KHÁN GIẢ ĐIỆN ẢNH HÔM NAY

Nghệ thuật điện ảnh, ngay từ buổi bình minh, đã thu hút được một lượng khán giả vô cùng đông đảo. Từ đầu những năm 1920, khẳng định nghệ thuật điện ảnh là quan trọng, chúng ta không có ý đặt nghệ thuật điện ảnh cao hơn các loại hình văn học nghệ thuật đã có trước mà muốn nhấn mạnh đến tính đại chúng to lớn của điện ảnh, lượng khán giả khổng lồ, tính phổ cập xuyên quốc gia, khả năng tiếp nhận một cách trực giác của mọi tầng lớp khán giả.

Trước khi truyền hình chiếm vị thế thượng phong trong hệ thống truyền thông, quả thật, không một loại hình nghệ thuật nào có thể thu hút khán giả màu nhiệm như nghệ thuật điện ảnh. Ở Liên Xô, Ấn Độ, Trung Quốc, Hồng Kông... một bộ phim chỉ có 1 triệu lượt người xem coi như thất bại. Còn những phim thành công như Kinh Kông (Mỹ), Tsapaev, Giải phóng, Bài ca người lính... (Liên Xô), Bài ca tuổi trẻ, Năm tráng sĩ Lang Nha... (Trung Quốc), các phim của huyền thoại điện ảnh Hồng Kông Lý Tiểu Long... thường có đến hàng trăm triệu lượt người xem, có sức sống nhiều chục năm trên các màn ảnh của không riêng một nước.

Điện ảnh Việt Nam cũng đã có thời kỳ nở rộ về số lượng khán giả. Các phim như Chim vành khuyên, Chị Tư Hậu, Mối tình đầu, Đường về quê mẹ, Đến hẹn lại lên, Nổi gió, Bao giờ cho đến tháng mười, Cánh đồng hoang, Thằng Bờm, Biệt động Sài Gòn đã đạt hơn vài chục triệu lượt người xem. Đó là chưa kể đến số khán giả được các đội chiếu phim lưu động phục vụ đến từng làng, xã, bản, thôn. Vào các năm 1985, 1986, 1987 số lượng khán giả vào rạp xem phim luôn đạt hơn 350 triệu lượt/năm. Có bộ phim phải chiếu theo kiểu cuốn chiếu trong cùng một thời gian cho cả 5 rạp, đó là Biệt động Sài Gòn. Ngày nay, Việt Nam cũng như một số nước, kể cả những nước có thị trường điện ảnh, có hệ thống công nghiệp sản xuất và phổ biến phim hiện đại, đều không thể có được một công chúng khán giả đông đảo và nồng nhiệt như thế.

Vậy, vấn đề đặt ra là, muốn phát triển bền vững trong thời đại bùng nổ phương tiện thông tin đại chúng và những dịch vụ giải trí thời thượng thì điện ảnh phải có cách tiếp cận, phải am hiểu thị hiếu khán giả, am hiểu cơ cấu thành phần khán giả.

Sẽ không thuyết phục và thiếu tôn trọng khi cho rằng, khán giả hôm nay đã quay lưng lại với điện ảnh. Hoàn toàn không. Bằng chứng là những hiện tượng điện ảnh vẫn luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả. Nhưng nếu cho rằng, nghệ thuật điện ảnh sẽ lấy lại được khối lượng khán giả như trước 1990 thì là điều không tưởng. Những siêu cường điện ảnh trên thế giới như Pháp, Anh, Nhật Bản, Italia, Nga, Hồng Kông, Trung Quốc… đều rất chật vật để giữ lấy thị phần phim nội địa, rất khó khăn khi thêm được vài nghìn khán giả cho nghệ thuật điện ảnh. Riêng Việt Nam, sau nhiều năm xã hội hóa về sản xuất và phổ biến phim, hiện nay cũng mới có khoảng hơn 10 triệu lượt khán giả vào rạp mỗi năm. Nếu đem con số này so với 350 triệu lượt khán giả/năm của thập kỷ 1980 thì đây là một bước lùi lớn.

