Người Dao ở Tuyên Quang có khoảng 77.015 người chiếm 10.61% dân số toàn tỉnh với 9 nhóm khác nhau là nhóm Dao đỏ, Dao tiền, Dao áo dài, Dao coóc mùn, Lô gang, Thanh y, Coóc ngáng, Quần trắng, Quần chẹt. Nhóm Dao đỏ sống chủ yếu ở 27 xã thuộc 2 huyện Chiêm Hóa, Na Hang (1). Theo các tài liệu nghiên cứu, các nhà dân tộc học đều khẳng định nhóm người Dao đỏ ở Tuyên Quang có nguồn gốc từ miền nam Trung Quốc, đến Tuyên Quang vào khoảng cuối thời Minh, cùng với sự di cư của nhóm Dao tiền từ Quảng Đông, Quảng Tây, Trung Quốc: “Nhóm người Dao đỏ và Dao tiền ở Na Hang cũng được liệt vào nhóm Dao đã đến Việt Nam trong khoảng thời gian từ TK XIV đến XVII” (2).
Người Dao ở khu tái định cư xã Hoàng Khai có gốc từ cộng đồng Dao đỏ thuộc xã Trùng Khánh, huyện Na Hang, Tuyên Quang, định cư ở xã Hoàng Khai hơn chục năm theo dự án di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang (cuối năm 2013). Hiện nay số lượng dân cư có khoảng 500 người. Đây là nhóm Dao duy nhất thuộc khu tái định cư xã Hoàng Khai, Yên Sơn, Tuyên Quang (3). Là tộc người có số lượng dân cư ít, nằm trong khu dân cư chủ yếu là người Kinh và có điều kiện văn hóa, kinh tế, xã hội phát triển nên người Dao ở nơi đây đã có sự thay đổi nhanh chóng về nhiều mặt, trong đó có trang phục truyền thống.
1. Khái quát về trang phục truyền thống của người Dao
Trang phục truyền thống người Dao ở khu tái định cư rất độc đáo, thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng của họ. Bộ trang phục lấy màu đỏ làm chủ đạo và thêu nhiều hoa văn trên nền vải chàm.
Trang phục nam giới gồm 2 loại áo, áo ngắn (lùi nắng) và áo dài (lùi đáo). Áo ngắn trang trí đơn giản, làm bằng vải chàm, mặc trong lao động, sản xuất. Áo dài làm bằng vải đỏ hoặc vải chàm có thêu nhiều hoa văn, trang trí phức tạp được đính thêm nhiều tua và bông len đỏ, mặc trong ngày lễ hoặc khi làm thày cúng. Quần bằng vải chàm, cắt theo kiểu chân què, cạp lá tọa. Đàn ông người Dao nơi đây sử dụng trang sức bằng bạc và đồng như nhẫn, vòng tay.
Trang phục nữ giới được trang trí bằng nhiều họa tiết hoa văn trên vải chàm. Thời gian làm bộ trang phục này mất từ 6 tháng đến 1 năm gồm áo (lui), khăn (goòng páa), dây lưng (lùi sin) xà cạp (hầu chào pêu), yếm (lùi ton), quần (hầu chào schống), váy (strùn). Điểm nổi bật là họ sử dụng hệ thống hoa văn thêu tay và hoa văn ghép vải được thực hiện trên nền vải chàm tạo nên sự độc đáo cho bộ trang phục. Đặc biệt, những bông, tua len đỏ được đính trên nẹp áo và tà áo cùng với các loại cúc, hoa làm bằng bạc (gọi là cúc bạc) đính trên yếm, cổ áo làm cho bộ trang phục của họ thêm độc đáo.
Giống như trang phục thường ngày, bộ trang phục cô dâu, trang phục của người thụ lễ mặc trong ngày lễ cũng không có gì khác biệt, họ chỉ nhấn thêm các loại hoa văn trang trí phức tạp hơn, các loại bông, tua len, trang sức đính cầu kỳ hơn. Ngoài ra, họ còn mặc thêm váy (strùn) và khăn trùm, làm từ vải chàm và có thêu nhiều họa tiết hoa văn khác nhau để phân biệt cô dâu, người thụ lễ trong lễ hội.
