Giá trị là một trong những khái niệm trung tâm của nhiều ngành khoa học xã hội, từ triết học, tâm lý học, xã hội học đến nhân học, văn hóa học, thậm chí kinh tế học… Giá trị mang đến những quy tắc cơ bản điều chỉnh tương tác giữa con người với nhau, chúng chỉ ra những điều tốt, xấu, điều đáng mong đợi và không đáng mong đợi. Các giá trị được coi là rất quan trọng trong việc hiểu và giải thích hiện tượng tâm lý xã hội khác nhau, trong đó có hành vi của con người (1).
Trong hơn một thế kỷ nghiên cứu về giá trị, có sự thiếu vắng cũng như thiếu thống nhất về nội dung cơ bản và cấu trúc quan hệ của các giá trị cũng như các phương pháp thực nghiệm đáng tin cậy để đo lường chúng (2). Tuy nhiên, trong vài thập kỷ trở lại đây, thế giới đã chứng kiến một sự hồi sinh mạnh mẽ trong các nghiên cứu về giá trị (3). Một trong những tác giả có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực nghiên cứu này là Schwartz (người Mỹ, C hủ tịch Hiệp hội Tâm lý học xuyên văn hóa thế giới) với việc đề xuất lý thuyết giá trị cơ bản của con người. Lý thuyết này nói đến các giá trị cơ bản mà các cá nhân trong hầu hết các nền văn hóa đều công nhận.
Lý thuyết giá trị của Schwartz xác định 10 phạm trù giá trị bao trùm, được cấu thành bởi nội hàm bên trong từng giá trị. Mười loại giá trị có thể được chia thành các cấp độ cao hơn là các đại giá trị: cởi mở để thay đổi, bảo tồn, tính ưu việt của bản thân và tự nâng cao. Trước hết, sự cởi mở để thay đổi bao gồm các giá trị của sự tự định hướng, kích thích và chủ nghĩa khoái lạc. Kích thước này nhấn mạnh độc lập hành động, suy nghĩ, cảm giác vui vẻ và sẵn sàng cho những trải nghiệm mới. Thứ hai, bảo tồn được xác định bởi giá trị của truyền thống, phù hợp và an ninh. Đổi lại, không gian này tập trung vào việc tự hạn chế, quy tắc và kháng cự sự thay đổi. Thứ ba, tính ưu việt của bản thân được đặc trưng bởi giá trị của nghĩa phổ quát và lòng nhân từ. Kích thước này liên quan tới mối quan tâm đến phúc lợi và lợi ích của người khác. Cuối cùng, tự nâng cao được xác định bởi giá trị của quyền lực và thành tích. Kích thước này nhấn mạnh việc theo đuổi lợi ích cá nhân.
Bên cạnh việc xác định 10 giá trị chung, lý thuyết cũng xác định cấu trúc quan hệ năng động giữa chúng. Các hành động thể hiện giá trị có những hệ quả mâu thuẫn với một số giá trị nhưng có thể hỗ trợ với nhiều giá trị khác. Ví dụ: thành đạt về cơ bản là mâu thuẫn với giá trị lòng nhân từ. Tìm kiếm thành đạt cho cá nhân sẽ có xu hướng cản trở những hành động hướng tới thúc đẩy lợi ích của người khác cần giúp đỡ. Tuy nhiên, thành đạt và quyền lực lại liên quan mật thiết với nhau. Tìm kiếm sự thành đạt thường làm cho các cá nhân mạnh mẽ hơn bởi những hành động hướng tới thúc đẩy vị trí xã hội và quyền hạn với người khác (4). Các lý thuyết nhấn mạnh mối quan hệ năng động giữa các loại giá trị. Các hành vi chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố và hoàn cảnh. Vì thế, khó có thể dự đoán hành vi dựa trên một biến số có tính biến đổi theo bối cảnh cao như giá trị. Ngược lại, có thể tìm thấy mối quan hệ giữa các ưu tiên giá trị với một hành vi riêng lẻ nếu bối cảnh được kiểm soát giảm bớt các tác động của hoàn cảnh tới hành vi. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa giá trị với hành vi (hay giá trị khác) phải được hiểu trong một bối cảnh hệ thống đa chiều, cần phân biệt rõ giá trị ở cấp độ cá nhân và cấp độ nền văn hóa. Các cá nhân có thể có các giá trị khác nhau và các nền văn hóa cũng vậy. Đồng thời, mỗi cá nhân của mỗi nền văn hóa tự xác định cho mình một hệ các giá trị ưu tiên riêng. Vì thế, tính đa dạng văn hóa trong giá trị là một mối quan tâm đặc biệt đối với các nhà nghiên cứu.
