Không ngừng củng cố quan hệ hợp tác Việt - Lào về văn hóa

   ​​​​​​​Việt Nam - Lào là hai nước láng giềng gần gũi trên bán đảo Đông Dương, có truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau lâu đời. Quan hệ đoàn kết đặc biệt này hình thành nên không phải do ý muốn chủ quan của bất kỳ bên nào, cũng không phải là một hiện tượng nhất thời, mà bắt nguồn từ vị trí địa - chiến lược của hai nước, từ bản chất nhân văn, nương tựa lẫn nhau của hai dân tộc, được nâng lên thành quan hệ đặc biệt từ khi Hồ Chí Minh thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930. Những nét tương đồng về văn hóa giữa hai dân tộc đã góp phần xây đắp nên tình đoàn kết keo sơn, thủy chung, sắt son Việt - Lào, mối quan hệ đặc biệt hữu nghị, trong sáng, mẫu mực tạo thành truyền thống quý báu, một sức mạnh vô địch, là nhân tố tạo nên thắng lợi của cách mạng hai nước.

 

   Củng cố quan hệ hợp tác Việt - Lào về lĩnh vực văn hóa trong giai đoạn hiện nay là sự kế thừa, tiếp nối của dòng chảy lịch sử, của những giá trị văn hóa đã được nhân dân hai nước lưu giữ trong suốt những năm tháng chiến tranh chống giặc ngoại xâm, và trong công cuộc dựng xây đất nước hôm nay. Những giá trị văn hóa đó là truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất, ý chí quyết chiến, quyết thắng với quân thù xâm lược, kề vai, sát cánh bên nhau trong đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú, đa dạng, nâng cao chất lượng cuộc sống, hưởng thụ những thành quả lao động do con người làm ra.

   Củng cố quan hệ hợp tác Việt - Lào trong lĩnh vực văn hóa là yêu cầu chính yếu, bắt nguồn từ chính những đặc điểm gần gũi, tương đồng về mặt địa lý, lịch sử, văn hóa giữa hai dân tộc. Đó là tình cảm, thái độ, niềm tin của nhân dân hai nước vào đường hướng phát triển, giao lưu, hợp tác về văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào, vào sự quyết tâm bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa đã được hun đúc qua thực tiễn dựng xây, kiến thiết đất nước của nhân dân hai nước. Những hoạt động củng cố quan hệ hợp tác Việt - Lào trong lĩnh vực văn hóa thường xuyên được các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban ngành vun đắp, tạo dựng, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống sinh hoạt của nhân dân hai nước. Nhiều hoạt động văn hóa sôi nổi đã được tổ chức tại hai nước như: Tuần văn hóa; triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, sách, báo; chiếu phim… góp phần giúp nhân dân hai nước hiểu biết sâu sắc hơn nền văn hóa hai nước cũng như mối quan hệ hữu nghị keo sơn Việt Nam - Lào. Bộ VHTTDL Việt Nam đã cử nhiều đoàn chuyên gia sang giúp các bạn Lào về chuyên môn trên các lĩnh vực: bảo tàng, thư viện, biểu diễn nghệ thuật,… Hoạt động củng cố quan hệ hợp tác về văn hóa giữa nhân dân hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, chia sẻ những kinh nghiệm, bài học, phương pháp cách thức duy trì, bảo tồn, phát triển di sản văn hóa, lễ hội truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của con người hai nước. Củng cố quan hệ giao lưu hợp tác về văn hóa Việt - Lào là những hoạt động mang tính tích cực, chủ động, thường xuyên của các tổ chức, lực lượng, cơ quan, ban, ngành, nhân dân hai nước với những hoạt động thiết thực, cụ thể.

   Trước những biến động phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, yêu cầu phát triển của mỗi nước, trên cơ sở những kết quả to lớn của sự hợp tác Việt - Lào những năm qua, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, Nhà nước đã thống nhất đặt ưu tiên cao nhất là cùng phấn đấu nâng quan hệ đặc biệt Việt - Lào lên tầm cao mới, theo phương châm chất lượng, hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định an ninh, chính trị, tăng trưởng kinh tế bền vững, hội nhập ngày càng sâu rộng, có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế.

