Sự biến đổi phương thức mưu sinh của người dân Mỹ Hào, Hưng Yên trong quá trình đô thị hóa

Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã và đang lan tỏa, kéo theo sự chuyển đổi từ kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp. Thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên không nằm ngoài sự biến đổi đó: họ đang chuyển đổi từ kinh tế thuần nông, sang phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Thành tựu phát triển kinh tế ở Mỹ Hào đã góp phần không nhỏ trong việc đưa tỉnh Hưng Yên gia nhập vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trong bối cảnh ấy, các phương thức mưu sinh mới xuất hiện, phương thức mưu sinh truyền thống phát triển phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế.

 

Biến đổi trong nông nghiệp

Trong bối cảnh công nghiệp hóa, đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất ở Mỹ Hào. Trong đó, thị trấn Bần Yên Nhân có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ nhất. Theo số liệu thống kê, diện tích đất sử dụng nông nghiệp của thị trấn giảm đáng kể, từ 408,02 ha (năm 2000) còn 313,02 ha (năm 2016) (1). Diện tích đất quy hoạch để xây dựng các dự án công nghiệp, đô thị như: khu Phố Nối A, Hòa Phát, đều thuộc những vùng đất màu mỡ, chuyên trồng lúa và hoa màu. Diện tích đất nông nghiệp còn lại ở Bần Yên Nhân là diện tích canh tác với quy mô nhỏ, bị xen kẹp trong các khu hoạt động kinh tế, văn hóa khác, như bên cạnh các nhà máy, xí nghiệp, đường nhựa, trường học… Chính điều này khiến sản xuất nông nghiệp của các hộ nông dân không ổn định. 93% cư dân không còn làm nông nghiệp mà chuyển sang các ngành nghề phi nông nghiệp, chỉ có 7% sống dựa vào nông nghiệp, tập trung chủ yếu ở 3 thôn Văn Nhuế, Cộng Hòa, Phú Đa.

Lực lượng tham gia hoạt động nông nghiệp chủ yếu là lao động trung tuổi (từ 38 - 60 tuổi), họ là những người khó tìm được việc làm mới nên vẫn bám trụ vào diện tích đất còn lại. Tuy nhiên, họ đã biết sử dụng máy móc hiện đại để giảm bớt nhân công lao động, như sử dụng máy cấy, máy gặt liên hoàn, máy sấy thóc… Bên cạnh đó, người dân cũng tập trung phát triển cây rau màu, chăn nuôi và đi làm thêm.

Một trường hợp khác là phường Phan Đình Phùng, đây là địa bàn còn lại đất nông nghiệp nhiều nhất (563,63 ha) trong thị xã, với tổng diện tích đất tự nhiên là 752,43 ha. Trong 5 năm trở lại đây, do sự phát triển của các khu công nghiệp, dịch vụ, cơ cấu kinh tế của phường đã có nhiều biến đổi, đặc biệt trong nông nghiệp.

Khi chưa chuyển đổi đất đai, xây dựng các dự án công nghiệp, lực lượng lao động chủ yếu sản xuất nông nghiệp tại địa phương, trồng lúa là chính. Những năm gần đây, sự biến đổi cơ cấu kinh tế, ngành nghề rõ rệt, lực lượng lao động trong hoạt động phi nông nghiệp tăng lên đáng kể, đến năm 2016, chiếm tới 78,6% (2). Hoạt động nông nghiệp ở Phan Đình Phùng cũng có sự biến đổi rõ nét. Trước đây, các hộ gia đình chỉ trồng lúa nhưng bây giờ, họ chuyển đổi, áp dụng nhiều mô hình trang trại, trồng cây ăn quả, rau màu, kết hợp chăn nuôi. Tính đến năm 2016, ở phường Phan Đình Phùng đã có 156 hộ gia đình áp dụng mô hình này.

Ảnh minh họa: Nam An

Như vậy, khi diện tích đất bị thu hẹp, người nông dân cũng có những chuyển đổi để thích ứng kịp thời với sự thay đổi này. Từ đây cũng xuất hiện mô hình kinh tế dạng hỗn hợp ở Mỹ Hào, bao gồm: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, buôn bán… Điều này chính là nhân tố quan trọng tác động và chi phối đến diện mạo văn hóa truyền thống của người nông dân trong toàn thị xã.