Theo phát hiện của, Schwartz, cá nhân có các loại giá trị như nhau nhưng khác nhau rất nhiều trong cách mà họ ưu tiên giá trị. Trục nằm ngang đại diện cho sự tiến bộ đi lên của cá nhân trong xã hội. Trục thẳng đứng cho thấy sự đi lên thúc đẩy bởi động lực để bảo vệ các giá trị cho sự tăng trưởng. Giá trị càng gần với nhau theo bất kỳ hướng nào xung quanh vòng tròn, thì có ý nghĩa tương hỗ nhau. Những giá trị cách nhau khoảng 90 độ, bắt đầu có xu hướng tương quan nghịch hoặc không có tương quan. Những giá trị được biểu diễn đối lập nhau có xu hướng mâu thuẫn nhau.
Để đo lường giá trị, Schwartz đề xuất một biện pháp đo lường gọi là khảo sát giá trị của Schwartz (SVS). Bảng khảo sát giá trị này bao gồm một tập hợp toàn diện của các giá trị, rất thích hợp cho nghiên cứu xuyên văn hóa. Các cá nhân nhận được một danh sách có chứa các giá trị. Người trả lời đánh giá tầm quan trọng của mỗi giá trị như một hướng dẫn cho nguyên tắc sống. Để tính chỉ số cho mỗi loại giá trị, sau khi thu dữ liệu sẽ tính điểm trung bình của mỗi giá trị.
Năm 2012, Schwartz và đồng nghiệp đã chi tiết hóa hơn 10 giá trị đại diện thành 19 giá trị và điều chỉnh khảo sát khắc họa chân dung. Có một định nghĩa ngắn về giá trị thúc đẩy cho 19 giá trị. Công cụ này được thích ứng trên 6.059 khách thể đến từ 10 quốc gia và cho độ tin cậy tốt (5).
Nội dung lý thuyết giá trị của Schwartz (Schwartz và cộng sự 2012)
Đại giá trị |
Giá trị cơ bản (1992) |
Giá trị cơ bản (2012) |
---|---|---|
1. Cởi mở để thay đổi |
Tự định hướng: Độc lập trong suy nghĩ và hành động, lựa chọn, sáng tạo và khám phá |
Tự chủ trong suy nghĩ: Tự do nuôi dưỡng những ý tưởng và khả năng của mình Tự chủ trong hành động: Tự do lựa chọn mục tiêu của mình, tự lập kế hoạch và làm theo dự định đã đặt ra |
Kích thích: Tìm kiếm sự mới mẻ, mong muốn được trải nghiệm những thách thức của cuộc sống |
Kích thích: Tìm kiếm sự mới mẻ, mong muốn được trải nghiệm những thách thức của cuộc sống |
|
Hưởng thụ: Tìm kiếm niềm vui cuộc sống, hưởng thụ cuộc sống và thỏa mãn các cảm giác của bản thân |
Hưởng thụ (1): Tìm kiếm niềm vui cuộc sống, hưởng thụ cuộc sống và thỏa mãn các cảm giác của bản thân |
|
2. Tự nâng cao |
Thành đạt: Sự thành công của cá nhân, thể hiện năng lực bàn thân phù hợp tiêu chuẩn xã hội |
Thành đạt: Sự thành công của cá nhân, thể hiện năng lực bản thân phù hợp tiêu chuẩn xã hội |
Quyền lực: Kiểm soát và thống trị các nguồn lực vật chất, con người |
Quyền lực chi phối con người: Có sức mạnh, tầm kiểm soát và ảnh hưởng đến mọi người Quyền lực kiểm soát vật chất: Có sức mạnh, tầm kiểm soát và ảnh hưởng đến các nguồn lực vật chất, tài nguyên và nguồn lực xã hội |
|
3. Bảo tồn |
|
Thể diện: Giữ gìn hình ảnh đẹp của cá nhân trong mắt mọi người. Luôn mong muốn được người khác tôn trọng |
An toàn: An toàn, hài hòa, hòa bình cho cá nhân và xã hội, đất nước |
An toàn cá nhân: Sự an toàn cho cá nhân và gia đình; cuộc sống không có bệnh tật, rủi ro, nguy hiểm. An toàn xã hội: Sự an toàn, ổn định của đất nước, hòa bình, ổn định và cuộc sống yên ổn cho người dân |
|
Tuân thủ: Hạn chế các hành động, khuynh hướng gây xung đột và có khả năng làm hại người khác cũng như tuân thủ các kỳ vọng và chuẩn mực xã hội |
