Là người dày công nghiên cứu hiện tượng học của Husserl, Trần Đức Thảo nhận thấy các phân tích cụ thể sẽ làm rõ ý nghĩa của chúng và được phát triển đầy đủ từ góc độ chủ nghĩa duy vật biện chứng. Trần Đức Thảo viết: “Nếu Husserl vẫn còn ở lại với truyền thống của chủ nghĩa duy lý duy tâm, đánh dấu sự nở rộ muộn màng của giai cấp tư sản Đức và những điểm tiến bộ chớm hé nở của nó, thì sự phát triển của ông cũng chỉ chứng tỏ không hơn gì một sự khắc khoải thắc mắc ngày càng tăng về nền tảng hiện thực của những ý nghĩa được nhằm vào trong ý thức” (1). Do vậy, ông đã kết nối hiện tượng học Husserl với chủ nghĩa duy vật biện chứng của Marx, qua đó khẳng định giá trị của triết học Marx.
1. Hiện tượng học Husserl giữa những lựa chọn của Trần Đức Thảo và chủ nghĩa Marx
Với trí tuệ uyên bác của tâm thế một nhà triết học, được đắm mình trong tinh thần khai sáng, cùng với khoảng thời gian ở Việt Nam (thuộc địa) và Pháp (chính quốc), Trần Đức Thảo nhận thấy rằng, để đạt hiệu quả trong lý luận và thực tiễn thì nghiên cứu hiện tượng học chưa đủ mà cần phải thay đổi nó. Ông nhận thấy “sai lầm của hiện tượng học không chỉ ở chỗ hiểu sai những kết quả và những tiền - giả định (lý thuyết), mà còn trong chính bản thân đề án hiện tượng học” (2), đồng thời khẳng định, Husserl vẫn nằm trong giới hạn của chủ nghĩa duy tâm, bởi Husserl chưa phân tích và nhận thức được mối liên hệ giữa tinh thần, ý thức với lịch sử của sự sống. Trần Đức Thảo bước đầu thấy rằng muốn nhận thức được mối liên hệ giữa ý thức, tinh thần và lịch sử phải đứng trên lập trường chủ nghĩa duy vật biện chứng của Marx. Trong cuốn Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, ông phê phán hiện tượng học, trong đó phê phán sự quy giản, cách hiểu hiện tượng học về sự quy giản, phương pháp chủ quan hay sự phản tư, bởi sự phản tư đối lập với việc nghiên cứu thực chứng và khách quan về ý thức. Trần Đức Thảo dẫn chứng lập luận của Marx về tính vật chất của ý thức. Ông nhận định: những tư tưởng, phát hiện của Husserl, tuy vẫn nằm trong giới hạn của chủ nghĩa duy tâm bởi chưa đặt hiện tượng tinh thần, tức tâm lý và ý thức trong mối liên hệ biện chứng với vật chất, đặc biệt nền sản xuất vật chất của xã hội nhưng rõ ràng Husserl đã tiến gần đến chủ nghĩa duy vật.
Trần Đức Thảo có sự nhất quán trong cách ông đọc Husserl, về thế giới cuộc sống, kinh nghiệm ở cấp độ tiền ngôn ngữ hay tiền phán đoán, cái hiện tại sống động, từ những phân tích hiện tượng học phát triển thành phép biện chứng của sự vận động hiện thực. Bởi lẽ, Trần Đức Thảo học tại trường sư phạm từ năm 1939 đến năm 1945, năm 1942 ông chọn Husserl làm đề tài làm luận văn tốt nghiệp cử nhân dưới sự hướng dẫn của Cavaillès. Cavaillès đánh giá đây là một luận văn xuất sắc về Husserl. Trong cuốn Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, Trần Đức Thảo đã làm chủ những phương diện khó nhất và đa dạng nhất trong tư tưởng của Husserl, nắm bắt bằng cái nhìn tổng thể, từ đó trình bày ý nghĩa chính xác của từng vấn đề bằng việc mổ xẻ hiện tượng học một cách rất quyết liệt. Trần Đức Thảo cho rằng những sự phối hợp vận động - cảm giác trở thành đối tượng cho những lập luận của ông, ông đặt vấn đề rằng, chủ thể, siêu nghiệm với con người bằng xương, bằng thịt phát triển ở thế giới hiện thực, chỉ là một (3) sẽ được diễn giải bằng lập trường duy vật đối với tính ý hướng. Triết gia Trần Đức Thảo đã áp dụng phép biện chứng duy vật trong việc lý giải ý thức sống trải, giải quyết vấn đề này bằng chính nội dung của nó, tức là tìm tới tiến trình hiện thực, vật chất, đó là mảnh đất cấu tạo nên sự vận động của tính chủ thể.
