Mầm sống - đậm chất liệu đời thường

Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là tác phẩm ghi dấu ấn lớn bởi những xung đột, những bi kịch đời thường ít thấy công khai trên văn đàn. Truyện ngắn này từng đem lại nhiều tranh cãi, cũng đã được đưa lên phim, nay lại là chất liệu để khai thác ở một thể loại vốn bị hạn chế khi thể hiện những cảnh khó diễn tả. Đạo diễn, NSND Tạ Tuấn Minh đã mạnh dạn chuyển thể, dàn dựng cho các sinh viên còn rất trẻ tuổi đời, chưa có tuổi nghề biểu diễn quả là chấp nhận đối đầu với thách thức không nhỏ. 

Có những tác phẩm mà một vài chi tiết trọng yếu cứ găm sâu vào người đọc, người xem. Ví dụ, một trong những lý do tôi rất hăm hở tới xem vở Cuộc tình thế kỷ được đưa lên sàn diễn Nhà hát Tuổi trẻ cuối thế kỷ XX của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ là chi tiết người phụ nữ buộc phải nhờ người yêu cũ từng bị cô bỏ rơi bú bên bầu sữa bị tắc của mình nếu không muốn phát sốt tới mất trí. Còn nhớ khi ấy, đạo diễn, NSND Xuân Huyền đã cho cảnh đó khuất sau khung cứng. Ở đây, trong Mầm sống là chi tiết cô gái bán hoa tên Sương bị đánh ghen, đổ keo gắn sắt vào chỗ kín. Không ít người sẽ lựa chọn đưa vào hậu trường cảnh khó diễn này bởi sẽ dễ bị chê tục nhưng NSND Tạ Tuấn Minh đã quyết định dùng nó làm chi tiết mở màn của vở. Dùng hình thức kịch câm, các cô gái giằng xé, kéo quần áo của Sương và hành động Sương chết lặng, tưởng không thể sống nổi trước đòn thù thâm hiểm đó, thì được Điền, cậu con trai mới hơn mười tuổi cứu đưa lên chiếc bè của gia đình mình. Một gia đình cực kỳ phức tạp khi ông bố Vũ thù hận người mẹ đã bỏ rơi cha con ông ta nên đi khắp nơi mồi chài các cô gái rồi bỏ rơi họ, để họ nếm trải cảm giác đau thương mà ông ta luôn tự nhắc nhở mình. Không chỉ có vậy, ông còn đánh đập dã man Nương, cô con gái giống vợ mình và bỏ bê hai đứa con. Sương tới, như làn gió mới khi cô chăm sóc và yêu thương hai anh em Nương và Điền, dấu tình yêu với ông ta sau những lời nói lấp lửng, những cử chỉ quan tâm. Song, sự cố chấp vẫn quá lớn nên ông ta không chấp nhận cô. Vì cứu đàn vịt của cha con ông, Sương lại chịu sự dày vò của bọn du côn giả mạo chính quyền muốn thiêu hủy đàn vịt chạy đồng do dịch cúm gia cầm đang vào giai đoạn cao trào. Cậu con trai không chịu nổi cảnh này nên nổi loạn, bị cha đuổi xuống thuyền, cùng Sương, bị bỏ lại trên bờ... Nhưng lòng người không phải là sắt đá, những người đàn bà từng đi qua đời ông ta lần lượt xuất hiện, giúp ông ta cởi bỏ sự cố chấp của mình, chấp nhận cho mầm sống, chồi non của cuộc đời nảy nở trong trái tim già cỗi, đắng cay của ông ta. Tưởng như cái kết có hậu đã tới, khi ông dần quay lại với tình cảm bình thường của người cha với đứa con gái tên Nương thì bất hạnh tiếp tục bủa vây: Nương bị bọn du côn tới bắt trộm vịt nhìn ra nhan sắc của mình và bị hãm hiếp ngay trước mặt cha. Cuộc sống như cái vòng luẩn quẩn, đói nghèo và bất lực cứ như chiếc vòng kim cô... Chỉ có tiếng cựa mình của những mầm sống đem tới niềm tin vào cuộc đời của những con người bất hạnh này.

