Lễ hội truyền thống Hoàng Thái hậu Ỷ Lan

Địa bàn diễn ra lễ hội

Trải dài 2km từ Tây Bắc xuống Đông Nam, song song với quốc lộ 5 là xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Xã Dương Xá nằm trong vùng đất cổ của huyện Gia Lâm, nơi đây có bề dày lịch sử hiện còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa quý giá như: trống đồng cổ, đồ dùng sinh hoạt bằng đồng, bằng gốm từ thời Hùng Vương. Nhiều di tích lịch sử được Nhà nước xếp hạng từ cấp địa phương đến cấp quốc gia. Trong đó, có Khu di tích đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan là một công trình vừa mang ý nghĩa lịch sử, vừa mang giá trị nghệ thuật được xếp hạng di tích quốc gia năm 1996. Đền Nguyên phi Ỷ Lan không chỉ là nơi thờ phụng một danh nhân lịch sử văn hóa nổi tiếng của cả nước, mà còn là điểm di tích cách mạng của dân tộc.

Quần thể Khu di tích đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan rộng khoảng 3ha gồm chùa, đền, điện, sơn trang nằm trong khuôn viên có sân, nhà thủy đình, cây xanh... Chùa và đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan còn có tên gọi dân dã là chùa, đền “Bà Tấm”. Phía trái, trước cửa đền là đôi rồng đá phủ phục với đường nét chạm khắc tinh xảo. Đền xây dựng từ cuối TK XI, có kiến trúc theo lối cung đình thời Lý, có 72 cửa.

Cách không xa đền phía phải có chùa Linh Nhân tư Phúc Tự do chính Linh Nhân Hoàng thái hậu Ỷ Lan, được khánh thành tháng 3 năm Ất Mùi (năm 1115). Trong đền và chùa hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý và hiếm. Nổi bật là đôi sư tử được tạc từ một khối đá lớn, cao 1,2m, rộng 1,36m, tư thế nằm phủ phục, đường nét mềm mại, tạo vẻ đẹp vừa uyển chuyển vừa oai hùng mạnh mẽ.

Khác với những con sư tử điêu khắc thường thấy ở các đình chùa, sư tử trong đền thờ Ỷ Lan đang vờn ngọc, đồng thời trên trần được trổ chữ “vương”, khẳng định vị trí chúa tể muôn loài, bảo vệ báu vật của đất nước. Trong cung còn hai khám cổ thời Mạc, hiện, các máng chạm trên khám như hoa lá, rồng phượng đều có giá trị về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Việt Nam. Đền và chùa Bà Tấm còn có một thành bậc đá liền khối điêu khắc rồng, lân thời Lý, dài 1,3m, cao 0,8m và nhóm tượng ba ông Tam thể ngồi trên đầu hai con sư tử cao 4m, tạc bằng đá rất tinh xảo, cũng là những hiện vật độc đáo đã qua gần 9 thế kỷ, còn lại đến hôm nay.

Trong đền có pho tượng Nguyên phi Ỷ Lan được tạc rất đẹp, cùng 6 pho tượng vị “Cung nữ trong triều” (lục bộ). Tương truyền là sáu bà giữ sáu bộ trong triều đình giúp Ỷ Lan nhiếp chính. Cũng trong đền và chùa còn có đôi câu đối ghi rõ:

Thập bát tứ diệu phong thế tại tam truyền chiêu lệnh thục

Bách dư sở tự quán địa lưu cổ trạch tối linh thanh

(Tạm dịch nghĩa: Đời nhà Lý thứ ba kén được người con gái đẹp, có đức có tài. Trên đất nước Việt Nam có trên một trăm nơi thờ, nhưng đây chính là quê hương của bà được lưu truyền, đến ngày nay và rất linh thiêng).

Dưới triều đại phong kiến, Nguyên phi Ỷ Lan là một trong những người phụ nữ Việt Nam xuất chúng có tài trị nước, an dân. Là người phụ nữ duy nhất hai lần nhiếp chính thay chồng và con điều hành triều chính, thực hiện tốt việc mở kho cứu dân đói, dẹp yên loạn lạc, dạy dân cấy lúa, trồng màu, chăn tằm dệt lụa, đắp đê phòng lụt… góp phần đưa đất nước vào giai đoạn thịnh trị. Bà còn là người có công phát triển đạo Phật hưng thịnh vào thời Lý.