Đồ trang sức người phụ nữ Dao bao gồm vòng cổ (trầm vàn), vòng tay (pùa trầm), nhẫn (pờđộ danh), hoa tai (nòm huun) làm bằng bạc hoặc đồng thau.
Trang phục truyền thống của người Dao ở khu tái định cư không chỉ để đảm bảo nhu cầu đời sống vật chất, che thân, che mưa, che nắng mà còn phản ánh quá trình lịch sử tộc người; sự thích ứng với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội trong truyền thống; phản ánh đức tính cần cù, nhẫn nại, giá trị, phẩm hạnh, sự khéo léo, sáng tạo của người phụ nữ Dao trên từng đường kim mũi chỉ, trên mỗi hoa văn được thêu trên bộ trang phục truyền thống.
2. Tình hình sử dụng bộ trang phục truyền thống người Dao ở khu tái định cư
Trang phục truyền thống là yếu tố văn hóa đặc trưng, để phân biệt các tộc người với nhau, phù hợp với các điều kiện sản xuất và trong môi trường truyền thống. Nhưng ngày nay, khi hoạt động sản xuất chính của người Dao là canh tác ruộng nước nên bộ trang phục không còn phù hợp với điều kiện canh tác hiện tại. Quá trình lao động sản xuất cũng như trong quan hệ với các cộng đồng khác đã khiến họ thay đổi cách ăn mặc, trang phục phù hợp với đời sống hiện tại.
Ở khu tái định cư, 100% nam giới không còn mặc trang phục truyền thống mà chủ yếu mặc các loại trang phục giống người Kinh hoặc Âu phục. Người trung niên mặc trang phục được làm bằng vải kaki, các loại vải màu xám, nâu, đen kết hợp với áo sơ mi hoặc áo phông tối màu. Người cao tuổi mặc quần dải rút ống rộng, trung tuổi mặc quần Âu, các loại quần jean, kaki, quần vải được may bởi người Kinh. Nam thanh niên mặc nhiều loại trang phục theo mốt hiện đại như quần bò, áo phông, áo sơ mi, áo lót hay các loại quần áo có kinh doanh trên thị trường, để đầu trần hoặc đội mũ nồi, mũ lưỡi trai, chân đi dép lê, quai hậu, giày… Tất cả nam giới đều cắt tóc ngắn, nhiều thanh niên nhuộm màu tóc vàng, nâu, tóc highlight. Các loại trang sức phổ biến của nam giới chủ yếu là nhẫn, đồng hồ, dây chuyền bằng bạc, vàng mua từ các tiệm vàng bạc.
Phụ nữ người Dao hầu như cũng thay đổi trang phục thường ngày, chủ yếu mặc quần jean, áo phông, sơ mi, áo lót, quần vải nhiều kiểu dáng, váy, zuýp… Ngày lễ họ mặc các loại vest, váy, áo dài người Kinh, áo dài cách tân. Trước đây, họ ít cắt tóc và thường để tóc dài nhưng ngày nay khi dịch vụ chăm sóc tóc, làm đẹp ngày càng phát triển, hầu hết phụ nữ người Dao thường làm tóc theo mốt thời đại như tóc duỗi, tóc ép, tóc xoăn, nhuộm màu, xăm mày, sử dụng son phấn trang điểm.
Đặc biệt là lớp trẻ, họ hầu như không biết thêu và mặc bộ trang phục truyền thống. Đây là tầng lớp hầu như hòa nhập hoàn toàn với cuộc sống của người Kinh, từ phong cách ăn mặc cho tới lối sống, nếp sống. Trang sức phụ nữ là các sản phẩm đồ trang sức bằng vàng, bạc, đồng hồ đeo tay bán trên thị trường, các loại trang sức cổ truyền như khuyên tai, vòng cổ, vòng tay chủ yếu ở người già trên 60 tuổi còn sử dụng.
