Thanh Hóa không chỉ là nơi sinh tụ của người Việt cổ mà còn là vùng đất mang đầy đủ những mốc lịch sử nổi tiếng đánh dấu các giai đoạn phát triển quan trọng của dân tộc. Vùng đất này từ tự nhiên đến văn hóa đều thấm đượm màu sắc lịch sử nên có điều kiện hình thành, bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa truyền thống, trong đó lễ hội là một loại hình tiêu biểu. Tuy nhiên, cho đến nay, số lễ hội truyền thống được đưa vào khai thác, phục vụ phát triển du lịch ở xứ Thanh chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Trên cơ sở đặc trưng của lễ hội, bài viết đề xuất hệ tiêu chí làm cơ sở lựa chọn những lễ hội truyền thống tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch, kinh tế xã hội địa phương.
1. Nguồn gốc hình thành lễ hội truyền thống ở xứ Thanh
Thanh Hóa là mảnh đất tương đối ổn định trong lịch sử, về mặt hành chính gần như không bị chia cắt. Bản đồ hành chính tỉnh Thanh Hóa qua các thời kỳ lịch sử về cơ bản vẫn được giữ nguyên với các tên gọi khác nhau như: Cửu Chân, Tượng Quận, Ái Châu, Thanh Đô, Thanh Hoa... Tuy một số quận, huyện có nhập, tách và vùng đất Thanh Hóa ngoại được tách ra thành tỉnh Ninh Bình, song đại bộ phận lãnh địa, ranh giới xứ Thanh đã được xác lập ổn định từ thời Bắc thuộc cho đến bây giờ. Sự ổn định về hành chính là hệ quả tất yếu của sự thống nhất về tự nhiên, lịch sử, văn hóa đã tạo điều kiện cho các tập tục, tín ngưỡng, lễ hội ở Thanh Hóa có sự thống nhất, mang đặc trưng riêng không nhầm lẫn với bất cứ vùng miền nào.
Việc con người tụ cư, khai phá vùng đất này từ rất sớm là cơ sở quan trọng cho việc ra đời các làng xã cổ truyền. Và chính làng, xã lại là cái nôi chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó có những tục trò, tập quán, tín ngưỡng. Các tên gọi Kẻ, Xá, Vạn, Phường... còn hiện diện cho đến ngày nay đã nói lên một phần về sự cổ xưa của các làng xã ở xứ Thanh. Trong số các tên gọi ấy, Kẻ là tên gọi cổ của làng, xuất hiện với tần suất khá nhiều. Hơn thế, xứ Thanh còn là vùng có địa hình đa dạng, nên xét về nghề nghiệp và một số đặc trưng xã hội, ở Thanh Hóa có nhiều loại làng khác nhau: làng thuần nông, làng thủy cơ chuyên nghề đánh cá hay kết hợp đánh cá với nông nghiệp, làng nghề thủ công, làng khoa cử… Sự cổ xưa của làng cùng với sự phong phú về loại hình làng truyền thống đã tạo cho các lễ hội, phong tục, tập quán, tục trò, tín ngưỡng ở làng Thanh Hóa có tính đặc sắc, phong phú, đa dạng.
Xứ Thanh là vùng đất thang mộc, đất quân vương bởi hơn một nửa thời gian tồn tại của chế độ phong kiến Việt Nam (từ TK X-XX), đứng đầu bộ máy cai trị quốc gia là người xứ Thanh: Lê Đại Hành TK X-XI, Hồ Quý Ly TK XIV-XV, Lê Thái Tổ và các vua thời Lê sơ TK XV-XVI, vua Lê chúa Trịnh TK XVI-XVIII, các vua triều Nguyễn TK XIX-XX. Những chức vụ chủ chốt, quan trọng trong triều đình phong kiến đều có sự xuất hiện của người con xứ Thanh. Mảnh đất này còn được một số triều đại chọn làm kinh đô như triều Hồ (Tây Đô), thời Lê Trung Hưng (kinh đô Vạn Lại). Đến các tập đoàn phong kiến thất thế hay muốn khởi nghiệp đều muốn chọn Thanh Hóa làm căn cứ phòng thủ với tính quan trọng về địa thế của vùng đất này. Có lẽ, đặc điểm nổi bật này đã đem lại cho xứ Thanh sự ảnh hưởng và việc tiếp cận văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng chính thống (nổi bật nhất là Nho giáo) đã tác động, làm chuyển biến văn hóa xứ Thanh từ văn hóa dân gian đậm nét sang văn hóa có sự đan xen giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học, hệ quả của nó biểu hiện thông qua những giá trị đặc sắc trong lễ hội, tục trò, tín ngưỡng.
