Mấy suy nghĩ qua nghiên cứu một số hình thức tài trợ văn hóa nghệ thuật tại Hoa Kỳ

Hoa Kỳ từ lâu đã được coi là một trong những quốc gia hàng đầu về văn hóa nghệ thuật. Đóng góp một phần không nhỏ vào thành công đó là những chính sách đặc thù liên quan đến huy động và phân bổ vốn tài trợ văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, để có thể áp dụng những chính sách, mô hình tài trợ nghệ thuật của Hoa Kỳ vào Việt Nam một cách hiệu quả là một bài toán khó và chưa có lời giải.

Bảo tàng Metropolitan - New York (Nguồn: Time Out)

 

1. Các cơ chế huy động nguồn lực tài chính trong phát triển văn hóa nghệ thuật tại Hoa Kỳ

Vốn tài trợ trực tiếp của Nhà nước thông qua các quỹ văn hóa nghệ thuật:

Quỹ nghệ thuật quốc gia Hoa Kỳ (NEA)

Nhà tài trợ văn hóa nghệ thuật lớn nhất Hoa Kỳ chính là Quỹ nghệ thuật quốc gia Hoa Kỳ (NEA). NEA là một tổ chức độc lập của Chính phủ liên bang Hoa Kỳ, được thành lập năm 1965, có nhiệm vụ hỗ trợ, tài trợ cho các dự án, hoạt động nghệ thuật chất lượng cao. Hằng năm, các ủy ban phân bổ ngân sách của Hạ viện và Thượng viện họp để quyết định ngân sách hoạt động của Quỹ nghệ thuật quốc gia. Năm 2018, kinh phí hoạt động của NEA vào khoảng hơn 152 triệu USD. NEA cung cấp nhiều loại hình tài trợ khác nhau, trị giá từ 5.000 USD cho đến 150.000 USD. Các loại hình tài trợ bao gồm: tài trợ cho các dự án nghệ thuật và nghệ sĩ; các chương trình mục tiêu quốc gia; các thỏa thuận hợp tác tài trợ với các tổ chức khác. Các khoản tài trợ từ NEA trực tiếp cho các dự án nghệ thuật chủ yếu ở mức 10.000 USD, nhằm mục tiêu hỗ trợ cho những sản phẩm, hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc biệt xuất sắc, có giá trị nghệ thuật và mức độ ảnh hưởng cao.

Cần nhớ rằng, Hoa Kỳ không có Bộ Văn hóa hay cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa nghệ thuật. Quỹ nghệ thuật quốc gia Hoa Kỳ, tuy là nhà tài trợ văn hóa nghệ thuật lớn nhất cả nước, nhưng hoàn toàn không tham gia vai trò quản lý nhà nước hay triển khai chính sách văn hóa.

Các quỹ văn hóa nghệ thuật của chính quyền địa phương:

Hoa Kỳ có một hệ thống phân cấp, phân bổ vốn rất phức tạp. Cụ thể, trong tài trợ Nhà nước về văn hóa nghệ thuật, nguồn vốn ngân sách Nhà nước được phân quyền cho nhiều cấp chính quyền địa phương (hoặc tổ chức được ủy quyền như các quỹ) để phân bổ cho các tổ chức, cá nhân hoạt động văn hóa nghệ thuật. Có thể kể đến 6 tổ chức/quỹ cấp vùng, 56 tổ chức/quỹ cấp bang, hơn 5.000 tổ chức/quỹ cấp thấp hơn như thành phố, hạt, thị trấn.     Kinh phí hoạt động của các tổ chức/quỹ văn hóa nghệ thuật cấp địa phương được trích từ 40% kinh phí hoạt động của Quỹ nghệ thuật quốc gia Hoa Kỳ, từ nguồn ngân sách địa phương và từ nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân.

Vốn tài trợ của Nhà nước thông qua các tổ chức Nhà nước khác:

Ngoài NEA là tổ chức chuyên biệt về tài trợ văn hóa nghệ thuật, hệ thống chính trị - xã hội của Hoa Kỳ còn bao gồm nhiều tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khác như Quỹ Nhân văn quốc gia (National Endownment for the Humanities), Viện Nghiên cứu các dịch vụ bảo tàng và thư viện (Institute of Museum and Library Services), Tổng Công ty phát thanh, truyền hình công cộng (The Corporation for Public Broadcasting - CPB),… có chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật như văn học, bảo tàng, thư viện, phát thanh truyền hình. Kinh phí hoạt động của các tổ chức Nhà nước trên trong nhiều trường hợp còn lớn hơn kinh phí hoạt động của NEA (Ví dụ như CPB có kinh phí hoạt động gần 500 triệu USD mỗi năm).

