Để vận dụng một cách sáng tạo lợi ích của khuôn mẫu vào thực tiễn sáng tác điện ảnh, việc đầu tiên là phải chỉ ra những bất cập và hiệu ứng phụ của khuôn mẫu. Khắc phục được hạn chế hay tính hai mặt của khuôn mẫu là một việc không đơn giản bởi nó ăn sâu trong lối nghĩ lối cảm của mỗi cá thể con người, ở từng khâu và từng cấp độ cụ thể trong thực tiễn.
Có không ít biểu hiện hiệu ứng phụ của khuôn mẫu truyền thống cần lưu ý để khắc phục, đó là:
Hệ thống tín hiệu hình ảnh trong phim manh mún, tùy tiện, nhịp điệu chậm, thiếu những hình ảnh mang tính biểu trưng. Hình ảnh trong phim đơn điệu, nệ thật tức là nó không bao hàm được một ẩn ý nào khác ngoài chính nó. Do đó biểu tượng phải được gạn lọc và xử lý trong mối quan hệ hữu cơ với code văn hóa và nghệ thuật truyền thống, khiến người xem phải suy nghĩ, liên tưởng.
Việc kế thừa khuôn mẫu còn mang tính chất thụ động, một chiều. Hầu hết các sáng tác đều sử dụng nguyên liệu thô, ít có sự tìm tòi và kết hợp những yếu tố mang tính chất thời đại; các đề tài thiếu tính cập nhật và dự báo. Lối làm phim còn nặng về chủ nghĩa đề tài, theo khuôn sáo cũ làm giảm thiểu những biểu hiện phong phú và đa dạng về tính dân tộc của một tác phẩm phim truyện điện ảnh.
Đề tài cũ, thường lặp lại môtíp. Do quá trình chuyển đổi từ mô hình kinh tế khép kín, tiểu nông sang mô hình kinh tế mở, hội nhập nên hệ giá trị mới chưa có cơ sở để tái cấu trúc. Đã xuất hiện những hình mẫu về con người mới nhưng chưa đủ để khẳng định một mẫu hình mới. Người nghệ sĩ chưa nắm bắt kịp những chuyển biến đang diễn ra hàng ngày hàng giờ của thời cuộc. Các mô hình cũ vì thế không đủ sức chuyển tải những nội dung và biểu hiện của hiện thực mới.
Tính một chiều một phần do mặt trái của khuôn mẫu văn hóa quy định đã làm mất đi vẻ đa dạng của tác phẩm. Phim Việt Nam thường khá đơn điệu và thiếu tính hài hòa. Xu hướng phim hiện đại trên thế giới hiện nay là tập trung nhiều xúc cảm, nhiều cung bậc thể hiện. Trong một tác phẩm có thể có nhiều yếu tố thể loại khác nhau, bổ sung, hỗ trợ cho nhau (Titanic, Điệp viên 007, Cướp biển Caribê...). Những trung tâm điện ảnh lớn có chiến lược tập trung đầu tư những phim bom tấn (kinh phí nhiều, mức độ chuyên môn hóa cao, xâm nhập thị trường trên bình diện toàn cầu). Những hình tượng tiêu biểu trong phim là sản phẩm tổng hòa nhiều yếu tố văn hóa khu vực: khuôn mẫu Âu - Mỹ pha trộn và kết hợp với khuôn mẫu Á, hoặc vừa có yếu tố truyền thống Nhật vừa mang phong cách điển hình của trường phái Wall Disney như loạt phim về nhân vật hoạt hình 5 anh em người máy, Thủy thủ mặt trăng; các phim hành động có sự tham gia của nhiều quốc tịch khác nhau: Âu, Mỹ - Latinh, Á, Phi... Và đã có những phim rất ăn khách khi thử nghiệm kết hợp nhiều hình mẫu văn hóa như vậy.
Mức độ biểu tượng hóa nhân vật điển hình trong phim truyện còn yếu kém, chưa tạo được những thông điệp văn hóa tiêu biểu, chưa góp phần tạo nên một thương hiệu văn hóa cho phim truyện Việt Nam. Ngoại trừ một vài trường hợp như Cánh đồng hoang, Chị Tư Hậu... tồn tại lâu bền trước thời gian và từ lâu đã đại diện cho một khuôn mẫu nhân văn của thời đại Hồ Chí Minh. Còn nhìn chung tính cách nhân vật mờ nhạt, ít sức sống mạnh mẽ.
Điện ảnh hiện đại không thể tồn tại lối hiểu chung chung về tính cách như: nhân hậu, thủy chung là nét điển hình cho người phụ nữ Việt Nam truyền thống..., mà trước hết phải thể hiện một cách sinh động và cặn kẽ hình tượng thông qua những ứng xử, lời ăn tiếng nói, cử chỉ (kể cả những cử chỉ và biểu hiện nhỏ nhặt, vô thức) của nhân vật và môi trường xã hội xung quanh.