Với Thăng Long (Hà Nội) xứ Thanh là vùng đất nằm ở ngoại trấn, ngoại vi của trung tâm văn hóa chính trị đất nước. Nhưng lại là vùng đất địa linh - đất phát vương của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam, nên xứ Thanh trong lịch sử chịu ảnh hưởng ít nhiều, trực tiếp của văn hóa cung đình, lối sống của kinh đô, con người kinh kỳ, phố xá. Mặc dù xét về trình độ phát triển kinh tế xã hội có phần thấp hơn so với vùng trung tâm, những ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa có phần bị hạn chế, xứ Thanh được các nhà nghiên cứu nhận xét còn lưu giữ được nhiều yếu tố văn hóa Việt cao hơn vùng Bắc Bộ hay chốn kinh kỳ. Đó cũng là nguyên nhân làm cho Thanh Hóa có những biểu hiện hóa thạch ngoại biên về văn hóa nhiều hơn hẳn nơi khác.
Địa thế và lịch sử đã để lại cho Thanh Hóa hàng nghìn di tích lịch sử văn hóa. Theo thống kê của ngành VHTTDL, đến tháng 7-2016, Thanh Hóa đã có 804/1.535 di tích được xếp hạng các cấp, trong đó có 01 di sản văn hóa thế giới, 03 di tích quốc gia đặc biệt, 141 di tích quốc gia và 659 di tích cấp tỉnh. Số di tích được xếp hạng chiếm hơn 50% số di tích toàn tỉnh. Con số nói lên sự phong phú, đa dạng về loại hình, xuất hiện có tính liên tục trong các giai đoạn lịch sử mà trên hết là giá trị đặc sắc còn tiềm ẩn trong hệ kiến trúc, điêu khắc đến giá trị phi vật thể tiêu biểu như: thần tích, huyền thoại, tục ngữ, ca dao, lễ tục, lễ hội, các nghi lễ… gắn với các nhân vật được thờ phụng.
Hệ thống nhân vật thờ phụng cũng là một yếu tố quan trọng tạo nên sắc thái văn hóa độc đáo trong lễ hội. Đó là những nhân vật huyền thoại, mang tính lịch sử, hoặc cả hai; các nhân vật khổng lồ có sức mạnh phi thường xẻ núi lấp biển, những Ông Gióng đánh giặc Ân, An Dương Vương xây thành, Mỵ Châu - Trọng Thủy, các vị Thánh Cao Sơn Đại vương, Tứ Vị Thánh Nương, Thánh Lưỡng, Thánh Bưng cùng hàng trăm vị thành hoàng nửa huyền thoại, nửa lịch sử; những nhân vật lịch sử như Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Phụng Hiểu, Lê Lợi, Trần Khát Chân... Đôi khi, những nhân vật lịch sử này, do tầm vóc lớn lao của họ đã được tâm thức dân gian đồng nhất với các vị thần khổng lồ như trường hợp Lê Phụng Hiểu được lồng ghép trong nhân vật thần thoại ông Bưng và hàng loạt các vị thành hoàng nửa lịch sử, nửa huyền thoại khác. Những yếu tố vừa huyền thoại, vừa lịch sử này đã được khắc ghi trong tâm thức của nhân dân và được tái hiện thông qua các lễ hội. Đặc biệt, những lễ hội gắn với các nhân vật lịch sử nổi tiếng thường có quy mô vượt ra khỏi phạm vi của làng trở thành lễ hội cả vùng, thu hút không chỉ người dân trong tỉnh mà cả du khách ngoài tỉnh và nước ngoài tham dự.
