Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trước xu thế toàn cầu hóa

   Toàn cầu hóa là một xu thế khách quan của thời đại, có tác động đa chiều mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội của tất cả các quốc gia, dân tộc. Trong khi đó, bản sắc văn hóa dân tộc là những gì thuần khiết, thiêng liêng, cốt lõi và riêng có của mỗi quốc gia, dân tộc. Trước tác động của xu thế toàn cầu hóa, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam đang có những biến đổi phức tạp. Tình hình trên đòi hỏi chúng ta phải xem xét sự tác động tích cực, tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa; đồng thời, đưa ra giải pháp để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam.

 

   1. Tác động của toàn cầu hóa đến bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam

   Những tác động tích cực    

   Xu thế toàn cầu hóa hiện nay đang tác động mạnh mẽ đến mọi yếu tố, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nước ta, trong đó có bản sắc văn hóa dân tộc. Nó tạo ra thời cơ, điều kiện thuận lợi cho quá trình bảo tồn, phát huy, phát triển sâu sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trước những nguy cơ xói mòn, mờ nhạt những truyền thống văn hóa dân tộc.

   Hội nhập toàn diện, sâu rộng đã thúc đẩy quá trình phát triển của đất nước lên một tầm cao mới, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên rõ rệt kéo đã nhận được sự khâm phục, đánh giá cao của nhân loại tiến bộ đối với đất nước, con người và bản sắc văn hóa Việt Nam. Những thành tựu của đất nước trong những năm qua, với những tiến bộ đáng khích lệ trên lĩnh vực kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần…, đã nâng chủ nghĩa yêu nước lên tầm cao hơn - yêu nước gắn với yêu chế độ, yêu hòa bình. Thành tựu của công cuộc đổi mới càng củng cố niềm tin vào đường lối lãnh đạo của Đảng, vào con đường cách mạng Việt Nam, dấy lên tự hào ở mỗi người dân Việt Nam.

   Xu thế toàn cầu hóa cũng tạo cho dân tộc ta điều kiện giao lưu, tiếp xúc với các nền văn hóa trên thế giới, từ đó tiếp thu có lựa chọn những giá trị tích cực làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Thông qua hội nhập, giao lưu, tính năng động, sáng tạo và bản lĩnh con người Việt Nam trên trường quốc tế được phát huy. Những giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực khoa học tự nhiên, văn hóa nghệ thuật, thể thao... đã chứng tỏ tiềm năng, trí tuệ của con người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ.

   Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng đang cho phép chúng ta phát triển mạnh mẽ các thiết chế văn hóa, hiện đại hóa các phương tiện văn hóa thông tin và nâng cao khả năng tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa tinh thần trong toàn xã hội. Hàng loạt hoạt động văn hóa truyền thống được phục hồi và phát triển, thể hiện đời sống văn hóa tinh thần phong phú của nhân dân, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch) không chỉ khơi dậy cố kết cộng đồng, tinh thần yêu nước và đạo lý, lẽ sống của con người Việt Nam mà còn là dịp để dân tộc ta thể hiện bản sắc, văn hóa của dân tộc cho nhân loại thế giới hiểu rõ hơn. Những lễ hội dân gian của các làng quê, các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam cũng không ngoài ý nghĩa đó.

   Những tác động tiêu cực    

   Bên cạnh những tác động tích cực kể trên, toàn cầu hóa cũng đặt bản sắc văn hóa dân tộc trước những khó khăn, thử thách không nhỏ, trong đó rất đáng lo ngại nguy cơ về sự băng hoại chuẩn mực đạo đức lối sống của một bộ phận dân cư.

   Khi thực hiện chính sách mở cửa, bên cạnh những luồng gió mát, cũng có không ít luồng gió độc tràn vào nước ta, làm cho đời sống văn hóa xuất hiện những vấn đề hết sức phức tạp, những lối sống, cách sống xa lạ, trái với chuẩn mực xã hội. Ngay từ những năm đầu mở cửa hội nhập, Đảng ta đã sớm nhận định: “Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị văn hóa dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ... đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Không ít trường hợp vì đồng tiền mà chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thày trò, đồng chí, đồng nghiệp. Buôn lậu và ma túy phát triển. Ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác gia tăng” (1). Có thể nói, một bộ phận trong các tầng lớp, các thành phần xã hội khi mưu cầu lợi ích cá nhân đã chà đạp lên những khuôn mẫu, những giá tri đạo đức đích thực của xã hội. Một bộ phận lớp trẻ hiện nay có tâm lý sống thực dụng, buông thả, sùng bái đồng tiền, quay lưng lại với văn hóa, đạo đức truyền thống. Những phong tục, tập quán được coi là thuần phong mỹ tục, nay được thế hệ trẻ coi là cổ hủ. Những hạn chế trong công tác quản lý giáo dục đang tạo ra những lỗ hổng về lịch sử dân tộc, hẫng hụt về đạo đức, lối sống ngay trong tâm hồn người học.

