Người Gia rai ở Tây Nguyên luôn tôn thờ gươm thần và các vị Pơtao Apui (vua lửa) - những người đã giúp họ mang đến mưa thuận gió hòa trong những ngày nắng nóng, khô hạn. Tính đến nay, dân tộc Gia rai đã có 14 đời Pơtao Apui, trong đó, có 3 người được cộng đồng nhắc đến nhiều nhất là Siu Nhong, Siu Ắt và Siu Tũ bởi những công lao mà họ đã mang lại cho buôn làng. Tên tuổi và những câu chuyện huyền thoại về họ luôn được cộng đồng Gia rai lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác với lòng thành kính, tự hào và biết ơn sâu sắc.
1. Khái quát về Pơtao Apui của người Gia rai
Từ thuở sơ khai, khi con người hoàn toàn lệ thuộc vào thiên nhiên, lửa là yếu tố quan trọng nhất đối với người Tây Nguyên. Một năm, khu vực Tây Nguyên có đến 6 tháng mùa khô, địa hình núi cao, sông dốc nhỏ, ngắn nên nỗi lo thường trực nhất của cộng đồng các dân tộc là hạn hán. Trong hoàn cảnh ấy, người có thể giúp họ cầu xin được mưa thuận, gió hòa là người có tầm ảnh hưởng lớn về mặt tinh thần đối với họ. Và các Pơtao Apui hay còn gọi là vua lửa của người Gia rai là những người như vậy, họ dùng gươm thần làm cầu nối giữa người dân Gia rai với thần linh để những vị thần trên trời có thể nghe thấy được ước muốn mà ban mưa cho dân bản.
Thời phong kiến, những vị vua lửa này được sử gia người Việt gọi là Hỏa Xá, người Khmer gọi là Sămdek Phlơng. Phạm vi ảnh hưởng của những Pơtao Apui là ở khu vực Cheo Reo và vùng phụ cận. Thật ra, chữ vua ở đây không đồng nghĩa với vua, chúa như nghĩa thông thường, bởi họ không có ngai vàng, không có triều đình, quân lính, pháp luật, hay nói chung, tính vương quyền hầu như rất mờ nhạt, mà mang tính chất thần quyền là chính. Pơtao cũng làm nương rẫy, săn thú và hái rau rừng để sống. Quyền hạn của họ chỉ thể hiện rõ nét trong các lễ cúng dịch bệnh và lễ cầu mưa (1).
Cho đến nay, tính từ người đầu tiên được dân tộc Gia rai trao cho trọng trách giữ gươm thần thì đã có 14 đời được mệnh danh là Pơtao Apui. Có thể kể ra như Ksor Chlỡi (vị đầu tiên được tín nhiệm giao cho giữ gìn thanh gươm quý, nhưng ông kiên quyết từ chối, nên bị chính những người trong dòng họ giết chết); Rơ Chăm TơRũl (chỉ nhận gươm thần chứ chưa cúng tế); Rơ Chăm Anur (con rể của Rơ Chăm Bỗ - người đặt lời khấn và cách thức cúng khấn thần linh giúp Rơ Chăm TơRũl) là người đầu tiên thực hiện các nghi lễ cúng thần gươm và làm lễ cầu mưa; Siu Bôm (con trai của Rơ Chăm Anur được trao việc gìn giữ thanh gươm, từ đây việc giữ gìn thanh gươm thần chuyển từ tay dòng họ Rơ Chăm sang dòng họ Siu); Siu Djua (làm tròn bổn phận giữ gìn thanh gươm cho đến lúc chết); Siu Nhong (người đặt nền móng cho sự manh nha hình thành vùng lãnh thổ của Pơtao Apui, quan tâm đến việc thiết lập quan hệ với các lân bang); Siu Blông, Siu Blet (thiết lập và thắt chặt mối quan hệ với người Kinh, đem quà tặng và nhận quà tặng của vua người Kinh); Siu Ji, Siu Y (dời làng từ Plei Ra Hrong (bên sông Ia Ke, là một nhánh của sông Ayun) đến khu vực Plei Ơi ngày nay, thời kỳ này, xã hội Gia rai bắt đầu xuất hiện nô lệ); Siu Ắt (luôn tăng cường hoạt động để liên kết với các thủ lĩnh có thế lực trong vùng, là người kiên quyết bất hợp tác với thực dân Pháp, giết công sứ Pháp Odend’hal vào năm 1904, sau đó lùi sâu hơn vào rừng núi phía tây tiếp tục cùng dân làng đánh Pháp); Siu Tũ (tiếp tục lãnh đạo dân làng chống Pháp, bị bắt giam tại Kontum và mất năm 1947); Siu Nhót (làm Pơtao Apui trong thời kỳ chống Pháp và Mỹ, mất năm 1986); Siu Aluynh (thay Siu Nhót nhưng chưa làm lễ nhận gươm, năm 1999 qua đời tại Plei Ơi). Hiện nay, phụ tá Rơlan Hieo của Siu Aluynh đang giữ thanh gươm này. Ông có được coi là vua lửa thứ 15 hay không, vẫn đang còn nhiều tranh cãi.