Nguyên nhân của tình trạng trên là phim truyện truyền hình, các tiết mục giải trí (games show) của màn ảnh nhỏ, các loại hình giải trí thời thượng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng… đang mở rộng, len lỏi đến từng gia đình, từng thành phần xã hội để mời gọi, quyến rũ. Trong điều kiện như vậy, điện ảnh cũng không thể đứng ngoài cuộc cạnh tranh sống còn để giữ lấy thị phần và từng bước tìm kiếm thêm khán giả.

Chúng tôi có may mắn được tiếp xúc với một số nền điện ảnh phát triển, và thấy rằng, người ta hết sức coi trọng khán giả, trước hết là nhận diện khán giả để kịp thời đề ra những chiêu thức thu hút họ. Ở Việt Nam, gần đây công tác khán giả cũng được cải thiện một bước (chủ yếu là ở khu vực sản xuất phim tư nhân). Bằng những tham khảo từ các cuộc điều tra xã hội học khán giả, xin nêu khái quát bức chân dung khán giả điện ảnh thời hiện tại.

Trước hết, đó là số lượng khán giả mang tính ổn định và mặc định, nghĩa là trong nhiều năm lượng khán giả không tăng, dù có năm chất lượng phim tốt hơn, có nhiều hiện tượng điện ảnh hơn. Ví dụ, Hàn Quốc, từ năm 2005 đến 2009 số lượng khán giả vào rạp chỉ khoảng 130 triệu lượt. Việt Nam từ năm 2003 đến 2009 con số này là khoảng 11 triệu lượt. Trung Quốc, năm 2008 số lượng phim nội địa là 460 bộ được xuất xưởng (so với 100 bộ của năm 2004) nhưng số lượng khán giả cũng không tăng nhiều. Điều đó có nghĩa, điện ảnh chỉ còn giữ được một lượng khán giả nhất định trong thị trường văn hóa giải trí và luôn phải cạnh tranh quyết liệt để giữ lấy số lượng đó.

Khán giả đến rạp xem phim chủ yếu là trẻ, tuổi từ 16 đến 35. Điều tra xã hội học khán giả, do FAFIM Việt Nam và Trung tâm Chiếu phim Quốc gia tiến hành năm 2008, cho thấy: trong số 1000 khán giả độ tuổi từ dưới 16 đến sau 50, thì ở độ tuổi từ 16 đến 25, số thường xuyên mua vé đến rạp là 67%, số thỉnh thoảng mua vé vào rạp là 31%, còn lại là không đến rạp hoặc có đến là do được mời. Số người từ 25 đến 35 tuổi, tỉ lệ tương ứng là 64,4%, 32,6% và 3%. Số người từ 35 đến 50 tuổi, tỉ lệ tương ứng là 12,5%, 60.3%, 27,2%. Số người sau 50 tuổi trả lời rằng rất ít đến rạp xem phim và nhu cầu xem phim truyện đã được thỏa mãn qua hệ thống truyền hình; lý do họ không đến rạp vì tuổi tác, vì ít có phim hay, giá vé cao, vì sự nhiêu khê của hệ thống giao thông và dịch vụ... Điều này hoàn toàn không đáng ngạc nhiên, bởi trên thế giới hiện nay cũng đang diễn ra như thế.

Khán giả phần đông chỉ đến rạp khi có các phim tạo được hiện tượng (được hiểu theo nhiều bình diện: phim đặc biệt hay được công luận tôn vinh, phim có ngôi sao nổi tiếng thủ vai chính, phim có yếu tố bạo lực tình dục đậm đặc, phim có những scandan, phim kinh dị, ma quái…), trong các hiện tượng này tính thời thượng được khán giả trẻ quan tâm nhất.