Lễ hội truyền thống Hoàng Thái hậu Ỷ Lan

Với công lao và đức độ, bà được tôn phong là Mẫu Nghi thiên hạ thượng đẳng tối linh thần, là hoàng hậu duy nhất có lăng tẩm và bia đá ghi danh tại quê nội Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Hiện nay, theo thống kê, cả nước có 72 nơi lập đền thờ bà, nhưng chùa và đền thờ Ỷ Lan được xây dựng ở Dương Xá ngay chính trên quê hương bà là to nhất. Đây cũng là trung tâm văn hóa quan trọng nhất trong hệ thống di tích, tưởng niệm người phụ nữ có tài này.

Vì thế, hằng năm cứ vào dịp từ ngày 19-21 tháng 2 âm lịch, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội lại tổ chức lễ hội nhằm ghi ơn công đức bà đối với dân làng.

Lược sử nhân vật được thờ và lễ hội

Theo nhiều thư tịch cổ, Nguyên phi Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến, cũng có sách ghi tên bà là Lê Thị Yến Loan hay Lê Thị Khiết. Bà vốn là một thôn nữ, làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm. Năm 1063, qua một lần về thăm chùa Dâu ở Thuận Thành, Bắc Ninh, vua Lý Thánh Tông có cảm tình với Lê Thị Yến và sau đó cho đón bà vào cung, phong là Nguyên phi Ỷ Lan.

Bà là một trong số người phụ nữ góp phần cai quản việc nước, thu phục nhân tâm, tạo điều kiện giúp vua đánh thắng giặc Chiêm Thành năm 1069. Năm 1072, vua Lý Thánh Tông qua đời, Càn Đức lên ngôi vua khi mới 7 tuổi (vua Lý Nhân Tông). Bởi vậy, bà buông rèm nhiếp chính điều hành việc nước, cùng Lý Đạo Thành, Lý Thường Kiệt tổ chức đánh thắng giặc Tống xâm lược vào năm 1076. Bà còn chăm lo sản xuất nông nghiệp, coi trọng việc phát triển giáo dục. Với công lao như thế, hiện có rất nhiều nơi thờ Nguyên phi Ỷ Lan, nhưng đền và chùa chính thờ Nguyên phi Ỷ Lan được xây dựng ở Dương Xá, ngay chính trên quê hương bà là to nhất. Qua nhiều lần trùng tu, đến nay vẫn giữ được vẻ nguyên sơ với nét kiến trúc đậm dấu ấn văn hóa nhà Lý, vừa mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, lại vừa mang giá trị nghệ thuật cao. Đó thực sự là một công trình nghệ thuật độc đáo của dân tộc.

Với hệ thống truyền thuyết về Nguyên phi Ỷ Lan cùng những di vật cổ của thời Lý khiến Khu di tích đền và chùa thờ Nguyên phi Ỷ Lan ở Dương Xá, huyện Gia Lâm trở thành trung tâm văn hóa nổi bật và quan trọng trong hệ thống di tích, tưởng niệm Nguyên phi Ỷ Lan.

Lễ hội truyền thống hằng năm được diễn ra trong 3 ngày 19, 20 và 21 tháng 2 âm lịch với nhiều hoạt động tế lễ mang đậm màu sắc tín ngưỡng tôn giáo và hoạt động văn hóa thể thao như: hát quan họ tại thủy đình, thi đấu cờ tướng, tổ tôm điếm, bóng chuyền da nam, nữ. Các hoạt động tại lễ hội được xã Dương Xá tổ chức trang trọng theo tinh thần vui tươi, lành mạnh, đoàn kết, an toàn, tiết kiệm. Xưa kia, lễ hội rất lớn, không phải chỉ có Dương Xá và Thuận Quang tổ chức, mà cả tổng Dương Quang cũ (gồm 9 xã từ Sủi (Phú Thị) cho tới Văn Lâm (Hải Hưng cũ) cùng những làng cấy ruộng hậu của đền. Hiện trong đền còn giữ tấm bia ghi rõ tên các làng cấy ruộng hậu của đền với số lượng cụ thể. Do hội lớn, nên thường phải 5 năm mới tổ chức một lần. Ngày nay, lễ hội truyền thống Nguyên phi Ỷ Lan được xem là một trong những lễ hội văn hóa lớn của huyện Gia Lâm nói chung và xã Dương Xá nói riêng.

