LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA THUẬT NGỮ THỜI TRANG

Thời trang vừa là biểu tượng thời thượng của xã hội hiện đại, vừa là một lĩnh vực chuyên môn. Cũng như bất kỳ một lĩnh vực chuyên môn nào khác, ngành thời trang cũng chứa đựng những khái niệm, phạm trù riêng biệt. Thuật ngữ thời trang mang chức năng thể hiện những khái niệm và phạm trù đó. Bài viết giới thiệu bức tranh khái quát về lịch sử ra đời và phát triển của thuật ngữ thời trang trong tiếng Anh và tiếng Việt, nhằm góp phần vào công tác nghiên cứu về thời trang nói chung và thuật ngữ thời trang nói riêng. Thời trang được đặt cạnh những ngành nghề thuộc về thiết kế như kiến trúc, nội thất, đồ họa hay tạo dáng… nằm trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, dĩ nhiên, được coi là một nghệ thuật sáng tạo trên vải vóc. Hòa cùng sự phát triển chung của khoa học, công nghệ và kỹ thuật, ngành công nghiệp thời trang đã có những bước tiến bộ mạnh mẽ trên thế giới cũng như ở Việt Nam trong những năm qua.

1. Vài nét về lịch sử phát triển của thời trang trên thế giới và ở Việt Nam

 Lịch sử phát triển của thời trang thế giới

Trước năm 1990, thiết kế trang phục chỉ là công việc thủ công và những người sáng tạo ra những bộ trang phục chỉ là những người thợ có địa vị thấp kém trong xã hội. Nghệ thuật trong suốt một thời gian rất dài chỉ bao gồm những gì thuộc về hàn lâm như âm nhạc, hội họa… Cho đến tận khi cuộc cách mạng nghệ thuật diễn ra vào những năm 1880 thành công, đã minh chứng rằng thiết kế cũng là nghệ thuật, thậm chí có tầm ảnh hưởng sâu sắc hơn cả nghệ thuật hàn lâm, vì thiết kế ứng dụng cung cấp những sản phẩm có ích và thẩm mỹ đến tận tay của từng người dân, ai cũng có quyền tận hưởng những giá trị thẩm mỹ, hiển nhiên người tạo ra những sản phẩm đó cũng được tôn vinh là nghệ sĩ. Ngành thời trang cũng ra đời vào thời điểm đó và chính thức bước lên bục vinh quang của nghệ thuật thời thượng và giành được nhiều mối quan tâm nhất của xã hội.

Ông tổ của ngành thời trang, Charles Frederick Worth là nhà thiết kế thời trang đầu tiên tạo dựng được thương hiệu chỉ từ danh nghĩa của một người thợ may. Ông đã chứng minh rằng thời trang là một sự kết hợp hài hòa của thẩm mỹ và vẻ đẹp tự nhiên trên quần áo và phụ kiện. Trước khi mở thương hiệu Maison de couture tại Paris, phần lớn trang phục chỉ được may bởi những thợ may vô danh và không được biết đến. Giá trị thành công của ông chính là người sáng tạo trang phục không chỉ chạy theo đòi hỏi và yêu cầu của khách hàng, mà còn khiến khách hàng phải mua và săn đón những sản phẩm mà một nhà thiết kế tạo ra.

Suốt TK XX, Paris được xem là kinh đô thời trang, khi mà tất cả các show diễn lớn nhất đều được diễn ra tại đây, những tạp chí thời trang hàng đầu thế giới đều gửi những biên tập viên giỏi nhất của mình để dự những show diễn này. Các nhãn hiệu thời trang đến Paris để sao chép mẫu mã và thiết kế lại. Paris được xem là cái nôi của thiết kế thời trang, nơi những gì thời thượng nhất và xa hoa nhất quy tụ về. Chiến tranh thế giới thứ hai đã khiến Paris mất đi vị trí của kinh đô thời trang và nhường ngôi cho một hơi thở mới hơn, trẻ trung và bốc đồng hơn mang tên nước Mỹ. Quần áo may sẵn và tiện dụng trở nên thứ ám ảnh khiếu thẩm mỹ của giới trẻ trên toàn thế giới. Cục diện thiết kế thời trang đã bước sang một giai thoại khác, đó là của sự hòa trộn thời trang may sẵn và thời trang cao cấp, hiện đại và cổ điển, phóng khoáng và cổ hủ. Dòng thời trang phức tạp và cuốn hút này đã hấp dẫn mọi tín đồ thời trang cho đến tận ngày nay. Trải qua hơn một trăm năm, những gì còn đọng lại của thời trang chính là định nghĩa đã trở thành biểu tượng của công nghệ làm đẹp bằng vải vóc cho con người. Thời trang chính là nghệ thuật, là giá trị thẩm mỹ kết hợp với vẻ đẹp tự nhiên trên trang phục. Chính điều này giữ cho ngành thời trang và những nhà thiết kế tách biệt khỏi những người thợ hay trang phục thông thường. Thời trang là thời thượng, là đẳng cấp và là cái đẹp khiến tín đồ phải chạy theo đam mê và ngưỡng mộ. Từ những nhà thiết kế đầu tiên tạo ra được những hiệu ứng tuyệt vời này như Coco Chanel, Jean Patou, Jeanne Lanvin cho đến những nhà thiết kế thiên tài đương đại như Marc Jacob, Alexander McQueen hay John Galliano đều đã dẫn dắt và bảo vệ thời trang luôn giữ được những giá trị của nó. Thời trang luôn đặc biệt, vì nó gần gũi với nhu cầu của con người hơn bất kỳ thứ gì. Trang phục không chỉ là quần áo, mà còn là thứ nghệ thuật sáng tạo thể hiện được cái nhìn thời đại, dấu ấn cá nhân của người mặc và những giá trị thẩm mỹ cơ bản.

