Tương lai đất nước ở trong tay thế hệ đang lớn lên. Trẻ em là nguồn hạnh phúc của mọi gia đình và xã hội, là vốn quý của mỗi dân tộc. Sự phồn vinh của mỗi quốc gia một phần lớn phụ thuộc vào tài năng, sự sáng tạo của các em sau này. “Chính sách chăm sóc, bảo vệ trẻ em tập trung vào thực hiện quyền trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh, phát triển hài hòa về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức...”.
Chăm sóc và giáo dục thiếu nhi không chỉ là nhiệm vụ của gia đình, nhà trường mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Nhà trường không chỉ là nơi trang bị kiến thức mà còn là nơi các em thiếu nhi rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống, thị hiếu, thẩm mỹ, quan hệ và cách ứng xử với cộng đồng. Cùng với những tri thức khoa học tiếp thu được ở nhà trường, thiếu nhi đồng thời được giáo dục bởi gia đình và xã hội. Nhà trường, gia đình, xã hội có tác động vô cùng quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của các em từ khi cắp sách đến trường cho đến lúc trưởng thành. Vì vậy công tác giáo dục thiếu nhi được Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á tham gia Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Quốc hội nước ta cũng đã thông qua Luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Giáo dục thiếu nhi phải được thực hiện trên cơ sở phối hợp hoạt động của các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức xã hội…, trong đó có thư viện. Bằng phương tiện sách báo, các thư viện góp phần đắc lực vào việc giáo dục thế hệ trẻ ngay từ tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành. Với tư cách là một thiết chế văn hóa, là cơ quan giáo dục ngoài nhà trường, bằng các hoạt động chuyên môn của mình thư viện đã góp phần thỏa mãn nhu cầu đọc của các em thiếu nhi, từ đó bước đầu hình thành trong các em một nhân cách mới, một giá trị mới theo sự phát triển của xã hội.
Lứa tuổi thiếu nhi là lứa tuổi các em có thể tham gia đọc sách tại thư viện. Đối với thiếu nhi, việc đọc sách báo có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của các em. Tuy nhiên, trẻ em hôm nay có quá nhiều phương tiện giải trí khác nên sách báo đã không còn là lựa chọn đầu tiên và duy nhất. Cuộc chiến giữa văn hóa đọc với văn hóa nghe nhìn không cân sức hiện nay đòi hỏi phải có những nỗ lực rất lớn từ nhiều phía. Vì vậy vấn đề có tính cấp bách hiện nay là củng cố, phát triển các mặt hoạt động của thư viện trong việc phục vụ thiếu nhi, làm cho sách báo và các loại hình tài liệu khác trở thành món ăn tinh thần bổ ích cho các em, góp phần tích cực vào việc giáo dục các em trở thành những người lao động có phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn tốt, xứng đáng là những người chủ tương lai của đất nước.
Thực tế trong những năm qua, sách cho thiếu nhi và việc tạo điều kiện cho thiếu nhi đọc sách chưa được các cấp, ngành liên quan và phụ huynh học sinh chú trọng. Việc định hướng cho thiếu nhi đọc sách ở thư viện hay nhà văn hóa các xã, phường chưa được quan tâm… Chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động phục vụ thiếu nhi trong các thư viện công cộng
Phát triển vốn tài liệu về số lượng và chất lượng
Chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng và sử dụng tốt nhất vốn tài liệu dành cho thiếu nhi. Hằng năm dành ít nhất 10% kinh phí bổ sung sách báo của thư viện để bổ sung sách báo thiếu nhi, đảm bảo chất lượng nội dung của vốn tài liệu này.
Bên cạnh các loại hình tài liệu cơ bản trong thư viện là sách, báo, tạp chí, cần bổ sung các loại hình tài liệu khác như băng cassette, băng vidéo, CD, VCD, DVD, CDROM… Cần lưu ý đến các tài liệu có nội dung phù hợp với thiếu nhi như các chương trình ca nhạc thiếu nhi, học ngoại ngữ, phim hoạt hình, phim truyện, thế giới động vật, du lịch vòng quanh thế giới…
Sách báo cho thiếu nhi là công cụ giáo dục có tác dụng rất lớn, bởi thế các thư viện cần bổ sung tài liệu mà nội dung của nó phải hướng vào những mục tiêu cụ thể: giáo dục lý tưởng, đạo đức; giáo dục kiến thức căn bản và cập nhật kiến thức mới, xây dựng cơ sở để các em phát huy tài năng, năng lực của mình; giáo dục tình cảm thẩm mỹ lành mạnh, có năng lực sáng tạo và biết thưởng thức cái đẹp trong thiên nhiên, cuộc sống và trong lao động.