Bắc Ninh dư địa chí của Đỗ Trọng Vĩ, (mục cổ tích) khi nói về miếu Lý Thái hậu có chi tiết: “Người con gái làng Dương Xá hái dâu trong nương. Có một ông lão bán dầu trông thấy trên đầu cô có đám mây tía liền đến bảo cô ta đi gặp vua. Người con gái từ chối nói: “Mẹ tôi sai tôi đi hái dâu chứ không sai đi xem vua”. Ông lão nài thêm: “Sau này nếu quả cô được quý hiển thì cho tôi võng lọng đi trước”. Đến lúc đó, cô gái mới chịu nghe theo ông lão đến chỗ vua ngự... Lý Nhân Tông lên ngôi, tôn cô làm hoàng thái hậu. Nhớ lời ông bán dầu, mỗi khi ngự giá lại cho võng lọng của ông bán dầu đi trước. Về sau, dân vẫn giữ lệ cũ. Hằng năm, vào ngày nhập tịch mở hội, vẫn rước một cái kiệu đỏ để không và một đôi lọng xanh đi trước kiệu thần, không dám thay đổi.

Ngày hội được mở đầu bằng một đám rước long trọng - rước nước. Đám rước khởi hành từ đền Bà Tấm lên tới giếng nước cạnh chùa làng Sủi (Phú Thị) cách đền khoảng 2km. Đi đầu đám rước là cờ ngũ hành, tiếp đến là Tổng cờ, rồi đến chiêng, trống, bát bửu, liền sau đó là long đình rước bà Tấm (bài vị), có những người phục dịch theo kiệu. Đường đi từ đền theo đường 179 ngày nay lên làng Sủi. Sau kiệu Bà là kiệu đựng chóe dùng lấy nước. Trước kia, trong đền có một chiếc chóe bằng sứ Nhật Bản rất cao và to, nhưng nay không còn. Bên cạnh đó, là kiệu của các thôn thuộc Dương Xá và tất cả các làng cấy ruộng nhà đền. Do vậy, đám rước rất đông và dài. Do quy mô của đám rước như vậy nên thường kéo dài tới 4, 5 tiếng đồng hồ mới rước được nước về tới đền.

Trong lúc diễn ra cuộc rước nước, từ các thôn cũng tiến hành rước lễ vật ra đền để tế lễ. Sau khi kiệu bà và nước được đưa vào đền yên vị, các bô lão các thôn được cử vào Ban Tế tiến hành kiểm tra lễ vật rất nghiêm ngặt. Lễ vật tế trong ngày hội là trầu, rượu. Từ thượng cổ năm nào cũng vậy có chăng chỉ thêm bánh gai, bánh mật mà thôi.

Tại sân đền còn có tục phất cờ tổng, truyền rằng nhất là vào những năm trời âm u, múa cờ là để xua tan mây ám cho trời quang mây tạnh. Thuận Quang là làng được quyền lựa chọn tổng cờ cho hội hàng năm. Tổng cờ cũng được lựa chọn cẩn thận, là người không tang chế, đẹp người, khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Ngoài ra còn có hai thủ hiệu trống và chiêng. Cả thủ hiệu cờ và thủ hiệu trống, chiêng đều mặc đẹp và phải tập luyện từ trước. Các động tác và điệu múa của họ cũng giống như hiệu cờ, hiệu trống và hiệu chiêng ở hội Gióng. Hiệu cờ cũng quỳ, nhảy múa ba lần như ba ván ở hội Gióng. Lá cờ cũng dài như ở hội Gióng, nhưng tổng cờ phải tập luyện cẩn thận, thuần thục, tránh để cờ lùng nhùng mà cuốn vào cán, như vậy sẽ bị phạt vạ rất nặng và có lỗi với Thánh. Do đó mà các tổng cờ luôn luôn phải chú ý trong khi luyện tập.

