Sáng 19-5-2023, tại Nhà Quốc hội, Hà Nội, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo.
Cùng dự và trao đổi với báo chí còn có: Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến; Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Huy Khánh; Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Trần Văn Lâm; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà; Phó Trưởng Ban thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh.
Các đại biểu Quốc hội chủ trì buổi họp báo
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 22-5-2023, dự kiến bế mạc vào ngày 23-6-2023 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp thứ 5 được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1: từ ngày 22-5 đến 10-6; Đợt 2: từ ngày 19-6 đến 23-6. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 22 ngày.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà phát biểu tại họp báo
Kỳ họp thứ 5 dự kiến thông qua 8 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết và xem xét cho ý kiến 9 dự án Luật
Thông tin với báo chí về kỳ họp Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết, gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28-11-2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 9 dự án Luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 2); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Toàn cảnh buổi họp báo
Nhiều nội dung công việc quan trọng sẽ được Quốc hội triển khai trong Kỳ họp lần thứ 5 này
Thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà nêu rõ, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; xem xét Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.
Quốc hội giám sát tối cao việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024; xem xét, quyết định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.707 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận.
Cùng với đó Quốc hội cũng xem xét, quyết định việc tiếp tục phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; xem xét, quyết định việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Đồng thời, xem xét báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; xem xét báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, công tác nhân sự và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác (nếu có).
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi họp báo
Tại buổi họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chia sẻ thêm với báo chí về Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội:
Nội dung chương trình nhất là về xây dựng pháp luật có thể nói là gấp đôi kỳ họp trước, với số lượng công việc lớn, trong công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến lần đầu hoặc xem xét để thông qua chính thức với 20 dự án luật, nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật.
Về giám sát tối cao, Quốc hội cũng tiến hành chất vấn, giám sát các văn bản, báo cáo của Chính phủ, các cơ quan hữu quan; giám sát những vấn đề rất quan trọng được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, đó là chuyên đề liên quan đến huy động, sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch COVID-19; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước có những nội dung thường lệ cũng như liên quan đến một số công trình, dự án liên quan đến ngân sách; việc liên quan đến công tác nhân sự theo kết luận và Nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa VII vừa qua.
Phó Trưởng Ban thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh trao đổi về công tác nhân sự
Xem xét công tác nhân sự tại Kỳ họp thứ 5
Phó Trưởng Ban thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh trao đổi về công tác nhân sự tại Kỳ họp thứ 5. Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét thảo luận cho ý kiến biểu quyết của đại biểu Quốc hội về việc miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với nhân sự do Quốc hội khóa XV bầu cũng như việc tiến hành thực hiện quy trình bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính, Ngân sách. Đồng thời, Quốc hội cũng xem xét đề nghị phê chuẩn, bổ nhiệm, miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026 theo trình tự quy định.
Đối với trường hợp của ông Nguyễn Phú Cường, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Ngày 15-5, Ban Chấp hành Trung ương đã biểu quyết thông qua cho phép ông Nguyễn Phú Cường thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
Ngày 16-5, ông Nguyễn Phú Cường có đơn gửi xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và xin thôi các chức vụ do Quốc hội bầu. Như vậy, theo trình tự Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét trong kỳ họp để trình ra Quốc hội xem xét quyết định các nội dung liên quan.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tổng kết họp báo
Các nội dung đã được chuẩn bị rất kỹ, đảm bảo chất lượng khi trình Quốc hội
Phát biểu tổng kết cuộc họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ điểm mới trong tổ chức Kỳ họp lần này là Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Kỳ họp chia làm hai đợt và có 2 lý do.
Lý do thứ nhất: để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo Nghị quyết, đảm bảo các văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng cao khi được thống nhất thông qua và ban hành.
Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, thời gian qua, với tinh thần chủ động “từ sớm, từ xa”, theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ trong suốt quá trình chuẩn bị các dự án Luật, đề án, dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét thông qua, chứ không đợi Chính phủ phải trình sang thì Quốc hội mới xem xét. Do đó trên tinh thần này, các nội dung đã được chuẩn bị rất kỹ như lấy ý kiến các chuyên gia, tổ chức các hội thảo. Đối với Quốc hội thì có cả Hội nghị đại biểu chuyên trách để cho ý kiến, Thường vụ Quốc hội cũng họp cho ý kiến và đặc biệt có Lãnh đạo Quốc hội, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch đã cùng với những đồng chí Thường vụ có liên quan làm việc với các cơ quan của Chính phủ, với lãnh đạo của Chính phủ để trao đổi, thống nhất. Có thể nói, nội dung đảm bảo chất lượng khi trình Quốc hội.
Tuy nhiên quá trình đại biểu góp ý, vẫn phải tiếp thu để chỉnh lý, với khối lượng công việc gấp đôi kỳ họp trước, rõ ràng phải cần khoảng thời gian hoàn thiện chặt chẽ, kỹ lưỡng, trước khi trình ra Quốc hội để bấm nút thông qua.
Lý do thứ hai, là để giúp cho đại biểu Quốc hội là lãnh đạo của các cơ quan Trung ương và các địa phương về giải quyết công việc. Trong thời gian họp một tháng liên tục thì công việc sẽ dồn ứ, nên có khoảng thời gian 1 tuần để giải quyết công việc là hợp lý và phù hợp.
Cuối cùng Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường mong muốn các phóng viên theo dõi đưa tin, theo sát diễn biến Kỳ họp để phản ánh một cách đẩy đủ nhất những quyết sách của Quốc hội và những bàn thảo nghị trường đến với cử tri, Nhân dân cả nước, để cử tri Nhân dân cả nước giám sát có thể giám sát hoạt động của Quốc hội, giám sát đoàn đại biểu Quốc hội, giám sát đại biểu Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật.
Cũng trong thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội lần này, Quốc hội sẽ tổ chức trao giải Diên Hồng – Giải báo chí toàn quốc viết về Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Đến nay đã có hơn 3000 tin bài gửi về để tham gia giải. Dự kiến buổi tối ngày 9-6-2023 sẽ tiến hành tổ chức trao giải.
Bài, ảnh: VĂN CHÍNH