Trần Quốc Vượng với cái nhìn địa - văn hóa

Với đôi mắt tinh anh, đôi chân dẻo dai và một tinh thần bền bỉ, ông đã đi khắp chân trời góc bể, ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam, dường như không có nơi nào khiến ông ngại đặt chân đến, dù phải đi bộ hằng ngày đường và phải ăn uống kham khổ cùng với lũ học trò mà thân mật gọi là “cửu vạn”. Đồng nghiệp gọi ông bằng cái tên trìu mến: Giáo sư bụi, học trò gọi ông bằng Cụ và các học giả nước ngoài gọi ông bằng cái tên tôn kính: Giáo sư Trần. Người tôi muốn nói đến ở đây là Giáo sư Trần Quốc Vượng.

Bỏ qua những cái “miên miên vô tuyệt kỳ” của ông, tôi muốn nói đến cái nết đất (1) đã theo ông gần suốt cuộc đời. Đó là cuộc đời khoa học của ông với cái nhìn địa - văn hóa.

Chẳng hiểu cái nết đất đã theo ông từ bao giờ: trước, trong hay sau khi ông học ngành Sử - Địa ở trường đại học? Dù có từ bao giờ đi nữa, thì cái nhìn địa - văn hóa của ông đã giúp lũ “cửu vạn” chúng tôi có thêm một “đôi hài vạn dặm” và một chiếc “chìa khóa vàng” quý giá trong hành trang khoa học.

GS Trần Quốc Vượng (1934 - 2005) 

Ảnh: Bùi Tuấn

Chung quy, cái nhìn địa - văn hóa của ông là một cách nhìn mang tính hệ thống: ở mỗi vùng/ miền khác nhau, hay nói rộng hơn là ở mỗi quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác nhau, đều mang những nét sắc thái văn hóa riêng, phụ thuộc vào quá trình phát triển trong không gian của chúng. Nói cách khác, văn hóa là một thực thể luôn phụ thuộc vào hai yếu tố: lịch sử và địa lý - thời gian và không gian, hay theo cách nói của ông, đó là: thời - không gian. Nếu đề cập tới cái nhìn địa - văn hóa trong bề dày kiến thức của ông, chỉ trong một vài dòng như vậy thì e rằng khó có thể nói đủ. Nên có lẽ tốt hơn, tôi xin dẫn ra đây một vài ví dụ trong cái nhìn địa - văn hóa của ông mà lũ học trò chúng tôi đang “dò dẫm” bước theo.

1. Trước tiên, phải kể đến cái nhìn địa - văn hóa của ông với Thăng Long - Hà Nội thông qua mô hình tứ giác nước. Mặc dù Hà Nội - mảnh đất đất nghìn năm văn vật - đã được các nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử - địa lý… “mổ xẻ”, phân tích qua hàng vạn trang sách - ảnh. Nhưng Hà Nội là gì thì xem ra còn khá “lờ mờ” với nhiều người, kể cả những người đã sống nhiều đời trên mảnh đất này. Với tôi cũng vậy! Cho đến khi xem mô hình tứ giác nước (2) dưới hệ quy chiếu địa - văn hóa của ông, mới thấy vỡ ra nhiều điều.

Hà Nội ngày nay san sát nhà cửa, ken đặc tới mức không đủ chỗ cho không khí đối lưu và nước thải thoát ra ngoài. Trong khung cảnh đó, để tìm hiểu một nét văn hóa Hà Nội xưa quả không đơn giản. Thế nhưng với mô hình tứ giác nước, ta dễ dàng hình dung ra một Hà Nội xưa với những cửa nước (3): Ô Cầu Giấy là nơi gặp gỡ của Tô Lịch và Kim Ngưu; Ô Đông Mác: Kim Ngưu - Lừ; Ô Bưởi: Tô Lịch - Thiên Phù…

Chính ở những cửa nước này, loại hình thương mại cảng thị thời phong kiến Việt Nam đã phát triển rực rỡ, tạo nên những tiểu trung tâm thương mại, dịch vụ mà ta quen gọi là chợ bến và nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội xưa, đó là loại hình văn hóa tiểu cảng thị đặt trong mô hình tứ giác nước.