Sự ra đời và phát triển của thời trang Việt Nam

Với lịch sử lâu đời và nền văn hóa độc đáo, trang phục của người Việt đã trải qua nhiều thời kỳ và mang những nét đặc thù riêng.

Trước 1945, trang phục của người Việt mang đậm dấu ấn phong kiến và được phân biệt theo tầng lớp xã hội. Nếu trang phục của vua chúa, quan lại chịu ảnh hưởng của triều đình phong kiến Trung Quốc thì quần áo của thường dân lại rất đa dạng như áo nâu sòng, quần lụa đen, áo tứ thân, áo yếm, áo dài, vấn khăn mỏ quạ, đội nón quai thao… Trong thời kỳ Pháp thuộc, trang phục bắt đầu có sự giao thoa với thời trang phương Tây thông qua những chiếc váy xòe, đầm cách tân được phụ nữ quý tộc ưa chuộng. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, trang phục có nhiều thay đổi do sự Âu hóa nhanh chóng tại khu vực thành thị. Ở miền Bắc, phổ biến nhất là loại áo kaki bốn túi thường được mặc bởi các cán bộ, viên chức, trí thức. Ở miền Nam, ngoài áo bà ba, nhiều người bắt đầu mặc áo sơmi. Riêng tầng lớp trí thức Sài thành ăn mặc hoàn toàn giống phương Tây: đàn ông mặc áo sơmi kết hợp với vest không tay, quần Âu vải, đi giày Tây da bóng, phụ nữ mặc váy hoặc áo dài cách tân. Còn ở miền Tây, áo sơmi trắng, quần Âu có dây đeo qua vai và mũ beret là trang phục điển hình của các công tử nhà giàu.

Sau năm 1975, các quan niệm, tư tưởng dường như cởi mở hơn cùng với quá trình giao lưu kinh tế, văn hóa. Đây là giai đoạn thời trang Việt Nam phân hóa đa dạng và phát triển với tốc độ chóng mặt. Đa số đàn ông thời kỳ này đều mặc quần Tây, áo sơmi ôm, ve áo và măng sét to bản. Các loại áo thun, áo ba lỗ cũng bắt đầu trở nên phổ biến và phong phú về màu sắc, kiểu dáng, chất liệu, họa tiết…Trong khi đó, trang phục của phụ nữ vẫn giữ được yếu tố truyền thống và gắn liền với đặc điểm vùng miền. Phụ nữ nông thôn miền Bắc vẫn mặc áo cánh nâu cổ tròn hoặc cổ tim, quần đen bằng vải lụa bóng, đầu vấn khăn vuông. Những người phụ nữ hoạt động cách mạng và làm cán bộ lại mặc áo sơmi đại cán, tay thẳng, cổ hình cánh nhạn, chất liệu kaki và thường có màu xanh, xám hoặc be hồng. Ở miền Nam, trang phục phổ biến vẫn là áo sơmi, áo thun và các loại váy đối với tiểu thương, trí thức; áo bà ba đối với nông dân.