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới ba vị Pơtao Apui - những người được cho là không chỉ có chức năng thần quyền trong tâm thức của người dân Gia rai mà họ còn đóng góp những phần công sức của mình vào công cuộc khẳng định chủ quyền khu vực sinh sống của dân tộc Gia rai nói riêng và trong công cuộc kháng chiến chống thực Pháp của dân tộc Việt Nam nói chung, đó là: Siu Nhong, Siu Ắt và Siu Tũ.
2. Ba vị Pơtao Apui tiêu biểu
Vua lửa Siu Nhong - vị thủ lĩnh đầu tiên có công manh nha hình thành vùng lãnh thổ và mở rộng tầm ảnh hưởng của Pơtao Apui
Siu Nhong là vị Pơtao Apui đời thứ 6. Sau khi Siu Djua qua đời, Siu Nhong được cử nhận trọng trách giữ thanh gươm thần - công cụ để người Gia rai làm lễ cầu mưa. Siu Nhong lúc đầu không đồng ý với lý do: “Tôi cơm canh lúa gạo không đủ ăn. Tôi phải ăn cả con ếch, con nhái. Tôi không giữ gươm thần được đâu”. Theo ông RơLan Hieo (phụ tá của Siu Aluynh), luật tục của người Gia rai quy định, Pơtao Apui không được ăn các loại thịt ếch, nhái, bò, chó, nếu không kiêng cữ trong việc ăn uống sẽ làm ô uế thanh gươm, bị Yàng trách phạt, nguy hiểm tới tính mạng, lễ cầu mưa sẽ không hiệu nghiệm. Lý do từ chối của ông Siu Nhong rất chính đáng, nhưng cộng đồng người Gia rai không đồng ý. Họ đã thuyết phục ông trong 7 ngày, 7 đêm, nhấn mạnh đến sự sống còn của dân tộc mình nếu Siu Nhong không nhận lời: “Nhong ơi, nếu ông không chịu giữ thanh gươm, chắc là cả vùng mình đây sẽ chết hết thôi. Bây giờ trời đang nắng, nếu ông gõ vào nước mà có mưa, dân làng không đau ốm thì ông đã là người có thần, có tài. Chúng tôi sẽ góp rượu, góp trâu để cúng và cử ông làm Pơtao” (2).
Siu Nhong theo lời dân làng, cũng thử đánh 7 lần vào nước, đánh 7 ngày 7 đêm. Sau đó, mây đen kéo đến che kín cả bầu trời. Từ đó, ông chính thức được gọi là Pơtao Apui. Người ta cũng không biết chính xác Siu Nhong làm Pơtao Apui vào năm nào, nhưng căn cứ vào tuổi thọ trung bình của các Pơtao Apui, nhiều khả năng vào khoảng những năm đầu TK XVII. Khi nào Siu Nhong làm lễ cầu mưa là dân làng lại đóng góp tất cả đồ lễ để ông có thể thay mặt dân làng nói lên ước muốn của mình với thần linh. Dân làng, người nộp gạo, nộp gà, nộp heo, nộp trâu. Hễ ông thiếu cái gì là dân làng lại nộp cho cái đó (3).
Từ sau khi lên làm Pơtao Apui, Siu Nhong bắt đầu thiết lập quan hệ với các vùng phụ cận, với người Lào, Chăm, Khmer và người Kinh... Tương truyền, người Lào đã tặng ông một con voi đực rất lớn, vua người Khmer tặng ông một chiếc bành voi bằng đồng, vua người Chăm tặng khăn, vua người Kinh tặng ông một xấp vải trắng dài 2 sải tay… (4).
Sau một thời gian lên làm Pơtao Apui, khu vực ảnh hưởng của Siu Nhong không còn bó hẹp trong ngôi làng nhỏ của mình nữa mà đã trải rộng ra nhiều vùng lân cận. Theo truyền thuyết, sau khi làm Pơtao Apui, Siu Nhong bắt đầu đi đến nhiều nơi, có 6 người giúp việc đi cùng. Cuộc hành trình của họ bắt đầu từ khúc sông Apa chảy qua vùng huyện Ayun Pa ngày nay. Theo hướng của sông, họ đến vùng đất mà người Chăm ở. Đến làng nào, ông cũng dừng chân và nói rằng: “Tôi tới đây để cúng, cầu mong cho cuộc sống tốt tươi, cho mưa thuận gió hòa, đừng để dân làng đói khổ”. Đến Buôn Chỡ (nay thuộc huyện Krông Pa), ông trồng một cây tre và dặn rằng: “Nếu tôi chết đi, ai thay thế thì đến đây làm lễ cầu mưa” (vị vua lửa thứ 14 Siu Aluynh cho rằng, hiện nay cây tre này vẫn còn). Siu Nhong đi tiếp về phía vùng sông Hinh thuộc tỉnh Phú Yên ngày nay, làm lễ cầu mưa, trồng ba cây gòng và nói: “Từ cây gòng này về phía biển (phía Đông) là đất của người Kinh. Từ cây gòng này về phía núi (phía Tây) là đất của người Gia rai”. Khi làm lễ xong, ông quay về làng của mình ở Plei Ra Hrong bên cạnh sông Ia Ke - một trong những phụ lưu của sông Ayun (5).