Một nhóm tổ chức khác cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển văn hóa nghệ thuật là các bảo tàng, nhà hát, tổ chức nghệ thuật biểu diễn của Nhà nước. Ngoài nguồn thu từ kinh doanh, nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân, các đơn vị bảo tàng, nhà hát, tổ chức nghệ thuật biểu diễn “quốc doanh” (có vốn Nhà nước) của Hoa Kỳ cũng nhận phân bổ ngân sách trực tiếp từ cơ quan chủ quản. Ví dụ, đối với trường hợp của hệ thống bảo tàng và trung tâm nghiên cứu Smithsonian, năm 2019, hệ thống được phân bổ gần 1 tỷ USD từ Quốc hội.

Cuối cùng, không thể không nhắc đến nguồn vốn triển khai các chương trình, hoạt động mang tính văn hóa nghệ thuật của các Bộ, ngành, cơ quan liên bang. Ví dụ, hằng năm, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ dành phần kinh phí khoảng 400 triệu USD cho các hoạt động văn nghệ phục vụ quân nhân Hoa Kỳ trên khắp thế giới. Một số cơ quan khác như Bộ Ngoại giao lại triển khai các chương trình quảng bá, giới thiệu văn hóa nghệ thuật của Hoa Kỳ tới các quốc gia khác trên thế giới.

Điểm chung của hình thức tài trợ văn hóa nghệ thuật thông qua các tổ chức Nhà nước như trên là việc tài trợ nhằm thực hiện một mục tiêu chính sách cụ thể hoặc triển khai theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức được cơ quan chủ quản giao, thay vì thuần túy tập trung vào sứ mệnh hỗ trợ phát triển các sản phẩm văn hóa nghệ thuật chất lượng cao.

Vốn tài trợ tư nhân

Vốn tài trợ tư nhân cho văn hóa nghệ thuật là một sản phẩm đặc trưng của chính sách thuế ưu đãi ở Hoa Kỳ. Trên thực tế, các chính sách thuế ưu đãi có thể được nhìn nhận là hình thức tài trợ gián tiếp cho văn hóa nghệ thuật quan trọng nhất tại Hoa Kỳ. Năm 2018, đóng góp từ thiện của các tổ chức, cá nhân cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và nhân văn đạt 19,5 tỷ USD. Trong đó, đóng góp của các cá nhân chiếm khoảng hơn 60%.

Chính sách thuế đối với tiền tài trợ cho văn hóa nghệ thuật có thể được miêu tả như sau: với mỗi khoản tiền đóng góp từ thiện của cá nhân cho tổ chức văn hóa nghệ thuật hoạt động phi lợi nhuận (chiếm số lượng lớn), người đóng góp sẽ được giảm trừ thuế. Trong khi đó, tổ chức nhận đóng góp cũng được miễn thuế do bản chất là tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Theo thống kê, mỗi 1 USD tài trợ cho các tổ chức văn hóa nghệ thuật được phân loại miễn thuế, Nhà nước sẽ hỗ trợ 0,33 đến 0,35 USD tiền thuế (cho cả người đóng góp và tổ chức nhận đóng góp). Chính sách thuế ưu đãi cho thấy một xu hướng mang tính hệ quả là với những cá nhân và hộ gia đình có thu nhập càng cao thì tỷ lệ đóng góp tài trợ cho văn hóa nghệ thuật trong tổng chi phí từ thiện càng cao.

Ngoài tài trợ của các tổ chức, cá nhân thông thường, trong những năm gần đây, xuất hiện một loại hình tài trợ tư nhân khác cho văn hóa nghệ thuật là gọi vốn cộng đồng. Sự phát triển của internet và công nghệ thông tin đã tạo điều kiện cho hình thức gọi vốn cộng đồng được hình thành. Đây là hình thức huy động vốn quy mô siêu nhỏ từ nhiều cá nhân thông qua nền tảng kết nối khách hàng. Người đóng góp cơ bản sẽ mua trước, đặt cọc, hoặc tài trợ một sản phẩm văn hóa nghệ thuật từ khi sản phẩm này còn là ý tưởng. Đổi lại, người đóng góp sẽ nhận được lợi ích cụ thể khi sản phẩm hoàn thành.