Khán giả ngày nay đòi hỏi sự phục vụ rất cao. Cũng là một bộ phim nhưng chiếu ở hai rạp cùng trên địa bàn, rạp nào có điều kiện phục vụ tốt hơn, có thương hiệu hơn sẽ hút khách đông hơn. Một bộ phận khán giả trẻ vào rạp còn vì yếu tố sĩ diện đẳng cấp. Ví dụ, người ta có thể trả tiền vé cao hơn để vào xem cùng một bộ phim ở rạp của Megastar chứ không phải ở rạp Tháng Tám hay phòng chiếu khá hiện đại ở Trung tâm Chiếu phim Quốc gia. Bộ phận khán giả này lại tương đối đông và không phải chỉ có ở Hà Nội mà ở Hải Phòng, TP.HCM tình trạng cũng tương tự.

Khán giả còn có nhu cầu kết hợp với nhiều công việc khác như mua sắm, ăn uống hoặc đơn giản chỉ vào rạp để giết thời gian chờ đợi cho một cuộc hò hẹn, một khoảnh khắc tránh nóng, tránh rét khi thời tiết bất thường...

Khán giả vào rạp xem phim hôm nay còn bộc lộ rõ thiên hướng vùng miền. Hầu hết các phim Việt Nam ít có người xem ở các đô thị lớn thì lại khá đông khán giả ở các vùng đô thị nhỏ, nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ngược lại phim Mỹ, phim có nhiều yếu tố bạo lực, giải trí, xoay quanh đề tài tình yêu, tình dục thì không được khán giả ở đây quan tâm.

Điều cuối cùng, ngày nay khán giả trẻ vào rạp xem phim đặc biệt quan tâm đến yếu tố giải trí. Họ ít chú ý đến motip của nhân vật, tầm vóc tư tưởng của tác phẩm mà thường chú ý đến trang phục, hình dáng của ngôi sao. Có lẽ vì thế mà các nhà làm phim, chủ đầu tư không mấy dụng công để xây dựng những hình tượng nhân vật điển hình mà quan tâm nhiều đến kỹ xảo, đến cách tạo cảm giác mạnh trong các hành động phim. Khán giả trẻ cũng rất ít xem một bộ phim nào đó (dù rất hay) đến hai ba lần… Có thể còn thêm nhiều cách nhìn nhận hình mẫu khán giả mua vé vào rạp xem phim, nhưng có lẽ, những phác họa trên là bức chân dung rõ nét nhất về khán giả của điện ảnh trong thời đại bão táp của hệ thống truyền thông hiện nay.

Có được một nhận diện chuẩn xác về khán giả, các nhà làm phim và phổ biến phim sẽ có những cách thức để tiếp cận, để tạo ra công chúng cho mình. Đã qua cái thời mà nhà làm phim tự đắc vỗ ngực nói rằng: Phim tôi làm cho chính tôi, ai hiểu thì hiểu, không hiểu thì thôi. Có thể đây cũng là cách nói kiêu, hoặc cách nói đại ngôn, bởi chăng nhà làm phim nào lại không sung sướng khi thấy đông đảo khán giả đến với phim mình làm, không hãnh diện khi được nhà đầu tư luôn nhắc đến như một thương hiệu nhà làm phim ăn khách. Có lẽ vì thế mà ở một số quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc người ta đã trao những giải thưởng có giá trị về tinh thần, vật chất cho phim thành công về khán giả cao hơn cả những phim thành công về nghệ thuật.

Từ những lý do trên, trong điều kiện công chúng khán giả của điện ảnh hiện nay đang có những đặc điểm khác với nhiều thập kỷ trước thì các nhà làm phim, phổ biến phim cần phải có những chiêu thức năng động để phim Việt thực sự có thị trường.

