Lối sống thể hiện trình độ văn hóa, nhân sinh quan của con người, từ đó dẫn đến những hành vi, ứng xử trong cuộc sống. Việc xây dựng lối sống cho thanh niên cần hướng tới những mục tiêu lớn của đất nước, dân tộc. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, bởi nó tác động, thúc đẩy vai trò nòng cốt, xung kích của thanh niên trong xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cũng như trong xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm thấy rõ vai trò, vị trí của thanh niên đối với vận mệnh quốc gia, dân tộc. Trong thư gửi các bạn thanh niên nhân Hội nghị Thanh niên Việt Nam ngày 17-8-1947, Người đã nhấn mạnh: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên” (1). Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, đặc biệt khi hội nhập kinh tế thế giới, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới - WTO (năm 2007) với nhiều cơ hội và thách thức mới, thanh niên chính là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhanh chóng nắm bắt khoa học công nghệ hiện đại ở mọi lĩnh vực để phát triển đất nước.
Những năm qua, thanh niên Việt Nam đã phát huy tốt truyền thống dân tộc như thông minh, cần cù, chịu khó, ham học hỏi, sáng tạo, tiếp thu nhanh cái mới trong các lĩnh vực xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, lao động sản xuất, phòng chống lũ lụt, thiên tai… Đại đa số thanh niên đã thể hiện lối sống cao đẹp, thổi bùng ngọn lửa vì cộng đồng, không cam chịu đói nghèo. Các mùa hè tình nguyện đã thu hút hàng nghìn tri thức trẻ lên đường về nông thôn, miền núi. Nhiều công trình, dự án lớn do thanh niên đảm nhiệm mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao…
Tuy nhiên, trước tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường, sự cám dỗ về vật chất, chống phá của kẻ thù thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình” làm cho mức độ ảnh hưởng, lây lan của lối sống thực dụng trong một bộ phận không nhỏ thanh niên hiện nay đang có chiều hướng gia tăng. Từ lối sống thực dụng tôn thờ đồng tiền dẫn đến thói ích kỷ, tính toán cá nhân, tham vọng về địa vị, quyền lợi, thờ ơ chính trị. Môi trường văn hóa bị “ô nhiễm” tác động xấu tới lối sống thanh niên, khiến một số người sống buông thả, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Nhiều ý kiến mang nặng sự lo lắng về tình trạng học sinh, sinh viên hiện nay vi phạm pháp luật, thiếu lễ độ với người lớn, đặc biệt là thầy cô giáo, không trung thực, tệ nạn bạo lực học đường đang gây bức xúc lớn trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên. Những tiêu cực trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân.
Nguyên nhân khách quan: Những tác động của điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đã ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm, lối sống của thanh niên, tạo nên tâm lý sùng bái vật chất, coi trọng đồng tiền, đặt lợi nhuận lên trên hết; ảnh hưởng của tệ tham ô, tham nhũng, buôn lậu, tình trạng thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên; sự phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng trong xã hội; chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch luôn tìm cách thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ với cách mạng Việt Nam, thanh niên là một trong những đối tượng chính mà chúng hướng đến... Những nguyên nhân đó tác động trực tiếp đến tư tưởng, ý chí, quyết tâm và trách nhiệm của thanh niên.
