Khoảnh khắc đầu tiên nghe giọng hát NSƯT Trường Bắc, một câu hỏi, hay đúng hơn là một cảm xúc bất ngờ dâng lên trong tôi: “Chất giọng này ở đâu mà dày, ấm và vang đến thế!?”.
Đem câu hỏi này đến gặp Trường Bắc ở Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam nơi anh đang công tác, anh cười hóm hỉnh, nhưng ánh mắt lại hướng về một miền không gian đầy nhung nhớ.
Sinh ra và lớn lên ở Nga Sơn - Thanh Hóa, nơi có bờ biển dài hơn 20km cùng truyền thuyết Mai An Tiêm nổi tiếng, Trường Bắc được thừa hưởng cái nắng gắt gao, ngọn gió nhiệt thành nồng nã, cả vị mặn mòi của hạt muối quê hương. Như bao bạn bè cùng trang lứa, tuổi thơ anh gắn bó cùng đất cùng nước, nao nức với những điệu hò dô khoan đầy phóng khoáng, câu hát chèo của bà nội, lời ru dịu dàng của mẹ lúc đêm về. 18 tuổi, Trường Bắc thi đỗ Trường Sĩ quan đặc công. Trong môi trường rèn luyện khắc nghiệt ấy, tiếng hát Trường Bắc tỏa sáng, ngân vang. Và niềm khao khát theo đuổi nghệ thuật chuyên nghiệp khởi nguồn từ đây.
Được sự động viên của anh em đồng đội, sự ủng hộ của các thầy cô trong trường, một thời gian sau Trường Bắc chuyển sang Trường Nghệ thuật quân đội. Cũng từ đây, với sự giúp đỡ tận tình của nhạc sĩ An Thuyên, anh theo học Nhạc viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, được đào tạo bài bản về thanh nhạc. Ra trường, anh đầu quân về Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.
NSƯT Trường Bắc giọng ca đầy dấu ấn của dòng nhạc cách mạng
Có thể nói, những bước đi trên con đường nghệ thuật của NSƯT Trường Bắc gắn bó sâu nặng với Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Thời điểm nhạc sĩ NSND Quang Vinh làm giám đốc, chính ông đã mời Trường Bắc về cộng tác và tận tình đào tạo, hỗ trợ chàng ca sĩ trẻ nhiều triển vọng. Cũng ở nơi này, Trường Bắc dần trưởng thành, khẳng định được vị trí riêng. Nhiều năm nay, anh đảm nhiệm thêm công việc quản lý nghệ thuật, tổ chức biểu diễn. Trong vai trò đạo diễn, lịch trình của anh dày đặc, bởi Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam vừa có chức năng thực hiện các nhiệm vụ chính trị, ngoại giao văn hóa, đối nội đối ngoại mà Đảng và Nhà nước đã giao phó, vừa phải lo tự chủ trong cơ chế thị trường. Đó là chưa kể những mối quan hệ công việc bên ngoài, chỗ anh em bạn bè tin tưởng mà nhờ cậy, kết nối.
Bận rộn là thế, nên gặp Trường Bắc không dễ. Đến khi gặp, anh lại chẳng nói về mình, mà chỉ nhắc nhiều đến nơi mình công tác. Nhắc với niềm biết ơn. Bởi thời điểm Trường Bắc đang còn là chàng sinh viên tỉnh lẻ đầy bỡ ngỡ, với gia tài là giọng hát và trái tim sôi nổi, anh đã được những ghệ sĩ nổi tiếng của Nhà hát như NSND Trung Đức, NSND Thu Hiền, NSND Thái Bảo, NSND Quang Vinh, NSUT Đức Long tận tình giúp đỡ, rèn cặp, để từng bước anh có được chỗ đứng như ngày hôm nay. Nhắc nhiều, bởi với vai trò “người kéo phông màn”, “người trải thảm” như anh vẫn hài hước gọi tên, thì anh luôn phải nỗ lực để sáng tạo, nỗ lực để bổ sung thêm những kiến thức và kỹ năng mới, kể cả việc hậu cần “đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành”. Những đêm diễn của nhà hát, những chương trình kỉ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện nghệ thuật thường cuốn lấy tâm trí Trường Bắc. Anh tự nhận mình là người đứng sau cánh gà, người kéo phông màn trải thảm cẩn thận tâm huyết cho đồng nghiệp được tỏa sáng. Và anh hạnh phúc vì điều đó.
NSƯT Trường Bắc trên sân khấu chương trình nghệ thuật kỷ niệm 75 năm Quốc khánh
Tôi tin những lời sôi nổi của Trường Bắc. Tôi cũng tin bên trong anh vẫn còn niềm khắc khoải. Bởi tình yêu anh dành cho âm nhạc luôn chảy rạo rực và bồi hồi trong huyết quản. Với một ca sĩ, những phút đứng trên sân khấu biểu diễn luôn có mãnh lực hấp dẫn, là những phút giây thăng hoa ắp đầy hạnh phúc mà anh chưa bao giờ quên, cũng như chưa bao giờ muốn quên.
Sao lại phải quên, khi Trường Bắc được trời ban cho một ngoại hình sáng sân khấu, một khả năng làm chủ sân khấu và đặc biệt là chất giọng đầy nội lực. Có thể buổi đầu, giọng hát ấy như viên ngọc chưa được mài dũa. Qua thời gian, qua sự khổ luyện, giọng hát càng trở nên sáng, đẹp, đầy đặn, vang ngân. Một chất giọng nam cao với quãng giọng rộng, có khả năng thể hiện thành công những trích đoạn nhạc kịch, những bản aria, những trường ca mang âm hưởng hùng tráng của dòng nhạc cách mạng vốn đòi hỏi kỹ thuật thanh nhạc cao cùng sự biểu đạt nhiều cung bậc cảm xúc tinh tế.