Kể từ năm 1954, các loại áo, váy, đầm của nữ giới ngày càng phong phú, đa dạng về kiểu dáng, chất liệu: sơmi cổ tròn, cổ bẻ, không cổ, cổ khoét sâu hình bầu dục, cổ ngang, cổ vuông… tay ngắn, tay dài, tay phồng, tay lỡ… may bằng vải trắng, vải màu hay vải hoa; Váy thì có váy dài, váy ngắn, váy xòe, váy phồng, váy chữ A, may xếp ly hoặc bó sát. Sau năm 1968, chiếc váy mini bắt đầu du nhập vào Việt Nam và được phái nữ ưa chuộng, váy ngắn trên đầu gối, càng ngắn càng thời trang. Quần jeans cũng trở nên phổ biến trong thời kỳ này, đặc biệt là kiểu ống loe 30- 40cm, kết hợp với thắt lưng da to bản.

Trong những năm gần đây, thời trang Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ và trở thành một trong những ngành công nghiệp phát triển của đất nước. Thời trang Việt Nam đã có những bước tiến nhanh chóng, vấn đề ăn mặc ngày càng được quan tâm nhiều hơn, người Việt Nam bắt đầu lựa chọn trang phục theo phong cách và không ngừng cập nhật xu hướng thời trang thế giới. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những nhà thiết kế tài năng, sự ra đời của vô số thương hiệu, cửa hàng, trung tâm mua sắm… cho thấy bức tranh nhộn nhịp của ngành công nghiệp thời trang ở Việt Nam.

2. Lịch sử phát triển của thuật ngữ thời trang trong tiếng Anh và tiếng Việt

Lịch sử phát triển của thuật ngữ thời trang trong tiếng Anh

Thuật ngữ thời trang tiếng Anh cũng hình thành và phát triển song song cùng với ngành công nghiệp thời trang trên thế giới. Do vậy khi ngành thời trang đạt đến đỉnh cao của sự tiến bộ của khoa học và thẩm mỹ thì số lượng thuật ngữ tiếng Anh cũng gia tăng. Các nghiên cứu xã hội học đã chỉ ra rằng có năm giai đoạn phát triển riêng biệt của các thuật ngữ tiếng Anh trong thiết kế thời trang và thời trang.

Giai đoạn đầu tiên (từ khởi thủy tới TK XI-XII), ngành công nghiệp thiết kế thời trang và thời trang đã nối tiếp nhau hình thành từ khái niệm trang phục và chúng có mối quan hệ trực tiếp với nhau. Thuật ngữ tiếng Anh về trang phục ra đời từ khu định cư của người Celtic trên các hòn đảo nước Anh, đây cũng là nơi hình thành giai đoạn đầu tiên của những khái niệm về trang phục. Tuy nhiên sự phát triển của thời trang giai đoạn này còn rất hạn chế do thiếu công nghệ và công cụ sản xuất thích hợp. Ở thời kỳ này mới chỉ hình thành một số thuật ngữ đơn, hay còn gọi là các khái niệm đơn giản nhất về trang phục, ví dụ: gown- áo choàng, sleeve - tay áo, glove - găng tay… Đây cũng chính là phương thức cơ bản nhất hình thành nên những từ ngữ phổ biến và thông dụng nhất của thời trang.

Giai đoạn thứ hai (TK XII-XV) là thời kỳ đánh dấu sự phát triển lớn của thời trang châu Âu và sự xuất hiện của các thuật ngữ vay mượn. Đó là lý do vì sao chúng ta có thể nhận thấy có nhiều thuật ngữ trang phục tiếng Anh ảnh hưởng đặc trưng văn hóa Pháp. Thời kỳ này, các thuật ngữ thời trang tiếng Anh mang đậm đặc trưng thời trang Pháp như: sabot - giày đế bằng, chemise - áo sơ mi… .Các thuật ngữ vay mượn gốc Pháp đã làm phong phú thêm số lượng các thuật ngữ biểu niệm về các chi tiết của trang phục như: button - nút áo, sleeveless - áo không tay, standing collar - cổ áo đứng, padded shoulders - vai độn. Sự cấu tạo phức tạo của các thuật ngữ đã tạo nên các biến thể và phương thức kết hợp thuật ngữ 2 yếu tố.

Giai đoạn thứ ba (TK XV-đầu TK XVII): cấu tạo của các đơn vị thuật ngữ rất phong phú và đa dạng. Giai đoạn này nằm trong thời kỳ Phục hưng và các thuật ngữ thời trang tiếng Anh mang đậm đặc trưng văn hóa châu Âu thông qua các thuật ngữ vay mượn Ý, Đức và Tây Ban Nha, ví dụ: beret - mũ bê rê, brocade - gấm thêu. Từ đây đã xuất hiện khái niệm về thời trang và các thuật ngữ cố định. Cấu tạo của các thuật ngữ ngày càng trở nên phức tạp hơn bởi không chỉ có các biến thể mà còn thêm các từ ngữ phức tạp.

