Lễ đón Bằng UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp

Tối 15-6, tại Quảng trường - Tượng đài 16 tháng 4 (TP Phan Rang - Tháp Chàm), UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Bộ VHTTDL, Bộ Ngoại giao, Ủy ban quốc gia UNESCO tại Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ đón Bằng UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và Lễ hội Nho vang Ninh Thuận năm 2023.

Tham dự buổi lễ có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; Tổng lãnh sứ quán một số nước tại Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Về phía tỉnh Ninh Thuận: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Khanh; cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể các tỉnh; cùng các nghệ nhân, nhân dân tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu tham dự buổi lễ

Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chúc mừng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và cộng đồng người Chăm nhiều năm qua đã bền bỉ, kiên trì, tâm huyết cùng nhau gìn giữ, bồi đắp, trao truyền và phát huy giá trị Nghệ thuật làm gốm của người Chăm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, Nghệ thuật làm gốm của người Chăm ở Việt Nam được tạo ra từ bàn tay khéo léo của người phụ nữ Chăm với những dụng cụ hết sức đơn giản làm từ tre, vỏ sò, vải... tạo nên những vận dụng phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày, cũng như trong hoạt động tín ngưỡng tôn giáo hay những sản phẩm mỹ nghệ. Mỗi sản phẩm gốm Chăm luôn có những vẻ đẹp độc đáo, riêng có, thể hiện kỹ năng sáng tạo của người phụ nữ Chăm được trao truyền thông qua thực hành. Đồng thời, là lăng kính phản chiếu cuộc sống cũng như những nét văn hóa hằng ngày và gửi gắm những khát vọng tươi đẹp của cộng đồng dân cư.

“Chúng ta vui mừng và tự hào khi Nghệ thuật làm gốm của người Chăm, nghề thủ công truyền thống đầu tiên trở thành di sản thứ 15 của Việt Nam được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Đây là niềm tự hào của đồng bào Chăm và của cả cộng đồng 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S tươi đẹp” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng nêu rõ: “Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp là sự khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam trong kho tàng di sản văn hóa thế giới, đề cao vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại. Di sản văn hóa Nghệ thuật làm gốm của người Chăm từ nay đã trở thành tài sản chung của nhân loại. Chúng ta có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn, phát huy, tạo sức sống mới cho di sản”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ

Đất đai khô cằn, cùng với nắng gió Ninh Thuận đã nở hoa từ những bàn tay tài hoa, làm nên hồn cốt trong từng sản phẩm gốm Chăm. Chắt chiu, hòa quyện với mồ hôi của những người nông dân hiền hòa, kết thành những vườn nho xanh mát. Với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo không ngừng của người dân Ninh Thuận, Bình Thuận, nhiều giống nho đã được trồng thành công cho năng suất với hiệu quả kinh tế cao, trở thành những điểm thu hút khách du lịch và những trải nghiệm hết sức thú vị. Từ những dàn nho tươi ngọt, nhiều sản phẩm đặc trưng của Ninh Thuận, Bình Thuận đã ra đời như rượu nho, mật nho giàu dinh dưỡng, là món quà đầy ý nghĩa, thương hiệu đặc sản của mảnh đất đầy nắng gió này.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Lễ hội Nho vang là cơ hội để tôn vinh những người nông dân, doanh nhân, nhà khoa học, đồng thời cũng là dịp để trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm hợp tác, quảng bá thương hiệu nho vang Ninh Thuận, Bình Thuận ra thị trường trong nước và thế giới, theo thời gian sẽ trở thành một nét văn hóa đặc trưng của mảnh đất nơi đây. Lễ hội cũng mang đến cho du khách những trải nghiệm về vẻ đẹp thiên nhiên, hiểu biết sâu sắc thêm về các giá trị văn hóa, ý chí vươn lên trong khó khăn, thử thách của các đồng bào dân tộc tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Để hiểu thêm, yêu thêm và càng tự hào về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam...”.

 Chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ đón Bằng UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và Lễ hội Nho vang Ninh Thuận năm 2023

Từ nghệ thuật gốm Chăm đến những vườn nho Ninh Thuận cho thấy các giá trị văn hóa được bồi đắp lâu dài, bền bỉ trong đời sống hằng ngày của người dân sẽ trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, để phát triển đất nước và quê hương. Vì vậy, “Bộ VHTTDL, tỉnh Ninh Thuận cần có những kế hoạch cụ thể hơn thiết thực trong việc gìn giữ, bảo tồn, chấn hưng, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, nâng cao vật chất tinh thần cho nhân dân, tạo lập môi trường văn hóa trong cộng đồng, đặc biệt là trong không gian văn hóa gia đình và trên cả không gian mạng. Các cấp, các ngành và toàn xã hội cần chung tay gìn giữ, bảo tồn các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận, bảo tồn các di sản văn hóa đã được ghi danh để các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp luôn đồng hành trong mọi bước đường phát triển của dân tộc, đóng góp và làm giàu cho văn hóa thế giới” – Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gửi lời cảm ơn UNESCO, bạn bè quốc tế đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ hết sức quý báu, để các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam được gìn giữ, ngày càng lan tỏa sâu rộng, hòa cùng dòng chảy của văn hóa tinh hoa nhân loại.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương phát biểu tại buổi Lễ

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã phát biểu về Chương trình hành động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật làm gốm của người Chăm cần bảo vệ khẩn cấp. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết: ngày 22-9-2022 tại phiên họp thứ 17 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO diễn ra tại Vương quốc Ma-rốc, di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã được ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được UNESCO ghi danh.

“Để bảo vệ và phát huy bền vững giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật làm gốm của người Chăm, Bộ VHTTDL trân trọng công bố và kêu gọi các Bộ, ban, ngành, UBND các cấp, các cơ quan hữu quan, cộng đồng người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận là chủ thể của Nghệ thuật làm gốm của người Chăm và nhân dân cả nước cùng thực hiện Chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quý giá này”- Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng cho biết những nội dung cần thực hiện, đó là: Tổ chức các hoạt động bảo vệ khẩn cấp đối với di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm, hộ trợ, khuyến khích nghệ nhân, cộng đồng truyền dạy kỹ thuật, kỹ năng làm gốm, xây dựng phương án quy hoạch, mở rộng nguồn nguyên liệu và bảo tồn các làng gốm, huy động các nguồn vốn để bảo vệ, phát huy giá trị di sản; Tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo, thiết kế mẫu mã mới trên cơ sở các giá trị di sản, mở rộng thị trường tiêu thụ gốm để nâng cao đời sống của cộng đồng; Tiếp tục công tác kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm, xây dựng cơ sở dữ liệu để giới thiệu, quảng bá. Xây dựng và phát triển bảo tàng gốm Chăm, tổ chức trưng bày, trình diễn; Tiếp tục đề xuất phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú cho những người thực hành có nhiều đóng góp, tôn vinh khen thưởng các thợ làm gốm, cá nhân bảo vệ di sản; Hỗ trợ cộng đồng phục hồi những lễ hội, nghi lễ liên quan đến nghề làm gốm, xuất bản những công trình nghiên cứu về nghề làm gốm của người Chăm. Phối hợp với các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương, cơ quan chuyên môn, viện nghiên cứu tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá dưới nhiều hình thức tới công chúng trong và ngoài nước; Tổ chức định kỳ liên hoan làm gốm của người Chăm nhân dịp lễ hội Ka-tê, phát triển hình thức du lịch di sản văn hóa.

Nghi thức đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp

Tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO tại Việt Nam Hà Thị Ngọc; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương; Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phan Tấn Cảnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh đã thực hiện Nghi thức đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Tại buổi Lễ đón Bằng UNESCO, thay mặt UBND tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch Trần Quốc Nam cam kết sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng, thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm; sớm đưa nghệ thuật làm gốm của người Chăm phát triển bền vững về mọi mặt để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

“Với sự trân trọng và tình yêu di sản, chúng ta tin tưởng rằng nghệ thuật làm gốm của người Chăm và các sản phẩm gốm Chăm sẽ luôn có cơ hội để đồng hành với cuộc sống của nhân dân, của du khách trong nước và quốc tế, làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa của nhân loại hôm nay và mai sau”- Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam nhấn mạnh.

Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và Lễ hội nho vang Ninh Thuận năm 2023 được diễn ra từ ngày 13 đến 18-6-2023 với 12 hoạt động cấp tỉnh về VHTTDL đặc sắc, hấp dẫn, quy mô lớn, với nhiều hoạt động khác từ các huyện, thành phố trong tỉnh Ninh Thuận.

NGỌC BÍCH - Ảnh: TRẦN HUẤN

;