Sự xuất hiện của tầng lớp công nhân

Vốn là vùng đất thuần nông, giờ đây, trên địa bàn thị xã Mỹ Hào có 188 dự án được phê duyệt đầu tư, trong đó 150 dự án đã hoạt động, thu hút 25 nghìn lao động ở địa phương cũng như các vùng lân cận. Sự phát triển mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hóa đã và đang tạo ra sự chuyển đổi tích cực nền kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp. Theo thống kê, lực lượng công nhân làm việc tại các cơ sở công nghiệp trên địa bàn thị xã tăng theo các năm: 21.954 người (2014), 22.289 người (2015), 25.784 người (2016), 25.972 người (2017) (3).

Ngoài việc tuyển dụng lao động từ các địa phương khác, ưu tiên hàng đầu của những doanh nghiệp ở thị xã Mỹ Hào là tạo việc làm cho con em, người thân của những hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp. Năm 2007, lực lượng công nhân chiếm khoảng 20,98% tổng số lao động, năm 2012 tăng lên khoảng 29,59% và đến năm 2017 chiếm khoảng 40,92%. Số lượng các dự án tăng lên, các khu công nghiệp quy mô ngày càng lớn, đã thu hút đông đảo người lao động. Trước đây, khi các khu công nghiệp bắt đầu đi vào hoạt động, chủ yếu các nhà máy chỉ nhận lao động trẻ, rất ít nhận lao động trong độ tuổi 40 đến 55. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đã tuyển dụng thêm nhiều đối tượng lao động ở tuổi trung niên. Họ không chỉ được tuyển với công việc chính là bảo vệ, tạp vụ, nấu ăn… mà còn được tham gia vào nhiều công đoạn của dây chuyền sản xuất như đóng gói, kiểm hàng. Điều này mở rộng cơ hội việc làm cho bộ phận lao động trung tuổi ở thị xã Mỹ Hào.

Nhìn chung, thu nhập của công nhân trong các khu công nghiệp ở Mỹ Hào tương đối ổn định và khá đồng đều. Có một số ngành sản xuất mà doanh nghiệp chi trả cho công nhân mức lương cao và chế độ đãi ngộ tốt hơn như sản xuất hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất, sản xuất sản phẩm điện tử…

Phát triển nghề thủ công truyền thống

Nghề thủ công truyền thống là tinh hoa do cha ông sáng tạo, được lưu truyền lại cho thế hệ sau. Trải qua thời gian, trước sự tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, một số nghề không còn phù hợp đã mai một dần. Hiện nay, Mỹ Hào có 27 làng nghề thủ công truyền thống phân bố theo các đơn vị hành chính (phường, xã, thôn) (4). Chúng tôi phân loại làng nghề thủ công truyền thống ở Mỹ Hào theo các nhóm nghề cùng sản xuất một sản phẩm.

Nghề mộc: tập trung ở các xã Bạch Sam, Dương Quang, Hòa Phong, Minh Đức và Ngọc Lâm. Hiện xã Bạch Sam có 2 thôn còn làm nghề: thôn Ngo có 15 hộ, thôn Phan còn 5 hộ; xã Dương Quang có 3 thôn: thôn Bùi Hồng (155 hộ), thôn Dương Xá (40 hộ), thôn Mão Chinh (100 hộ); xã Hòa Phong có 5 thôn: thôn Hòa Lạc cả làng làm nghề mộc, thôn Hòa Đam (20 hộ), thôn Phúc Miếu (30 hộ), thôn Phúc Thọ (100 hộ), thôn Thuần Mỹ (30 hộ); xã Minh Đức còn thôn Sài Phi với 20 hộ; xã Ngọc Lâm có thôn Hòe Lâm với 5 xưởng nghề và thôn Ngọc Lãng (6 hộ).

Nghề làm công cụ cày bừa: đã có từ lâu đời ở thôn Vân Dương, xã Hòa Phong. Tuy nhiên hiện nay, số lượng lao động trong nông nghiệp giảm, số gia đình trồng lúa không còn nhiều, hơn nữa, họ chủ yếu sử dụng máy móc hiện đại như máy cày, máy bừa nên nghề thủ công truyền thống này đã bị mai một hẳn.

Nghề điêu khắc tượng: hiện tại trong thôn Phúc Bồ, xã Minh Đức còn 38 hộ gia đình vẫn giữ nghề, sản xuất những tác phẩm điêu khắc không chỉ phục vụ trong địa bàn huyện mà mở rộng thị trường ra khắp các tỉnh trong cả nước.

Nghề làm tương bần: hiện nay, còn 60 hộ gia đình ở thôn Cộng Hòa, phố Bần, thuộc thị trấn Bần Yên Nhân vẫn duy trì và phát triển làng nghề.

Nghề thợ xây: thôn Dương Xá, xã Dương Quang.

