GIAO THOA VĂN HÓA TÀY - VIỆT - NGA TRONG THI CA TRIỆU LAM CHÂU

Giao thoa văn hóa (GTVH) là hệ quả tất yếu của quá trình giao lưu và hội nhập toàn cầu. Dấu ấn GTVH trở thành đặc điểm nổi bật trong thi ca Triệu Lam Châu. Trong bài viết này, bằng các phương pháp nghiên cứu so sánh - đối chiếu, phân tích - tổng hợp, chúng tôi làm rõ sự GTVH Tày - Việt - Nga trong sáng tạo thi ca của Triệu Lam Châu, thể hiện qua việc sử dụng ngôn ngữ trong sáng tác và dịch thuật, việc lựa chọn và thể hiện hình tượng nghệ thuật, các biểu tượng văn hóa của cả ba nền văn hóa Tày - Việt - Nga.

1. Triệu Lam Châu và sáng tạo nghệ thuật đa văn hóa

Nhà thơ - nhạc sĩ Triệu Lam Châu là người dân tộc Tày, sinh trưởng tại bản Nà Pẳng, xã Đức Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Cống hiến của Triệu Lam Châu cho văn học nghệ thuật nước nhà tập trung trên ba lĩnh vực: thi ca, dịch thuật và âm nhạc. Về thơ có 5 tập thơ song ngữ Tày - Việt là Trăng sáng trên non (1998), Ngọn lửa rừng (1999), Giọt khèn (2001), Thầm hát trên đồi (2004) và Ba vỉa hồn ngầm (2015). Về dịch thuật, ngoài Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh sang tiếng Tày (2009), có thể kể đến các tập thơ dịch từ tiếng Nga ra song ngữ Tày - Việt là Nửa phần sự thật (2000), Một ý tưởng táo bạo (2012) của X.Mikhancốp, tuyển dịch thơ  Nga Đêm trắng (2002), Thơ dân gian Tacta (2007); các tiểu thuyết dịch từ tiếng Nga và bản trung gian tiếng Nga sang tiếng Việt như Hoa nở muộn mằn của Tsêkhốp (Nga), Mối tình của người góa phụ của Hartley (Anh), Đi tìm hạnh phúc của Furnơ (Pháp), Người đàn bà tôi thương của D.Tanidaki (Nhật Bản), Lửa tình đã cạn của Beky Yưnđư (Thổ Nhĩ Kỳ), Nàng dâu của Kaxlavôp (Bungari) và Túp lều lá bên sông của Vitexlap Galek (Tiệp Khắc). Về âm nhạc, Triệu Lam Châu bắt đầu sáng tác từ khi học đại học tại Nga. Tính đến thời điểm này ông đã có 192 ca khúc được bảo vệ tác quyền và phát hành các CD âm nhạc Cao Bằng yêu dấu (Hồ Gươm Audio - Video - 2003), Gánh nước ban mai (Thanh Hải Audio - 2006) và Mùa trăng núi Nhạn (Thanh Hải Audio - 2014). Âm nhạc Triệu Lam Châu hướng tới ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người ở cố hương Cao Bằng và các miền đất Việt Nam gắn liền với văn hóa Việt và văn hóa Tày - Nùng. Ngoài ra, nhiều tác phẩm đã đăng tải trên mạng truyền thông, nhiều tác phẩm đang được ấp ủ trong những dự định xuất bản của Triệu Lam Châu như thơ Raxun Gamzatốp, thơ Êxênhin đã và đang được dịch song ngữ từ tiếng Nga sang tiếng Việt và tiếng Tày hoặc từ tiếng Việt sang tiếng Tày (Tuyển tập thơ Tố Hữu). Như vậy, trong sự nghiệp sáng tạo của Triệu Lam Châu đậm đà những bản sắc văn hóa đa dạng của văn hóa Tày, văn hóa Việt và văn hóa Nga.

