Không chỉ có phim chiếu rạp mà nhiều bộ phim truyền hình cũng đang đầu tư rất nhiều cho hình ảnh để có những khuôn hình đẹp lung linh trên phim.
Cái đẹp lên ngôi
Khi cái đẹp trở thành trào lưu với sự hỗ trợ của công nghệ, các phần mềm chỉnh sửa khiến công chúng ngày càng khao khát vươn tới cái đẹp, sự hoàn mỹ thì xu hướng đó ngày càng lan dần sang các lĩnh vực khác trong đó có văn hóa nghệ thuật. Với sự chi phối đó, các bộ phận, thành phần cấu thành nên một tác phẩm nghệ thuật từ đạo diễn, giám đốc hình ảnh, quay phim, kỹ thuật đến diễn viên đều tìm đủ mọi cách để nâng cao hiệu ứng về thị giác. Cái đẹp giờ không chỉ hiện hữu ở bối cảnh, ở thiên nhiên trời phú mà còn được chú ý nhiều trong các góc quay, cách sắp xếp, lia máy, chiếu sáng… sao cho mỗi khuôn hình lột tả được hết cái đẹp, sự độc đáo khi lên hình.
Phim Tháng năm rực rỡ
Ngoài nội dung câu chuyện, điều khiến khán giả, giới chuyên môn chú ý nhiều khi đến từ những khuôn hình đẹp và góc quay độc đáo trong phim. Yếu tố đẹp không chỉ chi phối đến việc tìm chọn bối cảnh, cách hóa trang mà còn thể hiện ngay cả khi lên ý tưởng, kế hoạch pia. Không phải bỗng nhiên mà trong các chiến dịch quảng cáo, cả phim nội lẫn phim ngoại, phim chiếu rạp lẫn phim truyền hình, phần bối cảnh với những đặc điểm khác biệt luôn được tô đậm, nhấn mạnh như một trong những điểm nổi bật, thu hút của bộ phim. Có thể kể ra hàng loạt các bộ phim gây chú ý về bối cảnh thiên nhiên tươi đẹp như Cánh đồng bất tận, Thiên mệnh anh hùng, Long Thành cầm giả ca, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cha cõng con, Cô gái đến từ hôm qua… Thiên nhiên trong phim dưới con mắt tài hoa của các nghệ sĩ, những giám đốc hình ảnh, quay phim… hiện lên đẹp mê hồn, vừa làm nền cho câu chuyện vừa giúp lột tả, khắc họa nhân vật và không hiếm trường hợp còn như một nhân tố tham gia tích cực vào câu chuyện phim. Không phải ngẫu nhiên mà gắn với vùng Nam Bộ là tính cách của những con người cương trực, khí khái, trượng nghĩa khi thiên nhiên nơi đây đã góp một phần quan trọng tạo nên tính cách đặc trưng của con người. Một vùng sông nước miền Tây với những phận người nổi chìm kiếm ăn theo dòng nước trong Cánh đồng bất tận hay những bối cảnh đẹp mê hồn của Vịnh Hạ Long, khu vực Bái Đính, Tràng An, Ninh Bình trong Thiên mệnh anh hùng làm say lòng nhiều tín đồ ưa xê dịch. Ở một số bộ phim, cái đẹp từ thiên nhiên, bối cảnh có sức nặng không thua kém gì dàn diễn viên hay câu chuyện. Nhiều phim tận dụng các cảnh quay đẹp thành lợi thế quảng bá bên cạnh dàn diễn viên hay êkip làm phim. Trước khi ra mắt, bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã gây được chú ý nhờ vào những đoạn video, clip quảng bá trên YouTube. Nhiều đạo diễn sẵn sàng dành phần lớn thời gian tìm kiếm bối cảnh trước khi phim bấm máy. Thậm chí để bộ phim liền mạch đôi khi nội cảnh quay ở một nơi, ngoại cảnh quay ở một địa phương khác rồi dùng kỹ thuật dựng phim ghép nối lại ở hậu kỳ.
Phim Mắt biếc
Bên cạnh những bộ phim khai thác nét đẹp sẵn có từ thiên nhiên, nhiều bộ phim chú ý phát huy tối đa cái đẹp từ cách đặt, lia máy qua các khung hình, góc quay. Một trong những bộ phim được giới chuyên môn chú ý là Đảo của dân ngụ cư với nhiều góc máy đột phá, sáng tạo về mặt thị giác, hình ảnh. Không chỉ nổi bật với những cảnh quay tuyệt đẹp về biển, trong phim Đảo của dân ngụ cư, nhà quay phim Lý Thái Dũng còn có nhiều sáng tạo, thăng hoa trong những cảnh quay nội. Một không gian tù túng, chật chội, đầy bí bức như những con người ghé tạm vào đời nhau trong một quán ăn nhỏ. Không gian ấy, nội dung của sự tù túng, ngột ngạt từ những con chữ đầy ám ảnh trong tác phẩm đã được sự cộng hưởng, trợ giúp tối đa về góc máy, cách bố trí, đặt sáng khi chuyển thể lên phim. Nhờ có các khuôn hình đầy sáng tạo ấy mà cái không khí của truyện được truyền tải đầy ấn tượng qua góc nhìn thị giác của người quay phim và chuyển tải đến công chúng không khí, hồn phách của tác phẩm.