Nghề làm hàng mã: hiện nay, có 300 hộ gia đình làm nghề ở thôn Dương Hòa, xã Minh Đức.

Nghề chạm bạc: còn 10 hộ gia đình làm nghề tại thôn Ngo Lâm, xã Ngọc Lâm.

Nghề kim hoàn: thôn Phúc Bố, xã Ngọc Lâm với 8 hộ làm nghề.

Nghề chế biến thực phẩm: thôn Lỗ Xá, phường Nhân Hòa, hiện nay còn 250 hộ làm nghề.

Nghề rèn: thôn Lỗ Xá, phường Nhân Hòa với 10 hộ làm nghề.

Nghề mây tre đan: thôn An Tháp, phường Nhân Hòa còn 15 hộ giữ nghề. Thôn Quan Cù, phường Phan Đình Phùng có 3 hộ.

Trong những năm gần đây, làng nghề thủ công truyền thống đã và đang được khôi phục mạnh mẽ trong phạm vi cả nước. Đối với thị xã Mỹ Hào, đây là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế và là một trong những yếu tố tạo nên sự biến đổi về phương thức mưu sinh của cư dân nơi đây.

Các hoạt động buôn bán và dịch vụ

Lĩnh vực lao động dịch vụ bao gồm nhiều công việc, nghề khác nhau như buôn bán tự do, kinh doanh tạp hóa, dịch vụ ăn uống, dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ, lái xe,… Từ năm 2007 đến nay, thành phần lao động dịch vụ thương mại ở thị xã Mỹ Hào ngày càng phát triển. Những người nông dân vốn làm nông nghiệp là chính, nay đã coi trọng nghề buôn bán và xem đây là một phương thức mưu sinh quan trọng. Hoạt động sinh kế này diễn ra ở các cấp độ khác nhau, nhưng chủ yếu là cấp độ cá nhân. Thị trấn Bần Yên Nhân là địa bàn mà hoạt động buôn bán diễn ra sôi động nhất. Số lao động chuyển sang buôn bán, dịch vụ chiếm đến 59%. Những cửa hàng tiện ích, tạp hóa, của hàng dịch vụ mọc lên ngày càng nhiều.

Tháng 11-2017, chúng tôi thống kê dọc đường 196, phố Nối, phố Bần, thôn Cộng Hòa có 61 cửa hàng tạp hóa lớn nhỏ, 44 cửa hàng quần áo, giày dép, 25 cửa hàng hoa quả, 14 cửa hàng vàng bạc, 39 cửa hàng ăn uống nhỏ, 23 cửa hàng bán và sửa chữa điện thoại… Đặc biệt là sự xuất hiện của hàng loạt nhà hàng sang trọng như Vân Hồ, Tân Quê, BBQ… Tuy nhiên, người dân trên địa bàn lại chủ yếu làm chủ các cửa hàng vừa và nhỏ, những cửa hàng có quy mô lớn, hiện đại lại do người dân nhập cư bỏ vốn kinh doanh. Có thể thấy, tại vùng công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ như thị xã Mỹ Hào, thu nhập từ hoạt động buôn bán, dịch vụ chiếm tỷ phần lớn. Đây được coi là phương thức mưu sinh lâu dài, phù hợp với điều kiện xã hội ở Mỹ Hào.

Biến đổi phương thức mưu sinh của người dân thị xã Mỹ Hào diễn ra trong bối cảnh hiện nay là điều tất yếu. Có thể nói, sự phát triển của công nghiệp và đô thị ở Hưng Yên nói chung và Mỹ Hào nói riêng, có nhiều tác động quan trọng đến cuộc sống của cộng đồng làng, dân cư nơi đây. Khi đất nông nghiệp bị thu hẹp, phương thức mưu sinh truyền thống của người dân biến đổi mạnh mẽ, buộc những người làm nông nghiệp phải chuyển đổi và thích nghi với các phương thức mưu sinh mới. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này không chỉ mang lại những cơ hội mà còn tạo ra nhiều thách thức cho các hộ gia đình. Thực trạng này đòi hỏi chính quyền trung ương cũng như địa phương có những chính sách phù hợp và hiệu quả trong phát triển công nghiệp và đô thị, để đảm bảo mưu sinh cũng như sự phát triển bền vững chung của toàn thị xã.

________________

1. Tổng hợp Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Thị trấn Bần, Yên Nhân từ 2000 - 2016.

2, 3. Số liệu của Phòng Thống kê thị xã Mỹ Hào.

4. Số liệu của Phòng Văn hóa thị xã Mỹ Hào.

 

Tác giả: Vũ Thị Soi Ngần

Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10 - 2019

 

 

;