Như vậy, có thể nói, từ khi lên làm Pơtao Apui, Siu Nhong đã ý thức rất rõ việc xác lập một khu vực chịu ảnh hưởng riêng của mình. Trong khu vực này, Pơtao Apui là người có uy quyền lớn nhất, uy quyền của tín ngưỡng thần quyền. Đây có thể được coi là ý niệm ban đầu về một nhà nước sơ khai. Tuy nhiên, đó chỉ là những liên minh nhất thời, không có bộ máy hành chính, không có quân đội và luật pháp.
Vua lửa Siu Ắt - vị thủ lĩnh Gia rai chống Pháp
Một vị vua lửa khác cũng làm rạng danh cho dòng tộc họ Siu là Siu Ắt (đời thứ 11). Ông làm Pơtao Apui trong những năm đầu TK XX. Ngay từ những ngày đầu, Siu Ắt đã tăng cường các hoạt động để liên kết các thủ lĩnh, tù trưởng có thế lực trong vùng nhằm khuếch trương thanh thế (6).
Người Pháp khi đến Tây Nguyên ngay lập tức muốn thiết lập mối quan hệ với các thủ lĩnh và những người có uy tín trong cộng đồng các tộc người. Điều này rất dễ hiểu, vì như vậy họ mới thu phục Tây Nguyên một cách nhanh chóng và hiệu quả. Lẽ đương nhiên, với tầm ảnh hưởng có thật của Pơtao Apui đối với tộc người Gia rai, Siu Ắt là đối tượng được thực dân Pháp đặc biệt chú ý và muốn hợp tác. Tuy nhiên, ông đã kiên quyết chối từ.
Tương truyền, để thu phục Siu Ắt hợp tác với mình, thực dân Pháp đã lợi dụng lỗi của một người giúp việc cho Siu Ắt tên là Ama Jũ (Rơmah Luin). Sự việc được Siu Aluynh kể lại: trong một lần đến vùng sông Hinh để xem lại cây gòng trước kia Siu Nhong đã trồng, tới buôn Djuan, Ama Jũ cột con voi của mình vào gốc cây để nghỉ chân và cho voi ăn cỏ. Con voi đã dứt đứt xích phá hết rẫy của buôn Djuan. Người buôn Djuan bắt cả người lẫn voi đem về sông Cầu nhờ quan Pháp giải quyết. Viên quan Pháp ra điều kiện, khi về Ama Jũ phải báo với Siu Ắt để Siu Ắt tiếp quan Pháp và kết nghĩa anh em thì mới thả cả Ama Jũ lẫn voi. Trong hoàn cảnh đó, Siu Ắt buộc phải chấp thuận nhưng đã bố trí người theo dõi khách (7).
Khoảng cuối tháng 3-1904, viên quan cai trị Prosper Odend’hal được Học viện Viễn đông Pháp cử đi tìm các di tích ở vùng Cheo Reo. Ngoài mục đích khoa học, viên quan Pháp này còn mang cả mục đích chính trị là bắt liên lạc với Pơtao Apui. Dù biết Pơtao Apui chống lại người Pháp nhưng Odend’hal vẫn nhất định một mình lên gặp Siu Ắt. Tới Plei Kueng, Odend’hal dừng lại và nhờ Rơmah Miơng (một người giúp việc cho Pơtao Apui) điều đình với Pơtao Apui. Cuộc gặp mặt đầu tiên diễn ra tại nhà Rơmah Miơng bên dòng Ia Pa.
