Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng bằng sông Cửu Long

Trong những năm gần đây, ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), phát triển làng nghề truyền thống luôn gắn bó chặt chẽ với công cuộc xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó, làng nghề tìm được hướng phát triển rộng mở, tạo nên một diện mạo mới cho các làng quê; đồng thời, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế, phục vụ quá trình xây dựng nông thôn mới, khẳng định bản sắc văn hóa của các vùng nông thôn trong tiến trình hội nhập. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi tập trung khảo sát ba tỉnh: Long An, Bến Tre, Cà Mau, là các tỉnh có làng nghề truyền thống tiêu biểu, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL nói riêng và Nam Bộ nói chung.

1. Thực trạng phát triển các làng nghề truyền thống ở ĐBSCL

Thuận lợi

Trong việc phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống, ĐBSCL có những lợi thế rất lớn về giao thông, nguồn nguyên liệu và nguồn nhân lực.

ĐBSCL thuộc phần cuối của bán đảo Đông Dương, nằm trong khu vực có đường giao thông hàng hải, hàng không quốc tế giữa Nam Á và Đông Nam Á cũng như với các quần đảo khác trong Thái Bình Dương, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương quốc tế - một trong những yêu cầu quan trọng trong phát triển nghề và làng nghề.

Bên cạnh đó, các địa phương có nguồn nguyên liệu sẵn có tương đối dồi dào như: cói, đước, tre trúc, lục bình…; đặc biệt là nguồn nguyên liệu nuôi trồng, khai thác thủy sản như: cá đồng, cá biển, tôm, mực..., thúc đẩy sự phát triển làng nghề truyền thống theo hướng đa dạng hóa ngành nghề, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Ngoài ra, sự phát triển làng nghề truyền thống ở ĐBSCL có sự tham gia rất tích cực của người dân, đặc biệt, huy động được nguồn nhân lực lớn trong thời gian rảnh rỗi. Ở huyện Châu Thành, Long An, nơi có số xã đạt chuẩn nông thôn mới nhiều nhất tỉnh (11/12 xã) thì 100% người được hỏi trả lời “thường xuyên” làm nghề thủ công trong thời gian nhàn rỗi (1). Có thể nói, đây là một thuận lợi lớn trong bối cảnh nguồn nhân lực dành cho các làng nghề thủ công truyền thống trên cả nước đang đối mặt với sự thiếu hụt trầm trọng.

Làng hoa Sa Đéc, Đồng Tháp - Ảnh: Khắc Hiếu

Ngoài việc ổn định thu nhập, phát triển kinh tế, ở các địa phương có nghề thủ công phát triển, tệ nạn xã hội cũng ít nhiều được hạn chế, tính cộng đồng, sự cố kết làng xã cũng trở nên chặt chẽ hơn. Có thể nói, làng nghề truyền thống được xem là dấu gạch nối giữa những giá trị truyền thống và hiện đại, giữa nông thôn mới và làng xã cổ truyền, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn hiện đại.

Khó khăn

Theo tác giả Phạm Vũ Dũng, trong số hơn 2000 làng nghề truyền thống Việt Nam với hơn 11 triệu lao động làm nghề thì “khoảng 60% số làng nghề đang hoạt động cầm cự, khoảng 20% đang thực sự khó khăn và khoảng 20% còn lại đã phá sản” (2). Làng nghề truyền thống ở bằng sông Cửu Long cũng không phải là ngoại lệ. Do những yếu tố khách quan cũng như chủ quan, nhiều nghề, làng nghề thủ công đang đứng trước nguy cơ mai một dần theo thời gian. Ngoài những khó khăn, bất cập chung, có thể kể đến một số vấn đề riêng của làng nghề truyền thống ở vùng ĐBSCL.

Trước tiên là vấn đề xây dựng thương hiệu ở các làng nghề. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy có một số nhóm ngành nghề khá tương đồng như: dệt chiếu, giống hoa cây kiểng, mây tre đan… Ở xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, Bến Tre có 12 ấp thì cả 12 ấp đều được công nhận là làng nghề cây giống, hoa kiểng. Tuy điều này mang đến thuận lợi cho sự liên kết trong sản xuất, kinh doanh; nhưng lại làm cho việc xây dựng thương hiệu riêng của làng nghề trở nên khó khăn.