Đối với các ngày lễ, tết hầu hết người Dao nơi đây đã không còn sử dụng trang phục truyền thống. Người mặc trang phục truyền thống chủ yếu là cô dâu và những người thụ lễ trong ngày lễ do có tính bắt buộc. Họ quan niệm, tổ tiên của họ là người Dao và trong xã hội truyền thống họ mặc trang phục người Dao nên các cô dâu khi đến nhà chồng phải mặc trang phục cô dâu để làm lễ nhận tổ tiên. Tuy nhiên, trang phục đơn giản hơn, không đeo khăn trùm, không mặc váy và trang điểm theo kiểu hiện đại như đánh son, phấn, gắn mi giả, đeo trang sức hiện đại kết hợp trang sức truyền thống. Đặc biệt, trong nghi lễ cưới của các cặp đôi không cùng dân tộc, họ chủ yếu ăn mặc theo người Kinh hiện thời và thực hiện các nghi lễ theo người Kinh.
Nhu cầu sử dụng trang sức của phụ nữ Dao ở khu tái định cư cũng thay đổi. Do thiếu các nghệ nhân sản xuất và nhu cầu về các loại trang sức phù hợp với thời trang, mẫu mã mới, họ thay bằng đeo các loại vòng tay, nhẫn, khuyên tai bằng bạc, đồng đỏ theo kiểu truyền thống bằng các loại đồ trang sức hiện đại, hoa văn tinh xảo bằng vàng, bạc, mỹ ký được mua bán ở chợ và các tiệm mua bán vàng bạc. Hiện nay, người Dao ở khu tái định cư không mạ răng vàng, họ lắp răng giả, răng thẩm mỹ theo thị trường.
Trang phục thày cúng là trang phục thiêng phục vụ cho các nghi lễ lớn quan trọng của gia đình và dòng họ như lễ cấp sắc, lễ cúng Bàn Vương, lễ pút tồng trong ngày tết, lễ gọi hồn... các nghi lễ nhỏ không sử dụng trang phục truyền thống. Tuy nhiên, trang phục thày cúng người Dao hiện nay ở khu tái định cư cũng chịu ảnh hưởng của một số dân tộc xung quanh như nguyên liệu, màu sắc, hoa văn trên bộ trang phục. Trong tương lai, nếu không có nghệ nhân truyền dạy thì trang phục thày cúng rồi sẽ bị mất đi và thay vào đó là trang phục được du nhập từ các tộc người khác.
Như vậy, trang phục truyền thống của người Dao sau tái định cư hầu như không còn được sử dụng. Họ chủ yếu sử dụng chúng trong những ngày lễ bắt buộc của gia đình, dòng họ hoặc tham gia các sự kiện văn hóa văn nghệ của địa phương.
3. Tình hình các nghệ nhân thêu trang phục
Từ tình hình sử dụng trang phục truyền thống như trên dẫn đến sự thay đổi về các nghệ nhân thêu trang phục truyền thống. Người Dao vốn là tộc người có bàn tay khéo léo để tạo nên bộ trang phục cổ truyền có nhiều họa tiết hoa văn phức tạp, màu sắc rực rỡ được kết hợp từ nhiều loại chỉ, vải màu khác nhau. Trong xã hội truyền thống, việc thêu thùa là tiêu chuẩn bắt buộc đối với người phụ nữ Dao đỏ, các mẹ truyền dạy cho con, chị truyền cho em, bạn bè truyền cho nhau. Vào ngày lễ tết, mùa nông nhàn hay giờ nghỉ trưa đâu đâu cũng thấy hình ảnh người phụ nữ cầm kim thêu thùa. Ở khu tái định cư, số lượng người biết thêu trang phục đã giảm mạnh, chỉ tồn tại khoảng hơn chục người, tập trung phụ nữ 35 tuổi trở lên, lớp thanh thiếu niên dưới 25 tuổi không có người học cũng như không biết thêu trang phục của dân tộc. Những người biết thêu chủ yếu là những người phụ nữ đã kết hôn khi ở quê cũ. Ngày nay, việc truyền dạy việc thêu thùa cho các lớp trẻ hầu như không còn, họ còn không biết đến đường kim mũi chỉ để làm ra bộ trang phục truyền thống thậm chí không biết mặc bộ trang phục truyền thống dân tộc.