Đôi khi bi kịch chủ đạo trong phim truyện còn làm che khuất tính cách của nhân vật chính. Nhân vật chỉ còn là cái bóng mờ nhạt nhòa trượt khỏi tâm trí người xem. Trong nghệ thuật, đó là điều tối kỵ.
Ngoài việc không nâng tầm được những yếu tố bản địa thành giá trị chung của nhân loại, phim trong nước còn thiếu tính chuyên nghiệp trong những thể loại chuyên biệt (như phim thuần tâm lý, hành động, phim cho thiếu niên tuổi mới lớn, phim giả tưởng - siêu thực, thần thoại - cổ tích...). Các tác phẩm vẫn sử dụng thủ pháp kể chuyện đơn giản, hình ảnh nặng về trần thuật, mô tả. Kỹ thuật môngtagiơ vì thế thường nặng về phương pháp miêu tả, trần thuật mà ít phát triển có chất liên tưởng, so sánh. Những hình thái biểu đạt về khuôn hình, góc máy còn chưa được các đạo diễn Việt Nam chú ý nghiêm túc.
Cách thức mô tả hành động thường quá nệ thực hoặc miêu tả đầy đủ đến mức làm khán giả mất đi tính chủ động chiêm nghiệm hoặc tự phỏng đoán đạo diễn thường không dám cắt gọt lại hành động cho gọn gàng. Bởi thế phim thiếu điểm nhấn, diễn giải lan man, làm giảm đi sự tập trung theo dõi của người xem.
Mặt khác, khi phim cần phô diễn và trình bày một sự thật đến cùng thì lại tạo rối rắm hoặc gây nghi ngờ cho khán giả do không hiểu biết thấu đáo về lĩnh vực mà mình phản ánh (ví dụ phim kể về một câu chuyện pháp lý có liên quan đến kiện tụng hoặc một vấn đề đòi hỏi người xem phải có kiến thức tối thiểu về một lĩnh vực trong xã hội). Tóm lại, để tạo nên một bộ phim có phong cách, có gu riêng không phải đơn giản. Nó đòi hỏi phải có kiến thức và kỹ năng làm phim.
Mỗi bộ phim đòi hỏi phải chứa đựng một hạt nhân hợp lý trong tính cách và hành động, đặc biệt trong những phim phản ánh các khía cạnh đời thường. Người xem không dễ chấp nhận lối ứng xử mà nhân vật lại cố tình chứng tỏ mình thấp hèn, ti tiện trước người khác dù hoàn cảnh rất bình thường, không có gì bức bách. Rõ ràng là sự thiếu hụt về kiến thức tổng quát nói chung cũng như một vài khía cạnh chuyên sâu trong lĩnh vực nào đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng xử lý nhân vật. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thái độ tiếp nhận tác phẩm của người xem. Họ sẽ nhanh chóng khước từ nhân vật đi đến phủ nhận toàn bộ những nỗ lực của đạo diễn và đoàn làm phim.
Mỗi con người có sự lý giải riêng về nhân cách. Lẽ thường họ luôn tự bào chữa và che đậy cho bản thân. Cũng không ai tự vạch áo cho người xem lưng như nhân vật trong phim Việt Nam (trong khi tâm lý người Việt tối kỵ lối ứng xử này). Có thể đặt ra bài học nghiêm túc, thẳng thắn phê bình và tự phê bình trước những hành vi tiêu cực nhưng cách của người Việt là không chấp nhận xỉa xói, hạ nhục người khác để khẳng định một đạo lý ở đời!
Ví dụ: người chồng là một bác sĩ có kinh nghiệm, có tay nghề nhưng chạy theo vật chất; máy móc và đố kỵ với đồng nghiệp trong môi trường chuyên môn, ngang nhiên để vợ mình bán thuốc tây do mình chỉ định theo đơn thuốc để chứng tỏ với người xem nhân cách của hai nhân vật này quả là rất vô ích và thừa trong nghệ thuật. Cách bà vợ bán hàng cho khách cũng không thể chấp nhận. Để tồn tại trong thế cạnh tranh ngày nay người ta không ấu trĩ như thế trước bàn dân thiên hạ (nếu đây là mẫu nhân vật bán hàng thời bao cấp thì có thể khoét sâu vào nét nanh nọc, khinh người bởi lúc đó người bán không cần người mua, không có sự cạnh tranh thị trường).
