HÒ BẢ TRẠO Ở KHU VỰC DUYÊN HẢI NAM TRUNG BỘ

1. Thực trạng hò bả trạo ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ

Hò bả trạo là một loại hình văn hóa tín ngưỡng dân gian tồn tại lâu đời ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, gắn liền với tục thờ cá ông, lễ hội cầu ngư. Lễ hội cầu ngư là một trong những lễ trọng, lễ lớn của bà con ngư dân gắn với nghề đi biển mưu sinh của hàng triệu người dọc dài duyên hải các tỉnh Nam Trung Bộ.

Tên gọi hò bả trạo còn có các tên gọi khác như: chèo đưa linh, chèo hầu linh, hát đưa ông… Cư dân ven biển duyên hải Nam Trung Bộ đều khẳng định từ bả là nắm chắc, trạo là con chèo, bả trạo có nghĩa là nắm chắc tay chèo.

Về bố trí đội hình, một cuộc hò bả trạo ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ thường có: nghệ nhân trình diễn phải là nam giới, không giới hạn độ tuổi; số người tham gia phải là số chẵn, thông thường là 16, 18, 20 người; một đội gươm tượng trưng cho đội quân hầu thần Nam Hải; một đội chèo bả trạo gồm tổng mũi, tổng khoang, tổng lái và các con trạo.

Về trang phục, mỗi địa phương quy định màu sắc khác nhau, song phổ biến là: tổng lái mặc lễ phục cổ truyền (áo dài đen, quần trắng, cầm cheo dài 2m); tổng mũi trang phục giống tổng lái nhưng hóa trang giống tướng mặt đỏ trong sân khấu tuồng, tay cầm cặp sênh điều khiển; tổng khoang mặc áo ba màu, tay cầm gàu tát nước; bạn chèo đầu chít khăn, chân quấn xà cạp, thắt lưng đỏ, chân đi đất cầm chèo dài cỡ 1,2m.

Ban nhạc gồm 1 trống chầu, 1 trống cơm, 2 đàn nhị, 1 bộ phách, 1 kèn trung, 1 kèn tiểu, 1 cặp sênh tiền hoặc trống con, ban nhạc mặc áo dài truyền thống, đầu đội khăn đóng.

Theo tác giả Lê Hồng Khánh, cuộc hát sẽ có thứ tự trình diễn như sau: “Khi tiến ra sân diễn, cả đội đi hàng một, dẫn đầu là tổng mũi, đến tổng khoang, tiếp đó là bạn chèo, sau cùng là tổng lái. Bạn chèo cầm mái chèo dựng đứng bên tay phải, mũi chèo hướng lên trời. Đến điểm trình diễn, cả đội đi thành vòng tròn, sau đó tách ra hai hàng (một hàng các bạn chèo mang số lẻ, hàng kia là số chẵn). Đứng đầu giữa hai hàng bạn chèo là tổng mũi, tiếp đến là tổng khoang, sau cùng là tổng lái. Đội hình bả trạo vừa mô tả hình con thuyền lênh đênh trên biển, vừa tái hiện động tác chèo thuyền của ngư dân… Trong lúc cùng mọi người trình diễn, tổng mũi từng chặp dừng lại để xướng, hát, ngâm thơ, lý và diễn trò; bạn chèo chèo thuyền cách điệu nghệ thuật và hát xô theo lĩnh xướng; tổng khoang phối hợp với tổng mũi để trình diễn, thỉnh thoảng cầm gầu mô phỏng động tác tát nước ra khỏi khoang thuyền… Kết thúc buổi diễn, tổng mũi gõ hai tiếng sênh, tất cả bạn chèo cầm cán chèo giơ thẳng mũi lên cao, khi nghe tiếng sênh tiếp theo thi nhập thành hàng một theo tổng mũi đi khuất vào trong” (1).

Hò bả trạo là một loại hình diễn xướng dân gian được xây dựng trên quy trình chặt chẽ như một vở diễn, gồm các phần: xuất bến, kéo lưới, vượt bão tố, về bến. Sự phối hợp phong phú, lôgic giữa các thể thơ, ngôn ngữ, thể loại âm nhạc đã làm cho cuộc hát có sức hấp dẫn, thu hút được đông đảo cộng đồng.

