Hà Nội phố trong tranh Trần Quang Vinh

Hà Nội xưa và nay mang những dấu ấn văn hóa tiêu biểu, nơi "lắng hồn núi sông" nghìn năm văn hiến, vẫn vẹn nguyên vẻ đẹp sâu đằm, lãng mạn và hào hoa. Bởi vậy, không lạ khi Hà Nội đã trở thành đề tài cho nhiều tác phẩm nghệ thuật trong đó có hội họa…

Ngoài những họa sĩ lớp trước đã thành danh, có những tác phẩm sâu nặng về Hà Nội, mà nổi bật là danh họa Bùi Xuân Phái, với một phong cách Phố Phái độc đáo, hiện nay có nhiều họa sĩ đủ các lứa tuổi vẽ về đề tài đời sống Hà Nội, như: Đào Hải Phong, Phạm Luận, Hoàng Đình Tài, Phạm Bình Chương, Văn Dương Thành, Hoàng Nam Thái, Ngô Thành Nhân, Nguyễn Văn Tuân, Thanh Sơn…

Trong thế hệ họa sĩ 6x, chúng ta bắt gặp một Phố Hà Nội ấn tượng trong tranh của Trần Quang Vinh. Họa sĩ Trần Quang Vinh (ảnh trong trang) sinh năm 1963 ở phố cổ Hà Nội, nơi anh bắt đầu cuộc rong chơi từ những bước chân chập chững, từ những ánh mắt ban đầu ngày ngày ngắm nhìn góc phố thân quen… để rồi từ bao giờ, những hình ảnh thân yêu đó đi vào trong sáng tác của anh. Trưởng thành trong truyền thống gia đình có nghề vẽ tranh Tết bán trên phố, anh tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, với hành trang đủ đầy hơn, khoa học hơn, hàn lâm hơn cùng với hồi ức thấm đẫm nếp nhà và phố cổ Hà Nội. Anh chia sẻ: “Hội họa chưa bao giờ được dùng để chuyển tải những thông điệp tức thời gắn liền với sự kiện, với tôi mỗi một tác phẩm là cả một câu chuyện, nó chứa đầy ẩn ức, tâm tư của họa sĩ. Và đương nhiên là một nghệ sĩ thì không ai đi kể lại câu chuyện của người khác, hay kể chuyện mình theo cách của người khác cả. Và tôi kể về Hà Nội của tôi… theo cách của tôi”.

Thật vậy, với bút pháp theo trường phái lập thể, anh đã định hình cho mình một phong cách thể hiện về phố cổ Hà Nội rất riêng biệt. Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng: “Trong tác phẩm của họa sĩ lập thể, đối tượng được mổ xẻ, phân tích và được kết hợp lại trong một hình thức trừu tượng. Người họa sĩ không quan sát đối tượng ở một góc nhìn cố định mà lại đồng thời phân chia thành nhiều mặt khác nhau, nhiều khía cạnh khác nhau. Thông thường các bề mặt, các mặt phẳng giao với nhau không theo các quy tắc phối cảnh làm cho người xem khó nhận ra chiều sâu của bức tranh”. Bởi vậy, dùng phương pháp lập thể để toát lên được nét bâng khuâng, thơ mộng, trầm mặc, cổ kính của những con phố trăm năm tuổi rất khó. Khi thưởng thức tranh của Trần Quang Vinh, người xem dễ dàng cảm nhận được sự khao khát cũng như đam mê khám phá, tạo ra cách thể hiện mới.

Nhịp điệu phố phường - Sơn dầu, 2020

Tốt nghiệp Đại học năm 1986, anh từng làm triển lãm cá nhân trong nước như: Triển lãm 10 họa sĩ trẻ tại Hà Nội, Triển lãm cá nhân tại gallery Sông Hồng, Hà Nội (1996); Triển lãm Các dòng sông đều chảy tại gallery Tràng An (1999); Triển lãm tại gallery Cố Đô (2001); rồi tham gia triển lãm tại nước ngoài: Triển lãm hội họa Việt Nam tại Trung Quốc (1990); Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam tại Pháp (1996); Triển lãm Mỹ thuật Nhìn về Việt Nam tại Anh (1998) và nhận bằng danh dự giải thưởng Mỹ thuật ASEAN, tranh của Trần Quang Vinh từ đó đã phiêu du khắp từ Á, Âu sang Mỹ. Nhưng có thời kỳ, tranh của anh cũng bị cuốn vào trào lưu thị trường hóa hội họa toàn cầu, Trần Quang Vinh mê mải với dòng tranh mộc mạc, hoa lá, phong cảnh nhẹ nhàng, thiên về tả thực… nhưng sự ám ảnh trên từng góc phố thân quen đã kéo anh về với phố, tình yêu của chính mình. Như anh tâm sự: “Người ta vẽ hết cả rồi, không còn bỏ qua góc nhìn nào nữa, không còn bút pháp thuần túy nào nữa, kể cả những phương pháp thể hiện mới nhất, lạ nhất người ta cũng thử nghiệm hết cả”. Vậy mình làm gì đây?

