Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được hình thành dựa trên nền tảng của cuộc cách mạng số, đặc biệt là việc sử dụng phổ biến internet. Nội dung của cuộc cách mạng là sự phát triển hệ thống liên kết thế giới thực và ảo trên cơ sở vạn vật kết nối internet, các hệ thống kết nối internet. Đứng trước những thời cơ, thách thức đó, các trung tâm thông tin thư viện (TTTV) đại học ở Việt Nam cần có lộ trình để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thông tin đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 ở Việt Nam.
Toàn cảnh Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh
Sản phẩm, dịch vụ TTTV trong yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Sản phẩm là kết quả của quá trình xử lý, bao gồm rất nhiều công đoạn khác nhau. “Sản phẩm thông tin là kết quả hữu hình của hoạt động xử lý thông tin (bao gồm biên mục, phân loại, định từ khóa, tóm tắt, chú giải, biên soạn tổng luận...) do một cá nhân hay tập thể nào đó thực hiện nhằm thỏa mãn nhu cầu tin của người dùng tin (NTD) khi sử dụng các cơ quan thông tin”.
Sản phẩm thông tin thư viện (SPTTTV) được hình thành nhằm thỏa mãn những nhu cầu thông tin, bao gồm: nhu cầu tra cứu thông tin, tài liệu, nhu cầu về chính bản thân thông tin. Tương tự như mọi loại sản phẩm khác, SPTTTV trong quá trình tồn tại, phát triển của mình, cần không ngừng được hoàn thiện để thích ứng với nhu cầu mà nó hướng tới về nội dung, hình thức.
SPTTTV có chất lượng cao là sản phẩm thỏa mãn nhu cầu tin với số vòng quay nhiều lần, thỏa mãn tối đa nhu cầu trong điều kiện chi phí về thời gian, sức lực, kinh phí nhất định. Thông qua hệ thống các sản phẩm thông tin có thể xác định được mức độ đóng góp của cơ quan TTTV vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Nhờ vậy, các cơ quan này mới khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong xã hội.
Các SPTTTV như: cơ sở dữ liệu (CSDL) thư mục, hệ thống mục lục, thư mục phiếu, tạp chí tóm tắt, danh mục từ khóa, danh mục chủ đề, từ điển, hệ thống tra cứu dữ kiện, toàn văn như sổ tay tra cứu, bách khoa thư, tài liệu dịch, CSDL dữ kiện, CSDL toàn văn…
Mối quan hệ giữa sản phẩm, dịch vụ thông tin trong hoạt động TTTV
Sản phẩm, dịch vụ TTTV được tạo ra nhằm khai thác, tìm kiếm thông tin cũng như được tiến hành hoạt động để thỏa mãn nhu cầu của NDT. SPTTTV và dịch vụ thông tin thư viện (DVTTTV) có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển. SPTTTV là một trong những tiền đề để cơ quan TTTV triển khai, phát triển các DVTTTV khác nhau. SPTTTV chính là một trong những nguồn khai thác thông tin quan trọng, tin cậy của cơ quan TTTV bởi sản phẩm là kết quả của quá trình xử lý thông tin do các cán bộ TTTV thực hiện. Sức mạnh của cơ quan TTTV là ở khả năng tổ chức, cung cấp các dịch vụ thông tin theo yêu cầu, khả năng tạo ra các sản phẩm thông tin có giá trị gia tăng cao như: các bài tóm tắt, tổng luận, chú giải, CSDL chứa các thông tin tư vấn, đánh giá…
Để đáp ứng yêu cầu của NDT, thông thường các cán bộ TTTV phải tiến hành đồng thời việc tạo ra các sản phẩm, dịch vụ TTTV tương ứng. Với mỗi sản phẩm đều có một hoặc một số dịch vụ tương ứng, mục đích nhằm giúp cho sản phẩm được sử dụng, khai thác. Ngược lại, ứng với mỗi dịch vụ đều có một hoặc một số sản phẩm phù hợp để dịch vụ đó được triển khai tốt nhất, hiệu quả nhất. Các cơ quan TTTV muốn triển khai các dịch vụ cung cấp thông tin phải dựa trên các SPTTTV như: hệ thống mục lục, thư mục, CSDL… của chính thư viện đó hoặc các cơ quan TTTV khác. Đây chính là kết quả của quy trình xử lý, bao gói thông tin, là cầu nối giữa giá trị nguồn lực thông tin, NTD. Tổ chức các DVTTTV sẽ đưa các sản phẩm này đến với người dùng một cách nhanh chóng, thuận tiện. Từ đó, mức độ khai thác sản phẩm thông tin của NDT sẽ nhiều hơn, góp phần phát huy hiệu quả, nâng cao giá trị của SPTTTV. Thông qua việc thực hiện các dịch vụ như: dịch vụ cung cấp thông tin, dịch vụ tư vấn thông tin, cơ quan TTTV có thể giới thiệu đến đông đảo NDT những SPTTTV mà mình đã xây dựng. Đồng thời, DVTTTV còn là kênh thông tin phản hồi từ phía NDT, giúp cho cơ quan TTTV có cơ sở đánh giá, điều chỉnh và hoàn thiện hệ thống sản phẩm, dịch vụ của mình. SPTTTV và DVTTTV là một phức thể bao hàm nhiều yếu tố cấu thành, đóng vai trò công cụ để thực hiện các mục tiêu của các cơ quan TTTV, giúp truy cập, khai thác nguồn di sản trí tuệ của con người, giúp mọi cá nhân, tổ chức có thể tìm đến với nhau, trao đổi mọi thông tin một cách thuận tiện, nhanh chóng.