   Theo đó, hợp tác giữa Việt Nam - Lào trên lĩnh vực văn hóa cũng nằm trong mối quan hệ tổng thể với các lĩnh vực khác, hướng đến xây dựng, vun đắp những truyền thống tình cảm tốt đẹp đã được hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước cùng chung lưng, đấu cật làm nên trong suốt thời gian vừa qua. Vì vậy, để củng cố quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Lào trong lĩnh vực văn hóa trong giai đoạn hiện nay cần thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp cơ bản sau.

   Một là, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về quan hệ hữu nghị hợp tác Việt - Lào về lĩnh vực văn hóa.

   Đây là biện pháp rất quan trọng mang tính thiết thực, hiệu quả để không ngừng củng cố, vun đắp quan hệ hợp tác về lĩnh vực văn hóa của nhân dân hai nước. Công tác tuyên truyền, giáo dục về lĩnh vực văn hóa sẽ giúp nhân dân hai nước biết được nhiều thông tin bổ ích, lĩnh vực cần khám phá, tìm hiểu để có những kế thừa, phát triển, bổ sung, trao đổi, giao lưu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau giữa các tỉnh, các vùng. Nhiều hoạt động giao lưu văn hóa diễn ra giữa nhân dân hai nước không chỉ để tái hiện lại nét đẹp văn hóa truyền thống của nhân dân mỗi nước mà qua đó để tăng thêm tính cộng đồng, sự hiểu biết về đặc điểm, truyền thống, phong tục tập quán của từng lễ hội, cách thức tổ chức, biểu diễn văn hóa của nhân dân mỗi nước; từ đó, góp phần quảng bá, giới thiệu về lễ hội của nhân dân hai nước không chỉ trong phạm vi mỗi quốc gia, dân tộc mà còn trên phạm vi toàn thế giới. Trước mắt cần dựa trên kết quả của các công trình: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930 - 2007; Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào (1930 - 2017) để làm cơ sở cho công tác tuyên truyền, giáo dục. Đây là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cùng với bộ sách lịch sử là những bộ sách hồi ký, văn kiện, sách ảnh, biên niên sự kiện, những cuốn phim tư liệu mà sau khi hoàn thành không chỉ là những công trình tổng kết có giá trị lịch sử về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt - Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng chí Kayxỏn Phômvihản, đồng chí Xuphanuvông dày công vun đắp, cùng các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, hai mặt trận, nhân dân hai nước không ngừng củng cố, phát triển mà còn là những công trình đáp ứng công tác tuyên truyền, giáo dục lâu dài hết sức có ý nghĩa đối với thế hệ hôm nay và mai sau.

   Để tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt, hợp tác về lĩnh vực văn hoá Việt - Lào, cả hai bên đã phối hợp tổ chức trọng thể hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của hai nước; duy trì các cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa các địa phương nhất là các tỉnh biên giới hai nước, ban, ngành, đơn vị…, đặc biệt là thế hệ trẻ của hai nước. Trong bối cảnh hiện nay, cũng như tương lai gần, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu hướng chủ yếu, nhưng xung đột dân tộc, tôn giáo, tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, khủng bố… vẫn diễn ra ở nhiều nơi với tính chất rất phức tạp. Các thế lực thù địch vẫn đẩy mạnh việc thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình mà mũi nhọn là tư tưởng, văn hóa, nhằm lật đổ sự lãnh đạo của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, chế độ dân chủ nhân dân ở Lào, phá hoại mối quan hệ đặc biệt, sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước. Vì vậy, hai bên cần tăng cường hợp tác trong công tác tuyên truyền, giáo dục về lĩnh vực văn hóa với nhiều hình thức phong phú, hiệu quả, thiết thực để giữ vững trận địa chính trị tư tưởng văn hóa, giữ gìn, phát huy tốt bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi nước trong xu thế mở cửa hội nhập, phát triển hiện nay.

   Hai là, tiếp tục thực hiện những chương trình hợp tác đã ký kết, mở rộng giao lưu toàn diện với các tỉnh của Lào về lĩnh vực văn hóa.