Năm 1950, trong cuộc đối thoại về chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa Marx, Jean - Paul Sartre chỉ công nhận chủ nghĩa Marx có giá trị về khoa học lịch sử và xã hội, theo ông chủ nghĩa Marx không có giá trị nhận thức triết học thì Trần Đức Thảo đã phản bác và cho rằng chủ nghĩa Marx có giá trị toàn diện, cả lịch sử, xã hội và triết học. Cuộc đối thoại gặp bế tắc khi đề cập đến hiện tượng học của Husserl, vì Jean - Paul Sartre chưa thấu hiểu chủ nghĩa Marx và chưa đọc hết các tác phẩm căn bản của Marx, ông cũng chưa đọc hết các tác phẩm của Husserl. Cuộc trao đổi giữa Trần Đức Thảo với Jean - Paul Sartre tuy không có kết quả, nhưng Trần Đức Thảo đã ý thức được nguy cơ của việc nhận thức và phát triển sai lệch triết học Marx thời điểm ấy.
Để lời nói mình có sức thuyết phục công chúng, tại Nhà xuất bản Minh Tân (8-1951) ở Paris, Trần Đức Thảo ra mắt độc giả cuốn Phenomelogie et materia lisme dialectique (Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng). Ngay trong phần đầu của cuốn sách, ông cho rằng chỗ dựa cơ bản của hiện tượng học Husserl đó là sự trở lại của bản thân sự vật. Ông khẳng định, trực quan là phương cách ưu tiên để đạt tới đối tượng: “Việc trực quan là cái bản chất, trong hình thức nguyên thủy của nó, làm việc trực tiếp với chính sự tồn tại của sự vật, tức tồn tại của cái đang hiện hữu” (4). Ông quan tâm đến việc mô tả bước chuyển từ ý thức sang phân tích về ý thức sống trải, sự trở lại tránh mọi mối liên hệ với thuyết duy tâm lý học nhưng trở lại này cũng vạch những giới hạn cho sự tràn bờ của tính chủ thể mà ông gọi là dòng chảy Heraclite.
2. Chủ nghĩa Marx giữa những lựa chọn quyết định về mặt bản thể luận của Trần Đức Thảo và hiện tượng học Husserl
Vốn là người được đào tạo theo trường phái hiện tượng học, trên con đường hướng tới chủ nghĩa Marx, Trần Đức Thảo đã tự thấy cần phải vượt bỏ Husserl trên nền tảng của chủ nghĩa duy vật biện chứng.
Trong tác phẩm Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, phần thứ hai Phép biện chứng của vận động hiện thực, Trần Đức Thảo đã trích dẫn Ăngghen: “Thế giới vật chất cảm nhận được các giác quan, trong đó chính chúng ta thuộc về nó, là hiện thực duy nhất, và ý thức của chúng ta và tư duy của chúng ta, dù siêu nghiệm như chúng biểu hiện với chúng ta, chỉ là sản phẩm của một cơ quan vật chất, thuộc cơ thể là bộ não. Vật chất không phải là sản phẩm của tinh thần, mà tinh thần bản thân nó chỉ là sản phầm cao cấp của vật chất” (5). Mặt khác, ông lập luận về thế giới khách quan không đơn thuần chỉ là những bình diện vật chất, nó còn bao gồm mọi hoạt động của con người, qua hoạt động lao động sản xuất ra của cải vật chất, hiện thực là thế giới tràn đầy ý nghĩa.
Trần Đức Thảo khẳng định, sự phát sinh ý thức là cơ sở khoa học để giải đáp cụ thể vấn đề cơ bản của triết học: giữa vật chất và ý thức, cái nào có trước, cái nào có sau. Ông viết, thiên nhiên, vật chất sinh ra ý thức, tâm thần nhờ sự trung giới của tiếng gọi biểu nghĩa trong tiếng nói, mà trước tiên đó là tiếng nói của đời sống thực tế trong quá trình lao động sản xuất và quan hệ chiếm hữu. Tiếng nói bên trong chính là hình thái phát triển cao nhất của vận động vật chất với tư cách hoạt động thần kinh cấp cao ở trình độ cao nhất. Sự vận động thần kinh ấy tiến hành trong sự qua lại giữa cái hình ảnh bên trong, hình ảnh bên trong của thân thể bản thân tác động vào đối tượng lao động xã hội bên ngoài thì trở lại bản thân nó. Trong quá trình đó, đã sinh ra một cấu trúc mới, bằng cách tự kích thích sự sản xuất năng lượng thần kinh thặng dư cần thiết để tự vận động bản thân nó. Kết quả là tiếng gọi biểu nghĩa về cái hình ảnh bên trong của thân thể bản thân.
Trần Đức Thảo khẳng định, sự biện chứng của ý thức, đúng trong sự biện chứng của con người được tiến hành theo quan niệm chung của sự biện chứng duy vật, từ đó giải quyết được vấn đề bế tắc trong phép siêu hình: hoặc là vật chất, hoặc là ý thức, hoặc là con vật, hoặc là con người. Hiện tượng học duy tâm khi tách rời hoặc phân ly cái thống nhất trong hiện thực cụ thể, hay có quan niệm trừu tượng về giới tự nhiên. Bởi lẽ, qua thao tác trừu tượng hóa mà quét sạch khỏi thế giới hiện tượng chuyển về cho chủ thể, từ đó đưa ra quan niệm cơ học về thế giới, giới tự nhiên đã mất đi linh hồn của chính bản thân nó, còn tinh thần lại không xuất phát từ thực tại khách quan.