Nguyên nhân chủ quan: Sự tu dưỡng, rèn luyện của thanh niên về đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, năng lực học tập không thường xuyên; việc chăm lo, xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống cho thanh niên của gia đình, tập thể, cơ quan, đơn vị, xã hội có lúc, có nơi thiếu chủ động, tích cực và nhạy bén…
Để khắc phục ảnh hưởng của lối sống thực dụng trong thanh niên hiện nay, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục xây dựng đạo đức cách mạng, lối sống xã hội chủ nghĩa cho thanh niên hiện nay
Hiện nay, nhiều tổ chức đoàn, nhà trường, hội sinh viên các trường đã tổ chức cho đoàn viên, thanh niên, hội viên tham gia tốt các đợt sinh hoạt chính trị như: Thanh niên tình nguyện vì cộng đồng; Tuổi trẻ Việt Nam sắt son niềm tin với Đảng; Tuổi trẻ chung sức xây dựng nông thôn mới; Sáng tạo trẻ; Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương... thông qua việc tổ chức diễn đàn, giao lưu. Triển khai và thực hiện có hiệu quả nhiều cuộc vận động Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác, Thanh niên với Bác Hồ, Bác Hồ với thanh niên, nghe nói chuyện về thân thế, sự nghiệp Bác Hồ, tổ chức xem và tọa đàm về bộ phim Hồ Chí Minh chân dung một con người; phát động đoàn viên, thanh niên viết tin bài về gương người tốt, việc tốt, giao lưu, diễn đàn tuyên dương các học sinh, sinh viên, thanh niên tiêu biểu… Để thực hiện tốt giải pháp này, mỗi tổ chức, đoàn thể cần tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng, lối sống xã hội chủ nghĩa và giá trị chuẩn mực xã hội cho thanh niên; tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống mới cho thanh niên; không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật, trước hết là về mặt kinh tế nhằm phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường. Giải quyết tốt mối quan hệ lợi ích giữa các cấp, bộ phận, tầng lớp, ngành nghề trên cơ sở những thu nhập hợp pháp, không để khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo quá lớn, quá nhanh và quá bất hợp lý giữa các vùng, miền, ngành nghề, lĩnh vực công tác.
Hai là, phát huy vai trò của các lực lượng (gia đình - nhà trường - xã hội) tham gia giáo dục thanh niên
Để giáo dục, xây dựng lối sống mới xã hội chủ nghĩa cho thanh niên cần phát huy tốt vai trò của gia đình - nhà trường - xã hội, khắc phục lối sống thực dụng là một yêu cầu hết sức quan trọng, bởi con người được ràng buộc bởi nhiều mối quan hệ, gia đình là nền tảng, tế bào để thanh niên tu dưỡng, cổ vũ, động viên thanh niên.
Nhà trường là nơi giáo dục, rèn luyện thanh niên thành những con người mới phát triển toàn diện cả trí - thể - mĩ, nơi nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, là cơ sở cho thanh niên phát triển. Do vậy, cần coi trọng các hình thức giáo dục ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau. Chú trọng giáo dục truyền thống, đạo đức, tổ chức các hoạt động tập thể xã hội chủ nghĩa, các hình thức hoạt động lôi cuốn, tập hợp đoàn viên thanh niên. Đổi mới phương pháp giảng dạy môn lịch sử trong nhà trường nhằm dựng lại bức tranh toàn cảnh về quá khứ sống động, truyền thống bất khuất trong đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam nhờ lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, nhân đạo sâu sắc của cha ông. Tổ chức tốt các cuộc vận động học sinh, sinh viên xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, không ma túy, tệ nạn xã hội, vui chơi, giải trí lành mạnh. Tổ chức các hoạt động của tuổi trẻ như Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác. Đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cụ thể hóa cuộc vận động tổ chức cho đoàn viên, thanh niên hành động theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình yêu đối với đất nước, nhân dân, lao động, khoa học và yêu chủ nghĩa xã hội. Đẩy mạnh các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống trong học sinh, sinh viên xây dựng “văn hóa, văn minh học đường”, tổ chức rộng rãi, phong phú Chương trình thắp sáng ước mơ, tuổi trẻ Việt Nam nhằm xây ước mơ, nuôi hoài bão lớn cho đoàn viên, thanh niên. Xây dựng các câu lạc bộ học tập, diễn đàn trẻ… tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên trong nhà trường cùng trao đổi, thảo luận về nếp sống, lối sống của học sinh, sinh viên trong học đường, trong mối quan hệ bạn bè, xã hội và dám đấu tranh với những hành vi xấu để sống đẹp hơn. Ngoài ra, cần có sự chung sức của cả xã hội để giáo dục, khắc phục lối sống thực dụng cho thanh niên. Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn và nhân rộng các điển hình tiên tiến, tuyên truyền kịp thời những gương người tốt, việc tốt, lên án cái xấu, cái ác, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí quan liêu và các tệ nạn xã hội khác.
