Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993) là một trong số những danh họa tiêu biểu của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Là một họa sĩ, nhà biếm họa, đồ họa nổi tiếng và là người tiên phong trong lĩnh vực tranh sơn mài, không phải ngẫu nhiên mà tên ông được xếp ở vị trí đầu tiên trong “bộ tứ” của hội họa Việt Nam hiện đại gồm “nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn” (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn).
“Cha đẻ của lối vẽ sơn mài tân thời của Việt Nam”
Danh họa Nguyễn Gia Trí sinh năm 1908 tại xã Trường An, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội) trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Anh trai ông là GS Nguyễn Gia Tường, nguyên Hiệu trưởng Trường Bưởi Hà Nội; em trai ông là kiến trúc sư Nguyễn Gia Đức, một trong những kiến trúc sư hàng đầu của Việt Nam...
Hội họa sơn mài ra đời dựa trên cảm hứng từ cách tạo hình của phương Tây nhưng sử dụng nhựa cây sơn của Việt Nam để thể hiện đề tài, chủ đề về Việt Nam. Trong số các họa sĩ tạo dựng nên nền tảng hội họa sơn mài, Nguyễn Gia Trí được tôn vinh bởi sự tiên phong trong sáng tác nghệ thuật để đưa sơn mài Việt Nam lên một vị thế cao quý trong hội họa.
Tốt nghiệp khoá 6 (1931-1936) Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1936, Nguyễn Gia Trí sớm phát lộ tài năng. Ông có thể vẽ trên nhiều chất liệu song những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là những tác phẩm sơn mài. Ông là người có công nghiên cứu, tìm tòi để phối hợp lối in khắc với những phương thức sơn mài mới. Là người cách tân xuất sắc, ông đã góp công lớn đưa sơn mài lên vị trí đỉnh cao từ trước cách mạng, mở ra một khuynh hướng nghệ thuật mới cho hội họa Việt Nam.
Nguyễn Gia Trí, Vườn xuân, sơn mài,1965. Sưu tập Đức Minh
Với các chất liệu: sơn than, son, vàng, bạc, vỏ trứng, sơn cánh gián… Nguyễn Gia Trí đã tạo cho tranh sơn mài một vẻ đẹp lộng lẫy với một sức hàm chứa ít ai ngờ tới. Bức tranh Thiếu nữ bên đầm sen của Nguyễn Gia Trí là tác phẩm sơn mài đầu tiên của Việt Nam được xác định là áp dụng kỹ thuật cẩn vỏ trứng lên mặt người. Cho đến nay, có thể nói, tài “luyện vỏ trứng” của Nguyễn Gia Trí vẫn chưa có ai theo kịp. Mặc dù những năm cuối đời, Nguyễn Gia Trí từng chia sẻ bí quyết xử lý vỏ trứng cho một “đệ tử” của mình, song, đến nay vẫn chưa ai học được bí quyết “mài bạt” vỏ trứng của ông. Đây cũng chính là lý do khiến khó có ai làm giả được tác phẩm sơn mài của Nguyễn Gia Trí.
Ngay từ những năm ba mươi của thế kỷ trước, xem tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã rất thán phục: “Trên những màu hồng nhợt biến hóa, những sắc nâu ngon thiệt là ngon, những vỏ trứng đổi cả thể chất thành quý vật. Nhờ có Nguyễn Gia Trí, lối sơn ta không còn là một mỹ nghệ nữa… nó đã được nâng lên mỹ thuật thượng đẳng!”.
Phong cách nghệ thuật độc đáo
Điểm độc đáo trong phong cách sáng tác của Nguyễn Gia Trí là phối hợp lối in khắc với những phương thức sơn mài mới, đồng thời áp dụng các nguyên tắc cấu trúc của hội họa phương Tây với chất liệu truyền thống để tạo những tác phẩm vừa hiện đại vừa mang tính dân tộc. Các tác phẩm của ông đều được thể hiện với một cảm quan nghệ thuật độc đáo rất riêng của ông kết hợp với những tư tưởng mới về nghệ thuật sơn mài cũng do ông mày mò sáng tạo. Năm 1939, họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã có triển lãm tranh sơn mài cá nhân đầu tiên, gây bất ngờ cho giới mỹ thuật Hà Nội và công chúng khi trưng bày các tác phẩm sơn mài được sáng tác theo kỹ thuật riêng của mình.
