Lê Quý Đôn sinh ngày 5-7 năm Bính Ngọ, niên hiệu Bảo Thái thứ 7 (tức ngày 2-8-1726) trong một gia đình có truyền thống khoa bảng tại làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam, nay thuộc thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Trong lịch sử văn hóa Việt Nam, Lê Quý Đôn được vinh danh là nhà bác học, nhà văn hóa hàng đầu bên cạnh rất nhiều danh xưng khác với sự ngưỡng mộ, tôn vinh đến tuyệt đỉnh như: nhà lý luận văn học, nhà sử học, nhà bách khoa thư, nhà địa lý, nhà ngôn ngữ, nhà nông học, nhà thơ, nhà ngoại giao, nhà giáo, nhà thư tịch... Dù đứng ở danh xưng nào thì sự gắn kết của ông với sách vở vẫn là điển hình nhất, thành công nhất.
Lê Quý Đôn là nhà khảo cứu, biên soạn sách vở nổi tiếng, là người có số lượng tác phẩm nhiều nhất đóng góp vào nền thư tịch nước nhà. Trong thời kỳ Nho học ở Việt Nam thịnh hành, các nhà Nho thường đề cao việc viết sách, bởi viết sách, phổ biến kiến thức để giáo hóa cho đời là một trong ba điều bất hủ của nhà nho, một tín điều của kẻ sĩ và bổn phận của người quân tử. Lê Quý Đôn cho rằng văn chương là gốc lớn của sự lập thân, là việc lớn của sự kinh bang tế thế. Nhìn vào số lượng tác phẩm để lại cho thấy tầm vóc của nhà nho, của văn hóa thời đại.
Sách Lược truyện các tác gia Việt Nam là bộ sách tra cứu về tác gia Hán - Nôm được nhiều nhà nghiên cứu tin dùng. Trong khoảng 10 thế kỷ từ thời Lý đến thời Nguyễn, nước ta có 735 tác giả Hán - Nôm. Theo thống kê trong sách, duy nhất chỉ có Lê Quý Đôn biên soạn đến 50 bộ sách, đứng đầu trong số các tác gia Việt Nam thời phong kiến. Trong số các tác phẩm của Lê Quý Đôn, có nhiều tác phẩm đồ sộ cả về khối lượng trang viết và khối lượng thông tin dung nạp.
Về nội dung, các tác phẩm của ông bao quát nhiều lĩnh vực: văn, sử, triết, ngôn ngữ, thiên văn, địa lý, giáo dục, thư mục, kinh tế, chính trị, ngoại giao, nghệ thuật, bói toán, phong thủy..., tất cả các lĩnh vực khoa học từ TK XVIII người dân Việt Nam biết tới. Về hình thức, trước tác của ông đa dạng: có sáng tác, biên tập, chủ giải, bút ký đọc sách, khảo sát thực địa, ghi chép tổng hợp, thơ, văn, biện luận, dịch, diễn ca, văn tế, các lối văn dùng trong thi cử thời đó như văn sách, văn chính luận; các loại tựa, bạt, ký sự, văn bia, câu đối... Về chữ viết, đa số tác phẩm ông dùng chữ Hán, nhưng ông cũng là người đầu tiên dùng chữ Nôm trong các văn bản hành chính. Trong sáng tác, nhất là các bài văn sách, ông dùng chữ Nôm mà các bài văn ấy sau này được dùng làm bài văn mẫu cho các trường Nho học cho mãi đến những năm đầu TK XX. Về chất lượng tác phẩm, hầu hết các tác phẩm được viết ra dù dưới thể loại nào cũng đều nghiêm túc, cẩn trọng, đáng tin cậy về các thông tin đưa ra, có nhiều tác phẩm được dùng làm căn cứ để đời sau tra cứu như: Đại Việt thông sử, Vân Đài loại ngữ, Toàn Việt thi lục, Kiến văn tiểu lục, Phủ biên tạp lục… Về cách làm sách, tác phẩm của Lê Quý Đôn thường có kết cấu chặt chẽ, hoàn chỉnh. Tác phẩm nào cũng có bài tựa nói rõ mục đích soạn sách, phương pháp biên soạn, có mục lục chi tiết, tên, tên hiệu, nơi viết, ngày tháng năm viết đầy đủ rõ ràng. Sách vở của Lê Quý Đôn chẳng những phản ánh trí tuệ, tài năng, tâm tư tình cảm mà còn phản ánh, thể hiện bao quát các tri thức đương thời. Ông được coi như một tập đại thành của văn hóa Việt Nam thời kỳ trung đại.