Suốt hơn hai tiếng đồng hồ, các sinh viên ở độ tuổi hơn hai mươi đã phải sống với nhân vật có những thử thách tâm lý thật căng thẳng. Chỉ với 2 nam, 6 nữ, các sinh viên ngoài những vai chính ra còn phải hóa thân vào các nhân vật phụ khác với những nét tính cách khác nhau, có chiều sâu tâm lý cần khai thác thật tốt... Và các em đã thành công dù còn đôi ba chỗ chưa thật nhuần nhuyễn, chất giọng cần trau dồi thêm. Ở đây người xem cũng thấy tâm huyết, bàn tay của đạo diễn dành cho tác phẩm. Sân khấu trải đầy rơm rạ, vài khung cứng cũng được cài chặt, nêm chặt những nùi rơm, cái mùi thân thuộc, quyến rũ mà rất đời, rất sống động. Chỉ thế thôi, cùng những khóc gào, cùng những cung bậc cảm xúc, các em đã đưa người xem qua bao thăng trầm của đời người trên sông nước, để thông điệp vốn giải dị: tình cảm, tình yêu thương sẽ giúp con người giải tỏa được thù hận - trở nên thấm đượm, dễ thuyết phục người xem. Cách dàn dựng như ẩn giấu bàn tay đạo diễn nhưng vẫn rất tinh tế như cảnh quằn quại vì đau đớn, tấm màn đen đổi sang màn đỏ như máu huyết chảy, sự dịch chuyển những đạo cụ vốn ít ỏi trên sàn diễn, rồi những đoạn lặng ngắn, như để các con chữ trồi lên những ngữ nghĩa ẩn dấu... rất nhiều những xử lý hợp logic khiến vở diễn hấp dẫn, giữ chân người xem trong bối cảnh khán phòng vì nhỏ, sức chứa không đủ nên chật chội, phải đứng... cũng không ai bỏ về. 

Thành công của vở diễn vượt ra khỏi khuôn khổ một tác phẩm tốt nghiệp của các em sinh viên khóa K40C. Trước hết là do cốt truyện chặt chẽ, tính cách nhân vật rõ nét của nguyên tác. Sau đó là sự đầu tư tâm huyết, đo từng chút tâm lý nhân vật của biên kịch, đồng thời cũng là đạo diễn của vở. Rèn luyện, lăn lộn với các em qua từng kỳ học, Tuấn Minh hiểu rõ từng ưu điểm, nhược điểm của từng em để đưa vào các nhân vật thích hợp. Cũng với cách đào luyện đó, anh giúp các em hiểu rõ hơn bản thân để có thể hóa trang ngoại hình, hóa trang đài từ... vào những nhân vật phụ. Mỗi em đều được thầy làm dầy thêm cho nội tâm nhân vật, từng em đều có “đất” để diễn, thể hiện tài năng, khả năng của mình. Sau nữa, anh chau chuốt cho từng cảnh diễn, quyết cho ra đời một tác phẩm ghi đậm dấu ấn trong cuộc đời nghệ thuật của mỗi sinh viên. NSND Hoàng Quỳnh Mai rất ấn tượng với cách làm của Tuấn Minh. Chị cũng cho biết, đã có kế hoạch hợp tác với NSND Tạ Tuấn Minh trong một tác phẩm gần đây.

Thêm một phiên bản đẹp của sân khấu đối với một tác phẩm văn học hay, hấp dẫn của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Ngọc Tư. Và cũng chờ đợi ở lứa sinh viên ra trường năm nay, khóa K40 của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội sẽ có những diễn viên tài năng, chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản và hơn thế nữa, đều thừa hưởng được ngọn lửa đam mê, cống hiến cho nghề của những người thầy có tâm như NSND Tạ Tuấn Minh.

CAO NGỌC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 571, tháng 5-2024

;