2. Đặc điểm GTVH Tày - Việt - Nga trong thi ca Triệu Lam Châu

Giao thoa ngôn ngữ

Thứ nhất, giao thoa ngôn ngữ thể hiện ở việc sử dụng song ngữ hoặc tam ngữ trong sáng tác và dịch thuật. Với thi phẩm sáng tác, Triệu Lam Châu diễn đạt nhiều tác phẩm bằng ba ngôn ngữ Tày - Việt - Nga. Tất cả các ấn phẩm thơ đã xuất bản của Triệu Lam Châu đều được sáng tác bằng hai thứ tiếng Tày - Việt, với 5 tập, gần 150 bài. Bằng việc sáng tác song ngữ Tày - Việt, Triệu Lam Châu - theo một cách rất riêng - góp phần làm phong phú văn học Tày nói riêng và văn học thiểu số nói chung. Với thi phẩm dịch thuật, có thể nói, lần đầu tiên thơ Nga được dịch ra tiếng Tày với dịch giả Triệu Lam Châu và đây cũng là những tác phẩm dịch thuật đầu tiên và hiếm hoi của văn học Nga sang tiếng Tày tại Việt Nam, trổ một cánh cửa mới mẻ để người Tày bước vào văn học Nga bằng chính ngôn ngữ của mình.

Thứ hai, giao thoa ngôn ngữ thể hiện ở việc sáng tạo và đề xuất tiếng Tày hiện đại. Triệu Lam Châu luôn trăn trở vì sợ tiếng Tày mai một do không theo kịp đời sống hiện đại và táo bạo đề xuất từ Tày mới để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Ban đầu, ông đề xuất tiếng Tày mới để có phương tiện diễn đạt trong tác phẩm thơ của mình. Những từ mới này được chú thích đầy đủ trong văn bản. Đến nay, Triệu Lam Châu đã đề xuất hơn 2000 từ Tày mới thuộc đủ mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, an ninh, quốc phòng... Phương châm của ông là “chỉ dựa vào sự phát triển nội tại của tiếng Tày để đề xuất ra từ mới, không mượn thêm tiếng Hán, không mượn thêm tiếng Việt mà chỉ chấp nhận những từ cha ông đã từng mượn từ trước” (1). Việc làm của Triệu Lam Châu ngoài việc chứng minh tình yêu tha thiết với ngôn ngữ mẹ đẻ còn là minh chứng cho sự GTVH trên phương diện ngôn ngữ khi thổi ngữ nghĩa, khái niệm hiện đại, mới mẻ của văn hóa thế giới vào ngôn ngữ mẹ đẻ, làm hiện đại thêm ngôn ngữ dân tộc cả nội dung và phương thức cấu tạo.

Thứ ba, giao thoa ngôn ngữ thể hiện ở sự di chuyển các dòng ngôn ngữ, các khái niệm mới mẻ từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Sự di chuyển địa danh Việt, Nga sang những bài thơ bằng tiếng Tày thông qua ngôn ngữ trung gian là tiếng Việt được thể hiện khá phổ biến. Sự chuyển di ngôn ngữ từ tiếng Tày sang thơ Việt có thể nhận thấy ở những từ trung gian như thung (thung lũng), mỏ nước (nguồn nước, suối), cối nước (cối giã gạo bằng nước). Sau là những từ Tày xuất hiện trong các bài thơ Việt như “mé” (mẹ) trong Mé dệt thổ cẩm, “lượn sli”, “lượn slương” (tên các điệu dân ca Tày) trong Gagarin qua cầu treo sông Mãng… Sự di chuyển các dòng ngôn ngữ, các khái niệm mới mẻ từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác chứng tỏ sự GTVH trên phương diện ngôn ngữ trong thơ Triệu Lam Châu là rất đậm nét (2).

Như vậy, sự GTVH trên phương diện sử dụng ngôn ngữ trong thơ Triệu Lam Châu được thể hiện ở các đặc trưng cơ bản là việc kiên trì, bền bỉ sử dụng song ngữ và tam ngữ trong quá trình dịch thuật và sáng tác thơ, sự di chuyển các dòng ngôn ngữ và khái niệm của ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, việc tăng cường sức mạnh ngôn ngữ sáng tác thơ bằng cách đề xuất từ ngữ Tày hiện đại. Triệu Lam Châu mong muốn thông qua ngôn ngữ và tác phẩm văn học, đưa các nền văn hóa Tày - Việt - Nga xích lại gần nhau trong tiếp nhận của người đọc.