   Toàn cầu hóa thúc đẩy sự gia tăng các sản phẩm thuộc loại hình văn hóa đại chúng. Nhiều sản phẩm văn hóa ra đời vội vã, chạy theo lợi nhuận và hiệu quả thương mại hoặc chiều theo thị hiếu của người tiếp nhận. Người ta dễ quay lưng lại với những giá trị tinh thần cao đẹp, sa đà vào dung tục tầm thường, tạo ra những chướng ngại cho sự nâng cao mặt bằng dân trí, làm ô nhiễm môi trường văn hóa. Văn minh kỹ trị đem lại tiện nghi, tiện lợi nhưng cũng dễ đẩy con người vào thái cực khác: cô đơn, tự kỷ, ích kỷ, vô cảm, sống gấp, thờ ơ với cuộc sống, với con người, thậm chí với chính bản thân mình.

   Lợi dụng các hoạt động hợp tác, liên kết trong mọi lĩnh vực, các thế lực thù địch bên ngoài đang thực hiện mưu đồ phá hoại đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc ta; lợi dụng những sai lầm trong quản lý xã hội để kích động, thổi phồng gây mâu thuẫn trong tầng lớp nhân dân, thực hiện truyền đạo trái phép; tạo hiềm khích gây mất đoàn kết giữa các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Mặt khác, với các chiêu bài cam kết hợp tác đầu tư về kinh tế, các nước tư bản phát triển đang đặt điều kiện, áp đặt các chuẩn mực giá trị phương Tây vào nước ta, làm mờ đi những giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc Việt Nam. Có thể nói, “quá trình toàn cầu hóa nếu ở lĩnh vực này là sự mở rộng những tiến bộ và văn minh, thì ở lĩnh vực khác lại chỉ là thoái bộ, là sự thâm nhập của những điều kỳ quái, thậm chí lạc hậu và vô nhân đạo” (2).

   2. Một số giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc hiện nay

   Trước tác động của xu thế toàn cầu hóa, chúng ta phải thể hiện bản lĩnh và bản sắc văn hóa Việt Nam, giữ gìn và phát huy, phát triển những truyền thống tốt đẹp, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, đưa đất nước ta vững bước trên con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa. Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (3). Để thực hiện được điều đó, cần nghiên cứu, vận dụng một số giải pháp sau:

   Tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động văn hóa

   Vai trò quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa giữ vai trò tiên quyết trong bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nhà nước quản lý hoạt động văn hóa thông qua các chủ trương, chính sách văn hóa và hoạt động của các tổ chức, cơ quan tư tưởng văn hóa.

   Tăng cường vai trò quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa trước hết là phải hoàn thiện những chính sách, pháp chế văn hóa để tạo “hành lang pháp lý”, điều kiện thuận lợi để nhân dân ngày càng nâng cao trình độ thẩm mỹ và thưởng thức nghệ thuật; tạo môi trường thuận lợi cho quảng đại quần chúng nhân dân tham gia vào quá trình sáng tạo văn hóa, nghiên cứu, phục hồi và phát triển những truyền thống văn hóa của dân tộc. Đồng thời, cũng là cơ sở để nhân dân phân biệt và đấu tranh với những biểu hiện văn hóa xấu độc, đi ngược lại thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa của dân tộc.

   Nhà nước cần có đầu tư thích đáng cho các hoạt động văn hóa truyền thống mang sắc thái đặc trưng của dân tộc như các lễ hội truyền thống, các loại hình nghệ thuật ca ngợi tinh thần yêu nước, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tôn sùng đạo lý, phân biệt cái đẹp, cái tiến bộ, khích lệ niềm tự hào dân tộc và kích thích năng động sáng tạo, đạo lý nhân nghĩa, nhân văn của con người Việt Nam.