Niên biểu Lê Quý Đôn cho thấy ông đã có 20 lần thay đổi vị trí làm việc với rất nhiều lĩnh vực như: văn, võ, kinh tế, chính trị, ngoại giao, giáo dục... Trong đó, làm việc ở Hàn lâm viện 4 lần (1752, 1754, 1757, 1767-1769), ở Quốc sử quán 3 lần (1754, 1775, 1781), ở Bí thư các 2 lần (1752, 1767), đi sứ 1 lần (1760 - 1762), làm quan chức lãnh đạo ở Quốc tử giám 2 lần (1767 - 1769, 1776), giữ trọng trách trong Phủ Chúa nhiều lần (1756, 1764, 1770 - 1772, 1773, 1774, 1776, 1778, 1783), làm ở Võ ban 4 lần (1756, 1770 - 1772, 1776, 1783).
Ông là người năng động, đi nhiều, đọc nhiều và viết nhiều. Chính sự năng động đó đã giúp ông tiếp cận được với nhiều kiến thức mới để tích lũy, sáng tạo. Quá trình làm việc đã chứng tỏ Lê Quý Đôn là người có khả năng giải quyết công việc trên nhiều lĩnh vực. Triều đình thay đổi vị trí làm việc của ông nhiều lần, lần sau cao hơn lần trước hoặc quan trọng hơn lần trước chứng tỏ triều đình cần ông. Song, đây cũng là điều kiện giúp ông có được nhiều cơ hội tiếp xúc thực tiễn xã hội để thu thập các tri thức cần thiết. Cũng chính việc phải thay đổi công việc nhiều lần đòi hỏi ông phải học hỏi, tìm hiểu nhiều lĩnh vực để thích ứng, giải quyết công việc mới. Tri thức trong sách vở, kinh nghiệm phong phú của cuộc sống mà ông tích lũy được trong 58 năm sống, học tập và làm việc đã giúp ông trở thành nhà bác học lỗi lạc của Việt Nam dưới thời phong kiến.
Hiện nay, di sản thư tịch của Lê Quý Đôn còn lại trong các kho sách Hán Nôm Việt Nam có 20 đầu sách với khoảng trên 10.000 trang chữ Hán, trong đó có 8 cuốn đã dịch, xuất bản bằng tiếng Việt hiện đại, còn nhiều sách chưa được dịch, trong đó có bộ tuyển tập thơ đồ sộ Toàn Việt thi lục dày 1542 trang.
Con đường để cậu bé Lê Danh Phương trở thành nhà bác học Lê Quý Đôn, thày giáo Lê Quý Đôn, danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn là con đường học tập phấn đấu, rèn luyện không ngừng nghỉ. Trên cương vị người cầm quyền chức, Lê Quý Đôn để lại hình ảnh một ông quan thanh bạch, cương trực, tận tụy với triều đình, với công việc, thương dân, gần dân, sống cuộc đời giản dị và mẫu mực. Trên cương vị người thày cả nơi trường ốc lẫn trong cuộc sống hàng ngày, Lê Quý Đôn để lại trong tất cả học trò của ông không chỉ các kiến thức giảng dạy mà cả một tấm gương trong sáng với tình yêu thương con người. Cái tình ông dành cho hậu thế đã giúp các học trò hướng thiện, hình thành nhân cách. Cái chữ ông dạy giúp học trò trở thành những ông tiến sĩ, hoàng giáp, thành những nhà Nho thông tuệ của trí tuệ Đại Việt. Cái gương ông dành cho học trò giúp họ chịu khó học hỏi, sống đạo đức, nặng tình yêu thương con người, rèn luyện để làm một công bộc tử tế cho đất nước.