Mối liên hệ giữa các loại SPTTTV, DVTTTV là hết sức chặt chẽ, ảnh hưởng, tác động, hỗ trợ nhau, không thể tách rời để hướng tới mục đích cao nhất là thỏa mãn, đáp ứng được nhu cầu tìm kiếm, khai thác, sử dụng thông tin của NDT. Mối quan hệ giữa SPTTTV, DVTTTV có tính liên kết chặt chẽ, tương tác cao như vậy nên vấn đề hoàn thiện, phát triển SPTTTV phải luôn đi liền với việc tổ chức, đảm bảo sự phát triển cân đối, đồng bộ dịch vụ phù hợp. Đây là vấn đề cần được quan tâm, nhận định, triển khai toàn diện, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của cơ quan TTTV.
Tác động của công nghiệp 4.0 tới sản phẩm, dịch vụ trong cơ quan TTTV
CMCN 4.0 mà nền tảng là internet kết nối mọi vật (IOT) dựa trên sự phát triển bậc cao của công nghệ thông tin truyền thông (ICT). Đây là sự kết hợp giữa công nghệ thế giới thực, thế giới ảo, thế giới sinh vật cho phép thông tin, kiến thức, tri thức của nhân loại thường xuyên đưa lên phần mềm icloud cho mọi người tra cứu.
IOT cho phép mỗi đồ vật, con người được cung cấp một định danh của riêng mình, tất cả đều có khả năng truyền tải trao đổi thông tin dữ liệu qua mạng mà không cần có sự tương tác trực tiếp giữa người với người hay người với máy tính. CMCN 4.0 mà chúng ta đang ứng dụng sẽ tạo ra một thế giới, trong đó các hệ thống ảo, vật lý của chuỗi sản xuất trên toàn cầu có thể hợp tác với nhau một cách linh hoạt. Nó không chỉ đơn thuần về các máy móc, hệ thống thông minh, được kết nối, mà còn có phạm vi rộng lớn hơn nhiều. Đồng thời là các làn sóng của những đột phá vượt bậc trong các lĩnh vực khác nhau từ mã hóa chuỗi gen cho tới công nghệ nano, từ các năng lượng tái tạo tới tính toán lượng tử.
CMCN 4.0 đã, đang, sẽ tạo cho ngành thư viện một số cơ hội mới. Vị thế, vai trò của thư viện sẽ có sự gia tăng với sự ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ thông tin, truyền thông. Trong những năm qua, với sự phát triển của công nghệ, các thư viện đã có thêm chức năng mở rộng vượt ra ngoài việc thu thập, lưu trữ, phổ biến thông tin đơn thuần, trở thành nơi cung cấp các nguồn tin, nơi dữ liệu, kiến thức được tạo ra, chia sẻ. Thư viện đã, đang mang đến cho người đọc những cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức mở. Tài nguyên thông tin mà thư viện xây dựng, phát triển, tạo ra cho bạn đọc tiếp cận vượt ra ngoài phạm vi của các bức tường thư viện. Cùng với việc xây dựng bộ sưu tập các tài liệu in, tài liệu đa phương tiện nhiều thư viện đã chủ động thu thập dữ liệu/ tài liệu số; xây dựng các chính sách để truy cập, chia sẻ, sử dụng lại dữ liệu; tiến hành xử lý, lưu trữ, bảo tồn, quản lý dữ liệu; truyền thông, tổ chức cho mọi người/ đối tượng bạn đọc sử dụng.
Sự bùng nổ, gia tăng nhanh chóng nội dung số đã dẫn tới xu thế ngày càng phát triển mạnh mẽ các tài liệu ở dạng điện tử. Tài liệu chuyển dịch từ in sang dạng số.