Bãi Xây ở trong đền, ngày trước rất rộng và cây cối um tùm, mát mẻ, là nơi diễn ra cuộc đấu cờ người. Người đẹp nhất được chọn làm tướng. Mỗi quân cờ đều có một chiếc ghế đầu để ngồi. Riêng tướng cờ được che thêm một chiếc lọng. Người chơi đánh nước nào thì người đóng vai quân cờ chuyển chỗ theo nước đánh. Cứ như vậy, ván cờ diễn ra căng thẳng với sự đấu trí của người chơi, nhưng lại hấp dẫn người xem không chỉ vì các nước cờ tài ba mà còn bởi các màu sắc và sự thanh tú của các nam nữ đóng quân cờ. Cuộc đánh cờ phân thắng bại cho các địch thủ kéo dài cho tới hết hội. Đến cuối hội, người ta mới xác định rõ người thắng và trao giải cho người nhất cuộc .

Mỗi năm hội đều có phường hát ở các nơi đến đăng cai hát giữ cửa đền, suốt từ 19-2 đến hết hội. Thường thường, các phường hát đến xin, địa phương tín nhiệm phường nào thì cho phép họ tới hát giữ cửa đền cho đến khi rã đám mới thanh toán tiền cho họ. Ngoài ra các phường chèo, tuồng khác cũng đến góp vui cho hội thêm sôi nổi.

Sau cuộc lễ chính thức của các cụ trong hội đồng với bài văn tế Hoàng Thái Hậu, ra vào không ngớt là các cuộc dâng lễ của dân làng và khách thập phương. Ngày hội đầu tiên kéo dài cho đến khuya trong không khí nghiêm trang tại đền cùng các cuộc vui ngoài sân và khu vực xung quanh. Tương truyền sau khi tế lễ xong, ngày hôm đó cũng như buổi hôm sau, lễ vật được chia ra làm đôi, riêng Dương Xá được một nửa, nửa kia mới được chia cho các thôn còn lại trong xã. Ông chủ tế được biếu 60 phẩm oản và 60 quả chuối.

Vấn đề đặt ra trong công tác quản lý lễ hội

Qua lễ hội truyền thống Nguyên phi Ỷ Lan, ta thấy lễ hội là truyền thống tốt đẹp của dân tộc có hàng ngàn năm lịch sử, từ thời khai sinh, lập địa. Lễ hội thể hiện lòng tri ân của nhân dân với truyền thống chung của dân tộc, ôn lại lịch sử và ghi nhận công đức của các bậc tiền nhân có công dựng nước và giữ nước, bảo vệ nền độc lập của dân tộc qua các thời kỳ lịch sử. Tuy nhiên, việc tổ chức quản lý lễ hội hiện còn một số hạn chế nhất định và cần khắc phục như sau:

Một là, cần tăng cường công tác giáo dục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người dân về lễ hội, nắm vững chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách đại đoàn kết dân tộc, tự do tín ngưỡng về tôn giáo dân tộc. Trên cơ sở đó giúp mọi người nâng cao nhận thức vễ lễ hội, xây dựng ý thức trách nhiệm tham gia lễ hội, chống mê tín dị đoan, bảo đảm hoạt động lễ hội thực sự văn hóa, văn minh, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, hoạt động an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

Hai là, đối với công tác quản lý Nhà nước về lễ hội phải đặc biệt quan tâm và ban hành các văn bản về quản lý hướng dẫn tổ chức lễ hội, khi tổ chức lễ hội phải có kế hoạch cụ thể về nội dung, hình thức, quy mô, thời gian và được cấp có thẩm quyền cho phép, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh những vi phạm trong lễ hội.

Ba là, chỉ đạo bảo đảm công tác an ninh trong lễ hội, có phương án xử lý những trường hợp gây mất trật tự, an toàn, những hiện tượng gây rối, trộm cắp, chen lấn, xô đẩy, đánh nhau trong lễ hội; phát hiện và ngăn chặn kịp thời những biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để trục lợi.

Bốn là, ban tổ chức quản lý lễ hội phải tổ chức, quản lý, sử dụng nguồn tài chính bảo đảm chặt chẽ, công khai để nhân dân biết, bảo đảm đoàn kết nội bộ, tránh gây thắc mắc bức xúc trong nhân dân sau mỗi kỳ lễ hội.

Tác giả: Hoàng Tùng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 429, tháng 3-2020

;