Người Hà Nhì đen được biết đến như một nhóm tộc người điển hình về vấn đề quản lý rừng. Cùng với thiêng hóa rừng được cụ thể bằng các nghi lễ truyền thống, người Hà Nhì ở Lào Cai còn ngăn ngừa những hành động có nguy cơ gây tổn hại đến quá trình tồn tại, phát triển của các khu rừng thiêng bằng hệ thống các quy định trong luật tục của mỗi thôn bản; một loại luật bất thành văn có giá trị trong việc điều chỉnh các hành vi xã hội, quản lý tài nguyên rừng, sự đa dạng của môi trường sinh thái, mang lại lợi ích cho thôn bản.
1. Luật tục của người Hà Nhì ở Lào Cai trong quản lý, khai thác rừng
Luật tục phản ánh mối quan hệ giữa người Hà Nhì với môi sinh rừng
Người Hà Nhì ở Lào Cai thuộc nhóm Hà Nhì đen, là nhóm tộc người có dân số ít, cư trú rải rác ở một số xã vùng cao của huyện Bát Xát. Việc lựa chọn những khu vực rừng núi âm u, những nơi còn nhiều rừng nguyên sinh, rừng già là bắt nguồn từ nguồn gốc hình thành dân tộc, quá trình đấu tranh giữ đất của người Hà Nhì.
Người Hà Nhì ở Lào Cai có cùng nguồn gốc với người Hà Nhì ở Trung Quốc (1). Giản sử dân tộc Hà Nhì cũng có ghi chép lại rằng: “Dân tộc Hà Nhì cư trú có sự phân tán đến nhiều các vùng đất khác nhau, trong đó có vùng núi Ai Lao, núi Lục Chiếu và phân tán ở bờ sông tiếp giáp với Việt Nam và vùng hạ lưu sông Lễ Xã” (2).
Do cuộc đấu tranh chống lại sự xâm lược của nhà Hán, người Hà Nhì mất đất, nên đã bỏ lại tất cả để đi tìm những vùng đất mới sinh sống. Với các nhóm người Hà Nhì khi di cư vào Việt Nam, họ cũng thường lựa chọn những vùng đất cao, nơi có nhiều rừng rậm bao quanh để sinh sống. Điều này thể hiện khá rõ nét tại các khu vực cư trú hiện nay của người Hà Nhì ở Lào Cai. Các xã Y Tý, Nậm Pung, A Lù, A Mú Sung của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai là những nơi có vị trí địa lý cao hơn các khu vực khác, quanh năm lạnh giá, rừng già nhiều, môi trường sinh thái trong lành. Rừng, nguồn nước chính là các yếu tố hết sức quan trọng tạo nên các bản của họ. Do đó, người Hà Nhì rất chú ý đến việc quản lý, khai thác tài nguyên rừng một cách hợp lý, thể hiện rõ qua luật tục truyền thống của họ.
Luật tục phản ánh mối quan hệ giữa người Hà Nhì với rừng
Người Hà Nhì đen là nhóm tộc người có dân số ít, địa bàn cư trú chủ yếu ở các xã Y Tý, Nậm Pung, A Lù, A Mú Sung, đây là vùng đất có vị trí từ 1700m đến 2000m so với mực nước biển, khí hậu khắc nghiệt, chủ yếu chỉ có 2 mùa hè, đông. Mùa hè ngắn, mưa nhiều, mùa đông dài, lạnh giá. Trên các dãy núi bao bọc ấy là các khu rừng bạt ngàn, rậm rạp, nhiều muông thú, nhiều sản vật mà người Hà Nhì có thể khai thác để phục vụ cho cuộc sống, ngoài ra họ cũng phát triển loại hình canh tác nương rẫy, ruộng bậc thang truyền thống.
