Giồng Riềng (Kiên Giang) là huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được các cấp, các ngành và các tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện đồng bộ, sâu rộng cùng những hoạt động thi đua, gắn với việc thực hiện có hiệu quả 5 nội dung, 7 phong trào: Xây dựng gia đình, ấp, khóm, đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, xã văn hóa nông thôn mới; gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến… Nhờ đó, phong trào ngày càng phát triển mạnh mẽ, lan tỏa, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại địa phương.
Xác định phong trào “TDĐKXDĐSVH” có tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, Ban Chỉ đạo phong trào của huyện và cơ sở đã xây dựng kế hoạch cụ thể chỉ đạo, triển khai, tổ chức tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Giồng Riềng đã đầu tư trên 1,2 tỷ đồng xây dựng 26 cổng chào pa - nô lớn, trụ treo băng rôn. Các xã, thị trấn đầu tư xây dựng mới 109 cổng chào Ấp văn hóa nông thôn mới và Khu phố văn hóa với tổng kinh phí gần 700 triệu đồng; chọn đăng ký và thực hiện 19 ấp, khu phố theo mô hình Ấp, khu phố văn hóa nông thôn mới tiêu biểu; thành lập và duy trì hoạt động 391 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình qua các hình thức như tổ hòa giải, địa chỉ tin cậy, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, CLB gia đình phát triển bền vững… với 2.152 thành viên tham gia.
Bên cạnh đó, huyện Giồng Riềng còn phát động thi đua chuyên đề thực hiện công trình Đoạn đường đẹp gắn với Thắp sáng đường quê (19/19 xã, thị trấn triển khai), tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tác dụng của việc xây dựng tuyến đường Thắp sáng đường quê và công trình Đoạn đường đẹp. Đến nay, toàn huyện đã vận động xây dựng được 60.474 mét đường thắp sáng gắn đoạn đường đẹp, lắp đặt 1.954 trụ đèn với số tiền trên 1,6 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 1,4 tỷ đồng, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, giữ gìn cảnh quan môi trường sáng -xanh - sạch - đẹp. Vận động người dân chỉnh trang trước cổng nhà, trồng các loại bông, hoa, cây cảnh với tổng chiều dài 77.835m (đạt 204,83%) trên tuyến đường trục lộ chính, ngõ, xóm, ấp, khu phố, xã, thị trấn theo mô hình Đoạn đường đẹp...
Theo ông Huỳnh Văn Thái Quỳnh, Phó Chủ tịch huyện Giồng Riềng: Đến nay, 18/18 xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao được đầu tư gần 17 tỷ đồng, 128/128 ấp, khu phố có Nhà thông tin gắn với trụ sở làm việc. Hằng năm, Ban Chỉ đạo huyện quan tâm chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền vận động các hộ gia đình đăng ký xây dựng Gia đình văn hóa dựa trên các tiêu chí, để làm cơ sở cho việc bình xét và công nhận.
“Nếu như cuối năm 2000, Giồng Giềng có 13.598 hộ đạt Gia đình văn hóa (đạt 39,34%) thì đến nay Giồng Giềng có 44.811 hộ đạt Gia đình văn hóa (đạt 96,24%); về phong trào xây dựng khu phố, ấp văn hóa, nếu năm 2000 có 2/99 ấp, khu vực đạt chuẩn văn hóa thì đến nay có 125/128 ấp, khu phố đạt chuẩn văn hóa (đạt 97,66%); bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét, hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ đạt chuẩn; nhà ở đạt chuẩn theo quy định là 47.073 hộ (đạt 94,91%); có 98,3% hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ 92,2%, hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt tỷ lệ 99,2%; thu nhập bình quân đầu người đạt 57,1 triệu đồng/năm; hộ nghèo giảm còn 1,7%; phong trào xây dựng xã văn hóa nông thôn mới năm 2015 mới có 4 xã đạt chuẩn thì hiện 18/18 xã đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới” - ông Quỳnh nói.
Từ một vùng quê nghèo khó bức tranh nông thôn Giồng Riềng rực lên những gam màu sáng Giồng Riềng đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 tại Quyết định 349/QĐ – TTg ngày 12/3/2021.
Mô hình “Đoạn đường đẹp” của người dân ấp Cái Đuốc Lớn (xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng) chỉnh trang góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, giữ gìn cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp
PHƯƠNG NGHI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 489, tháng 2-2022