Tuân thủ quy tắc: Tuân thủ các nguyên tắc, luật pháp và các nghĩa vụ khác Tuân thủ liên cá nhân: Tránh làm hại người khác, tôn trọng người khác và tôn trọng các mối quan hệ cá nhân |
|
Truyền thống: Tôn trọng và cam kết thực hiện các phong tục tập quán, truyền thống, tôn trọng nghi lễ tôn giáo truyền thống |
Truyền thống: Tôn trọng truyền thống; duy trì giá trị và cách nghĩ truyền thống, nghi lễ tôn giáo… |
|
|
Sự khiêm nhường: Cá nhân nhường nhịn, khiêm tốn; chấp nhận hoàn cảnh, không đòi hỏi và hài lòng với những gì mình đang có |
|
4. Tính ưu việt của bản thân |
Lòng nhân ái: Bảo tồn và nâng cao phúc lợi cho người khác, yêu thương, quý mến và giúp đỡ, chăm sóc họ |
Sự tin cậy: Là thành viên đáng tin cậy của nhóm Sự quan tâm, chăm sóc: Cống hiến, quan tâm, chăm sóc đến phúc lợi của người khác |
Phổ quát: Sự hiểu biết, khoan dung, bảo vệ tự nhiên và bảo vệ con người |
Công bằng, bình đẳng: Sự bình đẳng, cam kết công bằng cho tất cả mọi người Bảo vệ thiên nhiên: Bảo tồn, gìn giữ và phát triển tốt môi trường tự nhiên Sự khoan dung: Rộng lượng và biết lắng nghe, chấp nhận ý kiến của người khác ngay cả khi họ không đồng quan điểm với mình |
Kết quả nghiên cứu về sự ưu tiên giá trị trong số 19 giá trị cơ bản theo lý thuyết của Schwartz cho thấy, thanh niên hiện nay đang coi trọng nhất những giá trị sau đây (sắp xếp theo thứ tự điểm trung bình):
An toàn cá nhân (sự an toàn cho cá nhân và gia đình; không có bệnh tật, rủi ro, nguy hiểm): x= 6,29; sd (độ lệch chuẩn) =1,19.
Sự tin cậy (là thành viên đáng tin cậy của nhóm): x = 6,25; sd=1,16.
Công bằng, bình đẳng (sự bình đẳng, cam kết công bằng cho tất cả mọi người): x= 6,03; sd=1,20.
Sự quan tâm, chăm sóc (cống hiến, quan tâm, chăm sóc đến phúc lợi của người khác): x = 5,98; sd=1,22.
Tự chủ trong suy nghĩ (tự do nuôi dưỡng những ý tưởng và khả năng của mình): x= 5,95; sd=1,28.
So sánh kết quả nghiên cứu này với kết quả nghiên cứu của tác giả Trương Thị Khánh Hà (2015) trên khách thể người trưởng thành Việt Nam cho thấy: năm giá trị được coi trọng nhất ở người trưởng thành Việt Nam là: an toàn, truyền thống, sự phù hợp, lòng nhân từ, phổ quát. Như vậy, hệ giá trị của thanh niên và hệ giá trị của người trưởng thành có điểm tương đồng, đó là cả hai đối tượng này đều rất coi trọng giá trị an toàn (trong đó, thanh niên nhấn mạnh đến yếu tố an toàn cá nhân).
Một điểm chung nữa ở hai nghiên cứu này đó là cả hai đều cho rằng, giá trị lòng nhân từ (trong nghiên cứu của chúng tôi diễn đạt thông qua giá trị sự tin cậy và sự quan tâm chăm sóc) và giá trị phổ quát (trong nghiên cứu của chúng tôi diễn đạt thông qua giá trị công bằng, bình đẳng) cũng là hai giá trị rất được coi trọng. Điều đó chứng tỏ, các giá trị này mang tính phổ quát và không chỉ những người lớn tuổi mà cả những người trẻ tuổi cũng rất coi trọng. Một nghiên cứu của Moskvicheva và cộng sự (2015) về hệ giá trị của thanh thiếu niên lại cho kết quả về 5 giá trị được thanh thiếu niên coi trọng nhất là: bảo vệ thiên nhiên, sự quan tâm, chăm sóc, tự chủ trong hành động, thành đạt và sự tin cậy. Như vậy có thể thấy, ở mỗi nền văn hóa khác nhau, sự ưu tiên các giá trị của thanh niên cũng có những điểm khác biệt.
