Từ ngày 8 đến 17 tháng 6 năm 2012 tại Hà Nội đã diễn ra liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 4. Liên hoan đã tiếp tục từ 15 đến 24 - 6 tại Đà Nẵng.
Với khẩu hiệu Một đất nước không có phim tài liệu giống như một gia đình không có album ảnh, liên hoan phim lần này cũng như các lần trước đã trình chiếu những phim mới mang ký ức lịch sử, mang dáng vẻ riêng về cuộc sống con người đương thời của các đất nước khác nhau; mỗi buổi chiếu, khán giả được xem một phim châu Âu và một phim Việt Nam có nét tương đồng về đề tài: lịch sử, du lịch, môi trường, nông thôn, ký ức chiến tranh, chân dung danh nhân, kiến trúc công cộng...
Phim của các nhà làm phim châu Âu luôn mới lạ, hấp dẫn và tự nhiên trong cách thể hiện. Có cảm tưởng họ làm thứ điện ảnh thật như cuộc sống và đẹp hơn cuộc sống. Chẳng hạn: phim Trong đôi mắt bạn (Pháp) đã bám sát cuộc du lịch qua các địa danh nổi tiếng ở đảo Corse - Pháp, TP. New Orleans - Mỹ của nữ nhân vật khiếm thị Sophie. Chị và con chó Pongo dắt người mù đã cảm nhận các cảnh đẹp, đã tiếp xúc với những con người tại nơi đi qua như thế nào. Tất cả cảm xúc của nữ nhân vật mù đều được phản chiếu qua phong cảnh đẹp đẽ, qua thái độ sẻ chia chân tình của những chủ nhân nơi chị đến và qua đó khiến khán giả cũng muốn tới thăm nơi đó. Ông Sebastien Deurdilly, tổng biên tập series phim cho biết: đây là tập phim thuộc bộ 40 tập làm về địa lý - du lịch cho kênh truyền hình Arte. Các nhà làm phim, lúc đầu đã tuyển được 3 người khiếm thị và cuối cùng họ chọn chị Sophie vì khả năng tiếp xúc và dáng vẻ khả ái của chị. Dù bị mất khả năng nhìn, chị lúc nào cũng tươi vui như bông hoa buổi sáng. Đúng thế! Cho nên, khán giả đã hoàn toàn được Sophie cuốn hút cùng với vẻ đẹp cảnh quan và sự đa dạng về con người trên đường tour.
Một phim khác cũng cho thấy cách làm thông minh của nhà làm phim Thụy Sỹ khi biến một đề tài dễ khô khan và kém hấp dẫn thành một phim cuốn hút. Theo bước nữ kiến trúc sư người Nhật trẻ tuổi và rất xinh đẹp Yumiko Yamada tham gia xây dựng thư viện cho TP. Lausanne, nhà làm phim đã dẫn dắt khán giả qua hơn 1 giờ màn ảnh vào quá trình từ khi thiết kế đến thi công và hoàn thiện tòa nhà. Thêm nữa, ngay từ đầu khán giả đã được biết đây là công trình có kiểu dáng khác lạ: hai mái vòm bê tông lượn sóng, khẩu độ mỗi mái 90 m chồng lên nhau, sàn nhà nằm nghiêng và xung quanh lắp kính chuyên dụng tạo giao hòa với cảnh quan xung quanh. Vì thế dù chuyện xây dựng có phần khô khan thô ráp nhưng nhờ nhân vật chính xinh đẹp tài giỏi cộng với nỗi tò mò muốn mục sở thị công trình lúc hoàn thành ra sao, có đúng như ban đầu thông báo hay không, mà khán giả cứ phải hút theo phim cho đến hết. Tại rạp, chính tôi và mấy người xung quanh đều mang tâm lý đó.
Phim Làm nhiều vui nhiều của nữ đạo diễn Đức Carmen Losmann đạt 3 giải trong Liên hoan phim tài liệu Leipzig 2011 là một phim dài và rất trí tuệ. Nhà đạo diễn chủ yếu mô tả các cuộc trao đổi, các cách vận hành công việc tại nhiều địa điểm mà ở đó khái niệm văn phòng, công sở cố định không còn mấy thích hợp với xã hội hậu công nghiệp. Hơn nữa sự linh hoạt và năng động của công việc và con người hiện đại hoàn toàn có khả năng làm cho bận rộn vất vả thành hiệu quả cao và có niềm vui mọi nơi mọi lúc.
Phim Những đứa trẻ không hình bóng của điện ảnh Bỉ bám theo cuộc hành hương trở về các địa danh thuở xưa của giáo sư Shaul Harel hay còn có tên khác là Charlie Hisberg. Năm Charlie lên 4 tuổi, gia đình ông cư trú tại Bruxelles và bị bọn phát xít bắt đưa vào trại tập trung. Ông có may mắn trốn thoát, và nay, từ Tel Aviv ông tìm về chốn cũ với những hoài niệm đau thương. Tự sự của ông được nhà làm phim phát triển thành câu chuyện về nhiều số phận khác. Phim khiến khán giả không thể thờ ơ về một bi kịch lớn mà nhân loại từng trải qua dù đã 70 năm trước.