Được truyền khẩu, truyền ngón, truyền vũ điệu, truyền động tác, thiết kế phục trang, đạo cụ… theo lối bắt tay chỉ việc qua nhiều thế hệ, hò bả trạo đã khẳng định được giá trị văn hóa tâm linh, tính nhân văn, đoàn kết cộng đồng trong cội nguồn văn hóa dân gian của các cư dân duyên hải ven biển Nam Trung Bộ. Bên cạnh đó, những giá trị sáng tạo trên các lĩnh vực văn học, âm nhạc, chế tác nhạc cụ… cũng cần được quan tâm nghiên cứu một cách thấu đáo, hướng tới việc đề xuất mang tính khả thi cho các nhà quản lý trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này trong nhịp sống hiện đại.

Hiện nay, cứ vào độ mùa xuân hoặc mùa thu, ngư dân trong các vạn ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ thường đóng góp tiền bạc, của cải, các vật thờ cúng, sửa chữa lăng để chuẩn bị cúng cá ông. Việc nghiên cứu thực trạng hò bả trạo đặt ra những yêu cầu về tìm hiểu nguồn gốc hình thành, phát triển, sự giao thoa, tiếp biến, tương đồng và khác biệt trong nghệ thuật diễn xướng loại hình này tại các vùng thuộc Nam Trung Bộ; hệ thống hóa bài bản, diễn trình diễn xướng, làm rõ đặc trưng giá trị nghệ thuật, xác định cái mất, cái còn so với nguồn gốc. Bên cạnh đó, cần phải đánh giá thực trạng cũng như công tác bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị nghệ thuật của hò bả trạo trong giai đoạn hiện nay. Tất cả những vấn đề vừa nêu đòi hỏi phải có sự vào cuộc, định hướng của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị tại các tỉnh, thành thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, đặc biệt là ý thức của cộng đồng ngư dân nơi đây với tâm thế là chủ thể sáng tạo và hưởng thụ giá trị di sản. Mặt khác, cũng cần đặt ra giả thuyết, liệu vài thập kỷ tới có còn tồn tại nghệ thuật diễn xướng hò bả trạo ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ hay không, nếu tồn tại thì theo dạng nào, nếu mất hẳn loại hình nghệ thuật này thì đời sống tín ngưỡng dân gian của số đông ngư dân khu vực này sẽ ra sao?

Hò bả trạo mang đậm tính nguyên hợp của âm nhạc dân gian. Dù ở bất cứ địa phương nào thì nghệ thuật hát múa bả trạo đều tập trung để hầu thần, ca ngợi công ơn của cá ông (thần Nam Hải), cầu mong quốc thái dân an, được mùa cá rộ… Bên cạnh đó, nhu cầu giải trí của ngư dân được đáp ứng thông qua các màn hát múa dân gian, trò chơi dân gian thấm đẫm tình đoàn kết, sự sáng tạo, tính nhân văn sâu sắc của cộng đồng ngư dân.

Về âm nhạc, múa, diễn xướng hò bả trạo ở Nam Trung Bộ sử dụng các thể loại tương đối giống nhau như: kết nối các thể loại âm nhạc dân gian cổ truyền với nghệ thuật hát bội, âm nhạc phật giáo, âm nhạc tín ngưỡng... với sự sáng tạo, phá cách, phá thể, phá tiết tấu, tạo tính cao trào, lắng đọng trong nghệ thuật diễn xướng tạo ra nhiều mảng màu cảm xúc. Nghệ thuật múa dân gian cũng được phát huy, cách điệu tối đa giữa các động tác chèo thuyền, xướng, xố của bạn chèo với lối cầm chịch, điều khiển, diễn trò của các tổng. Về phục trang, đạo cụ, tương đối giống nhau ở các địa phương.

Về diễn trình diễn xướng, hò bả trạo thường diễn ra sau khi chánh tế kết thúc phần việc của mình. Ông chánh tế đứng niệm hương, xin phép thần cho đội bả trạo biểu diễn. Trống, chiêng đánh 3 hồi 9 tiếng vừa dứt, đội bả trạo thực hiện hành lễ và tiến ra sân diễn. Gắn với hát múa bả trạo trong lễ hội cầu ngư thường có các trò chơi dân gian như kéo co, bơi thuyền thúng... Tuy nhiên, hiện nay, số người nắm giữ, hiểu biết về di sản hò bả trạo phần đông đã cao tuổi và qua đời.

Kịch bản hát múa bả trạo là sự sáng tạo tổng hợp của các nghệ nhân dân gian, được vận dụng phù hợp với hoàn cảnh, không gian, thời gian của từng địa phương nên cấu tạo từng phần của kịch bản cũng có sự khác nhau. Có nơi kịch bản chỉ có ba phần (ra khơi bủa lưới - thuyền gặp nạn trên biển nhờ ông cứu giúp - kể ân đức của ông phù hộ độ trì dân vạn chài), có nơi kịch bản lại chia thành bốn phần (xuất bến - kéo lưới - vượt sóng to gió cả có sự giúp đỡ của thần linh - về bến bình an). Vì vậy, phần cao trào, kịch tính cũng có sự gia giảm khác nhau.