Mỗi khi số lượng các hộ gia đình trong bản của người Hà Nhì lớn, vượt qua phạm vi bảo vệ của các khu rừng thiêng, thì họ lại phải tách bản, chọn đất để lập bản mới. Việc chọn đất lập bản mới rất quan trọng, nó quyết định đến toàn bộ sự thịnh vượng của bản sau này, nên trong tập quán chọn đất lập bản được mọi người thực hiện một cách long trọng, tỉ mỉ.
Để chọn đất lập bản (phu, phu khà), người Hà Nhì có những yêu cầu hết sức chặt chẽ, mang đậm yếu tố tâm linh truyền thống, đảm bảo đủ 4 yếu tố là đất rừng, nguồn nước, đất dựng nhà, đất sản xuất. Rừng cùng nguồn nước là 2 yếu tố vô cùng quan trọng, vì nguồn nước sẽ cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất; rừng là nơi cư trú của các vị thần bảo vệ thôn bản, nơi chôn cất người chết, rừng góp phần bảo vệ cho các thôn bản không bị mưa lũ, ngăn chặn sạt lở đất, đồng thời còn là nơi cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm, cung cấp củi đốt, là nơi chăn thả gia súc chính của người dân. Trong đời sống cộng đồng, các khu rừng luôn chiếm một vị trí hết sức quan trọng, xét ở từng lĩnh vực có thể chia ra các loại rừng sau:
Rừng đầu nguồn: là những khu rừng nguyên sinh nằm phía trên các con suối chảy qua bản. Những khu rừng này được bảo vệ nghiêm, không được chặt phá cây cối nhằm đảm bảo cho việc giữ nước trong những mùa mưa lũ. Tuy không được giao trực tiếp quản lý, nhưng người Hà Nhì luôn tự nhắc nhở nhau không được chặt phá, nếu ai chặt phá sẽ bị bắt phạt theo quy ước. Nếu là người dân tộc khác chặt phá, khi họ phát hiện sẽ thông báo cho chính quyền địa phương bắt phạt theo quy định.
Rừng khai thác củi đốt: là cư dân sinh sống ở vùng núi cao, lạnh giá quanh năm nên người Hà Nhì rất chú trọng đến việc tích trữ củi đốt. Tuy nhiên, để đảm bảo các khu rừng không bị khai thác quá, họ quy định rõ việc khai thác củi đốt, chỉ cho phép khai thác những loại cây đã chết khô, không cho phép chặt cây tươi, cây còn sống về làm củi, nếu ai có hành vi chặt cây tươi sẽ bị dân bản bắt phạt theo quy định. Mỗi tháng mở cửa rừng một lần, mỗi lần mở cửa rừng, mọi người được vào chặt củi một ngày, số lượng không giới hạn theo khả năng của từng người. Sau này chính quyền địa phương thực hiện việc giao rừng cho người dân quản lý, nên họ được tự do vào chặt củi khô về đốt.
Rừng chăn thả gia súc: chủ yếu là các khu bãi bằng, những ngọn đồi thấp ít cây to, nhiều cỏ, nằm cách xa thôn bản tới nửa ngày đường, nếu không phải mùa cày cấy thì trâu, ngựa được chăn thả ở khu vực đó cả tháng không đưa về nhà, hàng tuần gia đình sẽ lên kiểm tra. Rừng này thường nằm cách xa các khu nương lúa, hoa màu, các khu ruộng trồng ngô, lúa của dân bản nhằm tránh việc trâu, ngựa vào phá hoa màu.
Rừng tâm linh: để thực hiện nhu cầu tín ngưỡng truyền thống, khi lập bản mới người Hà Nhì sẽ xác lập ra 4 khu rừng thiêng, tương ứng với từng nhu cầu trong cuộc sống, cầu mong có được cuộc sống tốt đẹp, phát triển.
Khu rừng thiêng gạ ma do: nằm ở vị trí hướng đông của bản, cao hơn bản. Từ đây có thể quan sát được toàn bộ các hoạt động của mọi người. Cửa bàn thờ hướng về bản, các vị thần ngự ở đây sẽ bảo vệ bản được yên bình. Các hộ gia đình không được ở vượt ra ngoài vị trí khu rừng này, nếu số hộ dân trong bản đông, họ cần tách hộ, lập bản mới, không được tham gia các nghi lễ chung, không phải người của bản nữa.