Ba là, xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh
Văn hóa gia đình, xã hội có tác động mạnh đến lối sống của thanh niên. Theo kết quả Điều tra quốc gia vị thành niên và thanh niên Việt Nam, đa số người độ tuổi từ 14-25 đang sống trong gia đình cùng cha và mẹ. Trong số hơn 7.800 thanh niên được hỏi có tới 82,7% ở nhóm tuổi 22-25 và 90,9% ở nhóm tuổi 14-17 đang sống tại gia đình có đủ cha mẹ. Chỉ có 2,6% trong số đó cho biết có cha, mẹ ly dị (con số này ở khu vực thành thị là 4,7%, nông thôn là 2%). 95% số thanh niên được hỏi cho biết họ có mối quan hệ gắn bó với gia đình và cảm thấy mình có ý nghĩa đối với gia đình (2). Tuy nhiên, 71% trẻ vị thành niên phạm pháp do không được quan tâm chăm sóc, gần 50% trẻ phạm tội vì bị đối xử hà khắc. Số trẻ em phạm pháp có nguồn gốc gia đình buôn bán bất hợp pháp chiếm 51,94%, gia đình có người phạm tội hình sự chiếm 40%. 30% số trẻ em phạm tội có bố, mẹ hoặc cả hai nghiện hút ma túy hoặc người lớn khác có hành vi thiếu văn hóa, lối sống vô đạo đức, thậm chí có cả những hành vi phạm tội, các em nhiễm những thói hư, tật xấu, dễ bị lôi kéo rồi dẫn tới đồng lõa với hành vi phạm pháp. Do vậy, một nhân tố quan trọng để xây dựng lối sống cho thanh niên chính là phải tạo được môi trường sống, môi trường văn hóa lành mạnh. Thanh niên phải được học tập, có việc làm, được sống trong môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, tiến bộ.
Muốn làm được điều này cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền đoàn thể, nhất là vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, của gia đình, xã hội, sự nỗ lực tự học tập, phấn đấu sống có ích của các thanh niên.
Các tổ chức chính quyền, đoàn thể thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn những vấn đề tâm lý, sức khỏe, giới tính, tình yêu, hôn nhân gia đình, nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên; tổ chức các giải thi đấu thể dục thể thao phong trào. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho thanh niên về kinh tế tri thức và hội nhập kinh tế quốc tế. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ thanh niên bổ sung kiến thức lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật thông qua các hình thức nói chuyện chuyên đề, các diễn đàn, các lớp bồi dưỡng kiến thức.
Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập với nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn cho những người chủ tương lai của đất nước. Do vậy, việc xây dựng lối sống xã hội chủ nghĩa cho thanh niên hiện nay rất quan trọng trong công cuộc phát triển chung của quốc gia, dân tộc, theo đúng Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã khẳng định: “Gắn nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người với nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước; gắn xây dựng môi trường văn hóa với xây dựng con người; bước đầu hình thành giá trị mới về con người với các phẩm chất về trách nhiệm xã hội, ý thức công dân, dân chủ, chủ động, sáng tạo, khát vọng vươn lên” (3).
_________________
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.185.
2. Đặng Kim Oanh, Phát huy vai trò của gia đình trong xây dựng đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh, thiếu niên hiện nay, lyluanchinhtri.vn ngày 26-6-2017.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.123.
Tác giả: Đinh Thị Thanh Hà
Nguồn: Tạp chí VHNT số 428, tháng 2-2020