Những nét văn hóa này xuyên suốt chặng đường hàng nghìn năm lịch sử của phong kiến Việt Nam, đã ghi dấu ấn trong đời sống văn hóa của người dân Hà Nội, đó là ý thức hệ tiểu thương, cho dù Hà Nội luôn là một trung tâm văn hóa - thương mại lớn nhất nhì cả nước. Hệ ý thức này dẫn đến những cá tính ứng xử đặc trưng trong văn hóa của người dân Kẻ Chợ, đó là: sự linh hoạt, khôn khéo trong giao tiếp, sự năng động trong tư duy, sự thích nghi nhanh chóng với hoàn cảnh xã hội… Bên cạnh đó là những mặt trái của nó như: tính nhỏ - lẻ trong kinh doanh, tính manh mún trong quy mô sản xuất… Xét rộng ra, ở một số cảng thị khác tại Việt Nam như: Hải Phòng, Đà Nẵng… cũng có những tính chất tương tự.

Như vậy, yếu tố văn hóa Kẻ Chợ còn lại đến hôm nay, về cơ bản đã hình thành từ vị thế địa - văn hóa của Thăng Long - Hà Nội xưa. Yếu tố này vừa có những mặt ưu việt nhưng cũng bộc lộ những nhược điểm rất lớn gây khó khăn cho công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô hiện nay. Đó là những: phố - chợ, nhà - cửa hàng, doanh nghiệp - gia đình… với tính chất làm ăn manh mún, nhỏ - lẻ… làm giảm tốc độ phát triển công nghiệp và kìm hãm quá trình hiện đại hóa đô thị.

2. Rộng hơn mô hình tứ giác nước trong văn hóa Kẻ Chợ của Thăng Long - Hà Nội, ông đã khái quát nên truyền thống văn hóa Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông Á và Đông Nam Á bằng tính chất bán đảo bao gồm cả yếu tố lục địa và hải đảo, hình thành nên môi - cảnh địa - nhân văn của Việt Nam. Qua đó, giải thích tính chất: nửa Núi - nửa Nước, nửa Mẹ - nửa Cha, nửa Hoa - nửa Ấn… của người Việt.

Tính chất nửa Núi - nửa Nước của văn hóa Việt Nam xuất phát từ địa hình nước ta hẹp và dốc, đa số đều bắt đầu từ núi và kết thúc tại biển, thông qua các dòng sông ngắn. Người Việt buộc phải thích nghi với điều kiện đó của tự nhiên để tạo nên một sắc thái riêng, được nhận diện thông qua các hệ biểu tượng: Tiên - Rồng, Âu - Lạc, Cú - Rùa… tạo thành những môtip cặp đôi đại diện cho ý thức hệ văn hóa của người Việt với tư duy nửa rừng - núi, nửa sông - biển. Đó là những lập mã được hình thành từ tính chất bán đảo đặt trong môi trường địa lý nhân văn Việt Nam, khác hẳn với các quốc gia khác trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Những lập mã này tạo nên bản tính dễ thích nghi với yếu tố bên ngoài của văn hóa Việt Nam, dẫn đến sự chấp nhận tương đối dễ dàng với văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ và phương Tây. Mặt khác, sự thích ứng này tạo cho người Việt nét cá tính dễ hòa đồng, tránh được những xung đột (tôn giáo, sắc tộc…) thường xảy ra trong quá trình tiếp nhận (hoặc bị áp đặt) văn hóa (như Ai - len, Trung Đông…), đó là những ưu điểm rất lớn cần được phát huy.

Tính chất nửa Mẹ - nửa Cha, theo cách lý giải của ông, cũng bắt nguồn từ tính chất bán đảo của văn hóa Việt Nam. Nửa Mẹ, chính là văn hóa Đông Nam Á hải đảo (mẫu hệ), nửa Cha - văn hóa Trung Hoa lục địa (phụ hệ). Nửa Mẹ được ông khái quát bằng nguyên lý Mẹ và nguyên lý Vợ qua tư duy dân gian: Cha chết ăn cơm với cá/ Mẹ chết rải lá nằm đường; Lệnh ông không bằng cồng bà…

Trong khi đó, nửa Cha chỉ là cái vỏ bên ngoài: Ruột ta da Tàu… Do vậy, mô hình phát triển đơn tuyến: Mẫu hệ - Phụ hệ - Nhà nước là không phù hợp với diễn trình văn hóa Việt Nam. Cụ thể hơn, sự giao lưu với các yếu tố văn hóa bên ngoài ở Việt Nam chính là hệ quả của quá trình tích hợp văn hóa dựa trên tính chất bán đảo của Việt Nam - nơi trao đổi hàng hóa/ văn hóa. Lấy ví dụ, bốn ngôi chùa (thờ Phật) lớn nhất ở châu thổ Bắc Bộ đều thờ các và mang tên các Bà: Dâu, Đậu, Dàn, Tướng. Điều đó cho thấy Phật giáo du nhập vào Việt Nam đã dung hợp với tín ngưỡng dân gian thờ nữ thần bản địa mà sự tích Man Nương - Khâu Đà La là một minh chứng sống động.