Xứ Thanh còn là vùng đất tụ cư, sinh tồn của nhiều dân tộc. Ngoài người Kinh (Việt) sinh sống chủ yếu ở đồng bằng, các dân tộc thiểu số Mường, Thái, Dao, Mông, Khơ mú, Thổ, thuộc các nhóm ngôn ngữ: Việt - Mường, Môn - Khơme, Thái - Tày, Mông - Dao, sinh sống chủ yếu ở miền núi, trên địa bàn các huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh. Mỗi dân tộc đến nay còn bảo lưu nhiều giá trị văn hóa đặc sắc về tín ngưỡng, phong tục, lễ hội, góp phần làm phong phú thêm sắc thái văn hóa xứ Thanh.
Có thể nói Thanh Hóa hội tụ đầy đủ những yếu tố thuận lợi để hình thành một vùng văn hóa dân gian đa dạng cả về tự nhiên và lịch sử, kinh tế, xã hội. Phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội Thanh Hóa vì thế mà rất đa dạng, phong phú, là tiềm năng để khai thác đưa vào hoạt động du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh.
2. Đặc trưng và tiềm năng phát triển du lịch lễ hội xứ Thanh
Khi chưa có các loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần như tuồng, chèo, cải lương… thì lễ hội là một hình thức sinh hoạt cộng đồng rộng lớn và gần như là duy nhất đối với người dân Việt Nam. Thời điểm tổ chức lễ hội là dịp làng được hòa mình vào với cộng đồng.
Lễ hội xứ Thanh có từ thời xa xưa gắn liền với việc tập hợp và tổ chức các lực lượng để chiến đấu và sản xuất, thể hiện nhu cầu cân bằng đời sống tâm linh, sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa của cộng đồng. Lễ hội xứ Thanh mang sắc thái của nền văn minh nông nghiệp, gắn với tín ngưỡng dân gian thờ thần thánh và những người có công với dân làng, đất nước. Đồng thời, lễ hội còn là nơi lưu giữ lâu dài các tục lệ, dân ca, diễn xướng, trò diễn dân gian phong phú, độc đáo.
Xét về số lượng lễ hội, tác giả Lê Huy Trầm, Hoàng Anh Nhân đã thống kê trên địa bàn toàn tỉnh có 50 đơn vị (1). Tiêu chí của một đơn vị lễ hội là có đầy đủ thần tích, tục lệ, thời gian hội và lễ, trò diễn riêng mang đậm màu sắc địa phương văn hóa làng (có thể phân biệt với làng khác). Theo thống kê của Sở VHTTDL Thanh Hóa hiện nay có 300 lễ hội truyền thống liên quan đến di tích lịch sử, danh thắng được nhà nước công nhận, 50 lễ hội liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo. Trong tổng số 5757 làng, bản, khu phố có 1/3 làng, bản, khu phố tổ chức lễ hội hàng năm. Giống như nhiều vùng miền khác trên cả nước, do đặc trưng của nền kinh tế nông nghiệp, lễ hội xứ Thanh diễn ra nhiều nhất vào tháng giêng hoặc tháng 7, 8 mùa thu.
Các lễ hội truyền thống ở xứ Thanh chủ yếu diễn ra trong không gian của các làng, xã, cũng có những lễ hội được mở rộng phạm vi như nhiều làng giao chạ trong lễ hội, song việc mời chạ cũng khép kín trong phạm vi làng hoặc giữa các làng có địa lý gần gũi nhau, do làng tự lo liệu. Có một số lễ hội được diễn ra trong không gian lớn hơn - hội vùng. Cả vùng (gồm nhiều làng) cùng thờ chung một vị Thành hoàng. Ngay tên gọi những ngôi đền, nghè đã thể hiện rõ đặc điểm vừa nêu như: nghè Ba làng, nghè Tứ thôn… Tuy nhiên, trong số những làng ấy, có một làng làm hạt nhân. Cũng có lễ hội lấy Tổng (tức nhiều làng) làm không gian lễ hội như: lễ hội đền thờ Trần Nhật Duật ở Văn Trinh thuộc tổng Văn (Quảng Xương), đền Tam Tổng thờ Thánh Lưỡng Trần Khát Chân ở huyện Vĩnh Lộc, nghè Sâm thờ Cao Hoàng ở làng Viên Khê (Đông Sơn) là nghè hàng Tổng (tức tổng Thạch Khê) gồm 3 xã 9 thôn thuộc Kẻ Rủn xưa. Vào ngày hội tế, các làng trong tổng chia nhau các phần việc, cử làng đăng cai việc chủ trì tế Thánh để mở hội.
