Yên Thành là một vùng đất học nổi tiếng của tỉnh Nghệ An, có phong trào đọc sách sôi nổi, thu hút mọi lứa tuổi tham gia. Hiện nay, 22 xã của huyện Yên Thành đều có thư viện, tủ sách tư nhân. Cán bộ tình nguyện cho những thư viện này thường là những cán bộ về hưu, trong đó nổi bật nhất là ông Nguyễn Văn Lạc ở xóm 2, xã Bắc Thành.
Là cán bộ trong ngành văn hóa với 13 năm (1998-2010) làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Thể thao huyện Yên Thành, ông Nguyễn Văn Lạc luôn nung nấu nguyện vọng khi về hưu sẽ mở một tủ sách nhỏ để phục vụ con em trong xóm khi thấy các em phải bỏ tiền thuê sách. Thực hiện nguyện vọng đó, ông đã chọn địa điểm phù hợp nhất để các cháu thuận tiện đến đọc và mượn sách. Được sự ủng hộ của trưởng xóm, ông quyết định chọn nhà văn hóa xóm để đặt tủ sách. Ý tưởng này được các đảng viên và bà con trong xóm hưởng ứng nhiệt tình. Giá sách, nguồn sách được mọi người quyên góp, ủng hộ. Ngày 13-4-2012, tủ sách được khai trương, hàng chục bạn đọc đã đến đọc và đăng ký mượn sách.
Để vốn tài liệu ngày càng đa dạng, phong phú, ông thường xuyên kêu gọi bạn bè, người thân ở mọi miền đất nước ủng hội nên hằng năm, thư viện được bổ sung từ 100-200 tên sách. Bên cạnh đó, tủ sách thường xuyên nhận được sách luân chuyển từ Thư viện huyện Yên Thành, Thư viện tỉnh Nghệ An. Định kỳ 2 tháng/ lần, Thư viện tỉnh Nghệ An luân chuyển sách mới đến và thu sách cũ về. Mỗi lần có sách mới bổ sung hoặc sách luân chuyển, ông đều thông báo trên loa truyền thanh của xóm. Đặc biệt, tháng 1-2014, tủ sách của ông được Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL gửi tặng hơn 170 cuốn sách. Năm 2019, kết nối với tủ sách nhân ái và ngôi nhà trí tuệ đặt điểm sinh hoạt tại xóm, con em trong xóm ở Hà Nội và Vũng Tàu đã ủng hộ 3 tủ để sách và hơn 1.000 tên sách. Đến nay thư viện đã có gần 4.000 cuốn sách. Khi xin được tài trợ, ông đều tham khảo nhu cầu của bạn đọc để bổ sung nguồn tài liệu phù hợp với nhu cầu của họ. Đây là một lý do bạn đọc đến thư viện ngày một đông hơn.
Thư viện mở cửa phục vụ vào chiều thứ tư, ngày thứ bảy và chủ nhật hằng tuần. Bạn đọc của thư viện ngày một tăng lên trong suốt 8 năm qua. Đối tượng bạn đọc hiện nay không chỉ là các em học sinh, các cụ cao tuổi mà nhiều phụ huynh đến mượn tài liệu thuộc các lĩnh vực sức khỏe, kỹ thuật nông nghiệp, tâm lý lứa tuổi, cách nuôi dạy con cái... về đọc.
Ông Nguyễn Văn Lạc phục vụ bạn đọc tại thư viện - Ảnh: Nguyễn Hòa
Bên cạnh việc duy trì, bổ sung nguồn tài liệu, để thư viện hoạt động chuyên nghiệp hơn, ông Nguyễn Văn Lạc đã làm tờ trình lên Thư viện huyện Yên Thành và Thư viện tỉnh Nghệ An đề xuất về việc xin xử lý nghiệp vụ kho sách. Thư viện tỉnh Nghệ An đã cử người về xử lý nghiệp vụ gần 4.000 cuốn sách và tổ chức lại kho sách cho thư viện. Thư viện được chia thành 2 kho: kho sách người lớn, kho sách thiếu nhi, mỗi kho sách được xếp khoa học và có biển chỉ chỗ cụ thể, rõ ràng.
Khi đã có bạn đọc và nguồn tài liệu ổn định, ông Lạng lại trăn trở kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa, nguồn ủng hộ của xã, của con em trong xóm đi làm ăn xa... để xây dựng không gian đọc sách mới nằm trong nhà văn hóa xóm. Sau 3 tháng phát động với gần 100 triệu đồng ủng hộ, thư viện xóm đã được xây dựng khang trang, rộng rãi. Có được thư viện như hiện nay là nhờ thời gian, công sức và tâm huyết của ông - người đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp văn hóa đọc của huyện Yên Thành nói riêng và của tỉnh Nghệ An nói chung. Ông Nguyễn Văn Lạc còn là người khơi nguồn văn hóa đọc cho bà con nhân dân trong huyện.
Từ thực tế ở thư viện xóm 2 Bắc Thành và các thư viện xóm ở huyện Yên Thành cho thấy các thư viện/ tủ sách của xóm hoạt động hiệu quả, ngoài sự quan tâm của chính quyền cơ sở thì vai trò của những người thủ thư rất quan trọng. Ông Nguyễn Văn Lạc người thủ thư tình nguyện bằng sự năng động, nhiệt tình, tâm huyết và đầy tình yêu thương với con trẻ đã góp phần quan trọng hình thành thói quen đọc sách trong cộng đồng ở nông thôn. Với tình yêu sách, tình yêu trẻ thơ, tình yêu quê hương, ông đã bỏ công sức, thời gian và tiền của để thực hiện sứ mệnh “gieo mầm văn hóa đọc” trong cộng đồng, đặc biệt là trong lớp trẻ thế hệ tương lai của đất nước.
Tác giả: Nguyễn Thị Hòa
Nguồn: Tạp chí VHNT số 437, tháng 9-2020