Đồng hiện các nền văn hóa

Nếu như sự GTVH trên phương diện ngôn ngữ biểu hiện trong cả sáng tác và dịch thuật thì sự đa dạng của các nền văn hóa đồng hiện đậm nét trong lĩnh vực sáng tác của Triệu Lam Châu. Nhìn toàn cảnh bức tranh sáng tác của ông, dễ dàng nhận thấy sự đồng hiện cả văn hóa Nga, Việt và Tày, trong đó, sâu sắc và phong phú nhất là văn hóa Tày. Văn hóa Nga xuất hiện trong thi ca Triệu Lam Châu thông qua những địa danh Nga (Xanh Pêtecbua, sông Nhêva...); thiên nhiên Nga (lá phong, hoa linh lan, tuyết trắng, những đêm trắng,…), nhân vật văn hóa Nga (Sêkhốp, Êxênhin, Puskin, Lêvitan,…). Văn hóa Nga thể hiện qua cô gái Nga “tóc vàng quyến rũ” (Ánh sao rừng thu Nga); qua tiếng đàn balalaica đặc trưng, văn hóa Việt đậm nét với thiên nhiên, đất nước, con người. Nơi đó, sóng biển rì rào, cánh đồng thơm mát, gió nồm nam thơm lừng hương biển, tiếng biển rì rào như tiếng gió, nơi trời thu “nghiêng mình bên bể biếc”, “phượng ven đường ngời chói lung linh”... Văn hóa Tày được Triệu Lam Châu dụng công khắc họa công phu, tỉ mỉ và tinh tế nhất; được đánh dấu bằng những địa danh Cao Bằng và Tây Bắc với mật độ dày đặc tên sông, tên núi, tên thác, tên đèo, tên đất như Khau Lỷ, Khuổi Ca, Nà Ngùa, Gò Vài, Khau Mi à, Khuổi Phước, Nà Sáng, Thang Dào, Mèng Vần, Chon Uai, Nặm Thoong, Kiéo Pỉt... Thiên nhiên trong thơ Triệu Lam Châu hiện lên một vẻ đẹp hùng vĩ và nên thơ với “Núi cao lồng lộng ngút ngàn mây xanh” (Tuổi thơ đi chợ), “Thung sâu rồi lại núi xanh trập trùng” (Đi hái củi)… Rừng núi thơm lừng hương ổi chín, hương trám, hương hoa kim anh, hương lúa chín, hương núi, hương hoa rừng. Văn hóa Tày còn được gửi gắm qua hình ảnh những con người chất phác và bình dị. Đó là người chồng hết lòng săn sóc khi vợ ốm, là mo đi chúc tết, là ông lão đơn độc sống bên sườn núi, là trai gái đi hội ngày xuân, cùng nhau gặt lúa, cuốc nương, gieo hạt... nhưng đẹp nhất là hình ảnh những người phụ nữ Tày đủ mọi lứa tuổi, nhân cách và tâm hồn tỏa sáng lặng lẽ như trăng mà cũng ngời chói như trăng. Đó là người vợ sớm hôm tảo tần mưa nắng, thức khuya, dậy sớm gánh nước (Gánh nước ban mai), nhóm lửa, nấu cơm (Ngọn lửa rừng); là cô thiếu nữ Tày đôi má đỏ hây hây, hai bím tóc “dập dềnh như cánh bướm”; là mé già cần cù khéo léo khi dệt thổ cẩm, mé già sắc sảo mềm mỏng đi dạm vợ cho con, mé già hiền hậu yêu thương ngay cả khi khuất núi vẫn gửi mảnh trăng liềm cho con đường về bớt tủi. Văn hóa Tày còn hiện hình thông qua phong tục tập quán mang những nét rất riêng đậm đà bản sắc dân tộc. Phong tục cưới xin, hỏi vợ của người Tày được Triệu Lam Châu thể hiện rất đặc sắc trong thơ của mình qua nhiều tác phẩm. Trai gái có thể nên vợ nên chồng nhờ tục bắt vợ (Bắt vợ) hoặc do cha mẹ cưới gả. Người Tày khi đi dạm hỏi cưới vợ cho con, thường nói bóng gió: “Mé bước lên nhà sàn/Nhà bác có trái hồng chín mẩy/Như mặt trời trên rẫy/Xin nhượng lại cho tôi được chăng?” (Mé già hỏi vợ cho con). Trong đám cưới, nhà trai phải nhờ trưởng quan lang có tài thơ phú đi đón dâu: “Thơ xin mở cửa nhà, thơ đáp chén rượu nồng/Thơ bước lên sàn, thơ xin trải chiếu” để tàn tiệc rượu mới có thể “mừng rước cô dâu trẻ về nhà” (Nguyễn Tuân làm quan lang). Theo phong tục Tày, khi làm đám cưới xong, người con gái vẫn ở nhà bố mẹ đẻ của mình, khi nào có con mới về nhà chồng. Có thể thấy, văn hóa Tày là nền tảng, gắn bó máu thịt nhất với Triệu Lam Châu và sự giao thoa giữa các nền văn hóa trong thơ ông cũng hướng tới việc tôn vinh nền văn hóa cội nguồn thiêng liêng đó.