Xuất bản phẩm điện tử ra đời. Trong lĩnh vực xuất bản tài liệu nghiên cứu, học thuật, xuất bản truy cập mở, cho phép tác giả chi trả chi phí xuất bản để hỗ trợ sự truy cập miễn phí vĩnh viễn tới tài liệu hay ấn phẩm nhiều kỳ xuất bản theo mô hình này.
Số hóa tài liệu: các trung tâm TTTV đang tập trung số hóa tài liệu, công nghệ số mở ra khả năng tiếp cận dễ dàng đến những kho tài liệu này hơn khi những tài liệu này bị bó hẹp bởi khả năng tiếp cận theo cách truyền thống. Sách cũng sẽ thay đổi hoàn toàn. Tất cả sách đã được xuất bản sẽ được số hóa. Nhiều dự án số hóa khối lượng lớn đang diễn ra. Dự đoán trong vài thập kỷ nữa tất cả sách mới sẽ được xuất bản dưới dạng số, các bộ sưu tập thư viện hiện nay sẽ chuyển dịch ra khỏi các bộ sưu tập in truyền thống.
Trong thời đại CMCN 4.0, nguồn tài liệu trực tuyến, cùng với nó là các loại hình SPTTTV, DVTTTV tương ứng được chú trọng phát triển với gia tốc ngày càng cao, chiếm tỉ trọng ngày càng lớn. Các trung tâm TTTV tại các đại học Việt Nam chú trọng sự hợp tác, liên kết với giới nghiên cứu, các trung tâm lưu trữ dữ liệu, các nhà xuất bản, các tạp chí khoa học để có thể sử dụng chung.
Trung tâm TTTV đại học là nơi cung cấp nguồn thông tin quan trọng nhất trong nhà trường. Sinh viên trong các trường đại học có thể tiếp cận với nhiều nguồn thông tin khác nhau: từ các giảng viên, các cuộc thảo luận, hội thảo khoa học, từ các cơ sở thực nghiệm, thực tiễn xã hội, thư viện. Trong những nguồn thông tin ấy, thông tin từ thư viện là quan trọng nhất, đầy đủ, toàn diện, phong phú, đa dạng nhất. Vì đó là những thông tin đã được sàng lọc qua nhiều khâu, hầu hết có cơ sở pháp lý, khoa học, được tích lũy lâu dài, được kiểm nghiệm qua thực tiễn; là nguồn thông tin phù hợp với nhu cầu, thói quen sử dụng của sinh viên.
Trung tâm TTTV đại học cần thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ, phương thức hoạt động để đối mặt với tình trạng thiếu vắng bạn đọc, không thể hoàn thành sứ mệnh của mình là cung cấp thông tin, tri thức một cách có hiệu quả. Cần xây dựng được nguồn lực thông tin phong phú, đặc biệt xây dựng bộ sưu tập số với một hệ thống các cơ sở dữ liệu cùng với các siêu dữ liệu (metadata) có khả năng đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, thư viện sẽ mất vị thế của mình với vai trò là nơi cung cấp thông tin, tri thức.
CMCN 4.0 sẽ đặt ra thêm các thách thức về an toàn thông tin, bảo mật. Cần thực hiện như thế nào để dữ liệu được trao đổi một cách an toàn giữa các hệ thống, đảm bảo chất lượng, sự trong sạch của dữ liệu là một vấn đề cần quan tâm.
Một số giải pháp đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ đối với các trung tâm TTTV đại học để nắm bắt cơ hội trong thời đại CMCN 4.0
Trung tâm TTTV đại học là điểm kết nối giữa nguồn thông tin của xã hội, nhu cầu thông tin của sinh viên. Sinh viên trong các trường đại học hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức mang tính thời đại. Xã hội thông tin đang sản xuất ra một khối lượng thông tin lớn với một tốc độ rất nhanh. Hiện tượng bùng nổ thông tin này đang làm nảy sinh 3 vấn đề: sự khủng hoảng các vật mang tin, hiện tượng phân tán thông tin, tốc độ lạc hậu nhanh chóng của thông tin. Việc tiếp cận, khai thác, sở hữu thông tin của sinh viên ngày càng trở nên khó khăn, tốn kém. Các thư viện đại học phải trở thành điểm kết nối giữa nhu cầu tin, nguồn tin của xã hội, phải trở thành chiếc cầu nối liền khoảng cách ngày càng được nới rộng giữa nguồn thông tin, nhu cầu thông tin của sinh viên. Để xóa bỏ khoảng cách này, trung tâm TTTV phải trở thành nơi chọn lọc, tinh chế, bao gói thông tin, tạo ta nhiều sản phẩm, dịch vụ thông tin mới; thư viện phải là nơi phát hiện, xác định, kiến tạo nhu cầu thông tin của sinh viên. Để từ đó thư viện mới có thể trình bày, giới thiệu, cung ứng thông tin mang tính định hướng cá nhân.
