Với vốn hiểu biết sâu rộng về nhiều giai đoạn, bối cảnh lịch sử, xã hội… họa sĩ thiết kế mỹ thuật, NSND Phạm quang Vĩnh đã đóng góp không nhỏ vào thành công của điện ảnh Việt Nam. Nhiều người trong nghề gọi vui công việc của ông là người kiến tạo thời gian.
Họa sĩ thiết kế là một trong 3 khâu quan trọng tham gia vào những công đoạn đầu tiên của một bộ phim cùng với đạo diễn, quay phim khi đã có trong tay kịch bản, kế hoạch sản xuất. Là một trong những thành phần quan trọng phác họa, xây dựng, bồi đắp lên các bộ phim, họa sĩ thiết kế Phạm Quang Vĩnh cũng không thể nhớ nổi mình đã có bao nhiều chuyến đi chọn cảnh cùng các êkip trong suốt chiều dài cuộc đời nghề nghiệp của mình. Với ông, mỗi một bộ phim bắt đầu bằng những chuyến đi. Đi chọn cảnh cho phim, đi tìm không gian nơi tái tạo lại câu chuyện, hoàn cảnh, số phận nhân vật. Những chuyến đi có dài, có ngắn, có xa, có gần. Có phim chỉ vài lần là chốt xong bối cảnh. Có phim lại ròng rã nhiều tháng vẫn không tìm nổi bối cảnh đúng như nội dung, câu chuyện của phim đã phác họa. Ngoài tận dụng không gian, bối cảnh, nhà cửa, đường phố, thiên nhiên… sẵn có, ở nhiều bộ phim do nội dung, câu chuyện người họa sĩ thiết kế phải phác họa, xây dựng, làm lại bối cảnh nơi câu chuyện, nhân vật, tình tiết có không gian, đất diễn để sáng tạo.
Với đặc thù nghề nghiệp là chọn cảnh, phác thảo bối cảnh, có lẽ không một địa danh nào trên dải đất hình chữ S này mà ông cùng các êkip làm phim chưa đặt chân tới. Những chuyến đi khắp dọc dài đất nước đã tiếp thêm cho ông tình yêu đối với quê hương, đất nước và làm dầy thêm vốn tri thức, hiểu biết của ông về phong cảnh, thiên nhiên, con người Việt Nam. Vốn hiểu biết đó, tùy vào nội dung, câu chuyện cụ thể của mỗi bộ phim mà ông tham gia ở vai trò, vị trí họa sĩ thiết kế sẽ được vận dụng sao cho nhuần nhuyễn, hòa quyện để cùng các khâu khác kể lên một câu chuyện, số phận cụ thể. Ý thức về công việc của mình, mỗi lần tạo tác bối cảnh, quan điểm của ông là bối cảnh đó phải lên được không gian, niên đại của câu chuyện phim. Ngoài ý nghĩa về mặt thời gian, lịch sử, mỗi bối cảnh cụ thể còn phải toát lên được hoàn cảnh cụ thể, chi tiết của nhân vật để giúp diễn viên cảm nhận, nhập vai, thăng hoa cùng vai diễn.
NSND Phạm Quang Vĩnh với bối cảnh phim Chuyện của Pao
Với quan điểm làm nghề chuyên nghiệp, sáng tạo, ông đã góp phần làm nên thành công của nhiều bộ phim. Nhiều giải thưởng cho phim và cho cá nhân trong các kỳ Liên hoan Phim quốc gia, giải Cánh Diều hàng năm của Hội Điện ảnh đã ghi nhận những đóng góp của ông trong điện ảnh. Trong số các bộ phim ông tham gia phải kể tới Ngày ấy bên sông Lam, Đường về quê mẹ, Bến không chồng, Tiếng cồng định mệnh, Chuyện của Pao, Đập cánh giữa không trung…
Cộng tác cùng nhiều nghệ sĩ, với mỗi thế hệ đạo diễn, mỗi cá tính nghệ thuật ông đều tìm được tiếng nói chung khi cùng nhau hướng tới giá trị đích thực của nghệ thuật, của tính chân, thiện, mỹ trong một bộ phim. Không chỉ thành công với những đạo diễn cùng thế hệ, có chung quan điểm, định hướng sáng tạo… ông còn khá ăn ý khi làm việc cũng các đạo diễn trẻ như Ngô Quang Hải trong Chuyện của Pao hay Nguyễn Hoàng Điệp trong Đập cánh giữa không trung. Quên mình khi sáng tạo, tận tâm với công việc, họa sĩ, NSND Phạm Quang Vĩnh coi thành công của mỗi bộ phim là công trình chung của cả một tập thể mà mỗi cá nhân bên cạnh sáng tạo độc lập còn phải gắn kết được cùng êkip để cùng nhau làm nên một sản phẩm chung. Là một trong những họa sĩ thiết kế điện ảnh hàng đầu của Việt Nam, ngoài lòng đam mê nghề nghiệp, sức sáng tạo không ngừng nghỉ, ông còn nổi tiếng với quan điểm: “Sáng tạo thế nào thì sáng tạo nhưng vẫn phải ra được chất Việt, hồn Việt trong mỗi công đoạn hay cả tác phẩm”.
Phim Bến không chồng
Chính tinh thần ấy đã góp phần đưa nhiều bộ phim Việt Nam đến với thành công, lan tỏa ra với bạn bè khu vực và thế giới hình ảnh về một Việt Nam hồn hậu, thân thiện, yêu hòa bình tới với khán giả trong và ngoài nước. Là người giữ vai trò họa sĩ chính của nhiều bộ phim Việt Nam, ông là tác giả của nhiều bối cảnh phim chân thực và đầy biểu cảm mang đậm nét văn hóa, bản sắc của thiên nhiên, phong cảnh, mảnh đất, con người Việt Nam và góp phần lưu giữ những hình ảnh đó của đất nước, của dân tộc qua các bộ phim.