Ở xứ Thanh có đầy đủ các cấp độ lễ hội. Theo tác giả Lê Huy Trâm, Hoàng Anh Nhân thì lễ hội ở xứ này có các dạng từ sơ khai đến các hoạt động lễ hội phát triển cao, lễ hội mới.
Cấp độ hoạt động tục lệ: lễ hội này còn thô sơ theo tục và theo lệ nhằm thực hiện một tín ngưỡng từ xa xưa truyền lại mà người thực hiện về sau không biết tường tận nguồn gốc, nguyên nhân. Có thể kể đến tục chơi hang Lãm (huyện Thường Xuân), tục chơi chợ Chuộng (Đông Sơn), chợ Hoàng (Nga Sơn), chợ Chìa (Tĩnh Gia), tục chơi chợ tình duyên của người Mường (Cẩm Thủy).
Cấp độ lễ tục: hoạt động lễ hội ở cấp độ này vẫn còn gắn với tục nhằm bộc lộ mong muốn của cả cộng đồng, song không còn là hoạt động tục lệ nữa. Phần lễ ở đây đã thành quy củ, được ghi trong các khoán ước của làng, còn phần hội đã có trò diễn (tuy còn thô sơ) và trở thành nghĩa vụ của các thành viên trong làng. Lễ tục làng Thiết Đanh là một ví dụ tiêu biểu. Sở dĩ không gọi là lễ hội vì hoạt động này hoàn toàn theo tục: năm nào trong làng không có ông nào vào tuổi 60 thì phải kéo trò chụt để mong không có tai ách cho làng. Trò chụt có thể 2 - 3 năm làm một lần, cũng có thể nhiều năm mới làm lại.
Cấp độ lễ hội: là cấp độ hoàn chỉnh nhất, thể hiện đầy đủ năm thành tố trong cấu trúc lễ hội: thành hoàng - thần tích - thần điện - tục lệ - trò diễn và hội đủ các yếu tố của phạm vi lễ hội là thời gian - không gian - nội dung ý nghĩa - văn hóa làng, đồng thời thỏa mãn nhu cầu, khát vọng của đại bộ phận người dân trong làng, xã. Biểu hiện cao nhất về mặt ý nghĩa của hầu hết các lễ hội đó là tín ngưỡng nông nghiệp, lễ nghi nông nghiệp. Một số lễ hội điển hình có thể nhắc đến: lễ hội Lam Kinh, Bà Triệu, đền Sòng, đền Độc Cước, Phủ Na...
Dưới khía cạnh loại hình, lễ hội xứ Thanh có một số loại hình nổi trội:
Lễ hội tín ngưỡng: thường là tín ngưỡng dân gian thờ Thành hoàng, thờ Mẫu, thờ các thần liên quan đến các hoạt động kinh tế như nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp… Những lễ hội tiêu biểu của nhóm này: lễ hội xã Thiệu Trung tưởng niệm ông tổ nghề đúc đồng Khổng Minh Không, lễ hội xã Quảng Cư ở Sầm Sơn tưởng niệm bà Triều tổ sư nghề dệt săm xúc, lễ hội đình Phú Khê xã Hoằng Phú - Hoằng Hóa thờ tổ nghề hát; các lễ hội gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu như lễ hội Phố Cát ở Thạch Thành, lễ hội đền Sòng ở thị xã Bỉm Sơn, lễ hội Phủ Na (Xuân Du - Như Thanh).