Hướng dẫn thiếu nhi sử dụng thư viện
Thư viện cần trang bị cho thiếu nhi các kiến thức cơ bản để khai thác, sử dụng nguồn tài liệu, thông tin của thư viện được dễ dàng và thuận lợi. Huấn luyện các em thiếu nhi kỹ năng sử dụng thành thạo các nguồn và công cụ tra cứu của thư viện (hệ thống mục lục thủ công, mục lục điện tử, thư mục, các loại tài liệu tra cứu khác… chính là trao cho các em chìa khóa mở cửa tri thức, hướng tới tương lai.
Ngoài ra, thư viện cần giáo dục cho các em có sự trân trọng và biết giữ gìn sách báo trong quá trình sử dụng. Sách báo là sản phẩm kết tinh các giá trị văn hóa của nhân loại, là tài sản tinh thần của thế hệ ngày trước truyền lại cho thế hệ sau. Khi tiếp xúc với tri thức và tư tưởng trong sách chính là các em đã tiếp xúc với tri thức và tư tưởng kết tinh sức lực, trí tuệ của thế hệ trước. Chính vì vậy, các em cần phải ứng xử có văn hóa với sách báo, trân trọng và yêu mến sách báo. Cần rèn luyện cho các em thói quen giữ gìn cẩn thận sách báo trong khi đọc: không gập gãy sách, bôi bẩn ra sách hay xé rách sách. Làm cho các em ý thức một cách sâu sắc rằng cần phải giữ gìn sách bền lâu để cho nhiều bạn khác được đọc cuốn sách mình yêu thích.
Định hướng đọc cho thiếu nhi
Nhu cầu đọc sách đã có sẵn trong mỗi đứa trẻ mà sự tác động, ảnh hưởng của gia đình, nhà trường và thư viện là vô cùng quan trọng. Thiếu nhi bao giờ cũng thích được nghe kể chuyện. Từ niềm say mê với những câu chuyện đến sự hứng khởi muốn tìm đọc qua những trang sách chỉ là một con đường ngắn. Do vậy, cha mẹ, thày cô, cán bộ thư viện cần thiết phải truyền đạt và thắp lên niềm yêu thích đọc sách đối với thiếu nhi. Ở Phần Lan có phong tục rất hay: khi một đứa trẻ sinh ra, bao giờ cũng được gia đình tặng cho một giỏ sách, đó thật sự là món quà quý giá. Niềm đam mê đọc sách của mỗi người phải được xây dựng từ nhỏ. Làm thế nào để biến nó thành nhu cầu tự thân, giống như việc con người cần ăn, cần thở vậy.
Các em đọc theo trí tò mò và kích thích sự tưởng tượng chứ không theo nhận thức về giá trị của sách nên thư viện cần phải có định hướng cho các em trong việc tiếp cận và lựa chọn được những tài liệu có tác dụng tích cực đối với sự phát triển đời sống tinh thần và trí tuệ. Bên cạnh sách giải trí vẫn cần mang đến cho các em những cuốn sách gieo hạt giống cho tâm hồn, chú ý đến các tài liệu có nội dung phù hợp với mục tiêu giáo dục mà thư viện đặt ra như tài liệu giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước; các gương học tập tốt, lao động tốt… Trách nhiệm của người lớn là phải định hướng, phải trao vào tay các em những cuốn sách hay, có giá trị nuôi dưỡng tâm hồn.
Việc thu hút trẻ em đến với sách về một mặt nào đó chưa phải là điều khó vì phần lớn các em đều thích sách. Vấn đề là ở chỗ các em đọc những sách gì. Không cần nói tới những sách có nội dung không tốt, ngay cả những cuốn sách tốt mà không biết sử dụng cũng không đem lại lợi ích cho trẻ mà ngược lại còn có thể gây hại cho cả cơ thể và tâm hồn các em. Bởi vậy, không những chúng ta phải gây men hứng thú mà còn cần hướng dẫn các em biết cách chọn sách, đọc sách và cao hơn nữa là biết sử dụng thư viện.
Hình thành thói quen và phương pháp đọc
Hoạt động đọc sách báo của thiếu nhi thực chất là quá trình tương tác giữa người đọc và sách báo. Các em tìm trong sách báo những gì đáp ứng được nhu cầu, hứng thú của mình và mỗi loại sách báo cũng đòi hỏi phải có phương pháp đọc thích hợp cùng với những điều kiện cần thiết cho việc cảm thụ, lĩnh hội được nội dung của chúng. Do đó, thư viện cần hiểu rõ các em thiếu nhi muốn đọc những tài liệu nào, tại sao phải đọc những tài liệu đó, đọc như thế nào, ghi nhớ và vận dụng những kiến thức trong tài liệu ra sao… Như vậy, thư viện cần thực hiện các công việc sau đây:
Giúp thiếu nhi xây dựng kế hoạch đọc sách. Thư viện có thể giúp các em vạch ra một kế hoạch đọc cụ thể như: đọc những tài liệu nào, thời gian đọc cụ thể ra sao…
Hướng dẫn phương pháp đọc. Có rất nhiều phương pháp đọc: có cách đọc trọng tâm, trọng điểm, có cách đọc toàn bộ, cách đọc nghiền ngẫm, đúc kết và có cách đọc lướt, đọc qua... Phương pháp đọc tùy thuộc vào mục đích đọc. Khi các em đã đọc sách với ý thức và mục đích nhất định thì ngay việc đọc lướt, đọc qua cũng không phải là hiện tượng đáng phê phán, ngược lại có thể coi đó là một phương pháp đọc để tìm hiểu sơ bộ về một cuốn sách. Đọc có nghiền ngẫm, đúc kết đòi hỏi các em phải ghi chép và làm thu hoạch sau khi đọc. Với các em, những việc này cần được hướng dẫn tỉ mỉ.