Nguyễn Gia Trí, Thiếu nữ bên hoa phù dung, sơn mài, 1944. Sưu tập Đức Minh
Phong cách vẽ tranh của danh họa Nguyễn Gia Trí có sự thay đổi qua những thời kỳ khác nhau. Ở mỗi thời kỳ, ông đều tạo được những tác phẩm nghệ thuật sáng tạo độc đáo, trở thành kiệt tác của mỹ thuật Việt Nam cho đến tận hôm nay.
Những năm 1940 là giai đoạn đánh dấu sự chuyển biến trong phong cách vẽ tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí và cũng là giai đoạn sáng tác đỉnh cao của ông với chủ đề quen thuộc là cảnh đồng quê và những cô gái duyên dáng trên nền khung cảnh thiên nhiên đầy thơ mộng. Từ những nguyên liệu đơn giản như thếp vàng, bạc, sơn than, vỏ trứng, son môi, sơn cánh gián…, ông đã tạo nên được vẻ đẹp đầy huyền bí và lộng lẫy cho những tác phẩm của mình. Ở giai đoạn này, ông đã kết hợp hoàn hảo giữa chạm khắc và in ấn, sử dụng nguyên tắc chiều sâu trong hội họa của phương Tây để tạo ra những bức tranh mang đậm phong cách dân tộc Việt Nam. Nét vẽ trong tranh của ông thanh lịch, tinh tế, phối hợp hài hòa những gam màu nóng tạo nét ấn tượng và sự hài hòa khiến tác phẩm vừa thực vừa lung linh huyền ảo, ẩn hiện giữa các lớp sơn nâng giá trị nghệ thuật tranh sơn mài lên đỉnh cao.
Nguyễn Gia Trí, Trừu tượng, sơn mài, 1960. Sưu tập Đức Minh
Ở giai đoạn này, ông cũng thường có phong cách xây dựng bố cục tranh theo hình thức bình phong. Dựa trên nền tảng là những bộ tứ bình trong nghệ thuật truyền thống, ông sử dụng phương pháp tạo hình mới, bố trí các hình tượng trên nhiều tấm rời nhau rồi ghép lại. Các tác phẩm của ông thời kỳ này được đánh giá là đỉnh cao của nghệ thuật tranh sơn mài, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt, tác phẩm sơn mài khổ lớn Lưu Nguyễn nhập thiên thai của ông được người Pháp mua, bày tại Dinh Toàn quyền tại Hà Nội - nay là Phủ Chủ tịch. Hiện bức tranh này vẫn được treo ở đó.
Một trong những tác phẩm tiêu biểu không thể không nhắc đến ở giai đoạn này là bức tranh sơn mài khổ lớn Thiếu nữ bên đầm sen. Bức tranh miêu tả các cô gái đang chơi, chạy và nhảy múa trong một khu vườn đầy màu sắc. Khung trời dát vàng cùng những chiếc váy màu sắc ấn tượng làm nổi bật lên vẻ đẹp tươi trẻ, kiêu sa của những thiếu nữ. Với diện tích 12m2 gồm 6 tấm khác nhau, giá trị của tác phẩm nằm ở việc chuyển động theo hình dạng trong từng bức tranh khi ghép lại với nhau.
Nguyễn Gia Trí, bình phong Trong vườn, sơn mài, 1939. Sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật VN
Bình phong sơn mài hai mặt Thiếu nữ trong vườn và Phong cảnh (còn được gọi là Dọc mùng) của Nguyễn Gia Trí (sáng tác năm 1939) hiện thuộc sưu tập các tác phẩm sơn mài của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Mỗi tranh là một tác phẩm hội họa độc lập nhưng hợp lại thành tổng thể thống nhất về phong cách nghệ thuật đặc trưng của Nguyễn Gia Trí. Ở những tác phẩm này, kỹ thuật xử lý chất liệu của Nguyễn Gia Trí đã đạt đến trình độ bậc thầy. Các nhà nghiên cứu mỹ thuật đánh giá bình phong có giá trị đặc biệt xuất sắc về nghệ thuật, góp phần vào việc nghiên cứu sự giao lưu văn hóa Đông - Tây trên phương diện nghệ thuật tạo hình. Bình phong được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2089/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/12/2017.