Lê Quý Đôn còn là một nhân vật đặc biệt trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Có người cho ông là một hiện tượng văn hóa. Ngay từ lúc sinh thời và sau khi ông mất, đã có nhiều sự đánh giá, tôn vinh, ca ngợi của dân gian, học giả trong nước và nước ngoài. Khen có, chê có, nhưng khen nhiều hơn, khen cái sở tài học thuật, khen sự uyên bác, chịu khó tích lũy kiến thức; chê con đường làm quan, chê cái thủ thuật chính trị không hợp với người này, người khác, chê vì bị dèm pha, ghen ghét... Sự khen chê đó làm cho người đời sau có lúc hiểu không đúng về Lê Quý Đôn, làm cho hình ảnh ông lúc mờ, lúc tỏ trong lòng văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, Lê Quý Đôn ủng hộ nhà Lê, ủng hộ chúa Trịnh, không ủng hộ chúa Nguyễn. Chính vì vậy, khi đã giành quyền cai trị đất nước, nhà Nguyễn tỏ thái độ bực dọc, chê bai, thậm chí mạt sát, xuyên tạc thư tịch và hình ảnh thật của ông, thậm chí có cuốn sách của ông bị nhà Nguyễn cho hủy đi. Suốt thời gian dài dưới các triều vua Nguyễn, Lê Quý Đôn ít được nhắc tới, vì vậy trong lịch sử văn hóa Việt Nam, việc nghiên cứu về Lê Quý Đôn có thời gian bị gián đoạn.
Lâu nay, nhiều người cho rằng con đường chính trị của Lê Quý Đôn không có gì đáng nói hoặc cho là không thành đạt. Chính bản thân ông cũng thấy chưa thỏa mãn với những gì đã đạt được. Thực ra, chỉ nhìn riêng con đường quan chức của ông cũng phải nghiêng mình kính nể. Sau khi đỗ Đình nguyên Bảng nhãn khoa thi Nhâm Thân (1752), ông được triều đình cả bên cung vua và phủ chúa trọng dụng. 33 tuổi ông được cử làm Phó sứ (1759), 47 tuổi được thăng chức Bồi tụng, 52 tuổi được thăng Hành Tham tụng nhưng ông xin đổi sang ngạch võ ban làm Tả hữu điểm, quyền Phủ sự. Trên con đường quan lộ, ông gặp không ít thăng trầm. Khi làm ông giáo, khi cầm quân đánh dẹp hay đi thanh tra các địa phương, khi đứng đầu một vùng đất mới, lúc làm ở Đô Ngự sử, lúc làm ở Bộ Lại… Ở đâu ông cũng hoàn thành sứ mệnh của một ông quan đúng với những gì ông đã học, đã nghĩ.
Phác thảo về Lê Quý Đôn, GS Văn Tân nhận định ông là một nhà trí thức muốn có những cải cách trong xã hội Việt Nam; một nhà chính trị quan tâm đến nhân dân, gần gũi nhân dân và hiểu những mong muốn của nhân dân; một đại trí thức có tư tưởng tự tôn và tự hào dân tộc. Còn GS Trần Quốc Vượng lại phác thảo ông như một nhà hiền triết phương đông, sống lão thực và kiệm ước, một vị đại quan mà thương dân và ham mê tìm hiểu thực tế và đọc sách, viết sách… Ở Lê Quý Đôn, phong cách dân gian hòa trộn với phong cách bác học, giúp ông tích hợp được cái tri thức dân gian không văn bản cùng những pho sách dầy của bách gia chư tử.
