Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, cách Hà Nội 150km về phía nam, Thanh Hóa là vùng đất có tiềm năng du lịch tự nhiên, phong phú, đặc sắc. Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi, đây được xem là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi khởi phát của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, Thanh Hóa trở thành điểm hội tụ của nhiều tộc người với những sắc màu văn hóa đa dạng. Chính đặc điểm lịch sử, vị trí đã khiến Thanh Hóa còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng quý giá, là nguồn tài nguyên to lớn để phát triển du lịch.
Di sản văn hóa phong phú, đa dạng
Di sản văn hóa ở Thanh Hóa rất phong phú, đa dạng, trong đó chủ yếu là các di tích lịch sử, văn hóa. Đây là bằng chứng khách quan, chứa đựng dấu ấn của các thời đại, đồng thời thể hiện sinh động những giá trị tinh thần của cộng đồng dân cư. Mật độ di tích lịch sử, văn hóa tại Thanh Hóa khá dày, đa dạng về loại hình, như di tích khảo cổ thời tiền - sơ sử, thành cổ, đền tháp, mộ cổ, đền thờ danh nhân lịch sử, chùa chiền, nhà thờ, đình làng, lăng, miếu, làng nghề truyền thống, kiến trúc dân gian, những di vật, cổ vật, những công cụ, nhạc cụ... Trong đó, di tích thành nhà Hồ với những kiến trúc độc đáo, đặc sắc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới; đền thờ Lê Hoàn, khu di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt; khu lăng miếu Triệu Tường ở làng Gia Miêu, xã Hà Long, Hà Trung là di tích khảo cổ cấp quốc gia; ngoài ra còn có phủ Chúa Trịnh, khu di tích lịch sử đền Bà Triệu, Hàm Rồng...
Với bề dày lịch sử, sự phong phú đa dạng trong đời sống văn hóa, hàng năm có rất nhiều lễ hội được tổ chức trên địa bàn tỉnh, nội dung thường là tôn vinh những nhân vật có công với dân, với nước hoặc gắn với tín ngưỡng thờ thành hoàng, Mẫu, chúa Thượng Ngàn, hoặc cầu thánh, thần, trời, đất phù hộ cho quốc thái dân an, cầu cho nhân dân gặp nhiều thuận lợi trong lao động sản xuất, may mắn, bình yên trong cuộc sống. Hàng năm, có khoảng hơn 20 lễ hội chính được tổ chức tại Thanh Hóa. Sau đây là một số lễ hội tiêu biểu.
Lễ hội Lam Kinh được tổ chức vào ngày 22-8 âm lịch. Lam Kinh nổi danh là miền đất thiêng gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp của vị anh hùng Thái Tổ Cao Hoàng Đế Lê Lợi, vị lãnh tụ tối cao của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công, lãnh đạo nhân dân ta 10 năm kháng chiến chống giặc Minh xâm lược (1418 - 1428) đi đến toàn thắng, giành lại nền độc lập dân tộc. Sau khi lên ngôi hoàng đế, thi hành chính sự sáng suốt, đất nước cường thịnh, vua Lê Thái Tổ chủ trương cho xây dựng Lam Kinh, kinh đô thứ hai của triều Lê.