Đối với thiếu nhi, việc rèn luyện cho các em có một phương pháp đọc là cần thiết. Thư viện cần giúp các em rèn luyện khả năng và thói quen hệ thống hóa những kiến thức đã đọc, nâng cao khả năng tiếp thu và làm chủ kiến thức. Giáo dục phương pháp đọc còn là việc hướng dẫn các em biết cách tìm hiểu sơ bộ một tài liệu thông qua nhan đề, tác giả, mục lục, lời nói đầu… của tài liệu đó. Ngoài ra, thư viện cũng cần giúp các em biết liên hệ, ứng dụng những kiến thức đã đọc trong sách báo vào thực tiễn học tập, rèn luyện bản thân và cả trong sinh hoạt hàng ngày của các em.
Lưu trữ thông tin để sử dụng lâu dài. Thư viện có thể hướng dẫn các em thiếu nhi ghi lại những thông tin về tài liệu đã sử dụng như: tác giả, nhan đề, nhà xuất bản, năm xuất bản… kèm theo tóm tắt ngắn gọn về nội dung của tài liệu ấy. Phương pháp này giúp các em lưu trữ, hệ thống được những kiến thức trong quá trình khai thác tài liệu và sử dụng chúng sau này khi cần thiết.
Đa dạng hóa các hình thức phục vụ của thư viện
Ở nơi có điều kiện cần trang bị máy tính, cài đặt phần mềm đáp ứng nhu cầu học tập, tìm hiểu, giải trí của các em. Việc mua sắm, lắp đặt, bài trí, sắp xếp trang thiết bị cho phòng đọc thiếu nhi cần đảm bảo tính thẩm mỹ, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi.
Bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ thư viện, có kinh nghiệm trong công tác thư viện phục vụ thiếu nhi, đặc biệt có tinh thần trách nhiệm, có lòng yêu trẻ phụ trách công tác này. Các cán bộ thư viện cần được thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, đào tạo ngắn và dài hạn, các đợt tham quan trong và ngoài nước ở những nơi có hoạt động phục vụ thiếu nhi hiện đại và tiên tiến.
Đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng phục vụ thiếu nhi: tổ chức các kho mở; tăng cường công tác tuyên truyền giới thiệu sách báo, tiếp tục duy trì các hình thức hiện có, sáng tạo các hình thức mới...; từng bước tin học hóa tạo các dịch vụ thư viện mới phục vụ thiếu nhi. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi thời gian thiếu nhi đến thư viện công cộng không nhiều cần tăng cường công tác luân chuyển vốn tài liệu từ thư viện công cộng sang thư viện trường học nhằm phát huy giá trị vốn tài liệu. Các thư viện cấp tỉnh, thành phố cần xây dựng chương trình phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong lĩnh vực thư viện để góp phần quan trọng xây dựng và hình thành thói quen đọc sách báo trong thiếu nhi.
Bên cạnh các giải pháp nêu trên, thư viện công cộng cần có sự phối hợp với gia đình và nhà trường trong việc phục vụ thiếu nhi đọc sách. Phối hợp với tư nhân huy động nguồn sách, sử dụng thư viện cộng đồng để tạo cho thiếu nhi sân chơi bổ ích nhất là trong dịp hè. Đối với các nhà trường cần quan tâm giáo dục cho học sinh ý thức tự học, tự rèn luyện thông qua việc đọc sách; đồng thời giới thiệu, định hướng cho các em những cuốn sách có nội dung tốt, giúp các em mở rộng hiểu biết, nâng cao nhận thức trong việc tu dưỡng, rèn luyện. Đặc biệt, các gia đình cần chú ý tới nhu cầu đọc sách của con em mình, tạo điều kiện cho các em đọc sách, vui chơi sau một năm học vất vả. Nên hướng cho thiếu nhi đọc những sách lịch sử, danh nhân, văn học… để bổ trợ kiến thức đã học trong nhà trường. Chủ động mua, mượn sách và khuyến khích trao đổi sách để giúp các em có thêm nhiều sách đọc, tạo sự ham mê, hứng thú khi đọc sách nhằm góp phần giáo dục con em phát triển toàn diện để trở thành người công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 324, tháng 6-2011
Tác giả : Cao Thanh Phước