Lễ hội lịch sử: thường gắn với việc tưởng niệm các nhân vật lịch sử của dân tộc đã có công trong việc đấu tranh, giữ gìn và bảo vệ tổ quốc. Những lễ hội thuộc loại hình này thường được tổ chức công phu, quy mô vượt ra khỏi phạm vi của tỉnh, có sức hút rất lớn đối với khách du lịch trên phạm vi toàn quốc. Một số lễ hội tiêu biểu: lễ hội Bà Triệu (Hậu Lộc), Lam Kinh, Lê Hoàn (Thọ Xuân)...
Lễ hội dân gian gắn với truyền thuyết: lễ hội Từ Thức gắn với truyền thuyết Từ Thức gặp Giáng Hương (Nga Sơn); lễ hội Mai An Tiêm gắn với truyền thuyết Mai An Tiêm (Nga Sơn); lễ hội gắn liền với truyền thuyết thần Độc Cước, hòn Trống Mái ở núi Trường Lệ, truyền thuyết cửa Thần Phù ở Nga Sơn, truyền thuyết ông Vồm ở Thiệu Hóa, trạng Quỳnh ở Hoằng Hóa…
Những lễ hội còn hiện diện trên đất xứ Thanh ngày nay là kết quả của một quá trình tiếp diễn và biến đổi văn hóa phong phú trong suốt diễn trình lịch sử địa phương, dân tộc. Ban đầu là các sinh hoạt tục lệ, mang màu sắc tín ngưỡng, trong quá trình người xứ Thanh tham gia vào tiến trình lịch sử dân tộc và việc có nhiều sự kiện đặc biệt, quan trọng của nước nhà thuộc các giai đoạn lịch sử đã diễn ra nơi đây khiến cho lễ hội có xu hướng lịch sử hóa rõ nét, những lễ hội mang màu sắc tín ngưỡng dần bị biến đổi theo thời gian, trở thành lễ hội lịch sử.
3. Tiêu chí lựa chọn lễ hội truyền thống đưa vào khai thác trong hoạt động du lịch
Đánh giá về hoạt động du lịch lễ hội ở Thanh Hóa, những thành công và khía cạnh thường được nhìn nhận: công tác tổ chức lễ hội, quản lý các lễ hội ngày càng được tăng cường; việc thanh tra, kiểm tra lễ hội và các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa được đẩy mạnh, giúp chấn chỉnh những sai phạm trong hoạt động lễ hội; công tác tôn tạo cơ sở vật chất, các di tích lịch sử văn hóa gắn với lễ hội, các làng nghề truyền thống được khơi dậy và từng bước phát triển… khiến diện mạo văn hóa Thanh Hóa có phần khởi sắc. Nhưng, xem xét ở khía cạnh của hoạt động du lịch, hiện chưa có lễ hội nào có biểu hiện rõ ràng của việc khai thác, xây dựng thành sản phẩm du lịch. Các lễ hội ở Thanh Hóa chưa ghi được dấu ấn sâu đậm, chưa trở thành điển hình trong hệ thống lễ hội cả nước. Điều này xảy ra, do nhiều nguyên nhân như: các lễ hội không tập trung thành những trung tâm lớn mà rải rác trong các làng quê, giao thông khó khăn, cơ sở vật chất yếu, công tác điều tra, nghiên cứu khoa học quy mô để đánh giá chính xác lễ hội nào cần phát huy, cần bổ sung, điều chỉnh, thậm chí cần phải loại bỏ vì không phù hợp…
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới và một số địa phương trong nước trong thời gian gần đây đã giúp cho Thanh Hóa có được những bài học quý báu trong việc lựa chọn lễ hội trong phát triển du lịch:
Xây dựng các tiêu chí lựa chọn lễ hội đặc sắc ở Thanh Hóa: tiêu chí 1, sức hấp dẫn của lễ hội được đánh giá qua các yếu tố như tính độc đáo, đặc sắc (không gian văn hóa nơi diễn ra lễ hội, giá trị độc đáo của cơ sở thờ tự, thần tích, tục lệ, nghi thức tế lễ, các trò diễn, trò chơi trong lễ hội) và sự ghi nhận của xã hội đối với lễ hội; tiêu chí 2, cơ sở hạ tầng phải đảm bảo tính thuận lợi của giao thông, hệ thống dịch vụ ăn nghỉ đảm bảo an toàn, tiện lợi cho du khách tham gia lễ hội; tiêu chí 3, khả năng liên kết giữa du lịch lễ hội và tham quan di tích, danh thắng, các điểm du lịch khác; tiêu chí 4, sự quản lý tích cực, khoa học của các nhà quản lý tại nơi diễn ra lễ hội và các cấp trong tỉnh về việc tổ chức và quản lý các hoạt động du lịch đạt hiệu quả cao.