Thứ hai là vấn đề thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất. Mặc dù có lợi thế lớn trong việc tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở các địa phương, nhưng, hiện nay, một số nguồn nguyên liệu đang có nguy cơ cạn kiệt dần do biến đổi khí hậu cũng như sự khai thác quá mức của con người. Việc tập trung các làng nghề có cơ cấu giống nhau ở ĐBSCL đã đặt ra bài toán khó trong việc chủ động về nguồn nguyên liệu sản xuất. Vì vậy, làng nghề ở khu vực này chủ yếu có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, có tính chất mùa vụ và ít nhiều có tính “bấp bênh”.

Thứ ba là vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Các làng nghề phải cạnh tranh với nhau và cạnh tranh với những sản phẩm làm từ công nghiệp về mẫu mã, chất lượng và giá thành. Các làng nghề truyền thống đều đứng trước những thách thức to lớn về việc sản xuất, tìm thị trường tiêu thụ cũng như việc bảo lưu các giá trị văn hóa. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho các làng nghề truyền thống là làm sao vừa sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, mang lại hiệu quả kinh tế cao đồng thời cũng phải bảo đảm tính nghệ thuật và giữ được những nét văn hóa đặc trưng. Nói cách khác, tính kinh tế và đặc trưng văn hóa phải được thể hiện qua từng sản phẩm của làng nghề.

Thứ tư là vấn đề ô nhiễm môi trường. Nhóm làng nghề chế biến thủy sản có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao, với các loại chất thải đặc biệt nguy hiểm như: bụi xỉ than, khí cacbon, các chất hữu cơ bị phân hủy… Mặc dù các tỉnh đã tích cực đề ra các giải pháp để hạn chế ô nhiễm từ làng nghề, nhưng do nhiều bất cập nên vấn đề bảo hộ lao động, bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức.

Bên cạnh đó, trong quá trình giao lưu, hội nhập, sự xâm nhập của các yếu tố văn hóa ngoại lai đã khiến một bộ phận dân cư, đặc biệt là lớp thanh niên của làng nghề tiếp cận những trào lưu mới với lối sống mới, xa rời các giá trị truyền thống. Điều này đã ít nhiều tạo nên sự biến đổi văn hóa làng nghề, dẫn đến sự thay đổi tâm lý cộng đồng và hệ thống giá trị chuẩn mực của làng nghề truyền thống.

2. Đề xuất một số giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở BSCL

Từ những thuận lợi và khó khăn đã đề cập ở trên, chúng tôi cho rằng cần có những giải pháp đồng bộ trong việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống ở các tỉnh ĐBSCL, phù hợp với Điều 24, Luật Di sản văn hóa “Nhà nước có chính sách khuyến khích việc duy trì, phục hồi và phát triển các nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu”.

Mở rộng và phát triển thị trường cho làng nghề truyền thống

Đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất kinh doanh của làng nghề truyền thống. Việc tham gia các hội chợ triễn lãm trong và ngoài nước là cơ hội tốt để quảng bá, tiếp thị sản phẩm của các làng nghề; tạo điều kiện cho người sản xuất được xuất, nhập khẩu sản phẩm trực tiếp mà không phải thông qua nhiều khâu trung gian. Thời gian vừa qua, tỉnh Long An đã trích ngân sách hỗ trợ các làng nghề xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm làng, cụm làng nghề phục vụ xuất khẩu. Các hoạt động liên kết, tổ chức dạy nghề truyền thống cũng được tỉnh tích cực triển khai...

Còn đối với Bến Tre, chính quyền và nhân dân tỉnh luôn xác định, kinh tế làng nghề có vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông thôn, góp phần hạn chế di dân tự do cũng như các vấn đề xã hội tiêu cực, tạo cơ hội giao lưu văn hóa thông qua du lịch và phát triển du lịch bền vững. Chính vì vậy, nhiều làng nghề truyền thống ở Bến Tre hiện đang được chú ý đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các làng nghề cũng đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp, cung cấp sản xuất không chỉ cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường ngoài nước. Những chính sách thiết thực hỗ trợ phát triển làng nghề như: mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, vốn vay ưu đãi, tập huấn nâng cao tay nghề cho nghệ nhân… được tỉnh chú trọng.