Người Dao ở khu tái định cư hiện không còn nghệ nhân biết thêu, may trang phục của nam giới và trang phục thày cúng. Riêng trang phục thày cúng là bộ trang phục đòi hỏi phải thêu nhiều hoa văn lớn và chủ yếu là do vợ của người thày cúng tự thêu nhưng hiện nay người làm thày cúng cũng không còn nên việc thêu bộ trang phục cũng không còn được ai biết tới. Vậy, sự hiện diện của các loại trang phục may mặc hiện đại đã trở thành ưu thế và được sử dụng đối với mọi lứa tuổi người Dao, nhất là trẻ nhỏ, nên các nghệ nhân thêu trang phục người Dao dần dần bị hạn chế.
4. Nguyên nhân và bàn luận
Trong môi trường mới, trước sự hội nhập và phát triển chung của xã hội, đời sống của người Dao ở khu tái định cư ngày càng phát triển đi lên, hội nhập cùng với người dân bản địa và các dân tộc ở vùng lân cận. Đời sống văn hóa của họ cũng có nhiều biến đổi, dẫn đến những biến đổi về tình hình sản xuất, sử dụng trang phục cũng như các nghệ nhân thêu trang phục truyền thống ở khu tái định cư. Điều này có thể được lý giải bởi một số nguyên nhân cơ bản sau:
Sự thay đổi môi trường tự nhiên và xã hội. Ở nơi định cư cũ người Dao chủ yếu sống trên một bản làng và đối tượng giao lưu chủ yếu là những người cùng dân tộc nên việc sử dụng và làm ra bộ trang phục còn phổ biến. Hiện nay, thay đổi môi trường sống ở khu tái định cư chủ yếu là người Kinh, lại là khu vực tiếp giáp Tuyên Quang, nơi điều kiện kinh tế xã hội phát triển nhất của tỉnh nên để thích ứng với môi trường sống hiện tại họ bắt buộc phải thay đổi nếp sống và phong cách ăn mặc của họ.
Sự phát triển kinh tế thị trường. Do tiếp giáp thành phố, đường xá giao thông đi lại thuận tiện, các dịch vụ kinh doanh phát triển tạo điều kiện cho hàng hóa, sự giao lưu buôn bán phát triển. Người Dao có thể dễ dàng trao đổi sản phẩm hàng hóa với người dân địa phương. Thậm chí các loại hàng hóa, sản phẩm hiện nay được giao tận nhà phục vụ cho họ thông qua các dịch vụ internet, bán hàng online. Điều đó, càng làm tăng thêm sự thay đổi thị hiếu, thích ứng với môi trường xã hội, tiếp nhận các xu hướng thời trang được nhanh chóng, cập nhật hơn.
Sự thay đổi về công việc, nghề nghiệp của người phụ nữ Dao. Bộ trang phục truyền thống của người Dao chủ yếu do người phụ nữ đảm nhiệm. Hiện nay, ở khu tái định cư ngoài công việc đồng áng làm lúa nước, họ còn lao động làm thuê tại các gia đình, cửa hàng, nhà hàng, công ty lâm trường, các hộ kinh doanh sản xuất nhỏ lẻ theo thời vụ. Đặc biệt là phần lớn phụ nữ Dao dưới 40 tuổi hầu hết làm công nhân tại các công ty lớn như Công ty may cảng An Hòa, Xí nghiệp xi măng thành phố Tuyên Quang, nhà máy gạch, nhà máy chè xã Hoàng Khai hoặc các đi làm ăn xa tại Hà Nội, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hải Phòng,… nên thời gian để họ thực hiện cũng như nhu cầu sử dụng bộ trang phục truyền thống không còn phù hợp. Sự thay đổi nghề nghiệp và quá trình giao lưu văn hóa tại nơi làm việc cũng kéo theo sự thay đổi về tâm lý, thị hiếu tộc người.