Sau đó không lâu, Odend’hal lại yêu cầu Rơmah Miơng đi tìm Pơtao Apui để tiếp tục điều đình một cuộc gặp gỡ thứ hai. Theo Nghiêm Thẩm - nhà nghiên cứu khảo cổ học, ngày 7-4-1904, Odend’hal lại gặp dân làng Plei Ni bên bờ sông Ia Pa nhưng Pơtao Apui không có mặt. Các già làng gồm Sa, Yeng, Mnop nhất định không chịu để Odend’hal vào trong làng. Nhưng vì Odend’hal cứ đòi vào nên các già làng xin hoãn một lát để đi hỏi ý kiến Pơtao Apui. Khi quay lại, họ đồng ý để Odend’hal và những người cùng đi với ông ta gồm Miơng; 1 người làm phiên dịch là Lê Quang Huy; 2 lái buôn người Kinh là Du và Thương cùng một người Lào vào làng. Odend’hal và những người cùng đi được tiếp tại nhà một già làng tên San và riêng ông ta được mời ngồi trên chiếc cối giã gạo đặt giữa nhà. Khi San giơ chiếc vòng trên tay lên, những người Gia rai ở ngoài được bàn tính trước liền ùa vào giết chết Odend’hal. Siu Ắt và những người thân thích của ông ngay sau đó đã giấu thanh gươm và những báu vật khác vào sâu trong vùng rừng núi để tránh sự cướp bóc và trả thù của người Pháp (8).
Từ sự việc này, Pháp đã cho quân từ Tuy Hòa lên tàn phá các làng Plei Kueng, Plei Tur, bắt giam Siu Ắt và ra điều kiện khi nào bắt được thủ phạm giết chết Odend’hal mới thả. Để cứu Siu Ắt, 6 thanh niên đã tham gia vụ giết quan Tây là Abô, Djon, Blen, Chon, Đăm Đoa, Đăm Aloa đã chịu ra nộp mạng và nhận cái chết đau đớn. Từ đây, Pơtao Apui lùi sâu hơn vào vùng rừng già Ayun (phía Tây) trú ẩn, củng cố lực lượng và tiếp tục đánh Pháp (9).
Thái độ bất hợp tác của vua lửa Siu Ắt và cái chết thảm khốc của 6 thanh niên Gia rai đã tác động mạnh mẽ đến tâm lý và tình cảm của người dân ở Tây Nguyên. Tháng 1-1905, một đại đội lính khố xanh khác do tên Ranard chỉ huy từ Chợ Đồn (An Khê) kéo lên càn quét vùng Cheo Reo nhưng bị Siu Ắt cùng dân làng đánh bại. Nhân đó, vua lửa kêu gọi các tù trưởng khác khởi nghĩa, phong trào chống Pháp lan tỏa nhanh chóng.
Ngày 23-1-1907, tên Fort cùng Pari tấn công vào đồn điền ĐakFoppau (Cheo Reo) nhằm vào làng Bana Kon Klott vốn đã theo ủng hộ vua lửa. Tại đây, chúng bị nghĩa quân đón sẵn và phản kích dữ dội, 14 tên bỏ mạng, Pari tự sát (10). Thời gian này, Siu Ắt đánh trả thành công các cuộc tấn công của 200 tên Pháp do giám binh Vincilioni chỉ huy. Cuối năm 1907, quân Pháp bất ngờ tấn công Cheo Reo, bắt được ông. Cuộc chiến kết thúc.
Trên thực tế, cuộc chinh phục của thực dân Pháp đối với vùng người Gia rai sinh sống từ giữa TK XIX cho đến thời điểm này vẫn chưa mang lại kết quả, nhưng nó đã tác động không nhỏ đến cơ cấu xã hội cổ truyền của đồng bào, thu hẹp dần phạm vi ảnh hưởng của các Pơtao Apui (11).
Vua lửa Siu Tũ - người kế vị cùng chí hướng của Siu Ắt
Siu Tũ làm Pơtao khi thực dân Pháp đã thiết lập được ách thống trị trên hầu khắp cao nguyên. Thời kỳ này, tiểu quốc Gia rai cũng bị xóa sổ và chia thành các vùng độc lập. Để thu phục được người dân Tây Nguyên nói chung và người Gia rai nói riêng, Pháp đã làm thân với Siu Tũ bằng cách tặng Siu Tũ 2 khẩu súng với điều kiện, khi nào Siu Tũ chết thì phải trả lại (12). Tuy nhiên, nối tiếp tinh thần bảo vệ làng bản và lãnh thổ của tiền bối Siu Ắt, Siu Tũ cũng nổi dậy lãnh đạo người dân trong vùng của mình chống Pháp.