Những tác phẩm tranh sơn mài đáng chú ý của Nguyễn Gia Trí trong giai đoạn cuối những năm 1930 đến trước 1945 còn có: Bên Hồ Gươm (1935), Chùa Thầy (1939 - 1940), Thiếu nữ bên hoa phù dung (1944)…
Giai đoạn sau năm 1945 đến cuối những năm 1950, Nguyễn Gia Trí vẫn tiếp tục những tìm tòi sáng tạo cho tranh sơn mài. Về phong cách, ông chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa ấn tượng của châu Âu và cả phong cách của tranh thủy mặc, dân gian truyền thống của châu Á và Việt Nam. Một số tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của ông ở giai đoạn này gồm: Hai Bà Trưng, Trận Bạch Đằng, Địa linh hoán tượng, Ba Vua…
Nguyễn Gia Trí, Trừu tượng, sơn mài, 1967. Sưu tập Trần Hậu Tuấn
Những năm 1960 đến năm 1970, Nguyễn Gia Trí vẫn tiếp tục sáng tác nên những tác phẩm sơn mài lộng lẫy, thơ mộng về con người và phong cảnh Việt Nam. Các tác phẩm tiêu biểu giai đoạn này có thể kể đến những bức sơn mài khổ lớn như Hoài niệm xứ Bắc, Múa dưới trăng và Trừu tượng (sáng tác giai đoạn 1968 - 1969). Giai đoạn này, tác phẩm của ông còn đi sâu vào chủ nghĩa trừu tượng, một phong cách mà ông từng thể nghiệm qua vài tác phẩm từ sau năm 1954 với những ảnh hưởng sâu sắc bởi trường phái trừu tượng của châu Âu.
Thập niên cuối cuộc đời, Nguyễn Gia Trí lại trở về với phong cách mộng mơ, lãng mạn ở giai đoạn sáng tác đầu tiên. Tác phẩm của ông thường tái hiện hình ảnh các cô gái vui đùa, chạy nhảy với các màu sắc tô điểm vừa huyền bí vừa tạo được chiều sâu mỹ cảm với nét độc đáo, ấn tượng của riêng ông.
Những giá trị trường tồn
Sinh thời, các tác phẩm của danh họa Nguyễn Gia Trí đã được các nhà sưu tầm tranh ở khắp nơi trên thế giới yêu thích và đặt hàng. Nguyễn Gia Trí đã và luôn là họa sĩ lập kỉ lục về việc có tác phẩm được mua với giá cao nhất trong các họa sĩ Việt Nam từ trước tới nay. Những tác phẩm tranh được ưa chuộng nhất là các tác phẩm sơn mài khổ lớn bởi chiều sâu của tầm nhìn thẩm mỹ, luôn đặt cái cổ kính bên cạnh cái tân kỳ, cái lộng lẫy sang trọng cạnh sự giản dị mộc mạc, ý tưởng hy vọng đặt bên cạnh sự hoài niệm…
Đặc biệt bức sơn mài khổ lớn Vườn Xuân Trung Nam Bắc (1969 - 1989) có thể coi là một kiệt tác nghệ thuật, một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh họa. Năm 1990, tác phẩm được UBND Thành phố Hồ Chí Minh mua để trao tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2013, Chính phủ ra quyết định công nhận tác phẩm này là “Bảo vật quốc gia”. Rất tiếc trong quá trình tu sửa năm 2017, bức tranh đã không còn được nguyên vẹn, bị hư hại nhiều.
Nguyễn Gia Trí, Trừu tượng, sơn mài, 1968. Sưu tập Thư viện Quốc gia TP. HCM
Bức Thiếu nữ bên hoa phù dung của ông từng được treo ở Phủ Chủ tịch (thời kỳ sau 1954). Hiện nay, bức Thiếu nữ trong vườn từng được “chép” lại (sang khổ lớn hơn) để trang trí cho một gian phòng ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Những tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Gia Trí đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2012, danh họa Nguyễn Gia Trí được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho 5 tác phẩm sơn mài gồm Vườn xuân Trung Nam Bắc; Thiếu nữ bên hoa phù dung; Bên đầm sen; Trong vườn (8 tấm) và Cảnh nông thôn. Tên của ông đã được đặt cho một con đường ở TP HCM.
NGUYỄN KIM DUNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 544, tháng 8-2023