Trong phim Tướng về hưu của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi, người xem thực sự bị sốc khi đạo diễn mô tả cảnh Thủy (con dâu của tướng Thuấn) và Khổng (nhân tình lén lút của Thủy) đang ôm nhau trên giường ngay ban ngày ban mặt trong phòng của Thủy. Người mẹ chồng đáng thương bị lẫn tình cờ mò lên phòng và bắt gặp cảnh tượng kinh khủng ấy. Ánh mắt và cử chỉ của bà cụ đủ để ta thấy được sự phẫn nỗ và bất lực của nhân vật. Khổng luống cuống ra mặt trong khi Thủy vẫn ngang nhiên chộp lấy miếng khăn lông và ném về phía bà mẹ, kèm theo là một chuỗi cười trâng tráo. Sau đó hai kẻ đồi bại lại tiếp tục hành sự như không có chuyện gì xảy ra. Bà cụ khóc tức tưởi, lết xuống bờ ao cạnh nhà rồi gục xuống... Có thể nói dù đạo diễn muốn khoét sâu vào mặt trái trong tính cách của Thủy bao nhiêu chăng nữa trên phương diện nghệ thuật (ý muốn nhấn mạnh rằng từ lâu do nắm kinh tế nên Thủy chẳng coi gia đình chồng ra gì) thì vẫn cần ý thức được giới hạn của sự thể hiện. Không thể có một hành vi mất hết tính người như thế. Nó thú tính và quá thô tục. Mặt khác, chuyện lén lút ít nhiều đều mang một tâm trạng phạm tội. Những kẻ trong cuộc sẽ không thể tự nhiên làm chuyện kín giữa hai người như khi chưa bị ai phát hiện! Đây là đoạn phim hết sức phản cảm, áp đặt quan niệm riêng một cách khiên cưỡng làm suy giảm nghiêm trọng giá trị của cả bộ phim. Đạo diễn đã thiếu hẳn việc xử lý chiều sâu trong tâm thức nhân vật. Luân lý và những giá trị truyền thống cũng không cho phép mô tả một cách trần trụi và tàn nhẫn như vậy.
Nhân cách khi nó bộc lộ trong một hoàn cảnh điển hình sẽ có tác động sâu sắc hơn. Điều tối kỵ trong xử lý tình huống kịch là không nên để các nhân vật tự kể lể trước người xem, giải thích với họ là nhân vật đang nghĩ thế này, rắp tâm thế kia mà phải làm ngược lại. Trên thực tế, trong xã hội không thiếu những hiện tượng như vậy nhưng cố tình để nhân vật mạt sát nhau là thể hiện của một trình độ ấu trĩ trong sáng tạo nghệ thuật.
Không phải cứ xây dựng một cốt truyện với đầy đủ các tình huống và mâu thuẫn, xung đột là sẽ có được một bộ phim xúc động. Phim nước ngoài thường không có chuyện để kể mà vẫn sâu sắc, vẫn hay. Người xem trong nước vẫn quen lối xem phim như xem một cuốn truyện. Không thiếu một ai của Trương Nghệ Mưu kể về một cô bé 14 tuổi đi dạy thay cho một thầy giáo làng để lấy tiền phụ giúp gia đình tại một vùng quê hẻo lánh. Vì lời hứa, cô đã tìm cách giữ lũ trẻ ở lại lớp. Chuyện thật giản dị nhưng đã gây nên một tác dụng lan tỏa khắp nơi trên đất nước Trung Quốc. Truyện phim không có nhiều biến cố hoặc rào cản nhưng đạo diễn đã khéo khai thác những khía cạnh nhân văn ẩn khuất nơi những con người bình dị ở ngay xung quanh chúng ta trong cuộc sống đời thường nên dễ lay động lòng trắc ẩn (phim Đời cát đoạt giải cao nhất tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương của Nguyễn Thanh Vân là một phim hiếm hoi của Việt Nam tạo được những xúc cảm tương tự).
Việt Nam chưa có khả năng thực hiện những tác phẩm có nhiều hiệu ứng đặc biệt. Trong lĩnh vực hoạt hình, ta đang mạnh dạn thử nghiệm một số phim 3D (đây là hướng đi lâu dài cần nghĩ đến ngay từ bây giờ). Những phim về các con vật mang tính tượng trưng đồng thời là một cách phô diễn hình ảnh hết sức hiệu quả. Một trong những thế mạnh của hình ảnh là ở khía cạnh này. Hình ảnh nói chung phải ngoạn mục và ấn tượng hơn những gì tồn tại trên thực tế (ngoại trừ một số phim tài liệu, phim chân dung lịch sử truyền thống).
Nhìn chung hiện nay, các thành tố tạo nên giá trị tác phẩm trong phim truyện Việt Nam còn thiếu tính đồng bộ và thống nhất cao, đặc biệt trên cấp độ bản thể và khuôn mẫu văn hóa. Đại đa số các bộ phim truyện chỉ đạt được thành công ở một khía cạnh nào đó nên chưa thể tạo ra những tác phẩm hoàn chỉnh cả về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Trong khi mục đích quan trọng nhất của một tác phẩm văn hóa là phải hướng tới nhằm thỏa mãn yêu cầu của thời đại, của dân tộc bằng một tầm tư tưởng nhân văn rộng lớn và một trình độ nghệ thuật đặc sắc, lôi cuốn.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 319, tháng 1-2011
Tác giả : Trần Thanh Tùng