Siu ALuynh cho biết, Siu Tũ đã bị thực dân Pháp bắt giam tại Kon Tum. Hiện nay, nhân dân trong vùng vẫn còn truyền tụng những câu chuyện kể về sự chống đối, nhất định không chịu quy phục người Pháp của Siu Tũ. Hồi đó, công sứ Pháp ở Kon Tum muốn thử thần quyền của Siu Tũ, họ bắt ông ngồi tù, đóng đinh khắp người, khiến ông ngồi đứng không được, không cho ăn cơm nhưng rồi ông vẫn sống bình thường. Họ bảo ông chặt cây bên bờ sông, làm sao cho cây ngã sang bên kia sông, nhưng phải ngã ngược (tức là gốc ở bờ kia, ngọn ở bờ này). Sau khi chặt xong, quả là có một trận gió hất tung cây quay ngược lại. Chẳng làm được gì, người Pháp lại lệnh cho ông dùng phép làm cho cây đa cổ thụ nằm vắt ngang con sông Đăk Bla (Kon Tum) đứng thẳng lên. Mặc cho súng ống bọn Pháp chĩa vào mình, Siu Tũ vẫn bước ra bến sông đọc thần chú, cầu xin và bỗng chốc cây đa dần đứng thẳng lên làm cho cai ngục và bọn lính khiếp sợ. Một lần khác, người Pháp lại yêu cầu Siu Tũ dùng gùi để đựng nước, nếu nước không chảy ra ngoài sẽ gọi Siu Tũ là “ama” (cha). Siu Tũ ung dung lấy gùi múc nước, dù nhiều lỗ ở trên gùi nhưng không có bất cứ một giọt nước nào chảy ra ngoài. Bọn Pháp khiếp sợ trước quyền phép của Siu Tũ nên đã ngậm ngùi thả ông về. Riêng tên công sứ Pháp thua cuộc, đã uất ức treo cổ tự tử. Khi Siu Tũ ra tù, oai danh của vua lửa ngày càng vang xa, người dân các nơi kéo về cầu xin, tạ ơn kính nể ông như một vị thần (13).
Tháng 6-1947, Siu Tũ qua đời. Trước khi ông tắt thở, trời u ám, nổi cơn mưa kéo dài khoảng một tiếng. Siu Tũ được chôn riêng, không chôn chung trong Pơsát (nghĩa địa) của làng. Tục ăn uống ở nhà mả của Siu Tũ được tổ chức như những người dân khác trong làng nhưng không làm lễ bỏ mả. Khi nắng to, người dân cần cầu gì thì đều đến mả Siu Tũ để cầu xin (14).
3. Kết luận
Đã hơn 5 thế kỷ trôi qua, trên vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió, 14 đời vua lửa vẫn tồn tại trong lòng người Gia rai về năng lực “hô mưa gọi gió” mang nước về cho dân làng cùng niềm tin về sự linh thiêng của thanh gươm thần được giấu kín như một báu vật để giữ cho cuộc sống buôn làng luôn được bình yên. Trên thực tế, các Pơtao Apui đều là những người giàu kinh nghiệm sống, am hiểu thiên nhiên Tây Nguyên. Trong quá trình hình thành và phát triển, các Pơtao Apui luôn cố gắng để ngày càng mở rộng khu vực ảnh hưởng của mình, cố gắng tạo dựng cho mình một bờ cõi riêng mà ở đó họ được tôn kính như những vị thần.
Trong 14 đời vua lửa, phải kể đến vị vua đời thứ 6 - Siu Nhong đã có những bước đột phá trong việc khẳng định vùng lãnh thổ của dân tộc mình và mở rộng tầm ảnh hưởng của Pơtao Apui ra các khu vực lân bang thông qua các hoạt động dưới hình thức tín ngưỡng; vị vua đời thứ 11 Siu Ắt có chí khí quật cường, không chịu khuất phục trước sự thu phục, đàn áp của thực dân Pháp; vị vua đời thứ 12 Siu Tũ cùng chung chí hướng với Siu Ắt, tổ chức các cuộc di dân, lập căn cứ chống Pháp, lãnh đạo người dân thuộc khu vực ảnh hưởng của mình cùng tham gia chiến đấu, hòa chung với không khí chống thực dân của toàn dân tộc Việt Nam. Tựu trung lại, họ là những hình ảnh minh chứng rõ nét cho việc, Pơtao Apui của người Gia rai, ngoài chức năng thần quyền (làm chủ các cuộc tế lễ kết nối với thần linh, họ còn giữ vai trò của các thủ lĩnh quân sự, lãnh đạo người Gia rai chống giặc ngoại xâm. Đây là những tấm gương sáng trong phong trào chống thực dân của người Gia rai nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung.
(xem tiếp trang 83)
Bùi Việt Thắng là nhà phê bình văn học có nhiều đóng góp. Ông nguyên là Phó Chủ nhiệm Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Hội Nhà văn Hà Nội (nhiệm kỳ 2015-2020).