Theo học giả Cao Xuân Huy, Lê Quý Đôn muốn cải cách xã hội, tổng hợp các thuyết đức trị của Nho gia, cái thuyết pháp trị của Pháp gia mà nặng về Pháp gia để bổ cứu cho cái tệ nhân tuần thủ cựu đời bấy giờ. Xã hội Việt Nam thời Lê Quý Đôn là thượng bất chính - hạ tắc loạn, nhân tâm về cơ bản bị đánh bại bởi tiền bạc và dục vọng thấp kém. Chủ nghĩa đức trị đã bị tê liệt. Lê Quý Đôn nhận thức tương đối đúng thực trạng ấy. Ông cho rằng muốn cứu xã hội thì phải đi bằng con đường pháp trị. Năm 1764, ông dâng sớ xin thiết định pháp chế. Tiếp đó, ông lại dâng khải điều trần về việc ngăn chặn tệ tham nhũng, về khẩn hoang và mở đồn điền. Ông còn vận động một số học quan có tâm huyết thay đổi chương trình khoa cử, đào tạo nhân tài. Ông say mê với các phương thuốc tưởng sẽ đắc dụng cho việc cải cách một nền giáo dục đang mất máu. Song, ở cái thời mà con đường học quan đã sa sút, tha hóa thì mọi đề nghị của ông chỉ là một hiện tượng độc tỉnh, bị cô lập.
Là một đại quan trong cung vua phủ chúa, nhưng Lê Quý Đôn lại hết sức quan tâm đến nhân dân, gần gũi nhân dân, hiểu những mong muốn của nhân dân. Sinh trưởng trong một gia đình trí thức luôn gắn bó với đời sống xã hội, tiếp xúc thường xuyên với các tầng lớp nhân dân, Lê Quý Đôn được kế thừa đức tính trung thực thẳng thắn, thân dân của cha là tiến sĩ Lê Trọng Thứ. Sau này, khi làm quan dong ruổi khắp nơi, nhất là những đợt đi liêm phóng, đi về các địa phương để kiểm tra đất đai, hộ khẩu hoặc trực tiếp làm Hiệp trấn phủ Thuận Hóa, ông luôn tiếp xúc với mọi mặt sinh hoạt của nhân dân, bám sát đời sống xã hội, cố gắng nghe nhiều, luôn suy nghĩ làm thế nào để giúp dân, giúp nước.
Một đời làm quan, Lê Quý Đôn tự đặt cho mình nhiệm vụ, cũng như là một nguyên tắc hàng đầu là vừa học trong sách vở, vừa điều tra, nghiên cứu thực tiễn để nâng cao tri thức và trước thư lập ngôn (biên soạn tác phẩm). Qua Kiến văn tiểu lục, Phủ biên tạp lục, Vân đài loại ngữ, chúng ta tìm thấy nhiều kiến thức phong phú như việc Lê Quý Đôn biết đến 201 thứ lúa. Ông còn khuyên các nông gia những việc làm cụ thể như: trồng đậu xanh trước đã, thứ đến đậu nho và vừng, các thứ ấy trồng vào tháng 5, tháng 6. Đến tháng 7, tháng 8 thu hoạch xong cày lật úp xuống, làm ruộng trồng lúa cho mùa xuân năm sau, thì mỗi mẫu thu được 10 thạch thóc. Những kiến thức, kinh nghiệm, cách làm thiết thực đã tràn ngập trong nhiều tác phẩm của ông.
Lê Quý Đôn là một đại trí thức có tư tưởng tự tôn, tự hào dân tộc. Trong cả sự nghiệp chính trị, sự nghiệp học thuật của ông để lại là tinh thần tự hào về một nền văn hiến Đại Việt. So sánh văn hóa Đại Việt với văn hóa Trung Hoa, ông từng tự hào cho rằng văn hóa nước ta không thua kém (vô tốn) hoặc không khác (bất dị) về tầm mức và trình độ. Khi soạn sách Kiến văn tiểu lục, ông lại so sánh “Lúc ấy (thời Lý - Trần) tinh anh nhân tài, khí phách văn chương không khác gì Trung Quốc”. Để chứng minh cho những so sánh ấy, ông có rất nhiều dẫn chứng như mang các sách vở của Đại Việt cho các trí thức Trung Hoa xem, tranh luận với các đại phu nhà Thanh về văn hóa Đại Việt. Ông bác bỏ quan niệm cho rằng Giải Tấn (đời nhà Minh) là ông tổ của văn học nước Nam. Ông đòi nhà Thanh phải bỏ cách gọi sứ bộ Đại Việt là di quan di mục… Cuộc đi sứ nhà Thanh năm 1760 – 1762 được ghi chép lại trong cuốn sách Bắc sứ thông lục không chỉ là cuộc đi sứ như thông lệ mà là một cuộc ngoại giao văn hóa với phần thắng thuộc về sứ bộ Đại Việt.