Phát triển làng nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững

Việc xây dựng các tuyến du lịch gắn với làng nghề truyền thống là một nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài. Một trong những điểm thu hút của làng nghề truyền thống với du khách chính là yếu tố môi trường mang tính cộng đồng, phường, hội, gắn với những đặc trưng riêng của từng ngành nghề. Du lịch làng nghề truyền thống sẽ ngày càng hấp dẫn, hiệu quả khi ngành du lịch các địa phương quan tâm thực hiện những dự án đầu tư đúng mức, thiết thực, mang tính lâu dài, trong đó có sự hài hòa giữa lợi ích cá nhân và cộng đồng, lợi ích của người dân và lợi ích của môi trường. Bên cạnh đó, các làng nghề cũng cần đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá làng nghề và sản phẩm thủ công.

Chú trọng các chính sách đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nguyên liệu sản xuất cho các làng nghề truyền thống

Bên cạnh việc chú trọng phát triển hệ thống giao thông nhằm tạo điều kiện cho việc vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa, chính quyền các tỉnh ĐBSCL cũng cần tập trung phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc sinh hoạt, học tập, giải trí của người dân như: trường học, trạm y tế, nhà văn hóa…

Nhận thức rõ vai trò của các làng nghề trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Long An cũng đã quy hoạch vùng ngập lụt ở các huyện Đức Hòa, Đức Huệ và Thủ Thừa để trồng bàng, ở các huyện Cần Đước, Tân Trụ, Bến Lức trồng lát, tre, trúc để đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề. Việc chủ động tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ là một trong những lời giải cho bài toán bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Theo đánh giá của người dân Long An, chỉ có 58% người được hỏi cho rằng việc quy hoạch đất nông nghiệp làm cho cuộc sống tốt hơn, tỷ lệ thấp nhất trong phần đánh giá về quy hoạch đất đai; 18,8% cho rằng làm cho cuộc sống xấu hơn. Điều này ít nhiều là sự tham khảo quý báu cho tỉnh trong việc quy hoạch, trong đó có các làng nghề truyền thống.

Quy hoạch, tái cơ cấu làng nghề, cụm làng nghề ở ĐBSCL

Đây là một trong những giải pháp cần thiết trong xây dựng nông thôn mới hiện nay. Chẳng hạn, tỉnh Long An hiện quy hoạch 15 làng nghề và cụm làng nghề truyền thống để tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn và giữ nét văn hóa đặc trưng của địa phương: làng nghề chầm nón, đan mây, tre trúc, bao đệm bàng ở xã Tân Mỹ, Lộc Giang, An Ninh Đông, Hiệp Hòa, Tân Phú (huyện Đức Hòa); làng nghề đan bao đệm bàng ở xã Mỹ Quý Tây, Mỹ Quý Đông (huyện Đức Huệ); làng dệt chiếu ở xã An Nhựt Ninh, Mỹ Bình, Lạc Tấn (huyện Tân Trụ), Nhựt Chánh, Bình Nhựt, An Thạnh (huyện Bến Lức); cụm làng ngề rèn nông cụ sản xuất nông nghiệp, đan bao đệm bàng ở xã Nhị Thành và thị trấn Thủ Thừa (huyện Thủ Thừa)...

Trải qua các chặng đường phát triển, làng nghề truyền thống Việt Nam nói chung và ở ĐBSCL nói riêng, chứa đựng trong đó cả ý nghĩa về lịch sử, kinh tế, xã hội và văn hóa. Sản phẩm của các làng nghề đã vượt qua giá trị của hàng hóa thông thường, trở thành những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo, truyền tải được giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Vì vậy, việc giữ gìn và phát triển giá trị làng nghề trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay là việc làm cần thiết, góp phần vào công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân tộc trong thời kỳ hội nhập.

_______________

1. Số liệu trong bài viết được cung cấp bởi đề tài cấp Bộ Môi trường văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL do Trường Đại học Văn hóa TP.HCM thực hiện, 2016.

2. Nhiều tác giả, Tổng tập nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012, tr.68.

Tác giả: Lê Thị Hồng Quyên

Nguồn: Tạp chí VHNT số 427, tháng 1-2020

;