Hợp tác điện ảnh: Huy động vốn và san sẻ rủi ro

Sau đại dịch, nhiều ngành nghề, lĩnh vực gặp khó trong đó có sản xuất và phát hành phim. Việc cạn kiệt nguồn vốn khiến cho nhiều dự án lớn bị đình trệ hoặc phải tìm kiếm thêm đối tác để chung tay thực hiện và san sẻ kinh phí.

Phim Gặp lại chị bầu cũng có sự chung tay của ABC Pictures, V Picture

 

Hàng loạt bộ phim ra mắt gần đây là các sản phẩm hợp tác đã minh chứng cho sự khó khăn trong huy động nguồn vốn và những lo ngại về rủi ro khi phát hành. Với điện ảnh, một loại hình nghệ thuật xa xỉ và tốn kém, việc một bộ phim ra rạp thất bại, nhẹ là lỗ vốn, khó cho việc tái sản xuất và kêu gọi đầu tư cho các dự án tiếp theo. Nặng có thể dẫn đến phá sản khi mức đầu tư cho nhiều bộ phim lên tới con số vài chục tỷ. Chính vì thế mô hình hợp tác giữa các nhà làm phim trong nước với nhau hay giữa các nhà làm phim trong nước với quốc tế đã được thực hiện nhiều năm nay và đặc biệt nở rộ sau đại dịch. Mùa Tết vừa qua, phim Mai là sản phẩm hợp tác giữa Trấn Thành Town và CJ HK Entertainment. Phim Gặp lại chị bầu cũng có sự chung tay của ABC Pictures, V Picture. Trước đó, bộ phim Đất rừng phương Nam là sản phẩm hợp tác của nhiều đơn vị như HK Film, Galaxy Play, Trấn Thành Town, Kim Entertainment, Galaxy Studio...

Điểm mạnh trong hợp tác là nguồn vốn được chia nhỏ do tỷ lệ góp vốn của nhiều thành viên. Tiếp đó là sự cộng hưởng thế mạnh của các đối tác khi người mạnh về kịch bản, người mạnh về công tác chỉ đạo, đạo diễn… Có đối tác lại mạnh mảng phát hành. Sự cộng hưởng sức mạnh và nguồn vốn khiến cho bộ phim có đủ kinh phí để tập trung cho sản xuất được nhanh và thuận lợi. Về rủi ro khi sản phẩm hợp tác không thành công thì nguồn vốn thất thoát do không thu hồi được qua phát hành, bán vé cũng được các thành viên cùng nhau chia sẻ, giúp giảm tải áp lực và còn tiềm lực cho những dự án sau. Những thuận lợi và rủi ro trong hợp tác sau đại dịch cũng là chủ đề nóng trong giới làm phim. Mới đây, tại Hong Kong Filmart 2024 (Hội chợ quốc tế phim và truyền hình Hồng Kông) vừa diễn ra, vấn đề hợp tác làm phim giữa các quốc gia cũng là một trong những chủ đề nhận được sự chú ý và thảo luận sôi nổi tại hội chợ - nơi được xem là cầu nối thị trường phim ảnh Đông và Tây.

Phim Đất rừng phương Nam là sản phẩm hợp tác của nhiều đơn vị như HK Film, Galaxy Play, Trấn Thành Town, Kim Entertainment, Galaxy Studio...

 

Tại phiên thảo luận có chủ đề xoay quanh việc đồng sản xuất giữa các nhà làm phim châu Âu và châu Á nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về bài toán đầu tư, nhiều nhà sản xuất cho biết, hiện nay khó khăn về vốn là vấn đề nổi cộm.

Câu nói: “Ở đâu cũng ít tiền hơn” đang trở thành thử thách chung của hầu hết các nhà làm phim hiện nay. Do đó, mô hình hợp tác giữa các quốc gia, các châu lục để thúc đẩy tiến độ sản xuất được xem là giải pháp thích hợp. Thậm chí, một số bộ phim có đến 8 quốc gia cùng tham gia sản xuất.

Phim Kẻ thứ ba hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc

 

Hàn Quốc vốn là quốc gia không phổ biến hình thức hợp tác làm phim, nhưng hiện cũng đã bắt đầu thử nghiệm mô hình này. Theo một nhà sản xuất phim ở Hàn Quốc, dù là nền công nghiệp điện ảnh từng đứng thứ 4 về doanh thu phòng vé, nhưng rất khó để họ quay lại vị thế sau cú sốc Covid-19. Quyết định tăng giá vé để bù lỗ cũng không mấy khả thi khi khán giả đã quen xem phim trên các nền tảng trực tuyến và không muốn quay lại rạp.