Di sản của nhà bác học Lê Quý Đôn thật đồ sộ và phong phú. Nhưng nổi bật lên là những điều ông tâm huyết với dân, với nước. Hình ảnh của Lê Quý Đôn, một người lãnh đạo, một nhà bác học yêu nước, thân dân sẽ mãi mãi sống cùng với thư tịch của ông và các giá trị văn hóa ông để lại.
Tại Thư viện tỉnh Thái Bình, tượng Lê Quý Đôn được gắn biển trang trọng: “Nhà bác học Lê Quý Đôn 1726 - 1784”. Năm 1979 và 1988, Sở Văn hóa và Thông tin Thái Bình tổ chức 2 hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất của ông. Các nhà khoa học tham dự hai hội thảo này đều dùng danh xưng nhà bác học khi nói về ông. Tôn vinh Lê Quý Đôn là nhà bác học, theo GS Văn Tân, vì Lê Quý Đôn là người đã nắm được tất cả các tri thức mà con người Việt Nam TK XVIII có thể có được. Lê Quý Đôn là cái tủ sách tổng hợp biết nói của nước Việt Nam TK XVIII. Trên thì thiên văn, dưới thì địa lý, giữa là con người, không gì Lê Quý Đôn không biết.
Cuộc đời Lê Quý Đôn ngắn ngủi có 58 năm với 30 năm làm quan nhưng có đến 20 lần thay đổi công việc mà vẫn dành được 42 năm đọc sách, viết sách, để lại cho đời hàng chục nghìn trang viết đủ loại. Lê Quý Đôn là một người làm quan, một nhà bác học đảm đương trọng trách ở bộ máy cai trị đất nước đang trong buổi suy tàn. Ông có lòng thương dân, cảm thông với đời sống của nhân dân lao động nhưng chế độ chính trị mà ông theo đuổi, phụng sự lại đang trở mặt với nhân dân. Vì thế trong ông luôn có những mâu thuẫn lớn. Mâu thuẫn giữa những tri thức, những hoài bão của nhà bác học với thực tiễn xã hội, giữa những kiến thức trong sách vở, nhất là kiến thức trị nước với thực trạng đất nước, giữa nạn tham nhũng của quan lại triều đình với cuộc sống đói nghèo của người dân... Lòng ông đầy khắc khoải trước thời vận loạn suy của nước, nỗi nghèo khổ của dân. Chính vì thế, những năm tháng làm hiệp trấn tham tán ở Thuận Hóa, ông đã thực hành chính sách thân dân, trị nước thành công nhất. Tiếc rằng, triều đình ông đang phụng sự đã thối nát không thể hấp thụ được những điều tâm huyết của Lê Quý Đôn.
Trong bài văn khóc người thày đáng kính của mình, Bồi tụng Bùi Huy Bích viết “Nước ta trong vài trăm năm nay mới có một người như thày”. Lê Quý Đôn đã dành cả cuộc đời phục vụ cho sự phồn vinh của đất nước, hạnh phúc của nhân dân. Ông để lại cho hậu thế một di sản thư tịch đồ sộ, một di sản tinh thần quý báu, một biểu tượng cao đẹp về tinh thần học tập, niềm kiêu hãnh về truyền thống văn hiến Việt Nam. Ông thật xứng đáng là nhà bác học lỗi lạc nhất Việt Nam trong nghìn năm đất nước xây dựng nền độc lập tự chủ của dân tộc, là niềm tự hào của mỗi người dân miền đất Hưng Hà văn hiến. Ngày nay, Lê Quý Đôn vẫn là tấm gương sáng của người trí thức đã từ đỉnh cao của văn hóa đương thời mà suy nghĩ những vấn đề về phồn vinh của đất nước, hạnh phúc của nhân dân.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016
Tác giả : PHẠM HỒNG TOÀN