Ngoài ra còn có lễ hội đền Thi diễn ra từ ngày 10 đến 16-3 âm lịch tại xã Yên Thành, huyện Như Thanh; lễ hội đền Độc Cước, Sầm Sơn vào ngày 12-5 âm lịch; lễ hội cầu ngư làng Diêm Phố - Hậu Lộc từ ngày 21 đến 24-2 âm lịch; lễ hội Nàng Han diễn ra từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 5 tháng giêng; lễ hội đền Tép diễn ra vào ngày 21-8 âm lịch hàng năm, nằm trong hệ thống lễ hội Lam Kinh, nhằm tôn vinh, tưởng nhớ Trung Túc Vương Lê Lai - một vị khai quốc công thần của triều Lê sơ. Đây là nét văn hóa độc đáo của ngư dân sinh sống trong các làng biển xứ Thanh, tuy với nhiều tên gọi, hình thức tổ chức khác nhau nhưng đều phản ánh khát vọng sinh tồn của những tâm hồn làm bạn với nắng gió mặn mòi nơi trùng dương biển cả…
Đặc biệt là nấu cơm thi ngày xuân trên đất xứ Thanh diễn ra vào tháng giêng, tại làng Quỳ Chử, Hoằng Hóa; lễ hội làng Xuân Phả, diễn ra vào hai ngày mùng 10 và 11-2 âm lịch tại xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân; lễ hội làng Hoằng Bột, mở hội từ ngày mùng 2 đến mùng 6 tháng giêng; lễ hội làng Triềng ngày 10 và 12-11 tháng giêng âm lịch tại xã Yên Ninh, huyện Yên Định; lễ hội Mường Xia vào các ngày 24, 25, 26-3 âm lịch tại xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn…
Các sinh hoạt lễ hội cho thấy được những khát vọng, ước muốn tâm linh, vừa giản dị vừa thiêng liêng, tha thiết, mãnh liệt của quần chúng lao động. Thời gian trôi qua, bao nhiêu lớp sa bồi văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng đã lắng đọng trên lễ nghi, trò diễn, nghi thức thờ cúng, khiến nó trở thành một hiện tượng văn hóa có sức thu hút, lôi cuốn nhiều thế hệ con người tham gia hưởng thụ, sáng tạo những giá trị văn hóa. Đó thực sự là nguồn tài nguyên to lớn cho phát triển du lịch của Thanh Hóa.
Thực trạng khai thác các di tích, danh thắng để phát triển du lịch
Tính đến cuối năm 2013, trên địa bàn Thanh Hóa có 1.535 di tích, danh thắng, trong đó có 140 di tích được xếp hạng quốc gia. Xác định được vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế, xã hội thời gian qua, Thanh Hóa đã có nhiều chủ trương, quyết sách nhằm phát huy lợi thế vị trí địa lý, các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương để phát triển ngành công nghiệp không khói. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành quyết định 2218/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt dự án điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; quyết định 492/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy du lịch Thanh Hóa phát triển thành khu du lịch trọng điểm quốc gia.
Nhận thức, trách nhiệm, ý thức giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa để phát triển du lịch của các tầng lớp nhân dân ngày càng nâng cao, góp phần xây dựng môi trường du lịch thân thiện. Nhiều kết cấu hạ tầng quan trọng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội gắn với phát triển du lịch được triển khai thi công mới hoặc sửa chữa. Một số di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, các lễ hội văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh được đầu tư tôn tạo, nâng cấp tổ chức mở rộng... Thanh Hóa cũng liên kết, phối hợp với các tỉnh trong khu vực để phát triển du lịch, từng bước hình thành các tuyến, điểm du lịch các di tích lịch sử, văn hóa, thu hút đông đảo du khách trong, ngoài nước. Theo thống kê năm 2016, Thanh Hóa ước đón được 6,3 triệu lượt khách (tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2015), tổng thu từ khách du lịch ước đạt 6.280 tỷ đồng (tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2015). Trong đó, Sầm Sơn đón trên 4 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 2.855 tỷ đồng, tăng 34,67% so với năm 2015. Đến cuối năm 2017, du lịch Thanh Hóa đã đón khoảng 7 triệu lượt khách, tăng 11,5% so với năm 2016 (6.277.000 lượt khách). Trong số 7 triệu lượt khách đến với du lịch Thanh Hóa, khách quốc tế đạt 189.000 lượt khách, tăng 22,3% so với cùng kỳ 2016, vượt 3,8% với kế hoạch đề ra; khách nội địa đạt 6.811.000 lượt/ khách, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng doanh thu ước đạt 8.000 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc khai thác tiềm năng lợi thế các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng để phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian qua còn một số hạn chế, tốc độ còn chậm, thiếu tính bền vững; lượng khách du lịch đến tham quan các di tích lịch sử, văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng hiện có; việc kêu gọi thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, công tác quản lý bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng tại các địa phương trong tỉnh còn nhiều bất cập; nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng có tiềm năng lớn về du lịch chưa được đầu tư khai thác. Thanh Hóa có số lượng di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng lớn nhưng việc lập hồ sơ khoa học đề nghị cấp thẩm quyền công nhận xếp hạng tiến hành còn chậm; chưa có sự phối hợp đồng bộ, thường xuyên giữa tỉnh, huyện, các địa phương trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nên tình trạng lấn chiếm đất đai, xâm hại di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương. Công tác thanh kiểm tra còn bất cập nên chưa có biện pháp xử lý để chấm dứt tình trạng vi phạm này. Các thủ tục hành chính liên quan đến hợp tác đầu tư xây dựng, phát triển du lịch theo hướng bền vững còn nhiều bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài.
