác. Thông thường là nguồn kinh của các tổ chức phi chính phủ dành cho đồng bào thiểu số vùng cao, vùng xa; ngân sách nhà nước; các doanh nghiệp địa phương; các doanh nghiệp lữ hành; cuối cùng nguồn tài chính chủ yếu và quan trọng nhất là của người dân. Vì vậy, mà nhiều hộ dân trong các bản muốn phát triển du lịch homestay, nhưng không thể thực hiện được, bởi họ thiếu vốn, thiếu điều kiện cơ sở vật chất (đặc biệt là không có nhà sàn đủ rộng và còn giữ được kiến trúc cũ) để kêu gọi vốn đầu tư... Trong khi đó, các nguồn vốn khác chỉ hỗ trợ và cho mượn không lời, trả lại bằng dịch vụ để tiếp tục mở rộng và phát triển. Việc quan trọng là thay đổi cách nghĩ, đả thông tư tưởng, tìm sự đồng thuận. Homestay là cách làm kinh tế mới của người dân để họ chủ động tham gia. Có thể thấy, sự tự thân vận động của các gia đình làm du lịch cùng sự hỗ trợ từ các nguồn bên ngoài là một cách mở lối thu nhập cho cộng đồng người dân tộc ở khu du lịch hồ Hòa Bình.
Các xóm, bản ven khu du lịch hồ Hòa Bình hiện vẫn còn hoang sơ, nghèo khó, giao thông đi lại khó khăn, thế nhưng lại có sức hút du khách. Bản Đá Bia, xóm Ngòi, bản Ké… có không gian văn hóa, cảnh quan vẫn giữ được gần như nguyên bản là những yếu tố tạo sự hấp dẫn, thu hút để phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay, các đoàn khách đến với khu du lịch hồ Hòa Bình chủ yếu là khách quốc tế, thường là đi theo nhóm. Trong khi đó, có rất ít đoàn khách Việt đến. Trên cơ sở các nguồn khách khác nhau và điều kiện tự nhiên của từng vùng, các bản sẽ lựa chọn các chương trình du lịch sao cho phù hợp. Nhìn chung hoạt động du lịch chính dành cho khách của các bản ở khu du lịch hồ Hòa Bình thường là xem văn nghệ, đi bộ, leo núi, đi rừng, chèo thuyền, câu cá…. Bên cạnh việc xây dựng các loại hình du lịch phù hợp cho khách, các homestay cũng có những sự đầu tư cả về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Nhờ được sự giúp đỡ của chính quyền, sự tư vấn của các công ty du lịch, các tổ chức phi chính phủ, người dân khu du lịch hồ Hòa Bình được tham gia các lớp tập huấn hằng năm về nghiệp vụ, phương thức làm du lịch cộng đồng, tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh bạn. Một vài năm trở lại đây, các hộ trong khu du lịch hồ Hòa Bình đều có sự đầu tư về cơ sở vật chất như: bố trí phòng nghỉ hợp lý, tiện nghi, xây dựng các công trình phụ trợ… hiện đại nhưng vẫn bảo lưu được nét truyền thống. Có thể thấy, một trong những ưu điểm lớn của du lịch là khuyến khích khôi phục những nét văn hóa đã bị mai một hoặc bị mất đi. Người dân địa phương thấy được sự quan tâm, thích thú của khách du lịch đối với văn hóa, lối sống của cộng đồng mình thì niềm tự hào của người dân được nhân lên gấp bội. Vì vậy, người dân luôn có ý thức trong việc phục lại những nét văn hóa truyền thống như: xây dựng đội văn nghệ biểu diễn những làn điệu, điệu múa cổ truyền, giữ nguyên nhà sàn truyền thống…hiện nay, thực trạng là nhiều gia đình trong bản xây nhà bằng bê tông, làm mất đi cảnh quan truyền thống. Đứng trước nguy cơ này, chính quyền cùng công ty du lịch đã tích cực vận động người dân giữ lại nhà cổ, đối với những nhà đã xây, sẽ tìm cách khắc phục sao cho không ảnh hưởng tới môi trường du lịch chung.