Đấy chính lúc người nghệ sĩ trong anh lại cồn cào, tìm tòi khám phá ra một con đường mới mà đôi khi cứ ngỡ là bế tắc. May mắn đó cũng chính là thời gian sau gần 10 năm công tác tại Trung tâm Triển lãm Mỹ thuật, anh chuyển về công tác tại Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật từ năm 1995. Chính tại nơi đây, trong môi trường làm việc tiếp xúc với nhiều nhà nghiên cứu văn hóa uy tín đã giúp anh hoàn thiện thêm nhãn quan nghệ thuật. Để rồi chúng ta được thưởng lãm một Nhịp điệu phố phường, hay Phố lồng đèn bằng những nhát cắt đầy góc cạnh, đan quyện vào nhau. Ở đó, chúng ta thấy thấp thoáng những xiêu vẹo của phố cổ Hà Nội đâu đó những thập niên 40-70 thế kỷ trước, hay những tòa nhà trong thời kỳ Hà Nội trở mình hiện đại hóa. Tất cả được Trần Quang Vinh hòa quyện vào nhau trở thành một bố cục chặt chẽ cùng mảng, khối, hòa sắc, cùng mạch sáng lóe lên tràn đầy niềm tin, sức sống cho một phố Hà Nội hôm nay. Cách xử lý khéo léo trong bút pháp của họa sĩ đã gắn kết được giữa cái xưa cổ hoài niệm và cái hiện đại đương thời, thuận hòa với nhau không thể tách rời trong không gian ước lệ nhưng rất thực tế đó.

Ánh sáng phố phường - Sơn dầu, 2021

Với tác phẩm Hoài phố, Trần Quang Vinh dùng phương pháp bẻ gãy không gian, cho phép các trục không gian của các vật thể riêng biệt chạy xuyên qua nhau, đan lấy nhau, như muốn ghì chặt lấy nhau. Ở đây ta bắt gặp ánh sáng như nhảy múa trong tranh của Vinh. Nếu coi nghệ thuật là ngôn ngữ giao tiếp thì ánh sáng là một trong những phương tiện để ta trao đổi ngôn ngữ ấy. Không có ánh sáng mọi thứ chìm trong màu đen, và mọi vật sẽ chỉ như nằm trên mặt phẳng 2D. Có thể nói ánh sáng chính là khởi nguyên cho tất cả. Với nghệ thuật, ánh sáng là nguồn cội cho màu sắc và hình khối xuất hiện. Mặc dù ánh sáng luôn hiện hữu xung quanh ta, nhưng để hiểu rõ về nó thì không phải ai cũng tường tận.

Hội họa là bộ môn nghệ thuật truyền thống lâu đời sử dụng ánh sáng, vừa là chủ thể, vừa là công cụ để tạo nên những hiệu ứng nhất định khơi gợi cảm xúc. Ánh sáng quyết định màu sắc, bóng tối và cấu trúc vật thể. Vậy nên nó không chỉ giới hạn trong trường phái hiện thực, trừu tượng mà còn cần thiết trong mọi phong cách trong hội họa. Vẻ đẹp của ánh sáng được sử dụng như công cụ để xây dựng biểu tượng. Bằng cách chiếu sáng vào một yếu tố trong tranh như mái ngói, ô cửa đã tạo nên câu chuyện đằng sau đó, coi ánh sáng là con đường để nghệ sĩ dẫn dắt người xem vào câu chuyện của mình. Trần Quang Vinh đã khiến người xem có cảm giác như đang lang thang trên từng con phố trong một đêm cuối thu buồn da diết, những mái hiên che hàng quán gối lên nhau mệt mỏi, những ánh đèn đường nhạt nhòa, những mái ngói cổ thinh lặng, những ô cửa sổ các tòa nhà cao tầng trống vắng, cô đơn đầy thi chất.

Phố lồng đèn - Sơn dầu, 2018

Đối diện với tranh phố của Trần Quang Vinh, chúng ta dễ nhận thấy được tranh của anh có lối đi riêng. Chúng ta dễ nhận ra được tranh của anh, bởi anh dám lấy phong cách trường phái lập thể để mô tả, tái hiện đối với một không gian đã trở thành biểu tượng và đã được mặc định. Dùng phương pháp tạo hình lập thể để diễn tả tác phẩm trở nên mềm mại là điều rất khó trong hội họa. Vì lập thể là thách thức miêu tả về không gian, về kiến trúc cơ bản của hình thức, buộc nghệ sĩ phải phá vỡ hình ảnh thành các dạng hình học. Thay vì hình thức mô hình hóa trong một không gian ảo giác, các hình được mô tả như sự sắp xếp động của các khối và mặt phẳng nơi nền và tiền cảnh được hợp nhất. Nhưng nếu không đủ bản lĩnh nắm bắt, làm chủ trong quá trình sắp đặt các thể hình đó, sẽ cho ra một tác phẩm xơ cứng và đơn điệu.

Họa sĩ Trần Quang Vinh với hơn 20 năm trăn trở tìm tòi, nghiên cứu thử nghiệm, trải qua nhiều thất bại, nhưng đến ngày hôm nay, anh đã góp vào kho tàng hội họa Hà Nội phố một phong cách mới, một hơi thở mới. Dù vậy, Trần Quang Vinh vẫn còn nhiều trăn trở: “Phải nghiên cứu tìm tòi và đào sâu hơn nữa để từng tác phẩm là từng câu chuyện kể có phảng phất nét hoài niệm như vốn dĩ bản chất phố cổ, có rực rỡ, mạnh mẽ, sôi động của một thành phố đang hướng về tương lai. Phản ánh các chuyển biến đó với Phố Hà Nội bằng hội họa là trách nhiệm của các họa sĩ và của người con Hà Nội như tôi”.

Cảm phố - Sơn dầu, 2021

LINH GIANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 488, tháng 2-2022

;