Biểu diễn mức độ ưu tiên giá trị của thanh niên thấy rằng, chiều cạnh bảo tồn (x= 5,64; sd=0,96) và tự siêu việt (x= 5,94; sd=0,96) nằm bên phía nửa trái hình tròn được thanh niên lựa chọn ưu tiên hơn hai chiều cạnh bên phía phải của hình tròn, bao gồm tự nâng cao (x= 5,03; sd=1,16) và cởi mở để thay đổi (x= 5,61; sd=0,97).
Một nghiên cứu được thực hiện trên 70 quốc gia cho thấy có sự khác biệt về giới khá thống nhất ở nhiều nền văn hóa, 7/10 giá trị cơ bản của con người (6). Nếu như nam giới thường coi trọng các giá trị quyền lực, kích thích, hưởng thụ, thành đạt và tự định hướng, trái lại, phụ nữ thường coi trọng các giá trị bảo tồn và phổ quát nhiều hơn nam giới. Tâm lý học tiến hóa lập luận rằng, những vấn đề thích ứng với cuộc sống mà tổ tiên của loài người phải đối mặt đã làm nảy sinh những mục tiêu tâm lý căn bản hướng dẫn nhận thức, hành vi hiện tại của con người trong các lĩnh vực cụ thể và các giá trị, ở một khía cạnh nào đó cũng được coi là biểu hiện của những mục tiêu cơ bản này. Lịch sử đã chứng minh, hai giới nam và nữ đã gặp phải những vấn đề thích ứng khác nhau và phát triển các cơ chế nhận thức, cảm xúc khác nhau, từ giao phối, sinh sản đến các hoạt động khác của đời sống xã hội. Xét về vai trò xã hội, các đặc điểm sinh học và thể chất giữa nam, nữ cũng có thể gây ra sự khác biệt phổ biến trong sự phân bổ vai trò cũng như kỳ vọng đối với mỗi giới, từ đó góp phần hình thành nên hệ giá trị của họ (7). Vai trò của nữ giới trong sinh sản và chăm sóc con cái mang lại cho nữ giới nhiều kinh nghiệm trực tiếp về chăm sóc, nuôi dưỡng hơn nam giới. Ở hầu hết các xã hội hiện đại, phụ nữ vẫn tiếp tục có trách nhiệm chính trong chăm sóc và nuôi con, trẻ em, người cao tuổi. Từ đó, kinh nghiệm và lợi ích mang lại từ việc chăm sóc những người khác một cách gần gũi có thể đã làm cho các giá trị về lòng nhân ái, quan tâm, chăm sóc trở nên quan trọng hơn đối với phụ nữ. Theo lý thuyết giá trị của Schwartz, giá trị tự siêu việt (từ thiện, phổ quát) và các giá trị Tự nâng cao (quyền lực, thành đạt) thường có động cơ trái ngược nhau, do đó, một cá nhân khó có thể theo đuổi cả hai giá trị này cùng lúc.
______________
1. Schwartz, S.H., & Bardi, A., Hệ thống phân cấp giá trị giữa các nền văn hóa: quan điểm tương đồng, số 32, Tạp chí Tâm lý học Xuyên văn hóa, Hiệp hội Tâm lý học Xuyên văn hóa, Hoa Kỳ, 2001, tr.268-290.
2, 3, 4, 5. Schwartz SH., Jan C., Michele V., Eldad D., Ronald F., Beierlein C, Ramos A., Verkasalo M., Lönnqvist J.E, Demirutku K., Dirilen-Gumus O., Konty M., Định vị lại lý thuyết về Hệ giá trị cơ bản của con người, Tạp chí Tâm lý học Nhân cách và Xã hội, Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, số 103, 2012.
6. Schwartz S.H. & Rubel T., Sự khác biệt giới tính trong ưu tiên giá trị, Tạp chí Tâm lý học Nhân cách và Xã hội, Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, Hoa Kỳ, số 89, 2005, tr.1010-1028.
7. Wood, W., & Eagly, A. H., Một phân tích xuyên văn hóa về hành vi của phụ nữ và nam giới: ý nghĩa đối với nguồn gốc của sự khác biệt giới tính, Bản tin Tâm lý học, Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, số 128, 2002, tr.699-727.
Tác giả: Nguyễn Tuấn Anh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 429, tháng 3-2020