Các tiêu chí có sự liên quan mật thiết với nhau. Thông thường các lễ hội đảm bảo cả 4 tiêu chí sẽ có cơ sở khai thác cho du lịch tốt hơn. Trong đó, tiêu chí 1 và 2 được đánh giá là quan trọng nhất và cũng là tiêu chí khó khắc phục. Tiêu chí 3 và 4 có thể được hoàn thiện theo nhu cầu thực tiễn phát triển du lịch của từng địa phương.
Kinh nghiệm từ một số địa phương tổ chức tốt một số lễ hội gắn kết với hoạt động du lịch cho thấy, việc lựa chọn lễ hội điển hình cần thể hiện được bản sắc văn hóa riêng của địa phương, có tác dụng giáo dục đạo đức, tư tưởng cho người dân, có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế. Rà soát các lễ hội Thanh Hóa gắn với các tiêu chí cũng như kinh nghiệm của các địa phương, Thanh Hóa có thể lựa chọn các lễ hội: Lam Kinh, Bà Triệu, đền Sòng, Độc Cước... xây dựng thành các sản phẩm du lịch điển hình. Những lễ hội này xét về phương diện lịch sử văn hóa và khả năng du lịch đều mang nhiều giá trị lớn lao. Tuy nhiên, việc phục dựng, gìn giữ, xây dựng kịch bản trình diễn để đưa vào hoạt động du lịch không chỉ cần có vai trò của những nhà quản lý văn hóa mà còn cần sự tham gia của đội ngũ những nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa. Có như vậy mới giải quyết được bài toán khó về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và gìn giữ bản sắc dân tộc.
Những điểm lưu ý và cần tránh khi xây dựng kịch bản trình diễn như: đơn điệu hóa, sân khấu hóa, hiện tượng trần tục hóa, quan phương hóa, thương mại hóa lễ hội. Để tránh mắc phải những sai lầm, trong việc phục dựng, xây dựng kịch bản, trình diễn lễ hội thì phải lấy người dân là chủ thể, tìm ra những nét đặc trưng riêng, đặc sắc của lễ hội, phát huy thế mạnh của những trò diễn độc đáo.
Lễ hội không phải là một yếu tố cố định bất biến, qua các thời kỳ lịch sử, lễ hội được bồi đắp thêm những lớp văn hóa mới, có khi chuyển hóa. Qua nghiên cứu các lễ hội điển hình Thanh Hóa thấy có nhiều lễ hội được chuyển hóa từ lễ hội dân gian gắn với truyền thuyết phong tục thành lễ hội lịch sử. Những nghi thức tế lễ, trò diễn trong lễ hội cũng luôn được bồi đắp, biến đổi cho phù hợp với tâm thức dân gian. Vì vậy, việc phục dựng, xây dựng kịch bản lễ hội không nên cứng nhắc rập khuôn, cần linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo bảo lưu được những giá trị văn hóa cổ truyền đặc sắc.
_____________
1. Lê Huy Trâm, Hoàng Anh Nhân, Lễ tục, lễ hội truyền thống xứ Thanh, Nxb Văn hóa Dân tộc, 2001, tr.10.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 406, tháng 4 - 2018
Tác giả : NGUYỄN THỊ THỤC