Bùi Việt Thắng đã được tặng thưởng loại B của Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương năm 2017 với tiểu luận Sự trở lại của đề tài chiến tranh cách mạng trên văn đàn hiện nay; Giải thưởng Lý luận - phê bình văn học của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2019 với tác phẩm Hà Nội từ góc nhìn văn chương. Năm 2019, Nhà xuất bản (Nxb) Thanh niên phát hành cuốn Thi pháp tiểu thuyết hiện đại và đã được nhận tặng thưởng hạng B của Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương. Năm 2020, Nxb Thanh niên tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc cuốn Thi pháp truyện ngắn hiện đại với mong muốn của tác giả là nối dài công việc bình luận truyện ngắn vốn ưa thích, trong một hình thức “bình cũ rượu mới”. Trong suốt chặng đường hơn 20 năm từ khi Nxb Văn học xuất bản Bình luận truyện ngắn, Bùi Việt Thắng viết được rất nhiều tiểu luận - phê bình về truyện ngắn với niềm say mê được sống với văn chương cùng thời. Và với Thi pháp truyện ngắn hiện đại, tác giả đã tập hợp lại dưới dạng bình luận truyện ngắn, nhưng có bài dạng thức tiểu luận, phê bình. Các bài viết đó đã được đăng tải trên báo chí, sách chuyên đề văn học.
Cuốn sách dày hơn 300 trang, khổ 16x24cm, gồm 2 phần: Truyện ngắn Việt Nam hiện đại - Cảnh quan và tác giả; Những sắc cầu vồng truyện ngắn.
Phần 1 cuốn sách giới thiệu 2 tiểu luận về truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1945-1975 và truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975. Tác giả trình bày một cách khái quát về dòng chảy liên tục của truyện ngắn.
Theo Bùi Việt Thắng, “Nếu giai đoạn 1945-1954, truyện ngắn đang tạo đà, có tính chất phong trào tạo nền, thì giai đoạn 1954-1975, nó tiếp tục dòng chảy truyền thống, có tác giả và tác phẩm, có nền và có phong cách. Có thể kể ra một số tác giả thành công trong lĩnh vực truyện ngắn giai đoạn này như: Nguyễn Kiên, Vũ Thị Thường, Nguyễn Khải, Bùi Đức Ái (Anh Đức), Nguyễn Sáng (Nguyễn Quang Sáng), Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi), Bình Nguyên Lộc, Vũ Hạnh, Phan Tứ, Đỗ Chu…”.
Ông cũng đánh giá cao truyện ngắn Việt Nam thời kỳ 1945-1975 như một vườn hoa nhiều hương sắc được vun xới bởi những “người làm vườn” âm thầm và tài hoa như: Vũ Bằng, Bình Nguyên Lộc, Vũ Hạnh, Võ Hồng, Sơn Nam… Đó là một thời kỳ đáng ghi nhớ của nền văn học hiện đại Việt Nam. Truyện ngắn cùng với thơ là hai bộ phận có thành tựu hơn cả trong văn học, thể hiện rõ cái “dân khí” Việt Nam thời đại bão táp cách mạng. Thật đáng phấn khởi, tự hào khi mạch nguồn truyện ngắn dân tộc từ trong quá khứ xa xôi vẫn thành một dòng chảy liên tục. Chính vì thế, ta có cơ sở để tin vào một chân trời rộng mở của truyện ngắn Việt Nam.
Giai đoạn sau năm 1975, tác giả đánh giá cao sự kế tục của các thế hệ nhà văn có công xây đắp nền truyện ngắn dân tộc thời hiện đại. Sự kế tục trong sáng tạo nghệ thuật là một quy luật, tuy nhiên mỗi thế hệ có vai trò riêng theo kiểu “tre già, măng mọc”. Với ông, văn học chân chính hướng đến thân phận con người và mỗi nhà văn có một cách thể hiện, triết luận riêng về cuộc đời và con người. Tinh thần đổi mới của văn chương đương đại chính là sự trăn trở của nhà văn trước vận mệnh của con người, hướng đến con người và vì con người. Chính điều này đã tạo nên sự đa dạng của truyện ngắn Việt Nam hiện đại, như một mâm cỗ thịnh soạn, giúp người đọc tự do lựa chọn món ăn tinh thần cho mình.
Ông phê phán quan niệm không chính xác về thể loại truyện ngắn: Truyện ngắn không phải là bài tập văn chương, cũng không phải là dao găm súng lục so với những cỗ đại bác tiểu thuyết. Nó là một loại thể riêng mà người viết có thể thành danh trong nghiệp văn như: Bùi Hiển, Kim Lân, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Minh Châu, Thạch Lam, Nam Cao...