2. Tình hình tài trợ văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam và khả năng áp dụng các hình thức huy động tài chính của Hoa Kỳ vào hệ thống pháp luật hiện hành ở Việt Nam

Tình hình tài trợ văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, chính thức đặt nền móng cho việc phát triển văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam dưới tư cách một ngành kinh tế riêng biệt. Nhiều mục tiêu tham vọng đã được đặt ra, như phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020 đóng góp khoảng 3% GDP cả nước, đến năm 2030 đóng góp khoảng 7% GDP cả nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Chính phủ còn gặp nhiều khó khăn trong việc huy động và phân bổ vốn cho văn hóa nghệ thuật. Theo Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ gửi Quốc hội tháng 10-2019, trong 5 năm từ 2014 đến 2018, ngân sách nhà nước chi đầu tư cho lĩnh vực văn hóa là 15.354,2 tỷ đồng (trong đó, kế hoạch năm 2017 và năm 2018 chưa bao gồm ngân sách địa phương), chiếm 1,71% tổng chi đầu tư phát triển ngân sách Nhà nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng chi sự nghiệp văn hóa thông tin, phát thanh truyền hình, thông tấn, thể dục thể thao năm 2017 đạt khoảng 1,8% tổng chi sự nghiệp ngân sách nhà nước. Đây thực sự là những con số khiêm tốn nếu so sánh với mục tiêu đóng góp GDP đặt ra cho các ngành công nghiệp văn hóa.

Hiện nay, việc tài trợ văn hóa nghệ thuật ở nước ta chủ yếu được thực hiện dưới các hình thức sau:

Vốn ngân sách nhà nước phân bổ qua các Bộ, ngành và các địa phương: Vốn ngân sách nhà nước bao gồm vốn ngân sách trung ương, vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương và vốn ngân sách địa phương. Nguồn vốn này chủ yếu được phân cho các đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ liên quan đến phát triển văn hóa nghệ thuật. Một bộ phận lớn các nghệ sĩ, nhà sáng tạo nội dung văn hóa nghệ thuật làm việc trong biên chế của các đơn vị trên. Ngoài ra, một phần nguồn vốn ngân sách phân qua các Bộ, ngành, địa phương được sử dụng để đặt hàng các sản phẩm văn hóa nghệ thuật phục vụ mục đích chính trị của Nhà nước

Vốn ngân sách nhà nước phân bổ cho các hội, hiệp hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật: Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam được hỗ trợ khoảng 85 tỷ đồng mỗi năm để hoạt động. Nguồn kinh phí này sẽ được sử dụng để vận hành bộ máy hành chính, cũng như để tài trợ/hỗ trợ cho các hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật của các hội viên.

Vốn tài trợ tư nhân: Nguồn vốn tài trợ tư nhân cho văn hóa nghệ thuật còn có phần hạn chế; nguyên nhân một phần xuất phát từ chính sách thuế chưa có ưu đãi đặc thù cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật (chủ yếu là ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% đối với phần thu nhập doanh nghiệp từ các hoạt động xã hội hóa, bao gồm các hoạt động văn hóa). Ngoài ra, khung pháp lý đối với các tổ chức văn hóa nghệ thuật chưa được quy định riêng. Hiện nay, các tổ chức văn hóa nghệ thuật tư nhân ngoài hình thức doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp xã hội), chỉ có thể đăng ký dưới hình thức hội (tổ chức xã hội nghề nghiệp) hoặc quỹ xã hội/quỹ từ thiện. Các hình thức pháp nhân này nhìn chung chưa khuyến khích hoặc tạo điều kiện để thành phần kinh tế tư nhân đóng góp cho việc phát triển văn hóa nghệ thuật.

Đánh giá sơ bộ khả năng áp dụng các chính sách tài trợ văn hóa nghệ thuật đối với hệ thống pháp luật hiện tại của Việt Nam