   Đây là hoạt động nổi bật mang tính thường xuyên, cần được duy trì lâu dài để không ngừng củng cố, bồi đắp quan hệ giữa hai nước. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước, nhân dân hai nước Việt - Lào đã có những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, chương trình hợp tác, ký kết về lĩnh vực văn hóa. Các hoạt động do các già làng, trưởng bản, đồng bào nhân dân các dân tộc vùng biên giới hai nước Việt ​- Lào thể hiện có sức lan tỏa mạnh mẽ, là sự hội tụ, tỏa sáng về nét đẹp của các giá trị văn hóa truyền thống, giàu bản sắc, để lại những ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh đất nước, con người, tình đoàn kết, hữu nghị hợp tác hai nước Việt - Lào. Những chương trình hợp tác về văn hóa giữa nhân dân hai nước thường xuyên diễn ra như là thông điệp của lịch sử để giáo dục, nhắc nhở không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn cả mai sau về những giá trị văn hóa tốt đẹp đã được bảo tồn, lưu giữ trong suốt chặng đường đấu tranh giành độc lập của hai dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa hiện nay.

   Ba là, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, lực lượng chuyên trách trong tổ chức những hoạt động giao lưu, hợp tác về lĩnh vực văn hóa.

   Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, lực lượng chuyên trách được biểu hiện cụ thể ở việc tham gia trực tiếp vào những hoạt động tuyên truyền, giáo dục quảng bá văn hóa của hai dân tộc, cử những đoàn cán bộ chuyên gia sang tham quan, giao lưu, học hỏi những kinh nghiệm bảo tồn, xây dựng, phát triển những công trình văn hóa, tổ chức Tuần văn hóa; những hoạt động mang tính định hướng cho nhân dân hai nước trong việc tổ chức, xây dựng chương trình văn hóa. Đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác văn hóa còn phát huy tốt vốn sống, kinh nghiệm của bản thân, tích cực, chủ động tham gia vào những hoạt động phong phú, đa dạng của các loại hình văn hóa khác nhau ở mỗi nước để có những quan hệ giao lưu, hợp tác, xây dựng, phát triển trong lĩnh vực này một cách toàn diện, sâu sắc, đem lại những hoạt động vui chơi, giải trí, phát triển thị hiếu thẩm mỹ của con người mỗi nước trong quá trình dựng xây, kiến thiết đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội hiện nay.

   Bốn là, làm tốt việc sơ tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm về hoạt động giao lưu, hợp tác, phát triển trong lĩnh vực văn hóa.

   Các địa phương, cơ quan, ban ngành của mỗi nước cần làm tốt việc sơ tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm sau mỗi lần tổ chức các hoạt động giao lưu, hợp tác phát triển, xây dựng, trao đổi về lĩnh vực văn hóa để những lần tổ chức sau được tốt hơn. Mục đích của hoạt động này là nhằm đánh giá một cách toàn diện, khách quan vai trò của từng lực lượng tham gia vào các hoạt động khác nhau, những hoạt động đó đã để lại ấn tượng gì, có tác dụng như thế nào đối với sự mở rộng, phát triển của từng hoạt động văn hóa. Qua đó, biểu dương, khen thưởng, tôn vinh đối với những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, hành động thiết thực, cụ thể đối với hoạt động vun đắp, dựng xây, củng cố mối quan hệ hợp tác về lĩnh vực văn hóa Việt - Lào. Những hoạt động này cần có sự tham đầy đủ của các cơ quan, ban ngành, lực lượng chuyên trách văn hóa của cả Việt Nam, Lào để hai bên có những nhìn nhận, đánh giá về những hoạt động đã làm được, chưa làm được, cần phải bổ sung, hợp tác phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

   Củng cố quan hệ hợp tác Việt - Lào về lĩnh vực văn hóa trong giai đoạn hiện nay đồng thời là sự tiếp tục tăng cường xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc của mỗi dân tộc để phục vụ đắc lực cho quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của hai nước.

 

Tác giả: Cáp Văn Đang

Nguồn: Tạp chí VHNT số 422, tháng 8-2019

 

;