Để đảm bảo duy trì tính bền vững của mô hình du lịch cộng đồng khu du lịch hồ Hòa Bình, cần phải cân nhắc và yêu cầu quản lý tốt việc thu nhập và cơ chế phân chia lợi ích cho các thành viên tham gia và cộng đồng cư dân bản địa. Điển hình trong cách làm này phải kể đến bản Đá Bia, đây được coi là một điểm sáng để nhân rộng cho các bản khác học theo. Cụ thể, bản Đá Bia được hình thành và phát triển từ 4 năm trở lại đây, khởi đầu là nhờ sự giúp đỡ của tổ chức AFAB Việt Nam. Dự án này nằm trong khuôn khổ xóa đói giảm nghèo lâu dài của AFAB tại Hòa Bình, hỗ trợ về tài chính cũng như tư vấn kỹ thuật trong phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp. Cho đến nay, nhiều gia đình đã có thu nhập cao từ hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, từ nguồn lợi thu về bởi hoạt động du lịch, họ thành lập một quỹ du lịch, quỹ này sẽ trích ra một khoản để hỗ trợ cộng đồng như xây khu vui chơi, nhà văn hóa thôn, nhà trẻ, hỗ trợ các gia đình khó khăn…
Thực tế, hoạt động du lịch cộng đồng đã được nhiều địa phương có nét tương đồng về văn hóa với Hòa Bình khai thác hiệu quả. Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được khách quốc tế yêu thích, nhưng theo ý kiến chung của du khách thì sản phẩm du lịch cộng đồng còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa có điểm nhấn giữa các bản khu du lịch hồ Hòa Bình. Ví dụ, trình diễn văn nghệ, thì hầu như các điệu múa đều na ná giống nhau, du khách xem ở bản này có thể không cần xem ở những bản khác. Hay như trong đời sống sinh hoạt, lễ nghi, phong tục… thì hầu như ở bản Mường nào cũng giống nhau. Thiết nghĩ, các vùng cần tạo dấu ấn riêng, thông qua những cái khác biệt. Chẳng hạn, lấy đặc sản vùng miền để tạo điểm nhấn như: bưởi đỏ Tân Lạc, cam Cao Phong, cơm lam Mường Động, xôi nếp nương Mai Châu…
Bên cạnh sự giúp đỡ của các tổ chức, công ty du lịch, thì có một vấn đề đối với chủ nhà - người trực tiếp làm homestay, đó là giải bài toán tìm nguồn khách. Vì thiếu kiến thức thị trường và không biết cách tìm nguồn khách, nên phải chịu sự lệ thuộc vào các đơn vị trung gian. Việc trông chờ nguồn khách của một vài đầu mối công ty du lịch nên lượng khách đến cũng không thường xuyên. Chính vì vậy mà hiệu quả kinh tế vẫn chưa cao. Tuy nhiên, hiện nay, do công nghệ phát triển, một vài hộ có con em được học hành, đã biết cách tiếp cận thông tin, lập trang web giới thiệu và nhận đặt phòng cho khách online. Tuy số lượng khách biết đến không nhiều, nhưng cũng đánh dấu sự tự thân vận động, nhập cuộc của người dân trong phát triển du lịch.
Lợi nhuận mà hoạt động du lịch đem lại đã có tác động to lớn trong đời sống của người dân khu du lịch hồ Hòa Bình, nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó, lợi nhuận cũng khiến con người dễ bị rơi vào tình trạng vì cái lợi trước mắt mà bất chấp khai thác quá mức những tài nguyên tự nhiên và nhân văn. Khoảng cách giữa lợi ích kinh tế và ý thức bảo vệ tài nguyên có lẽ cũng chỉ trong gang tấc. Tuy hiện nay, tỉnh Hòa Bình mới khai thác tiềm năng khu du lịch hồ Hòa Bình, nên có những định hướng phát triển phù hợp lâu dài. Nhìn ra thế giới, tại những nơi có nhiều điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng, họ đang phải đau đầu để giải quyết những ảnh hưởng tiêu cực của việc phát triển homestay không kiểu soát. Hội đồng thị trấn Kailua thuộc thiên đường nghỉ mát Hawaii (Mỹ) đã đề nghị sở du lịch bang Hawaii ngừng quảng cáo Kailua như một điểm đến của du khách, ngừng khuyến khích khách đến nơi này theo dạng homestay, không khuyến khích du khách ở lại qua đêm tại thị trấn. Lý do du lịch homestay ở đây đã phát triển quá mức khiến thị trấn quá tải, mang đến nhiều hệ lụy như làm giá cả sinh hoạt tăng cao, cuộc sống của người dân bị xáo trộn bởi lúc nào cũng có hàng đoàn người lạ đến và đi. Tại Ấn Độ, ngành Lâm nghiệp thị xã Sakleshpur, thuộc thành phố Hassan, bang Karnataka đang rất lo lắng tình trạng du lịch homestay phát triển vô tội vạ sẽ ảnh hưởng không tốt đến du khách và tác động xấu đến các khu rừng quanh thị xã…
Đứng trước những lợi ích mà hoạt động du lịch cộng đồng mang lại cho người dân khu du lịch hồ Hòa Bình, cũng cần phải thấy rằng, không thể chủ quan buông lỏng trong việc phát triển. Tuy hiện nay, khu vực này vẫn còn tài nguyên hoang sơ (lợi thế để phát triển), nhưng nếu không khai thác hợp lý, liệu nhiều năm sau sẽ ra sao? Chúng ta luôn luôn phải đặt câu hỏi để tìm câu trả lời, có như vậy, chúng ta mới khai thác bền vững nguồn tài nguyên này đúng với với mục đích, ý nghĩa ban đầu là phát triển bền vững, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân.
Tác giả: Tuệ Sam
Nguồn: Tạp chí VHNT số 415, tháng 1 - 2019