Mặc dù hợp tác làm phim có nhiều thuận lợi về chia sẻ kinh phí, rủi ro cũng như cộng thêm các ưu điểm của các bên tuy nhiên mô hình hợp tác với nước ngoài cũng không đơn giản, được minh chứng bằng những ví dụ cụ thể. Bên cạnh việc phải tìm kiếm được đối tác phù hợp thì một rào cản còn khó hơn đó là làm thế nào để hấp dẫn về mặt nội dung. Trong đó, khó khăn nhất là hài hòa các yếu tố về văn hóa và tính bản địa của từng quốc gia hợp tác. Về phương diện này, một số phim Việt hợp tác với Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ hay Hồng Kông… gặp phải thất bại nặng nề là những bằng chứng thuyết phục. Một số phim hợp tác thất bại có thể kể đến như Mỹ nhân thần sách, Là mây trên bầu trời của ai đó (hợp tác giữa điện ảnh Việt Nam và Thái Lan). Phim Kẻ thứ ba (hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc). Phim Sám hối (hợp tác Việt Nam - Ấn Độ)… Điểm chung của các sản phẩm hợp tác này là huy động dàn diễn viên đang hot như “nam thần” Thái Lan Korapat Kirdpan, Việt Linh, Trúc Anh Burin, Thiên Nga, Minh Beta, Hà Hương, Phi Phụng… trong phim Mỹ nhân thần sách. Phim Là mây trên bầu trời của ai đó có hai gương mặt điển trai đình đám của Thái Lan là Push Puttichai (MC - diễn viên kiêm người mẫu với nickname “Hoàng tử trong mơ” của Thái) và August Vachiravit (được mệnh danh “nam thần” Thái Lan, nổi tiếng với phim Pee Nak - Ngôi đền kỳ quái), cùng ê-kíp diễn viên Việt Nam gồm NSND Hồng Vân, Ngọc Lan Vy, Trịnh Tú Trung, Lâm Bảo Châu, Hạo Đông, Nhâm Phương Nam, Quỳnh Lý… tham gia. Phim Kẻ thứ ba với sự góp mặt của tài tử Han Jae Suk và Lý Nhã Kỳ. Phim Yêu em từ khi nào (Hợp tác với Trung Quốc) có Khả Ngân, Lê Bê La, Kha Ly, Nhất Duy (Việt Nam) và Tôn Vĩ Luân, Lý Minh Tuyên (Hồng Kông)… Trước đó, bộ phim Những cô nàng  Găng tơ 2 có Trần Bảo Sơn, hot girl Elly Trần (Việt Nam), Trương Quân Ninh (minh tinh Trung Quốc), võ sĩ quyền anh Mike Tyson đóng cũng thất bại tại phòng vé.

 Phim Là mây trên bầu trời của ai đó hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan

 

Những bộ phim Việt hợp tác với nước ngoài có điểm mạnh ban đầu là luôn khiến công chúng háo hức kỳ vọng như một “bom tấn” phòng vé. Việc hợp tác làm phim với nước ngoài không chỉ là cơ hội để giao lưu văn hóa, học hỏi kỹ thuật làm phim, mà còn mở ra hướng phát triển, lan tỏa thương hiệu cho điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, đa số phim Việt hợp tác với nước ngoài thường chỉ sử dụng danh tiếng của êkíp thực hiện, nhất là dàn diễn viên ngoại để quảng bá cho tác phẩm nhưng hiệu quả không để lại ấn tượng nhiều. Một điểm chung giữa các bộ phim trên là tuy huy động được nhiều diễn viên nổi tiếng tham gia nhưng phần kịch bản nhạt nhòa, các mối nối, xung đột hời hợt cùng kỹ xảo kém đã khiến cho nhiều bộ phim hợp tác dù được quảng bá, lăng xê mạnh trước đó nhưng khi ra rạp vẫn thất bại. Thêm vào đó, thất bại của một số phim được phân tích là do nội dung kịch bản không phù hợp thời đại do không tương đồng về văn hóa, đời sống. 

Phim Mai là sản phẩm hợp tác giữa Trấn Thành Town và CJ HK Entertainment

 

Dù thành công hay thất bại thì câu chuyện khó khăn về nguồn vốn, nguồn kinh phí sản xuất vẫn đang là điểm nóng thu hút sự quan tâm trong giới. Ở Việt Nam, sau một vài điểm sáng về doanh thu, đặc biệt là những dấu hiệu hồi phục phòng vé, các nhà sản xuất Việt Nam đều phải thừa nhận, để thuyết phục được nhà đầu tư trong thời điểm này không dễ chút nào. Trước dịch Covid-19, điện ảnh Việt còn có một số nhà đầu tư ngoài ngành, nhưng hiện nay, họ gần như rút lui hoàn toàn. Do đó, bài toán về nguồn vốn, nguồn kinh phí sản xuất càng trở nên ngặt nghèo.

Chính thực tế đó xuất hiện nhu cầu hợp tác cùng sản xuất phim. Hiện, nhiều bộ phim điện ảnh có kinh phí lớn là sản phẩm hợp tác, hoặc chính các diễn viên, êkip làm phim cùng tham gia góp vốn. Những kinh nghiệm này có lẽ là cần thiết trước khi phim Việt tính đường dài hợp tác quốc tế sâu và rộng hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, bằng vào thực tế và đứng trước các khó khăn về hợp tác xuyên quốc gia thì hợp tác giữa các đối tác, nhà sản xuất trong nước được xem an toàn hơn. Thành công của các bộ phim như Mai, Gặp lại chị bầu, Đất rừng phương Nam… mở ra cơ hội ngày càng có thêm nhiều sản phẩm, bộ phim có sự chung tay, hiệp sức của các hãng sản xuất để cùng nhau đi qua giai đoạn khó khăn này.

Phim Những cô nàng và Găng tơ 2

 

THU HƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 568, tháng 4-2024

;