Bài bản âm nhạc, lời văn trong các thể thơ dân gian có gia giảm trong nhóm bả trạo nghi lễ thích ứng với địa điểm, bối cảnh xã hội và môi trường diễn xướng, biên chế nhạc cụ cũng có sự khác nhau về số lượng, chủng loại ở từng địa phương. Ví dụ, ở Bình Định thường chú trọng đến hát tuồng, hát bội; Quảng Ngãi không có vai trò của tôn ông với tư cách là giáo đầu, hát lễ, không đặt nặng việc hát tế âm linh, cô hồn; Phú Yên có xuất hiện đội hình tóc dài, đây có lẽ là sự giao thoa văn hóa Việt - Chăm; ở Đồng Nai, tổng thuyền có hát thêm thể loại vè và lý Nam Bộ, địa điểm hát tại nhà võ ca chứ không tiến ra sân...

2. Bảo tồn và phát huy giá trị hò bả trạo

Trong đời sống ngư dân bản địa

Hiện nay, ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, việc tổ chức lễ hội cầu ngư hàng năm vẫn được bà con ngư dân ở các vạn chài thực hiện theo định kỳ truyền thống với tấm lòng tôn kính, tri ân đối với cá ông, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu... Tuy nhiên, như đã nói ở trên, lễ hội ở mỗi vạn chài đều có những điểm khác nhau, vì vậy, việc tôn trọng lịch sử, tính kế thừa của mỗi vùng miền cần được bảo tồn nghiêm túc, phát huy tính đa dạng của hò bả trạo. Sở dĩ chúng tôi nêu vấn đề tôn trọng sự khác biệt trong kịch bản hò bả trạo ở mỗi vùng là nhằm phát huy tính đa dạng, phong phú, trân trọng tính kế thừa và phương thức trao truyền ở mỗi địa phương. Bởi, hò bả trạo là sản phẩm tinh thần do nhân dân sáng tạo nên, vừa là động lực làm thăng hoa tín ngưỡng dân gian, vừa là một diễn trình lịch sử của văn hóa biển đảo ở các tỉnh Nam Trung Bộ.

Qua phương tiện thông tin đại chúng

Không chỉ là tín ngưỡng tâm linh mà hò bả trạo còn là di sản văn hóa tinh thần có giá trị lâu bền trong đời sống ngư dân bản địa, là một mảng màu không thể thiếu trong ngôn ngữ âm nhạc cổ truyền dân gian của dân tộc Việt. Trên thực tế, các bài báo khoa học, công trình nghiên cứu về hò bả trạo không nhiều, còn trên các phương tiện truyền thông đại chúng thì phản ánh thưa thớt. Đây là một thiệt thòi lớn cho công chúng thưởng thức trong quá trình thực hành và bảo tồn di sản. Thông qua các chương trình phát thanh, truyền hình, các bài bản, kịch bản của hò bả trạo được phát sóng rộng rãi nên người dân đều có thể tiếp nhận được qua âm thanh, động tác, màu sắc trang phục… Đây có thể được coi là phương thức bảo tồn hết sức hữu hiệu, bởi thông qua nghệ thuật nghe nhìn mọi tầng lớp nhân dân đều có thể tiếp cận, bắt chước, thẩm thấu, từ đó, hò bả trạo đi vào đời sống ngư dân một cách thuần khiết, giản dị. Chính vì vậy, chúng tôi rất mong muốn đài phát thanh, truyền hình các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam bố trí thời lượng phát sóng phù hợp các chương trình dân ca nhạc cổ trong đó có hò bả trạo, góp phần định hướng thẩm mỹ nghệ thuật và bảo tồn vốn cổ di sản âm nhạc truyền thống của dân tộc.