Khu rừng thủ tý: nằm ở vị trí hướng tây của bản, thường ở phía cuối bản. Đây là khu rừng thờ thổ địa, hướng bàn thờ quay về phía đông bắc. Tác dụng của khu rừng này là bảo vệ đất đai của bản, bảo vệ con người khỏe mạnh, cho vật nuôi được phát triển. Nghi lễ chính được thực hiện vào ngày 30 tết hoặc mùng 1 tết âm lịch hàng năm.
Khu rừng công viên a gơ lạ do: nằm ở vị trí phía dưới của rừng thiêng gạ ma do. Nó có thể ở phía đầu bản hoặc cuối bản gần với đường đi lại. Khu rừng này có thể có nhiều cây hoặc ít cây, nhưng phải có mặt bằng để có thể tổ chức các trò chơi dân bản khi tổ chức lễ hội cầu mùa hàng năm.
Khu rừng cúng tháng 3 mu thu do: là khu rừng thờ thần nông nghiệp, nên vị trí của rừng thường nằm thấp hơn các khu rừng khác, giáp với ruộng nương. Rừng mu thu do nằm ở vị trí phía tây bắc, ngang với bản, có vai trò bảo vệ cho cây trồng không bị phá hoại, sâu bệnh, con thú rừng không về phá hoa màu. Cứ vào tháng 3 âm lịch hàng năm, dân bản lại sắm sửa lễ vật để tiến hành dâng cúng, với mong ước thần linh sẽ bảo vệ cho mùa màng được bội thu, không bị mất mùa.
Nguồn nước thiêng lú khù sụ: có vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi bản Hà Nhì, thường nằm ở vị trí giữa bản để mọi người thuận tiện cho việc đến lấy nước. Nguồn nước thường được bắt nguồn từ khu rừng thiêng gạ ma do hoặc từ các khu rừng nguyên sinh về, nước đảm bảo luôn trong mát, sạch sẽ, chảy quanh năm không bao giờ cạn, đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt cho các hộ gia đình.
Người Hà Nhì tin rằng khi các khu rừng, nguồn nước thiêng được thiết lập, thần linh sẽ đến ngự ở đó, tạo phúc cho người dân, bảo vệ, chở che cho tất cả mọi người trong bản ấy. Việc thiêng hóa các khu rừng, tổ chức các nghi lễ cúng thần linh theo từng tháng trong năm đã góp công lớn vào quá trình quản lý rừng, các quy định về quản lý rừng được họ mang theo từ nơi ở cũ sang nơi ở mới, có một số nơi đã có điều chỉnh, nhưng cơ bản vẫn giữ được nội dung các quy định theo truyền thống.
Các quy định chính về quản lý rừng của người Hà Nhì ở Lào Cai
Cùng với quá trình thiêng hóa rừng, bảo vệ rừng bằng các nghi lễ thiêng hàng năm, người Hà Nhì còn quản lý rừng bằng các quy định trong luật tục của cộng đồng. Đây là các hình phạt vật chất đối với người vi phạm, là cái mà ai cũng thấy được ngay, liên quan trực tiếp đến kinh tế mỗi gia đình, nên sức răn đe là hết sức lớn. Bên cạnh những quy định về nộp phạt, cộng đồng còn tạo ra dư luận, người vi phạm sẽ luôn cảm thấy xấu hổ, mất danh dự trước cộng đồng. Do đó, hầu như không xảy ra chuyện vi phạm vào các quy định của luật tục quản lý rừng.