Nhu cầu về thu nhập. Nếu môi trường trước đây, nguồn sống của họ chủ yếu là dựa vào nguồn tự cung tự cấp thì hiện nay trên môi trường mới, điều kiện sản xuất, đất canh tác hạn chế đòi hỏi điều kiện sinh sống phải có thu nhập ổn định để mua sắm nguồn lương thực thực phẩm, các sản phẩm dịch vụ phục vụ cho đời sống của họ. Còn việc làm ra bộ trang phục chủ yếu phục vụ nhu cầu mặc, không tạo ra nguồn thu nhập, do đó việc thêu hoặc tạo ra trang phục cũng bị hạn chế. Thời gian rảnh, mùa nông nhàn họ chủ yếu tìm kiếm thu nhập phục vụ bản thân và gia đình như đóng tăm tre, lao động làm thuê,…
Nhu cầu học tập phát triển bản thân. Ở khu tái định cư, môi trường, điều kiện thuận tiện, nhu cầu học tập, phát triển bản thân, có nghề nghiệp ổn định được chú trọng nên tầng lớp trẻ chủ yếu đi học phổ thông, học nghề, không còn thời gian chú ý cho việc học thêu, may trang phục. Hầu hết thời gian của giới trẻ chủ yếu giành cho học tập tại trường và tự học ở nhà.
Nhận thức về các giá trị văn hóa, ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự mai một về bộ trang phục truyền thống là do nhận thức của người Dao về giá trị văn hóa của họ. Họ hầu như không còn chú trọng tới việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, không chú ý tới việc truyền dạy thêu, may trang phục cho thế hệ trẻ. Nhiều người cho rằng khi mặc trên mình bộ trang phục truyền thống sẽ không hợp mốt, không hợp thời đại, một phần mặc cảm, tự ti về dân tộc.
Môi trường thay đổi, điều kiện sống thay đổi cũng giúp họ có điều kiện để vươn lên, phát triển cá nhân và cộng đồng. Nhưng cũng chính sự thay đổi đó đã kéo theo những hệ lụy về sự mai một văn hóa truyền thống. Vấn đề đặt ra đối với người Dao nơi đây là phải đảm bảo sự phát triển nhưng vẫn bảo tồn được giá trị văn hóa truyền thống của họ. Hơn hết, là các nhà quản lý cần quan tâm tới việc nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm ổn định đời sống cho người dân sau khi thực hiện các dự án di dân tái định cư.
Có thể nói, trang phục của người Dao, đặc biệt là trang phục của phụ nữ là sản phẩm chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Nó không chỉ phản ánh quá trình lịch sử tộc người, sự thích ứng môi trường tự nhiên xã hội, phẩm hạnh của người phụ nữ mà còn phản ánh thị hiếu, tính sáng tạo, thẩm mỹ của cả dân tộc. Kỹ thuật nhuộm chàm, kỹ thuật tạo hoa văn tinh tế bằng bàn tay khéo léo đã tạo nên bộ trang phục mang đậm nét văn hóa truyền thống, đặc trưng của dân tộc. Đây là yếu tố văn hóa đặc trưng cần được bảo tồn và phát huy trong cộng đồng dân tộc Dao.
_______________
1. Văn hóa truyền thống các dân tộc Tày, Dao, Sán Dìu ở Tuyên Quang, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2003.
2. Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Văn hóa phi vật thể của các dân tộc ở vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, Nxb Văn hóa Thông tin - Công ty văn hóa Trí tuệ Việt, Hà Nội, 2006.
3. Khu tái định cư người Dao thuộc thôn Tân Quang, xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang là khu vực tiếp giáp với nhiều khu kinh tế phát triển của tỉnh như khu du lịch sinh thái Mỹ Lâm (7 km), trung tâm thành phố Tuyên Quang (10 km), nhà máy chè Sông Lô (2 km), khu công nghiệp Tuyên Quang (10 km). Khu TĐC có vị trí và hệ thống giao thông thuận tiện cho việc đi lại trong tỉnh và các tỉnh lân cận như thị xã Tuyên Quang,Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội. Tổng dân số của khu tái định cư là 880 người, gồm 3 dân tộc: Kinh, Tày, Dao. Trong đó dân tộc Dao có 475 người đứng thứ hai sau người Kinh, phân bố tại điểm tái định cư Tân Quang.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 394, tháng 4-2017
Tác giả : TRIỆU THỊ NHẤT