Các chính sách chưa phù hợp để áp dụng trong tương lai gần

Chính sách phân bổ vốn tài trợ ngân sách nhà nước thông qua các quỹ văn hóa nghệ thuật: Ý tưởng về Quỹ Văn hóa nghệ thuật quốc gia hoặc Hội đồng nghệ thuật quốc gia đã được nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế gợi ý cho Việt Nam. Trên thực tế, đây có lẽ cũng sẽ là mô hình mà Việt Nam nên hướng tới cho tương lai. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật và pháp lý, còn một số điểm nghẽn mấu chốt chưa thể tháo gỡ trong thời gian ngắn. Thứ nhất, việc tài trợ vốn ngân sách nhà nước cho tổ chức, cá nhân cũng có phần tương tự như hình thức đặt hàng nghệ thuật hiện nay. Việc chi tiêu, sử dụng vốn ngân sách nhà nước vẫn phải tuân thủ theo Luật Ngân sách nhà nước, bao gồm các quy định về định mức chi tiêu, quy trình thủ tục lập dự toán, thanh quyết toán tương đối phức tạp. Đặc biệt, trong bối cảnh các định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật chưa được xây dựng hoàn chỉnh, việc tiếp cận của các tổ chức, cá nhân đối với nguồn vốn tài trợ ngân sách Nhà nước là khó khăn, tối đa chỉ có thể áp dụng được với một số lĩnh vực hẹp như điện ảnh. Thứ hai, cần xác định rõ, khi đã thành lập Quỹ Văn hóa nghệ thuật, các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật bản chất cũng là các chủ thể phải tham gia quy trình nộp hồ sơ để được xét duyệt tài trợ. Việc này đi kèm với nhiệm vụ cải cách mô hình hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là một vấn đề phức tạp, đã được Chính phủ quyết tâm thực hiện trong khoảng 5 năm qua, nhưng kết quả còn nhiều hạn chế. Thứ ba, việc thành lập quỹ cần được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật cấp luật, đòi hỏi thời gian điều chỉnh, sửa đổi pháp luật hiện hành, đặc biệt khó khăn hơn nữa trong bối cảnh nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật như nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm,… mới chỉ được quy định ở văn bản cấp Nghị định. Thời gian xây dựng chủ trương, mô hình hoạt động, quy chế quản lý, nhân sự,… của Quỹ Văn hóa nghệ thuật cũng là vấn đề đòi hỏi thời gian, không thể thực hiện trong thời gian ngắn.

Chính sách ưu đãi thuế để thúc đẩy phát triển văn hóa nghệ thuật: Việc xây dựng chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai để hỗ trợ phát triển văn hóa nghệ thuật là nhiệm vụ đã được quy định cụ thể. Tuy nhiên, để áp dụng được đến mức độ như chính sách của Hoa Kỳ là điều khó khả thi trong thời gian ngắn. Thứ nhất, chính sách thuế phụ thuộc một phần vào giá trị và văn hóa truyền thống của dân tộc. Trên thực tế, hành vi đóng thuế, mối quan hệ giữa doanh nghiệp, người dân và việc đóng thuế ở Hoa Kỳ có phần khác biệt so với Việt Nam. Sự khác biệt này được thể hiện qua tỷ lệ nguồn thu của Nhà nước từ thuế của Việt Nam chỉ chiếm 21% GDP so với tỷ lệ 27% của Hoa Kỳ. Việc xây dựng chính sách thuế cần có sự nghiên cứu kỹ càng để đảm bảo chính sách thuế mang lại hiệu quả đúng như mục đích đề ra. Thứ hai, bản thân các đơn vị hoạt động văn hóa nghệ thuật chưa tìm được mô hình pháp nhân, khuôn khổ pháp lý thực sự phù hợp để hoạt động. Ngoài các đơn vị sự nghiệp công lập, phần lớn các tổ chức tư nhân đăng ký dưới mô hình doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp xã hội). Chưa có một khái niệm pháp nhân đặc thù cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật để làm cơ sở xây dựng những chính sách ưu đãi riêng biệt, mang tính đột phá

Các chính sách có thể xem xét áp dụng trong tương lai gần

Chính sách tài trợ văn hóa nghệ thuật thông qua các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của Hoa Kỳ có thể xem xét để áp dụng tại Việt Nam. Hiện nay, trong số các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của các Bộ, ngành, địa phương, cũng đã xuất hiện các đơn vị có khả năng tự chủ hoàn toàn về tài chính. Đây không chỉ là tín hiệu tốt rằng ngành văn hóa nghệ thuật đã có những sự phát triển cả về chất và về lượng, mà còn là cơ hội để các cơ quan chủ quản xem xét, tìm chủ trương để đầu tư phát triển đơn vị lớn mạnh hơn nữa (có thể xem xét cổ phần hóa), làm đầu tàu trong một số lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trên những địa bàn nhất định. Việc thúc đẩy phát triển quy mô hoạt động các đơn vị sự nghiệp chủ chốt, có điều kiện, là hoàn toàn phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các đơn vị này sẽ không chỉ nắm nhiệm vụ cung cấp dịch vụ, sản phẩm văn hóa nghệ thuật, mà còn phải có trách nhiệm giáo dục khán giả, tạo thị trường, đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật, hỗ trợ, ươm mầm các đối tác là nghệ sĩ, tổ chức văn hóa nghệ thuật.

________________

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014).

2. Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

3. Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12-2-2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18-6-2014, Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25-8-2014, Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10-10-2014 của Bộ Tài chính.

4. Tổng cục Thống kê, 2019, https://www.gso.gov.vn/.

5. Quỹ nghệ thuật quốc gia Hoa Kỳ, How the United States Funds the Arts, 2012, dẫn từ https://www.arts.gov

6. chinhphu.vn

7. vnexpress.net

 

Tác giả: Đỗ Quang Minh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 426, tháng 12- 2019

;