Chiêu thức đầu tiên và bền vững nhất vẫn phải là những bộ phim hay làm lay thức thần kinh xã hội. Điều này có vẻ mâu thuẫn với tính thời thượng mà số đông khán giả hôm nay đang tôn thờ. Không hẳn thế. Các bộ phim hay tự nó đã mang tính thời thượng, bởi nó đề cập nhiều vấn đề quan thiết đến mỗi con người. Khán giả tìm thấy tâm trạng, hành xử, ước mơ và khát vọng của mình trong đó. Điều đó giúp chúng ta cắt nghĩa, vì sao những bộ phim như Chiến tranh và hòa bình, Cuốn theo chiều gió, Titanic hoặc các phim truyền hình như Nàng Dae chang gưm, Thủy hử, Tể tướng lưng gù, Chuyện làng Nhô, Sóng ở đáy sông… lại có đông khán giả đến thế. Có điều, khái niệm phim hay ở đây cần phải được hiểu như là phim của số đông nhưng không nghiệp dư, những phim “từ đứa trẻ lên ba của nước Cameroon nghèo đói ở châu Phi đến các thành viên của hoàng gia Anh trong điện Burmingham hay bác nông dân quê mùa rải phân bón ruộng bằng tay ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) đều có thể hiểu được, đều có thể xem một cách đắm say trong thú vị”(1). Từ đây, đặt ra vấn đề, nhà làm phim, khi có được ý tưởng tốt, cốt truyện đầy đặn, nhân vật độc đáo còn phải có năng lực chế biến các nguyên liệu trên thành mâm tiệc thỏa mãn sự ngon miệng của nhiều người. Những nhà điện ảnh tài năng, mỗi người đều có mẹo riêng trong việc thể hiện tác phẩm, nhưng phần đông đều khẳng định là phim phải có tính hài hước. Một bộ phim chiếu mà trong rạp khán giả không luôn bật lên những tiếng cười khoái trá thì không thể là bộ phim hấp dẫn khán giả số đông. Nhà đạo diễn thế hệ thứ năm nổi tiếng của điện ảnh Trung Quốc Trương Nghệ Mưu, khi làm phim Phải sống đã tiên lượng các đoạn cần thiết phải có tiếng cười của khán giả. Và ông đã làm được điều đó. Khi bộ phim công chiếu lần đầu tiên, 25 chỗ ông sắp đặt để khán giả được cười thì khán giả đã cười đúng sự sắp đặt ấy nên ông đã tuyên bố ngay sau buổi chiếu, phim của ông thành công. Trên thực tế, không những thành công về nghệ thuật, phim này còn có doanh thu khá tốt, không riêng tại thị trường điện ảnh Trung Quốc. Hài hước là một thuộc tính của tài năng, hài hước lại được hóa giải trong không gian giải trí của số đông là một phẩm chất nghệ thuật mà những tài năng lớn mới đảm nhiệm được. Điều đáng mừng là sau một thời gian chẳng mấy mặn mà với khái niệm giải trí như một thuộc tính của nghệ thuật, thì đến nay, chẳng ai lại không quan tâm đến vị trí quan trọng của tính giải trí trong văn học nghệ thuật. Thêm một điều đáng ghi nhận, các nhà làm phim truyện Việt Nam ai cũng quan tâm đến yếu tố khán giả bằng cách cố gắng đưa được nhiều tình tiết giải trí vào phim. Đây là một bước ngoặt trong đổi mới tư duy nghệ thuật.

Để chinh phục khán giả mua vé vào rạp xem phim cần phải tích cực tạo ra những hiện tượng điện ảnh đáp ứng cái mà khán giả đang muốn. Những vấn đề nóng của xã hội như tham nhũng, chống tham nhũng, những nền tảng đạo đức bị suy vi, như hệ lụy từ môi trường bị tàn phá, những vụ án ly kỳ bị khám phá với mục đích nhân văn và công lý… đều là những đề tài mang tính thời thượng. Kinh nghiệm của điện ảnh Hàn Quốc cho thấy, họ đã rất thành công trong việc thể hiện đề tài đạo đức xã hội vào những năm cuối thập kỷ 90. Khi ấy, xã hội Hàn Quốc sau nhiều thập niên sống trong sự nghiệt ngã của chế độ độc tài, con người cần được cởi mở, được giang rộng cánh tay đón nhận sự yêu thương. Một dòng phim về tình yêu ra đời đã nhanh chóng được khán giả trân trọng. Chính chuỗi phim này góp phần đưa điện ảnh Hàn Quốc ra khỏi miệng giếng khủng hoảng trước năm 1995. Một ví dụ về sự phục hưng của điện ảnh và truyền hình Trung Quốc trong thập kỷ 80 nửa đầu thập kỷ 90 là việc khai thác đề tài vết thương mà hầu hết người dân Trung Quốc, đặc biệt là lớp thanh niên trí thức, trong thời kỳ cách mạng văn hóa của nước này phải gánh chịu. Dòng phim đề tài vết thương là đỉnh cao nhất trong thời kỳ phục hưng điện ảnh Trung Quốc nói riêng và của toàn bộ lịch sử điện ảnh Trung Quốc nói chung.