Đề xuất một số giải pháp
Để phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc trong phát triển du lịch tỉnh, thời gian tới Thanh Hóa cần thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp sau:
Tiếp tục triển khai thực hiện quyết định 2218/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt dự án điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; quyết định 492/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, ngành chức năng, chính quyền địa phương có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo, khai thác thế mạnh, tiềm năng của di tích cho phát triển du lịch. Tổng kết đánh giá, kiến nghị cấp thẩm quyền kịp thời giải quyết, điều chỉnh những tồn tại, hạn chế, vướng mắc khi triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển du lịch tại địa phương.
Tăng cường công tác điều tra, khảo sát, lập hồ sơ khoa học các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đề nghị cấp thẩm quyền công nhận xếp hạng di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh. Khi các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng được xếp hạng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên, cảnh quan môi trường, quỹ đất, thu hút đầu tư, bảo đảm phát triển du lịch bền vững trong quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của vùng, từng địa phương.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về giá trị của các di sản văn hóa, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế, xã hội. Tăng cường hoạt động quảng bá về giá trị lịch sử, văn hóa, tiềm năng, thế mạnh của các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng Thanh Hóa trên các phương tiện truyền thông, các hội chợ, triển lãm du lịch lớn trong tỉnh, khu vực, toàn quốc. Các hoạt động quảng bá này phải hướng tới tính chuyên nghiệp cao.
Tập trung triển khai thi công mới, sửa chữa một số kết cấu hạ tầng quan trọng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội gắn với phát triển du lịch. Đầu tư tôn tạo, nâng cấp một số di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; khắc phục những vấn nạn thường xảy ra tại các di tích, danh thắng; bảo đảm giao thông an toàn, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường…
Từ thực tế quản lý, khai thác tiềm năng, thế mạnh các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng trên địa bàn tỉnh trong hoạt động du lịch thời gian qua; các cấp chính quyền địa phương, cấp lãnh đạo Bộ VHTTDL cần tiếp tục đề xuất cơ chế, chính sách, kinh phí đầu tư kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, giải pháp bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan, môi trường.
Chú trọng thu hút nguồn lực từ công tác xã hội hóa hoạt động du lịch để đầu tư, khai thác các tiềm năng lợi thế từ các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng phát triển các dịch vụ du lịch; tạo sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa địa phương, tăng cường quảng bá du lịch.
Xã hội hóa hoạt động du lịch tại Thanh Hóa là xu thế tất yếu, nhưng để hoạt động này có hiệu quả, được tiến hành nhanh chóng phải khơi dậy sức dân. Để nguồn lực trong dân trở thành hiện thực phải phổ biến rộng rãi việc quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, làm rõ giá trị nhiều mặt của các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của toàn xã hội về lợi ích của phát triển du lịch đối với phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tiếp đến là sự hướng dẫn, quản lý hoạt động du lịch của ngành chức năng phải xuất phát từ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể mà chế định các quy tắc rõ ràng, phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, điều kiện thực tế của vùng, miền. Khuyến khích người dân gìn giữ những lễ hội truyền thống, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng mang bản sắc văn hóa tộc người, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi, tôn vinh kịp thời, đúng mức cho những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp thực hiện xã hội hóa hoạt động du lịch.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 407, tháng 5 - 2018
Tác giả : NGUYỄN THỊ LAN ANH