Để thực hiện việc quản lý, xử phạt những vi phạm, luật tục quy định về người thực thi. Đó là hai ông thày cúng (gạ ma guy), hai ông giúp việc (khư dù). Khi có người vi phạm, hai ông gạ ma guy sẽ phối hợp với trưởng thôn, già làng tiến hành xử lý vi phạm theo quy định về từng loại rừng. Đối với khu rừng thiêng luôn được quản lý nghiêm ngặt, cấm mọi hoạt động tác động đến rừng như chăn thả gia súc, chặt cây, lấy củi, hái rau, cắt cỏ, săn bắt…, nghiêm cấm phụ nữ bước vào rừng, nghiêm cấm mọi người đi vệ sinh trong rừng, khi vào rừng phải đi chân đất. Mỗi năm chỉ khi thực hiện nghi lễ cúng rừng vào ngày thìn lò no trong tháng giêng, thì mọi người mới tham gia chặt cây khô làm củi nấu chuẩn bị lễ vật dâng cúng thần linh. Số củi thừa ra không được mang ra khỏi rừng, tất cả các món ăn thừa sau lễ cúng cũng phải bỏ lại trong rừng, không được mang về bản. Nếu ai vi phạm quy ước sẽ bị “phạt 36kg gạo, 36kg thịt lợn, 20 lít rượu, 1 thồ thóc tương đương 30kg hoặc một ngày công lao động cho người phát hiện”. Đây được coi là hình phạt hết sức nặng đối với mỗi người dân Hà Nhì, nhất là khi đời sống kinh tế của họ còn khó khăn, vất vả. Trong luật tục cũng quy định rõ, toàn bộ những thứ dân bản phạt vạ này đều được mang ra liên hoan trong nghi lễ cúng rừng vào tháng 3 âm lịch hàng năm.
Với các khu rừng không phải là rừng thiêng, luật tục cũng áp dụng hình thức phạt. Mức phạt có thể khác nhau cho mỗi hình thức vi phạm, như vi phạm đối với rừng công viên thì mức phạt sẽ khác, gồm: 1 con gà 1kg, 1 con lợn 15kg, 10 lít rượu, 2 gói xôi nếp vàng kẹp một quả trứng gà, 1 thồ thóc. Những thứ này cũng được tổng hợp lại, cả bản liên hoan vào dịp tổ chức nghi lễ mu thu do.
Ngoài các khoản phạt, ở từng loại rừng, trong luật tục cũng có những quy định khác, mang lại lợi ích cho toàn bộ cộng đồng. Đối với các khu rừng lấy củi chung của thôn, mỗi tháng mở cửa rừng 1 ngày để các hộ gia đình vào lấy củi. Mỗi gia đình chỉ có 1 người được vào, mỗi người có thể chặt củi tùy theo khả năng, có thể được 1 địu hoặc nhiều hơn. Tuy nhiên, họ chỉ được lấy củi khô, nghiêm cấm việc chặt các cây tươi, cây còn sống về làm củi. Mọi người trong quá trình vào lấy củi tự giám sát lẫn nhau, phát hiện ai vi phạm sẽ báo cho kiểm lâm thôn, trưởng thôn để bắt phạt. Mức phạt cũng được quy định cụ thể như vi phạm các khu rừng thiêng khác, nên hầu như không có ai vi phạm. Đối với những người là dân tộc khác vào lấy củi trong khu rừng do dân bản quản lý, họ cũng bắt phạt, phải viết cam kết không tái phạm.
Đối với những gia đình muốn chặt gỗ về làm áo quan hoặc xin gỗ về làm cột nhà thì đều phải trình báo với ban quản lý thôn nếu là rừng chung của thôn bản, nếu rừng do hộ gia đình quản lý thì không cần báo. Theo quy định, khi chặt một cây tươi, cây còn sống thì phải chặt cao để gốc cây vẫn mọc ra các cây con thay thế hoặc trồng một cây con thế vào chỗ mới chặt để đảm bảo người sau vẫn có gỗ dùng. Hàng năm cộng đồng bản cũng tổ chức ngày trồng cây vào các khu rừng chung, góp phần bảo vệ sự đa dạng, xanh tốt của rừng.