Phim Đảo của dân ngụ cư
Bộ phim Cô gái đến từ hôm qua tập trung khai thác vẻ đẹp của đô thị cổ Hội An. Chia sẻ về cái đẹp thị giác, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết: Tôi muốn khán giả cảm nhận được trọn vẹn cảnh đẹp và mang đến cho họ cảm xúc về thời thanh xuân thông qua các khung hình hợp lý.
Nhu cầu của khán giả
Không phủ nhận việc các tay máy, giám đốc hình ảnh, đạo diễn… ngày càng có khuynh hướng hướng đến những khuôn hình đẹp, giầu tính thẩm mỹ. Một trong những nguyên nhân được cho là do nhu cầu, đòi hỏi từ phía khán giả. Với thị trường ngày một rộng mở, tăng tốc cùng số phim ra rạp nhiều hơn, gần hơn về mặt thời gian thì nhu cầu tìm kiếm sự khác biệt, thu hút cũng ngày càng trở nên mạnh mẽ. Ngoài dàn diễn viên hot, câu chuyện phim thu hút, nhiều êkip đẩy mạnh quảng bá phần ngoại cảnh như một trong những yếu tố thu hút, hấp dẫn của phim. Ở nhiều bộ phim, sau hiệu ứng ra mắt thì các địa phương nơi có nhiều bối cảnh đẹp xuất hiện trong phim cũng được tìm kiếm và thu hút về mặt du lịch. Không thể phủ nhận chính cái đẹp, sự thu hút của thiên nhiên, bối cảnh đã góp phần gia tăng du lịch, sự khám phá của công chúng, khán giả đối với những địa danh, vùng đất xuất hiện trên phim.
Phim Long Thành cầm giả ca
Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình từng thừa nhận: khán giả ngày nay đa phần là người trẻ nhưng họ tinh tế, đòi hỏi nhiều hơn nên mọi thứ trong phim từ hình ảnh đến âm thanh phải chỉn chu. Với những phim ca nhạc, chúng tôi buộc phải quan tâm nhiều đến âm nhạc nhưng vẫn phải đảm bảo hình ảnh phải đẹp.
Đẹp đã trở thành một nhu cầu, đòi hỏi khi tính đến hiệu ứng thu hút, quảng bá và phát hành của mỗi dự án phim. Ám ảnh về cái đẹp còn rộng sâu đến mức nhiều bộ phim hướng tới các khuôn hình đẹp tựa những tấm postcard. Cánh đồng lúa vàng óng trong Cánh đồng bất tận từng được lấy làm poster quảng bá cho phim. Ngay cả cái lều vịt, nơi người đàn ông ngồi chiêm nghiệm về cuộc đời cũng phải có tiền cảnh là dòng sông với những nhánh cây, đám bèo phụ họa. Trong bộ phim Cha cõng con, trong cái đói, cái nghèo, cái bệnh tật đeo bám của hai cha con nơi vùng cao cũng có khá nhiều khung hình đẹp. Cái đẹp đến từ khúc sông, triền núi, vệt cỏ… nơi người cha cố gắng kiếm tiền chữa bệnh cho con. Cái đẹp còn đến từ những bối cảnh hai cha con đi qua khi người cha hiểu rằng thằng bé không còn nhiều cơ hội để được ngắm nhìn. Trong bộ phim Em và Trịnh, cái đẹp đến từ những khung cảnh nhuốm mầu thời gian. Đó có thể là nhà ga, cây cầu, dòng sông gắn với hoàn cảnh tác giả sáng tác các ca khúc. Những bộ phim về thanh xuân vườn trường hay khắc họa thời thanh xuân đã qua như Tháng năm rực rỡ, Mắt biếc, Thưa mẹ con đi… đều có những khung hình tái tạo lại không gian, bối cảnh của các vùng miền hay các nếp nhà mà nhân vật đã sống.
Phim Cánh đồng bất tận
Cái đẹp đang thực sự lên ngôi và phim ảnh cũng không thể đứng ngoài xu thế đó nếu muốn hấp dẫn, thu hút khán giả. Và khi xu hướng đó ngày một mạnh mẽ thì các dự án phim, dù là phim chiếu rạp hay phim trên truyền hình đều sẽ có những đầu tư xứng đáng cho phần hình ảnh. Sự đầu tư đó đến từ việc tìm, chọn bối cảnh, các thiết bị quay đến việc căn hình, đặt máy sao cho tài năng, sự sáng tạo của các nghệ sĩ đều phải hướng tới việc gia tăng , thu hút khán giả từ những khuôn hình, các góc quay đẹp.
Phim Thưa mẹ, con đi
THUỶ NGUYỄN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 541, tháng 7-2023