Giai đoạn thứ tư (giữa TK XVII-cuối TK XIX): trong suốt thời kỳ này, nghệ thuật cắt may đạt đến đỉnh cao thông qua các thuật ngữ thời trang. Chúng ta có thể nhận thấy một số thuật ngữ thể hiện sự đa dạng của hình dạng trang phục như mutton sleeve - tay bồng; hay chất liệu mới của thời trang như moleskin - nhung vải bông, calico - vải in hoa. Thuật ngữ thời trang giai đoạn này chủ yếu vay mượn từ ngôn ngữ châu Âu do những ảnh hưởng từ chính sách thuộc địa của Anh và các yếu tố ngôn ngữ khác sinh ra từ các đơn vị thuật ngữ có nguồn gốc khác nhau từ tiếng Nga, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng Ấn Độ. Vào cuối TK XVIII, các thuật ngữ thời trang tiếng Anh có vai trò ảnh hưởng to lớn và chúng được biết đến một cách rộng rãi với các thuật ngữ chính xác, ví dụ như tailcoat - áo đuôi tôm. Nghiên cứu về quá trình hình thành từ ngữ thời trang, chúng ta nhận thấy có rất nhiều sự kết hợp của các thuật ngữ và các thuật ngữ được cấu tạo từ sự kết hợp từ vựng - ngữ nghĩa,ví dụ: pagoda sleeve - tay áo hình phễu, hourglass silhouette - dáng đồng hồ cát. Cũng vào thời kỳ này, các mẫu thời trang được đặt bằng tên của người thiết kế mẫu hoặc người có tên liên quan đến hình dạng của sản phẩm thời trang, ví dụ: mackintosh - áo đi mưa (C.R.Mackintosh, nhà thiết kế thời trang người Scoland, là người đã thiết kế mẫu áo đi mưa), raglan - áo ráp lăng (đặt theo tên L.Raglan, một chỉ huy người Anh TK XIX, bị mất cánh tay trong trận chiến Waterloo và mặc áo khoác có ống tay áo ráp lăng để che đi cánh tay bị mất).

Giai đoạn thứ năm (TK XX - đầu TK XXI) là quá trình phát triển các thuật ngữ thời trang tiếng Anh với sự phát triển cao trong sản xuất công nghiệp, khoa học, thể thao và đánh dấu sự ra đời của nhiều phát minh, sáng chế. Phụ nữ không còn mặc những trang phục rườm rà. Họ bỏ áo nịt ngực và mặc váy dài đến giữa bắp chân. Cũng ở giai đoạn này, phụ nữ bắt đầu mặc quần dài, bởi vậy có sự xuất hiện của thuật ngữ trouser suit - bộ vest (áo vest với quần dài). Quá trình phát triển các thuật ngữ thời trang tiếng Anh này được thể hiện rõ rệt trong sự hoàn thiện các đơn vị thuật ngữ: ankle length skirt - váy dài đến mắt cá chân; nylon stockings - bộ tất ni lông; coveralls - bộ áo liền quần. Nửa sau TK XX, một yếu tố quan trọng góp phần vào việc hoàn thành các thuật ngữ thời trang, là sự ra đời của một số loại chất liệu tổng hợp mới: dacron and polyester - sợi tổng hợp Dacron và vải nhân tạo Pôliexte (1951); Lycra - vải thun Lycra (1959). Ở thời kỳ này, những người trẻ tuổi thường tạo ra xu hướng thời trang mới; phong cách hippie của những người yêu thích hòa bình, phản đối chiến tranh; phong cách punk theo mốt của các ngôi sao nhạc rock và phong cách gợi cảm pha chút ma quái mê hoặc discotechno. Từ cuối TK XX đến đầu TK XXI, các thuật ngữ thời trang, tập trung vào phong cách thời trang theo văn hóa vùng miền: unisex clothes thời trang trung tính, dành cho cả nam và nữ, mini skirt - váy ngắn, baggy shorts - quần soóc ống phồng, long-slung jeans - quần Jean đeo vai, hooded top - mũ trùm đầu. Giai đoạn này, thuật ngữ thời trang có những đặc điểm: số lượng các thuật ngữ gia tăng mạnh mẽ; xuất hiện của một số thuật ngữ được cấu tạo/ kết hợp từ nhiều thành phần như: mannish-style wide-leg trousers - quần ống rộng, pullover with round cut-out at shoulders - áo chui cổ khoét vai, studded black leather belt - dây lưng bằng da màu đen có vít cấy; xuất hiện các thuật ngữ viết tắt: tux (tuxedo) - bộ lễ phục, db (double breasted) - áo cài chéo; hình thành các nhóm thuật ngữ theo 12 chủ đề thời trang mới: fabrics and materials (vải và các nguyên liệu); mode (kiểu thời trang); women’s wardrobe (thời trang nữ); men’s wardrobe (thời trang nam); unisex clothes (thời trang trung tính, dành cho cả nam và nữ); facing and accessories (kiểu pha màu và các phụ kiện); clothing design (thiết kế quần áo); cutting and sewing (cắt và may); footwear (thời trang giày dép); outerwear (thời trang mặc ngoài); underwear (thời trang đồ lót); headwear (thời trang đội đầu). Đây được xem là giai đoạn phát triển nhất của các thuật ngữ thời trang tiếng Anh do ảnh hưởng của các phong cách nghệ thuật, sự ra đời các chất liệu mới, quy trình cắt và tạo kiểu phức tạp và sự phát triển không ngừng của ngành thời trang quốc tế.