Tính chất nửa Hoa - nửa Ấn trong văn hóa Việt Nam đã được nhiều học giả trong và ngoài nước lý giải theo nhiều cách khác nhau. Nhưng với cách lập luận của ông, chúng ta có thể dễ dàng xác định những tính chất này trên các khía cạnh như giao lưu văn hóa: Việt - Ấn - tự nguyện, trong khi sự giao lưu văn hóa hải đảo Việt Champa là sự dung hợp. Hoặc hình thức truyền bá văn hóa: Trung Hoa - áp đặt - chinh phục, Ấn Độ - thương mại và truyền giáo…

Tất cả những yếu tố văn hóa nói trên đều xuất phát từ tính chất bán đảo của văn hóa Việt Nam, được ông nhận diện thông qua cái nhìn địa - văn hóa. Theo đó, tính chất nửa Núi - nửa Nước, nửa Mẹ - nửa Cha, nửa Hoa - nửa Ấn… là sự tích hợp đa văn hóa (multicultural) của văn hóa Việt Nam trên cơ tầng văn hóa bản địa.

3. Cái nhìn địa - văn hóa của ông không đơn thuần chỉ là những tìm tòi - phát hiện mà đôi khi còn để minh chứng cho một quan điểm khoa học đối lập với các học giả bậc thày.

Trong bài viết Về quê hương của Ngô Quyền (4), ông đã viện dẫn những cứ liệu địa - lịch sử rõ ràng để chứng minh rằng: quê hương Ngô Quyền là ở đất Đường Lâm - Hà Tây (nay là Hà Nội), chứ không phải ở Hà Tĩnh như ý kiến của hai học giả Văn Tân (5) và Đào Duy Anh (6).

Cuộc tranh luận khá căng thẳng nhưng thú vị này tạo nên một cách nhìn/ cách làm mới công bằng hơn trong công tác nghiên cứu khoa học lịch sử còn khá mới mẻ ở Việt Nam lúc bấy giờ (7). Nó phá đi sự đóng khung trong những quan điểm khoa học được “chỉ định” (8) bởi các học giả danh tiếng.

Với cách lập luận mang tính logic tổng hợp, ông đã khái quát nên một triết lý văn hóa của người Việt, đó là lối tư duy nước đôi hình thành từ vốn văn hóa dân gian bản địa được tích hợp qua bề dày hàng nghìn năm lịch sử. Công thức “hai trong một” này, đôi khi dễ dẫn người ta tới chỗ duy lý, cực đoan nếu tiếp cận vấn đề một cách thiếu hệ thống. Chẳng hạn, có tác giả đã quá đề cao cơ sở triết lý âm - dương của Trung Quốc (9) hoặc bác học hóa vũ trụ hóa những tư duy dân gian (10) mà thiếu sự phân tích theo lối tư duy tổng hợp của người Việt.

Tính chất này được ông rút gọn trong bốn chữ là khả năng ứng biến của văn hóa Việt Nam. Khả năng ứng biến này được hình thành từ vị thế địa - văn hóa của Việt Nam, nơi giao hòa giữa núi và nước, giữa Đông và Tây, giữa lục địa và hải đảo, giữa cái riêng và cái chung, giữa cái thống nhất và đa dạng… Nên chăng, có thể gọi đó là bản sắc văn hóa Việt Nam?.

_______________

1. Chữ dùng của Đỗ Lai Thúy.

2, 3. Xem Trần Quốc Vượng, Trên mảnh đất ngàn năm văn vật, Nxb Hà Nội, 2000, tr.73-83, 79.

4. Trần Quốc Vượng, Về quê hương của Ngô Quyền, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 101, tháng 8-1967, tr.60-62.

5. Văn Tân, Vài sai lầm về tài liệu của bộ Đại Việt sử ký toàn thư, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 3, tháng 12- 1966, tr.31-32.

6. Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Khoa học, Hà Nội, 1964, tr.84.

7. Giai đoạn cuối những năm 60 của TK XX.

8. Chữ dùng của Trần Quốc Vượng.

9. Xem Lê Văn Quán, Tìm hiểu triết lý âm dương trong truyền thống văn hóa Việt Nam, Tạp chí Hán Nôm, số 2 (47), 2001, tr.3-7.

10. Xem Trần Lâm Biền, Nghệ thuật trang trí (trong Mỹ thuật Huế, Viện Mỹ thuật - Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, tháng 10- 1992, tr.72,76,78.

TS PHẠM THỊ THỦY CHUNG - PGS, TS ĐINH HỒNG HẢI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 476, tháng 10-2021

;