Ở nhiều bộ phim, trong một số trường đoạn, chính bối cảnh, các phác thảo, tạo hình của họa sĩ thiết kế Phạm Quang Vĩnh đã làm “sống” lại cả một bối cảnh, không gian, không khí của một giai đoạn, một thời kỳ. Xem phim, công chúng như lạc vào bối cảnh của một làng quê Việt cách đây nửa thập kỷ hay một góc nhà trọ tối tăm thời hiện đại. Có được cảm nhận ấy là nhờ bàn tay tài hoa của những họa sĩ thiết kế bối cảnh, những người: kiến tạo lại thời gian qua bối cảnh.
. Bối cảnh phim Thái sư Trần Thủ Độ được dựng tại trường quay Cổ Loa
Trong cuộc đời làm nghề của mình, ông gắn bó, ấn tượng với nhiều bối cảnh trong đó có bối cảnh của bộ phim Bến không chồng của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Từ cảm nhận số phận của những người đàn bà trong chiến tranh khi đàn ông phải ra trận, họ ở nhà sống khắc khổ và đầy bi kịch, ông cố gắng để bối cảnh phải toát lên điều đó. Trên phim, khán giả được chiêm ngưỡng một ngôi làng khô cằn, ít cây cối với tông màu trầm, nặng nề. Hình ảnh những người đàn bà góa chiều chiều tụ tập nơi bến sông như chờ đợi những người đàn ông không bao giờ trở về, chờ đợi những thời khắc trong cuộc đời cứ chầm chậm đi qua đã được lột tả rất hay trên phim. Để khắc họa điều đó, họa sĩ đã tái tạo một cái bến thân thuộc, hàng ngày những người đàn bà không chồng ra ngồi đó giặt giũ, tâm sự… từ một cái ao ở chùa Thầy. Bến giả đó có đình, cây gạo, cầu chùa. Ông đã phải xin phép sư cụ phá hàng lan can quây ở đảo, làm bến gỗ chìm dưới nước, dán gạch, rồi mài gạch trơn nhẵn tạo ra hiệu quả của cái bến xưa.
Để chân thực, đoàn phim còn phải mua 2 xe tải củi, sành sứ xếp ở chùa Thầy tạo không khí. Xem phim, không ai phát hiện được cái bến chính là cái ao ở chùa Thầy. Tiếp đó, nhà nhân vật Vạn - anh bộ đội phục viên về làng phải rất xù xì. Ông đã chọn nhà có lò gốm ở Phù Lãng, sau đó về Xuân Mai mua gạch tổ ong mang về dán làm bức tường dày, xù xì hợp với không khí của bộ phim.
Quan niệm các bối cảnh cũng là một nhân vật. Cũng như diễn viên nhận vai, nên họa sĩ khi đọc kịch bản phải suy nghĩ xem nhân vật đó phải ở bối cảnh như thế nào. Ông chia sẻ: Trong mỗi bộ phim cái nghèo, cái giàu đều có vẻ đẹp riêng của nó. Như phim Chuyện của Pao tổ thiết kế đã phải nằm vùng gần 2 tháng trời để dựng bối cảnh. Hình ảnh quan trọng trong phim là cô Pao ngồi nhìn ra cổng, chờ đợi. Và êkip đã tạo nên tầng 2 cho ngôi nhà, thuê xe chở gỗ từ Hà Nội lên, rồi thay đổi cửa, đục một cái cửa trước, mua 20 xe ben đá làm hàng rào quây quanh. Cô Pao ngồi ở tầng 2 nhìn ra cửa sổ, ra cổng trước, nhìn thấy con đường…
Phim Đập cánh giữa không trung
Trong phim Đập cánh giữa không trung, êkip thiết kế đã dựng căn nhà ở trọ chật chội, tù túng với 4 bức tường vây quanh cho nhân vật nữ chính ở tại Cổ Loa. Ở nhiều phim, vì không chủ động được bối cảnh đoàn phim đã phải làm bối cảnh theo kiểu lắp ghép, tận dụng thời gian để quay đêm sau đó ban ngày lại hoàn trả lại mặt bằng để chủ nhà tiếp tục công việc kinh doanh như trong bộ phim Mùa hè lạnh của đạo diễn Ngô Quang Hải do ông làm thiết kế. Toàn bộ cột kèo kiểu Gô-tích, vòm cửa… cứ 6 giờ chiều được xe chở đến để lắp ráp, thành sảnh khách sạn để 10 - 11 giờ đêm xong bắt đầu quay đến 4 - 5 giờ sáng là ngừng, lại dỡ bối cảnh đi để trả lại mặt bằng.
Phim Mùa hè lạnh
Ở tuổi gần 80, sức khỏe đã yếu đi nhiều. Ông không còn đủ sức để đi theo những đoàn làm phim. Thời gian rảnh, ông vẫn hay xem phim rồi cùng vợ - NSUT Diệu Thuần bàn luận về bối cảnh, về vai diễn. Với ông, nói về phim, về bối cảnh là những câu chuyện không có hồi kết bởi nó đã trở thành niềm đam mê, sự cống hiến, sáng tạo gắn với ông suốt một đời người.
MIÊN THẢO
Nguồn: Tạp chí VHNT số 541, tháng 7-2023