Lịch sử phát triển của thuật ngữ thời trang trong tiếng Việt

Lịch sử hình thành và phát triển thuật ngữ thời trang trong tiếng Việt gắn liền với sự ra đời và phát triển của ngành thời trang Việt Nam.

Cuối TK XIX - đầu TK XX, các thuật ngữ thời trang của người Việt mang đậm dấu ấn của lịch sử chế độ phong kiến. Chúng ta được biết đến các trang phục hoàng gia: hoàng bào, long bào, long cổn mũ miện, xiêm, đai, hia, hốt (dành cho nhà vua); phượng bào, đoàn phượng nhật bình (dành cho hoàng hậu); mãng bào, mãng lan (dành cho hoàng tử); loan bào, sa kép xuân hạ (dành cho công chúa); mãng bào, mũ cánh chuồn (dành cho quan). Bên cạnh đó, các thuật ngữ chỉ trang phục của tầng lớp nhân dân lao động giai đoạn này chỉ có: áo tứ thân, váy đụp, yếm, trâm, khăn mỏ quạ (dành cho phụ nữ); áo the, quần lụa, guốc mộc (dành cho đàn ông).

Từ năm 1919 trở đi, do sự du nhập của văn hóa phương Tây vào Việt Nam dẫn tới phong trào Âu hóa, các dạng trang phục cũng bị ảnh hưởng, một số kiểu trang phục cách tân theo lối phương Tây cũng dần được phổ biến bên cạnh các dạng trang phục cũ. Do vậy, thời kỳ này chúng ta nhận thấy sự xuất hiện của các thuật ngữ thời trang mới bao gồm cả những từ vay mượn: áo vest, quần Âu, đầm xòe… Sau Cách mạng tháng Tám, thời trang của người Việt được Âu hóa rất nhanh, thuật ngữ chỉ trang phục cũng ảnh hưởng nhiều từ xu thế này, đó là: áo sơ mi, cổ áo hai ve, mũ bê rê, dép cao su, vòng ngọc trai

Sau năm 1975 đến nay, đồng hành cùng với hơn 40 năm xây dựng, phát triển của đất nước và sự tiến bộ của nền khoa học kỹ thuật công nghệ trên thế giới, người Việt Nam cũng đã không ngừng cập nhật và lĩnh hội những xu hướng thời trang mới. Thuật ngữ thời trang trong thời kỳ này phản ánh sự phát triển vượt bậc của ngành thời trang trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Chúng ta nhận thấy rõ rệt luồng hơi thở và tư tưởng của thời trang hiện đại với các thuật ngữ như: đầm cúp ngực, dáng cut out, chân váy bút chì, quần côn… Người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, đã dần thích nghi và làm quen với những khái niệm mới về hình ảnh và khái niệm về thời trang. Chúng ta nhận thấy sự phát triển rõ rệt trong nhận thức, quan niệm và tư tưởng của người Việt đối với thời trang.

Có thể nói, tuy chịu ảnh hưởng từ các nền văn hóa dân tộc và bối cảnh chính trị khác nhau, nhưng sự ra đời phát triển các thuật ngữ thời trang trong tiếng tiếng Anh và tiếng Việt đều gắn liền với từng giai đoạn lịch sử của thế giới và Việt Nam.

___________

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Văn Khang, Tiếng Việt trong sự tiếp xúc và tiếp nhận các yếu tố từ vựng của ngôn ngữ nước ngoài: hiện trạng và dự báo, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế lần thứ nhất, Hà Nội, 2011.

2. Lee Kyung Hee, Kim Kyung Sun, Dòng chảy thời trang thế giới, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 2016.

3. Rebecca Arnold, Dẫn luận về thời trang, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2017.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 408, tháng 6 - 2018

Tác giả : HOÀNG THỊ HUỆ

;