Qua môi trường giáo dục

Con đường bền vững, khoa học nhất để bảo tồn và phát huy nghệ thuật hò bả trạo của ngư dân duyên hải các tỉnh Nam Trung Bộ chính là thông qua môi trường giáo dục và đào tạo ở các trường THCS, THPT trở lên. Ở lứa tuổi này, các em đã bắt đầu được học nhạc, khả năng cảm thụ, tâm sinh lý lứa tuổi đều bắt đầu phát triển, khao khát cái mới, tìm tòi, khám phá… Chính vì vậy, lứa tuổi này dễ tiếp thu cái mới nhất, điều quan trọng là chúng ta biên soạn đưa vào giáo trình giảng dạy sao cho phù hợp ở các cấp học này. Theo chúng tôi, ở cấp THCS và THPT nên dành thời gian ngoại khoá hợp lý để giới thiệu chung về kịch bản mẫu hò bả trạo cho các em học sinh nắm bắt được xuất xứ nguồn cội, ý nghĩa của lễ hội cầu ngư, hiểu một số làn điệu chính và phổ thông nhất trong cuộc hò… Ở các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, đặc biệt là khu vực miền Trung - Tây Nguyên, ngoài các phần như đã giới thiệu ở các cấp THCS và THPT, sinh viên, học sinh cần nắm chắc các lối hát - nói có nguồn gốc trong hát tuồng truyền thống như lối nói vãn, lối nói - kể, lối hát xướng - kể, lối nói dựng; ngâm; thán; tẩu mã; phú; hát nam; bắt bài lệnh, bắt bãi vãn; hò kéo neo; lý; các lối hát có nguồn gốc âm nhạc Phật giáo như tán, kệ… Trong lễ hội cầu ngư, âm nhạc chính là linh hồn của buổi lễ và là phương tiện giao tiếp duy nhất với thế giới thần linh. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy hò bả trạo qua môi trường giáo dục đào tạo là việc làm mang tính chiến lược, có ý nghĩa lâu dài, rất cần sự vào cuộc của các nhà chuyên môn, các nhà quản lý văn hóa và cả hệ thống chính trị.

 Qua ý thức văn hóa cộng đồng

Ngày nay, trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, việc gắn làng nghề với kinh tế du lịch là một quy luật tất yếu. Việc chuyển đổi ngành nghề hoặc di chuyển ngành nghề chắc chắn sẽ diễn ra và trực tiếp làm ảnh hưởng đến tính liên kết cộng đồng ngư nghiệp có chung tín ngưỡng thờ Ông Nam Hải. Một thực tế khác cũng rất đáng báo động là các nghệ nhân ngư dân cao tuổi ngày một ít đi, đa số các ngư dân trẻ tuổi ít được tiếp cận và ít quan tâm đến việc trao truyền vốn văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống quý hiếm này. Để bảo tồn được loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian truyền thống này trong ý thức của từng người dân và ý thức của cả cộng động ngư dân cần có sự kết hợp của nhiều thành phần xã hội.

Cần có quy hoạch nguồn nhân lực gắn với từng vùng miền biển đảo ổn định và phát triển bền vững để góp phần tích cực bảo tồn văn hóa biển.

Cần có chính sách phù hợp đối với ngư dân trong việc đóng tàu thuyền công suất lớn để vươn khơi, vừa góp phần giữ gìn an ninh biển đảo bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc, vừa góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản lâu dài cho đất nước góp phần ổn định cuộc sống và phát triển văn hóa bản địa.

Cần tiếp tục duy trì theo phong tục, tập quán truyền thống về lễ hội cầu ngư ở các địa phương trong khu vực. Ngành văn hóa cần có chính sách ưu đãi đối với các nghệ nhân cao tuổi trong việc trao truyền vốn nghệ thuật quý hiếm này và đẩy mạnh việc thực hành văn hóa tín ngưỡng với đông đảo thế hệ trẻ.

Học viện Âm nhạc Huế, một cơ sở đào tạo và nghiên cứu âm nhạc lớn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần có chiến lược bảo tồn đầy đủ và nguyên vẹn di sản hò bả trạo thông qua ghi âm, ghi hình, phục dựng, xây dựng chương trình, giáo trình… trực tiếp truyền dạy tại cộng đồng và trong các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp; kiến nghị với Bộ GDĐT trong việc điều chỉnh các bài dân ca truyền thống trong sách giáo khoa âm nhạc ở các trường THCS, THPT…

Phát huy tối đa văn hóa dòng họ, làng xã trong việc giáo dục đạo đức truyền thống, thuần phong mỹ tục của từng địa phương, làm cho thế hệ chủ nhân tương lai thấy được giá trị và ý nghĩa đầy đủ của loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo này. Từ đó, góp phần tích cực trong việc thực hành di sản, trao truyền văn hóa và hơn thế nữa, hò bả trạo thực sự đi vào đời sống như một yếu tố tinh thần không thể thiếu của cộng động ngư dân các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 392, tháng 2-2017

Tác giả : NGUYỄN VIỆT ĐỨC

;