Có năng lực thể hiện nhiều dòng nhạc khác nhau, nhưng khi chọn gắn bó với Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, anh cũng chọn gắn bó với các ca khúc cách mạng. Trường ca sông Lô, Người Hà Nội, Đường chúng ta đi, Đất nước trọn niềm vui, … Những bài hát kinh điển, từng gắn bó với nhiều giọng ca nổi tiếng, qua thể hiện của Trường Bắc trở nên tươi mới hơn. Tiếng hát như từ lòng đi ra, chạm tới những miền cảm xúc thân gần.
NSƯT Trường Bắc cùng êkip thực hiện chương trình Festival Dân ca Ví, Giặm Nghệ An, 2023
Lựa chọn dòng nhạc cách mạng là sự lựa chọn có tính tự thân của NSƯT Trường Bắc. Ông nội anh hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Bản thân anh khi đặt những bước chân đầu tiên vào đời, môi trường quân đội đã rèn luyện cho anh, bao bọc anh, động viên và mở ra cho anh những cơ hội tiếp cận mới. Cuộc sống này, mảnh đất quê hương này, Tổ quốc này, màu áo lính này, những mất mát này… Có biết bao điều để nhớ, để thương, để tri ân đến suốt đời.
Từng bước tạo dấu ấn trên sâu khấu biểu diễn, nhưng mãi đến năm 2013, Trường Bắc mới thực hiện album riêng mang tên Để nhớ một thời ta đã yêu. Có thể, những ca khúc được anh đưa vào album này cũng ngầm bộc lộ với người yêu nhạc về một giọng ca đa dạng sắc thái biểu đạt, không chỉ sôi nổi với các ca khúc mang âm hưởng chính ca mà còn da diết trong những lời tình ca đầy nhung nhớ. Để nhớ một thời ta đã yêu giống như mạch trữ tình ngoại đề, nói giúp anh lời tự sự với những người thân yêu, với tuổi trẻ, với cuộc đời. Bởi nhiều lý do bận mải, đây cũng là album duy nhất của anh, tính đến thời điểm này.
Hỏi anh về những dự định riêng, Trường Bắc ngập ngừng. Ở vị trí và trách nhiệm hiện nay, anh luôn phải ưu tiên cho các kế hoạch công tác của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Một MV ư? Một album ư? Một live show cùng những người bạn ư? Hẳn anh sẽ gạt phăng những gợi ý đó, coi là xa vời, không thiết thực. Nhưng nhất định ở khoảnh khắc nào đó, sau đêm diễn, sau ánh đèn sân khấu, Trường Bắc sẽ trầm tư, sẽ tự chất vấn cái tôi của chính mình. Cái tôi ấy đang tung tăng chốn nào, đang say sưa chốn nào, anh đã chăm sóc cho nó đủ đầy chưa, liệu một ngày nào đó nó có rời bỏ anh?
. NSƯT Trường Bắc (áo đen, thứ 2 từ trái qua) trong vai trò ban giám khảo Hội diễn nghệ thuật quần chúng ca khúc cách mạng 2023
Hai mươi năm gắn bó với sân khấu biểu diễn, hình ảnh Trường Bắc trẻ trung với các ca khúc truyền thống đã quen thuộc với nhiều khán giả. Song, còn một Trường Bắc khác, lãng tử bên cây đàn, thả hồn vào những giai điệu đằm sâu thương nhớ, hay một Trường Bắc quần bò áo phông mộc mạc cùng nụ cười thân thiện.
Thời gian không chờ đợi ai. Khi giọng ca còn đầy nội lực, còn đắm say và khắc khoải, hãy để nó được vang ngân trong lồng ngực, hãy khơi nguồn cho nó tuôn chảy - như ánh nắng, như làn nước, như cỏ cây xanh mát ngoài kia. Hãy hát, như dòng sông ùa ra biển lớn, tung lên những con sóng bạc đầu tự do, bát ngát.
Hãy hát, như thể ngày mai ta không còn được hát!
Ca sĩ Trường Bắc - Trưởng phòng Nghệ thuật Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam sinh năm 1979 tại Nga Sơn, Thanh Hóa, từng theo học Cao đẳng Nghệ thuật quân đội, Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Anh đoạt Huy chương vàng Hội diễn 4 nước Đông Nam Á (Việt Nam - Lào - Campuchia - Myanmar) năm 2013, Huy chương vàng Hội diễn chuyên nghiệp Toàn quốc 2018. Không chỉ thành công trên sân khấu biểu diễn, anh còn là đạo diễn xuất sắc của nhiều chương trình nghệ thuật lớn. Năm 2019, Trường Bắc được phong tặng danh hiệu NSUT. Năm 2021, anh được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
*Nhiều chương trình nghệ thuật do NSUT Trường Bắc viết kịch bản và đạo diễn đã để lại dấu ấn sâu sắc như chương trình Ngày hội thống nhất non sông tại sông Bến Hải - Quảng Trị, kỷ niệm 40 năm Ngày Thống nhất đất nước, Việt Nam - Thời đại Hồ Chí Minh (kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9), Chuyện chưa kể (Hội diễn đường 9 Xanh 2019), Ánh dương mùa xuân (Liên hoan nghệ thuật quốc tế mùa xuân Bình Nhưỡng 2022).
ANH THƯ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 544, tháng 8-2023