3. Trần Đức Thảo cải tạo thế giới từ lập trường chủ nghĩa Marx, thông qua phương pháp quy giản hiện tượng học
Trong Lời tựa cuốn sách Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, Trần Đức Thảo đã viết: “Công trình được chúng tôi công bố gồm các nghiên cứu thuộc về nhiều thời gian và các cảm hứng khác nhau. Trong phần I, được viết giữa 1942 và 1950, chúng tôi trình bày nét cốt yếu của hiện tượng học từ viễn tượng thuần tuý có tính lịch sử, và trong viễn tượng tư tưởng riêng của Husserl. Những phản bác phê phán của chúng tôi nhằm vạch rõ những mâu thuẫn nội tại trong bản thân công trình của Husserl. Trái lại, phần II, hoàn tất vào năm 1951, lại hoàn toàn đặt trên lập trường của chủ nghĩa duy vật biện chứng” (6). Từ đó, Trần Đức Thảo đã cải tạo thế giới từ lập trường chủ nghĩa Marx, thông qua phương pháp quy giản hiện tượng học.
Nghiên cứu hiện tượng học, đặc biệt là phương pháp quy giản hiện tượng học, ông nhận thấy hạn chế trong phạm trù ý hướng tính của Husserl, từ đó Trần Đức Thảo đã đảo ngược mối quan hệ biện chứng giữa phạm trù ý thức mang tính ý hướng với hiện thực của tính vật chất. Vấn đề này ông đã tìm thấy ở Marx khi Maxr cũng đảo ngược phép biện chứng của Hegel. Trần Đức Thảo nhận thấy, hiện tượng học những tiền giả định duy tâm khi khám phá thế giới như là tồn tại được cấu tạo đến chỗ khẳng định thế giới được cấu tạo nhờ có ý thức. Ông khẳng định, không phải tính ý hướng của chủ thể quy định sự tồn tại của đối tượng mà đối tượng nhận thức hướng tới chủ thể thông qua con đường cảm giác, từ đó chủ thể lĩnh hội nó. Đồng thời, cần xem xét thế giới như là tự cấu tạo, đó là sự sản sinh những cấu trúc mới của tính vật chất. Từ đó, Trần Đức Thảo xây dựng một chủ nghĩa duy vật không có hiện tượng học hay vượt bỏ hiện tượng học, đó chính là chủ nghĩa Marx kiểu Husserl.
Đứng trên quan điểm duy vật biện chứng, nhà triết học Trần Đức Thảo phê phán Husserl: thế giới vật chất cảm nhận bởi các giác quan, trong đó chính chúng ta thuộc về nó, là hiện thực duy nhất và ý thức, tư duy của chúng ta, dù siêu nghiệm như chúng biểu hiện với chúng ta, chỉ là sản phẩm của một cơ quan vật chất, thuộc cơ thể là bộ não. Vật chất không phải là sản phẩm của tinh thần mà bản thân nó chỉ là sản phẩm cao cấp của vật chất. Rõ ràng, đứng trên lập trường duy vật biện chứng để phân tích thì phương pháp hiện tượng học của Husserl là duy tâm chủ quan.
4. Kết luận
Triết gia Trần Đức Thảo đã nhìn thấy những hạn chế trong hiện tượng luận của Husserl cả về phương pháp duy tâm chủ quan tiên nghiệm đến nội dung phản ánh của hiện tượng học đều xuất phát từ lập trường giai cấp và hoàn cảnh sống của nhà triết học này. Người kế nhiệm Husserl là Heidegger đã phát triển hiện tượng học sang hướng hiện sinh. Sau này, khi xuất bản tác phẩm Từ Husserl đến Marx trở về hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, ông đã tìm đường về nước để tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, với quan điểm phải làm cho lý luận thống nhất với thực tiễn cuộc sống. Bởi lẽ, theo ông phải tham gia hoạt động thực tiễn cách mạng mới có thể nhận thức được những ưu điểm và những sai lầm của lý luận Mác-xít thời điểm đó. Vì vậy, để khẳng định những quy luật hoạt động tinh thần của con người phải gắn bó khăng khít với hoạt động sáng tạo vật chất (7).
___________
1, 5. Trần Đức Thảo, Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.23, 245.
2, 3, 4, 6. Bùi Văn Nam Sơn, Hành trình của Trần Đức Thảo và chuyển giao văn hóa, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2017, tr.263, 33, 344, 421.
7. Bài viết là sản phẩm của Đề tài khoa học Đóng góp của Trần Đức Thảo đối với hiện tượng học E.Husserl, mã số B2015 - 17- 60.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 402, tháng 12 - 2017
Tác giả : TRẦN THÙY LINH