Mỗi nền văn hóa Tày - Việt - Nga, cùng cảnh sắc thiên nhiên, tâm lý, tình cảm, phong tục tập quán… riêng của mỗi dân tộc hiện lên đậm đà trong những tác phẩm thơ của Triệu Lam Châu. Dựa vào nội dung và số lượng tác phẩm, dựa vào ý tưởng chủ đạo của tác giả có thể thấy những mảng màu văn hóa xuất hiện trong các tập thơ của ông có sự đậm nhạt khác nhau. Giọt khèn (Dẳc khèn) thiên về văn hóa Tày. Trăng sáng trên non (Hai rủng nưa phja) có sự hòa quyện của văn hóa Tày và văn hóa Việt. Sự GTVH Tày - Việt - Nga đậm nét trong Ngọn lửa rừng (Coong fầy đông) -1999, Thầm hát trên đồi (Đỏi nhằm nưa khau) - 2004 và tập trung nhất ở Ba vỉa hồn ngầm (Slam phjể khoăn d’ăm) - 2015.

Đáng chú ý là hiện tượng song trùng, giao thoa của các nền văn hóa ở ngay trong một tác phẩm thơ. Trong Gagarin qua cầu treo sông Mãng, Gagarin có cảm giác chơi vơi, bồng bềnh trong vũ trụ của mình khi qua cầu treo sông Mãng tại Cao Bằng. Anh nghe “tiếng lượn sli mênh mang”, tiếng “đàn tính ngọt ngào” hòa điệu với tiếng “đàn balalaica sôi nổi” cùng bao bản tình ca Nga. Những biểu tượng văn hóa chọn lọc của hai dân tộc Tày - Nga đồng hiện trong tác phẩm. Nét văn hóa Tày - Việt thường được thể hiện qua tâm trạng “Đi trên biển mà nhớ rừng da diết” xuất hiện không ít trong thơ Triệu Lam Châu (Thành phố biển mờ sương). Lấy cảm hứng từ Một chuyện đùa, Triệu Lam Châu cùng Sêkhôp đến Núi Nhạn (Tuy Hòa) cùng trượt tuyết với mình. Khi xe trượt bay xuống, nàng Tanhia của nhà thơ Việt là cô Tấm “áo chàm, áo nâu muôn thuở”, lẹ làng hóa “cánh chim xanh” còn nàng Tanhia của Sêkhôp là cô gái Nga “như thiên nga trắng muốt” bay giữa “tuyết trắng” mênh mông. Rõ ràng, sự đan cài giữa các biểu tượng văn hóa Việt - Nga trong Chào anh Sêkhốp là rất sâu sắc. Có thể nói, nhà thơ Triệu Lam Châu đã thể hiện sự đa dạng của GTVH trên các cấp độ khác nhau: GTVH xuyên suốt sự nghiệp sáng tác thi ca, GTVH theo ý tưởng tác giả trong từng tập thơ và sự GTVH tinh tế, đan cài trong những tác phẩm cụ thể.