   Phát huy vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ và các cơ quan làm công tác văn hóa, thông tin; nâng cao chất lượng công tác hậu kiểm, không để các loại hình văn hóa lai căng, độc hại thâm nhập vào đời sống văn hóa tinh thần của xã hội.

   Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền văn hóa, xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa như hệ thống bảo tàng, nhà văn hóa, thư viện, khu vui chơi giải trí, nhà thông tin, khu thể thao...

   Chú trọng bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, các danh lam thắng cảnh và khai thác tốt kho tàng văn hóa cổ truyền của dân tộc.

   Từng bước hiện đại hóa các phương tiện tuyên truyền và quản lý văn hóa nhằm nâng cao trình độ nhận thức và sáng tạo văn hóacủa nhân dân.

   Phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống

   Trước những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa thì sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận trong xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay là rất đáng báo động. Xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, tiến bộ là nội dung hết sức quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc, đến lượt nó văn hóa lại trở thành “nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách” (4).

   Giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ hiện nay phải được tiến hành đồng bộ ở cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Trong đó gia đình được coi là tế bào của xã hội, cần được chú trọng.

   Kết hợp với giáo dục gia đình, chúng ta cần phải tăng cường giáo dục cho học sinh, sinh viên ở các nhà trường. Bên cạnh trang bị tri thức cho học sinh, sinh viên, các nhà trường cần phải trú trọng giáo dục cho họ những phẩm chất đạo đức, lối sống cần thiết, làm cho họ nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí của bản sắc văn hóa dân tộc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho họ nhận thức được những giá trị truyền thống như lòng nhân ái, bao dung, tinh thần yêu nước chân chính, đức vị tha, lao động cần cù, tinh thần lạc quan... là những giá trị đích thực và cao đẹp của mỗi con người. Cần có biện pháp hữu hiệu để lấp đầy “khoảng trống” về những kiến thức lịch sử và truyền thống dân tộc, xây dựng ý thức tự giác bảo vệ, phát huy những giá trị trong bản sắc văn hóa Việt Nam, khơi dậy lòng tự hào và yêu quý bản sắc văn hóa dân tộc.

   Mỗi cá nhân tồn tại và phát triển bao giờ cũng gắn liền với những nhóm, những tổ chức xã hội nhất định và chịu sự tác động của nhóm, tổ chức ấy. Tăng cường giáo dục xã hội chính là tăng cường vai trò giáo dục của các tập thể xã hội. Muốn vậy, phải xây dựng tập thể lành mạnh, cởi mở, dân chủ, thực sự là môi trường giáo dục nhân cách của mỗi cá nhân, chủ động gây dựng những dư luận xã hội lành mạnh, kiên quyết lên án và đấu tranh chống lại những biểu đạo đức, lối sống đi ngược lại thuần phong mỹ tục và chuẩn mực đạo đức xã hội.

   Kết hợp đẩy mạnh giao lưu văn hóa với việc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa

   Trong quá trình hợp tác, giao lưu văn hóa, chúng ta cần phải chống cả hai khuynh hướng: hoặc là tuyệt đối hóa những yếu tố văn hóa truyền thống, không tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại để dẫn đến bảo thủ, trì trệ, chậm phát triển; hoặc tiếp thu văn hóa ngoại lai một cách ồ ạt, phủ định văn hóa truyền thống sẽ hình thành một nền văn hóa “lai căng”, làm lu mờ bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc.

   Trong giao lưu văn hóa cũng phải đề cao cảnh giác, chống các biểu hiện lợi dụng giao lưu văn hóa để tuyên truyền, kích động các hoạt động chống phá cách mạng, những hoạt động phá hoại bản sắc văn hóa dân tộc.

   Giao lưu văn hóa và đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa là hai mặt của một vấn đề, cùng tồn tại trong một hoạt động văn hóa, vừa thống nhất, vừa đấu tranh để bảo đảm giữ vững và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ta trước xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Kết hợp giữa nội lực và ngoại lực, thực hiện xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vẫn vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển của cách mạng nước ta hiện nay.

____________

   1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.137.

   2. Đặng Cảnh Khanh, Vấn đề toàn cầu hóa và thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay, Tạp chí Cộng sản, số 14, tháng 7-2000, tr.83.

   3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.

   4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.114.

 

Tác giả: Đinh Thị Loan

Nguồn: Tạp chí VHNT số 422, tháng 8-2019

 

;