Cần có chính sách khuyến khích các cơ sở đào tạo đầu tư đổi mới công nghệ, các trung tâm TTTV áp dụng công nghệ mới, quản lý đào tạo, qua đó góp phần cải thiện chỉ số đổi mới công nghệ, tăng chỉ số kinh tế tri thức của Việt Nam.
Đầu tư vào các chương trình, chính sách để cải thiện chỉ số công nghệ thông tin, truyền thông thông qua những hình thức như tăng cường đào tạo về công nghệ thông tin ở các cấp học. Xây dựng chuẩn đầu ra tin học, đáp ứng yêu cầu, chuẩn mực quốc tế, qua đó làm căn cứ, mục tiêu rèn luyện kỹ năng sử dụng công nghệ thông minh trong quá trình học tập. Xây dựng các nguồn dữ liệu mở để chia sẻ tri thức. Xây dựng xã hội học tập thông qua việc phát triển các chương trình đào tạo trực tuyến chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mỗi cá nhân.
Trung tâm TTTV đại học góp phần cải tiến nội dung chương trình giảng dạy, sách giáo khoa, giáo trình, đóng góp cho những tư duy, tri thức để đem ra nghiên cứu thảo luận, so sánh, phê bình, đánh giá; đem đến một nhận định riêng cho người học. Như vậy, thư viện đại học đương nhiên đã làm thay đổi phương pháp giảng dạy, học tập ở trường đại học.
Dịch vụ thư viện truyền thống được cung cấp cho NTD dựa trên những bộ sưu tập hiện có. Hiện nay, tài nguyên điện tử trực tuyến trên internet cho phép người dùng truy cập dễ dàng từ mọi nơi. Người sử dụng có thể truy xuất thông tin trực tiếp, ngay lập tức thay vì thông qua dịch vụ mượn trả ở thư viện. Thư viện tương lai kết hợp dịch vụ ở thư viện truyền thống ở mức tự động hóa cao, tích hợp chuyển giao điện tử mở rộng các nguồn tài nguyên thông tin, nội dung, kiến thức dạng số. Sau chuyển đổi thành thư viện số hoàn toàn, Trung tâm TTTV sẽ cung cấp các dịch vụ phân tích, xử lý nhiều loại tài nguyên thông tin khác nhau, thúc đẩy, tổ chức các giá trị tiềm ẩn trong mọi thông tin, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thông tin có giá trị cao đúng lúc, đúng đối tượng, chuyển giao thông tin đúng đến ngưởi sử dụng các dịch vụ chuyên biệt, định hướng người dùng. Các thiết bị đầu cuối thông minh như điện thoại thông minh, máy tính bảng, các thiết bị di dộng ngày càng chiếm phần lớn thị phần thông tin. Để thích nghi với sự chuyển dịch sang tiêu dùng nội dung trên các thiết bị di động, các thư viện tối ưu năng lực tìm kiếm của mục lục thư viện cho thiết bị di động, tích hợp các CSDL trực tuyến có sẵn vào cùng một ứng dụng dạng web hoặc ứng dụng đi động, tích hợp nội dung di động với các dịch vụ thư viện.
Chuyển đổi cấu trúc không gian thư viện hợp lý, thân thiện có khả năng truyền cảm hứng cho người sử dụng, bao gồm cả không gian vật lý, không gian ảo với các ứng dụng của công nghệ. Nâng cao công năng của không gian hiện có, chú ý phát triển các không gian sáng tạo cho người sử dụng.
Nghiên cứu các chính sách yêu cầu sinh viên phải học sử dụng một số sản phẩm, dịch vụ thông tin trực tuyến để rèn luyện, tăng khả năng thích ứng linh hoạt, tăng kỹ năng sử dụng các dịch vụ trên các thiết bị công nghệ thông minh cho sinh viên.
Như vậy, CMCN 4.0 đang đặt ra những yêu cầu mới cho xã hội tương lai. Điều này đòi hỏi các trung tâm TTTV cần thực hiện đồng thời tất cả các giải pháp đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ TTTV để đáp ứng được yêu cầu của thời đại.
Tác giả: Huỳnh Mẫn Đạt - Nguyễn Thị Hồng Nhi
Nguồn: Tạp chí VHNT số 418, tháng 4-2019