Bùi Việt Thắng cũng nói đến nghệ thuật sáng tác truyện ngắn như: cấu tứ truyện, tạo ra kết thúc truyện độc đáo, xây dựng tình huống truyện hay, tạo dựng các chi tiết truyện, nghệ thuật ngôn từ. Sự tìm tòi, sáng tạo trong văn chương chính là sự tìm tòi, phát hiện về nội dung…
Để hiện thực hóa những vấn đề lý luận và thực tiễn, Bùi Việt Thắng đã dành những trang viết về 10 nhà văn thành danh với thể loại truyện ngắn: Kim Lân, Anh Đức, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Kiên, Đỗ Chu, Lê Minh Khuê, Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Nguyễn Quang Sáng, Sơn Nam. Với mỗi nhà văn, ông lại có cách viết, đánh giá khác nhau. Đó là Kim Lân - một xảo thủ viết truyện ngắn, có chủ kiến về thể loại mà mình ưa thích, trung thành trong quá trình sáng tác. Ông cũng là người có biệt tài làm cho ngôn ngữ văn chương tạo nên không khí của truyện - không khí đặc thù cho đời sống của những kiếp người nhỏ bé, lầm lũi nhưng cái tâm, cái tình bao giờ cũng sáng. Không khí truyện và nghệ thuật cá thể hóa nhân vật một cách rõ nét làm cho truyện của Kim Lân gây ấn tượng đối với người đọc. Đó là Anh Đức viết truyện ngắn luôn có cảm hứng mới, sự hồi hộp mới, chưa khi nào gây cho ông sự tẻ nhạt, nhàm chán. Truyện ngắn của Anh Đức rõ nét về nhân vật và tình huống đặc sắc, đề tài sáng tác chủ yếu nhằm phát hiện ra vẻ đẹp tâm hồn của người Việt Nam vốn được thử thách qua cách mạng và chiến tranh. Nếu như trước năm 1975, truyện của Anh Đức hấp dẫn người đọc ở chất sống giàu có và phong cách trữ tình thì sau năm 1975, nhiều tác phẩm nghiêng về triết luận (nhưng không triết luận thuần túy mà bật lên từ cảm xúc, mạnh mẽ trước vẻ đẹp thánh thiện của con người). Truyện ngắn của Lê Minh Khuê gây được ấn tượng, tạo ám ảnh nghệ thuật chính là nhờ các chi tiết nghệ thuật đặc sắc. Đoạn kết truyện ngắn của bà là một cái gì đó chưa thành, chưa tới, khiến cho người đọc phải liên tưởng theo nhiều hướng. Còn với Nguyễn Huy Thiệp, nhà nghiên cứu cho rằng: Nguyễn Huy Thiệp là một “hiện tượng văn học” hi hữu, phức tạp nhất trong hai thập kỷ cuối TK XX trên văn đàn Việt Nam…
Có thể nói, đó là các nhà văn lớn mà hầu hết đều có các tác phẩm được đưa vào chương trình Ngữ văn tại trường phổ thông và đại học. Do đó, qua Thi pháp truyện ngắn hiện đại, bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về thể loại truyện ngắn Việt Nam hiện đại, về các nhà văn và sáng tác tiêu biểu của họ đã đóng góp cho nền văn học nước nhà.
Phần hai cuốn sách gồm tiểu luận Một lứa bên trời (Về diện mạo và khuynh hướng phong cách truyện ngắn thế hệ 5x và 6x) và các bài bình luận truyện ngắn của 10 cây bút nổi bật thế hệ mới: Nguyễn Quang Thiều, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Thế Hùng, Võ Thị Xuân Hà, Như Bình, Vũ Minh Nguyệt, Dạ Ngân, Nguyễn Văn Thọ, Văn Chinh, Nguyễn Trường.
Trong tiểu luận Một lứa bên trời (Về diện mạo và khuynh hướng phong cách truyện ngắn thế hệ 5x và 6x), nhà phê bình Bùi Việt Thắng đã ghi nhận sự đóng góp của thế hệ các cây bút xuất hiện và trưởng thành trong bối cảnh đất nước hòa bình và thống nhất. Đó là đội ngũ đông đảo và hùng hậu đã tham gia vào công cuộc đổi mới văn chương Việt Nam mà ông gọi đó là những người “kê cao” thể loại truyện ngắn. Nếu Bảo Ninh có thể xem như đại diện của thế hệ 5x góp công là cho truyện ngắn khởi sắc thì Phan Thị Vàng Anh là một hiện tượng truyện ngắn độc đáo thế hệ 6x.
Bùi Việt Thắng đã chia làm 3 khuynh hướng phong cách truyện ngắn của thế hệ 5x, 6x: hiện thực - tâm lý; trữ tình; triết lý - suy tưởng. Có thể khẳng định, các nhà văn thế hệ này đã đem lại cho thể loại truyện ngắn những khởi sắc đáng quan tâm. Nếu so sánh với các nhà văn viết tiểu thuyết, sẽ thấy những nhà văn viết truyện ngắn đã có ý thức cách tân thể loại “nhỏ” và đã có những thành công nhất định. Đó là sự đa dạng về chủng loại, kiểu dạng truyện ngắn, cho thấy sự tin tưởng vào tiền đồ của thể loại này. Đó không chỉ là sự hùng hậu về đội ngũ, không chỉ là sự “kích cầu” của các báo và tạp chí, các Nxb luôn luôn mời gọi và cổ vũ nhà văn sáng tác truyện ngắn bằng các cuộc thi, mà còn vì xu hướng, sự ham mê đọc văn chương của người Việt hiện nay.