Các nhà làm phim nước ta góp vào tuần phim 9 phim tài liệu và khoa học dài. Hầu hết đều làm theo phong cách truyền thống: đúng, tốt, lành, dễ hiểu, dễ xem, với hình ảnh chọn lọc kèm lời bình chu đáo. Đó là các phim: Chuyện làng Then, Giáo sư Đào Duy Anh, Thày mo làm y tế, Tiếng gọi từ bầy linh trưởng, Cuộc đời sau trang sách, Bài học vỡ lòng, Lời nguyện cầu; có hai phim: Ký sự đồng quê của cố đạo diễn Phùng Ty, Đỉnh trời - đáy vực của nữ đạo diễn trẻ Phạm Phương Thảo đã lần lượt mạnh mẽ cất tiếng nói chính luận nêu vấn đề: đền bù thu hồi đất của nông dân sao cho công bằng, hòa giải và tha thứ sau cuộc chiến.
Riêng Liên hoan phim lần này còn có đêm dành cho các nhà làm phim trẻ Việt Nam - các học viên ở hai cơ sở: Tpd trực thuộc Hội điện ảnh và Doclab thuộc Viện Gothe và một đạo diễn từ khóa học Varan. Họ đã có dịp may mắn ra mắt tác phẩm của mình, hầu hết là những phim ngắn từ gần 3 phút đến 15 phút. Tuy chỉ như những bài tập hết khóa nhưng các phim đó thực sự là những sáng tác tâm huyết và mới mẻ, là dấu hiệu bản lĩnh dám đập vỡ vỏ trứng chui ra, làm phim và tự biểu hiện.
Chính nét tươi mới của các nhà làm phim trẻ đã tạo nên điểm nhấn của Liên hoan phim lần này và kịp thời động viên cổ vũ các bạn trẻ đang nhiệt huyết bước vào nghiệp làm phim tài liệu - một lĩnh vực thú vị và đầy thử thách
Các bạn từ Tpd có: Nguyễn Minh Thảo - Đôi tay biết nói; Chu Việt Nga - Động lực sống; Hoàng Huyền My - Bạn là ai; Đỗ Thanh Hà - Tình già; Nguyễn Diệp Thúy Anh - Ông nội; Lê Mỹ Cường - Nhọc nhằn than.
Các bạn từ Doclab: Trần Thanh Hiên - Mở mắt, Ký sự đường tàu; Doãn Hoàng Kiên - Vườn; Ngô Thị Thanh - Tiểu thuyết; Nguyễn Hương Trà - Câu chuyện; Đặng Đức Lộc - Sống tập thể; Phạm Thu Hằng - Nhịp thứ 8.
Từ lớp Varan: Nguyễn Minh Kỳ - Phòng mạch của bác sĩ Thi, một phim 35 phút khá hoàn chỉnh chững chạc.
Quả thực, các bạn làm phim trẻ, tuy còn những vụng về, non về kỹ thuật... nhưng đã mạnh dạn tự tin hội nhập phong cách làm phim tiên tiến của thế giới và đã thành công bước đầu đáng khích lệ. Tất cả các phim nói trên của họ đều không dùng lời bình, mà chỉ quay dựng theo mạch hoạt động của nhân vật và sự kiện, đôi khi kèm câu phỏng vấn. Với những phương tiện tối thiểu về kinh phí, máy móc, các nhà làm phim trẻ đã biểu hiện được những bức tranh cuộc sống đa dạng và sinh động - vốn thường bị phai nhạt, xơ cứng bởi cách làm phim tài liệu kiểu cũ: có kịch bản kèm lời bình chu đáo, mọi thứ gọt rũa biên tập kỹ lưỡng, tác giả dắt tay khán giả đến đúng kết luận. Không phải ngẫu nhiên mà châu Âu đều từ lâu không còn làm phim tài liệu kiểu chủ quan như thế và trong các lần liên hoan như lần này họ đều chiếu các phim tài liệu khách quan: ở đó, vai trò nhà làm phim ẩn đằng sau hình tiếng chứ không lồ lộ ra như cách làm phim của Việt Nam lâu nay. Điều mà nhiều nhà làm phim biết cả nhưng thay đổi tập quán và cung cách lâu năm không dễ.
Đổi mới, hiện đại hóa, hội nhập là từ chính công việc cụ thể trong từng lĩnh vực như những gì các nhà làm phim trẻ đang khám phá, dù cũ người, mới ta! Và quan trọng là: tre già măng mọc!
Nguồn : Tạp chí VHNT số 338, tháng 8-2012
Tác giả : Đặng Minh Liên