Bên cạnh những quy định về khai thác củi đốt, gỗ, luật tục còn có những quy định về săn bắt, hái lượm trong rừng. Trước đây, người Hà Nhì không săn thú đang nuôi đàn con nhỏ, không đi săn bắt vào mùa động vật sinh đẻ, nếu có thì cũng phải có lựa chọn. Mặc dù không bị phạt, nhưng mọi người đều tuân thủ nghiêm các quy định này. Với việc tổ chức hái lượm các loại rau củ quả trong rừng cũng có những quy định về thời gian, địa điểm khai thác, không khai thác, chặt phá bừa bãi làm cạn kiệt sản vật.
2. Luật tục trong quản lý rừng của người Hà Nhì là kho tri thức dân gian phong phú về rừng
Có thể nói, luật tục nói chung, luật tục trong quản lý rừng nói riêng của người Hà Nhì là cuốn bách khoa về các mặt trong đời sống của họ, chứa đựng những giá trị tri thức dân gian phong phú, được đúc rút ra từ quá trình sống của nhiều thế hệ. Trong đó, tri thức dân gian về quá trình ứng xử với môi trường tự nhiên, sản xuất, canh tác nương rẫy, ruộng bậc thang, săn bắt, hái lượm…luôn có giá trị. Nó tựa như nguyên tắc sống của mỗi con người trong cộng đồng.
Luật tục trong quản lý rừng của người Hà Nhì là hệ thống các tri thức về quản lý rừng của cả một cộng đồng. Các quy định về công tác quản lý, khai thác được thực hiện một cách hài hòa giữa lợi ích, xử phạt, giữa ý thức cá nhân, dư luận xã hội, mang đậm yếu tố của luật pháp sơ khai. Quản lý rừng bằng sự kết hợp khéo léo giữa xử phạt bằng vật chất, các quan niệm về thần linh trong tín ngưỡng chung của thôn bản.
Luật tục trong quản lý rừng của người Hà Nhì chứa đựng trong nó những tri thức về quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên rừng thông qua việc xác định các quan hệ giữa sở hữu cộng đồng, sở hữu cá nhân đối với rừng. Việc quản lý, sử dụng rừng cộng đồng được cụ thể bằng các quy ước trong luật tục, mọi người bắt buộc phải thực hiện; đối với rừng do hộ gia đình quản lý sẽ được nới lỏng hơn, họ được tự do hơn trong việc quản lý, sử dụng, nhưng không phải vì vậy mà họ tự do chặt phá rừng. Những quy định xử lý sai phạm trong luật tục đã góp phần rất lớn vào quá trình ngăn chặn các hoạt động phá hoại rừng trong khu vực cư trú của họ.
Luật tục của người Hà Nhì được hình thành, tồn tại, bổ sung trong suốt quá trình phát triển của họ được lưu truyền trong cộng đồng qua hình thức truyền miệng. Tuy vậy, những điều lệ, những quy ước trong luật tục luôn được mọi người cùng thực hiện, giám sát một cách chặt chẽ, mỗi thành viên vừa là người thực hiện, vừa là người giám sát. Bất cứ ai vi phạm vào các quy định của luật tục đều bị dân bản xử phạt theo luật tục. Do đó, những quy định trong luật tục được mọi người thống nhất cùng thực hiện, tuân thủ một cách triệt để, mang lại cho dân bản sự yên bình, phát triển. Những quy ước trong luật tục Hà Nhì rất cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung, áp dụng những quy định có giá trị thực tế vào các khu vực, các bản khác nhằm bảo đảm cho sự tồn tại bền vững của các khu rừng xung quanh chúng ta.
_______________
1. Dương Lục Kim, Hứa Mẫn, Nghiên cứu nguồn gốc dân tộc Hà Nhì Việt Nam, Viện Khoa học xã hội, số 6, Vân Nam, 2008.
2. Ngô Đức Thịnh, Cầm Trọng, Luật tục Thái, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1999.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 382, tháng 4-2016
Tác giả : DƯƠNG TUẤN NGHĨA