Bằng giọng điệu phóng túng, Bùi Việt Thắng đã kể những kỷ niệm của mình với 10 cây bút truyện ngắn đương thời và thể hiện rõ cái tôi của mình. Khi viết về Nguyễn Quang Thiều với Người đàn bà tóc trắng, ông đã có những nhận xét rất thật: Nguyễn Quang Thiều là ngòi bút có ý thức tìm tòi và gìn giữ cái đẹp của đời sống… hay “văn anh hồn nhiên nhưng không tự nhiên, bay bổng nhưng không thoát ly đời sống muôn màu vẻ”… Bùi Việt Thắng thích cái giọng thiết tha, đầm ấm với đời, với người của Võ Thị Xuân Hà bởi văn mạch trữ tình của Xuân Hà giàu ấn tượng thị giác. Có thể nói, đó là một lối văn gây ấn tượng thị giác nhờ màu sắc của một nữ nhà văn luôn tươi tắn, không chỉ ở ánh mắt, nụ cười, làn da mà là sự tươi tắn trong một tâm hồn luôn trẻ trung. Hay một Nguyễn Trường vững chắc và thâm hậu về “cấu tứ” để tác phẩm vừa có chiều sâu tư tưởng - nghệ thuật, vừa sát với đời sống hiện thực; một Nguyễn Trường, lúc là nhà trào phúng, lúc lại là một nhà lãng mạn, trữ tình…
Có thể nói, đây là một công trình lý luận phê bình công phu của tác giả, thể hiện sự dày công tìm tòi, nghiên cứu, phân tích về tác giả và tác phẩm truyện ngắn Việt Nam. Không hề riết róng, luôn giữ được chừng mực trong nghiên cứu, phê bình, Bùi Việt Thắng đã cung cấp cho bạn đọc có cái nhìn tổng quan về dòng chảy liên tục của truyện ngắn Việt Nam giai đoạn từ năm 1945 đến nay. Đó là những luận chứng có giá trị hữu ích đối với bạn đọc trong quá trình tìm hiểu về nền văn học Việt Nam nói chung, thể loại truyện ngắn Việt Nam nói riêng.
Nhiều thế hệ qua đi, ngày nay, không còn giặc ngoại xâm, không còn hạn hán, công trình thủy điện Ayun Pa đã cung cấp đầy ắp nước cho Plei Ơi (làng của các vua lửa) quanh năm, người Gia rai không phải nhờ cậy đến khả năng “hô mưa gọi gió” của các Pơtao Apui như trước nữa, nhưng mỗi khi nhắc đến các Pơtao Apui, cộng đồng Gia rai thuộc vùng ảnh hưởng của các Pơtao Apui trước đây vẫn luôn giữ một lòng tôn kính, tự hào và biết ơn sâu sắc (15).
__________________
1. Ngọc Anh, Lên phố núi nghe truyền thuyết vua lửa và kiếm thần, baophapluat.vn, 17-6-2012 và Vtc.vn, Ông vua nghèo kiết xác và kiếm thần ở Gia Lai, baolangson.vn, 23-8-2011.
2, 4, 5, 6, 7, 9, 11. Nguyễn Thị Kim Vân, Hiện tượng lịch sử - văn hóa Pơtao Apui từ tư liệu đến thực địa, in trong tập Pơtao Apui - Tư liệu và nhận định, Sở Văn hóa Thông tin Gia Lai, 2004.
3, 12, 14. Nguyễn Tấn Đắc, Tôi gặp các Ơi, Nxb Hồng Bàng, 2010.
8. Kim Anh, Làng vua lửa Plei Ơi và huyền tích gươm báu, tienphong.vn, 11-9-2016 và Nghiêm Thẩm, Tìm hiểu đồng bào Thượng, tập san Quê hương, số 29, 2016, tr.140.
10. Minh Tiến, Huyền thoại “vua lửa” ở Tây Nguyên, Báo An ninh thế giới, số 927, 2010.
13. Nguyễn Tấn Đắc, Tôi gặp các Ơi, Nxb Hồng Bàng, 2010 và Lê Thị Hải Hiền, Thủy Xá, Hỏa Xá trong lịch sử Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Sư phạm TP.HCM, 2014.
15. Bài viết là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học Những ghi chép và biến đổi lịch sử về quốc gia cổ: Nghiên cứu dân tộc học về Thủy Xá, Hỏa Xá của Việt Nam của TS Lê Thị Phượng tại Đại học Dân tộc Quảng Tây (Trung Quốc).
TS LÊ THỊ PHƯỢNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 485, tháng 1-2022