Khán giả có nhu cầu được phục vụ ngày càng cao, nên muốn khán giả đến rạp, những nhà phổ biến phim đã không ngần ngại đầu tư cơ sở vật chất cho phòng chiếu sang trọng, theo đó là đội ngũ phục vụ có trình độ giao tiếp, lịch lãm, cùng hệ thống dịch vụ phong phú đủ đáp ứng các nhu cầu khác ngoài việc xem phim như mua sắm, chơi games, ẩm thực, tham quan... Kinh nghiệm ở Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cho thấy, sau khi mở thêm các dịch vụ ngoài xem phim thì số lượng người xem tăng 270%. Những dịp lễ tết, con số này còn cao hơn nữa. Hiện nay, người ta không xây dựng những phòng chiếu phim lớn chứa trên dưới 1000 người mà xây dựng kiểu tổ hợp nhiều phòng chiếu trong một cụm rạp, cùng một lúc có thể giới thiệu nhiều bộ phim để khán giả lựa chọn theo sở thích.

Công tác quảng bá, các chiêu thức PR là một yếu tố không thể thiếu để thu hút khán giả. Có những trường hợp kinh phí bỏ ra cho việc quảng cáo giới thiệu bộ phim còn cao hơn cả kinh phí làm phim. Công việc này không những giúp cho các bộ phim sắp ra mắt khán giả thu được nhiều lợi nhuận mà còn giúp cho chương trình truyền hình công sinh doanh lợi.

 

Bên cạnh việc gây dựng và giữ gìn được khán giả số đông luôn mang tính thời thượng và thời vụ, các nhà làm phim và phổ biến phim có tầm chiến lược luôn nỗ lực, tìm kiếm, đào tạo khán giả bậc cao. Chính lớp khán giả này không những thúc đẩy điện ảnh phát triển theo hướng sáng tạo mà còn góp phần nâng cao thị hiếu khán giả số đông. Việc tạo ra khán giả bậc cao, điện ảnh Pháp làm rất tốt thông qua hệ thống câu lạc bộ được tổ chức rộng rãi trong toàn quốc, qua các khóa học điện ảnh và truyền hình, các tiết học về nghệ thuật điện ảnh được phổ cập trong hệ thống phổ thông trung học. Việt Nam khoảng 5 năm trở lại đây, qua một số chương trình điện ảnh trong nhà trường do các nước Nhật, Pháp tài trợ như tổ chức cuộc thi phim ngắn, chương trình chúng ta cùng làm phim, đã tạo dựng không khí yêu thích nghệ thuận điện ảnh trong giới trẻ học đường. Một số học sinh đã có phim đoạt giải, một số được cấp học bổng đi học nghề điện ảnh ở nước ngoài hoặc được tuyển vào các cơ sở đào tạo điện ảnh tại Việt Nam. Đây là những tín hiệu tốt trong chu trình vòng tròn khán giả - điện ảnh...

Điện ảnh là một lĩnh vực của văn hóa được công chúng tiếp nhận qua các hình thức sinh hoạt cộng đồng. Nhận diện đúng vị thế của khán giả trong điều kiện mới, các nhà làm phim và phổ biến phim sẽ biết chấp nhận thực tế để có những phương cách đổi mới sao cho điện ảnh phát triển theo hướng hiện đại mà không đánh mất hệ thống ngôn ngữ vô cùng giàu có đã được tạo dựng hơn 100 năm qua.

_______________

            1. Chữ dùng của nhà điện ảnh Tân hiện thực Italia, đạo diễn nổi tiếng thế giới F.Felini về các bộ phim của thiên tài điện ảnh Ch.Chaplin.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 320, tháng 2-2011

Tác giả : Lê Ngọc Minh

;