3. Thủ pháp GTVH

Hồi tưởng là thủ pháp GTVH thứ nhất. Nhân vật trữ tình thường nhớ lại những kỷ niệm và trải nghiệm của chính mình; trong quá trình hồi tưởng đó, sự đồng hiện và GTVH diễn ra rất tự nhiên. Trong Một mình lên hang núi đêm trăng, nhân vật trữ tình tưởng như nghe thấy những bài giảng tuyệt vời về Puskin “cánh chim tự do cồn lên như sóng” trong lớp học sơ tán bên những ngọn đèn dầu những năm chiến tranh từ thuở thiếu thời. Theo thơ Puskin, gió Cacpat, mùa thu vàng nước Nga, tuyết đầu mùa Xanh Pêterbua và tiếng ca trong trẻo của những cô gái Nga sớm mai đi kín nước ùa về; thấm đẫm điệu lượn sli của núi đồi Đức Long quê hương tác giả. Mùa thu lại đến rồi gợi kỷ niệm một thời sôi nổi ở miền rừng Nga, trong đêm vũ hội quanh đống lửa, bên tiếng đàn gió cuồng say, những cô gái Nga đẹp như tiên nữ, bỗng cất lên tiếng sáo Việt Nam du dương dìu dặt.

Liên tưởng là thủ pháp GTVH thứ hai. Chẳng hạn, trong một sáng sương mù bồng bềnh, trong sự ngỡ ngàng của tác giả, “phố biển” thành “phố núi”, giữa phố biển mà: “Lòng như nghe tiếng thú ngân dài/Cùng tiếng suối trong lành bên núi/ Loáng đỏ sắc hoa đào vời vợi/Ngờ đâu: Đây phố biển ban mai!” (Thành phố biển mờ sương). Trong Người Pác Bó về thăm Nhạn Tháp, người phụ nữ Mông về thăm mộ chồng đã hy sinh ở đất biển mà thấy “sắc biển xanh như màu suối biếc”, “tiếng biển như tiếng gió rì rào bên suối Lênin”, dường như, nơi anh nằm đã hóa biên cương - quê hương yêu dấu. Chỉ một gói cốm thơm lừng bên sông Nhêva cũng có thể làm những “lâu đài mơ màng”, những “gác chuông lộng lẫy” sánh cùng “xóm làng rộn ràng hương lúa mới/tiếng chày giã cốm mịn đêm trăng”, ánh mắt bạn Nga “đượm màu ngọc bích” tỏa sáng cùng “nụ cười em tươi trẻ” (Hương cốm trên sông Nhêva). Vậy là, từ một duyên cớ vô tình hay hữu tình, bằng tâm hồn bay bổng dạt dào và sự liên tưởng phong phú của tác giả, các nền văn hóa được kết nối, đan cài tự nhiên như mây trời gió núi, không hề gượng ép.

 Giả định, hư cấu là thủ pháp GTVH thứ ba. Trong Gia đình tôi có sinh nhật bốn mùa, từ các thời điểm khác nhau của những ngày sinh nhật trong gia đình vào bốn mùa xuân hạ thu đông; nhà thơ giả định đến những chuyến tham quan của gia đình mình đến thành phố Vongagrat. Rồi nhà thơ tưởng tượng ra việc mời các danh nhân văn hóa nước ngoài về thăm Việt Nam, về với Cao Bằng để trải nghiệm nét đẹp độc đáo của văn hóa dân tộc mình. Với trí tưởng tượng bay bổng đến phi thường, Triệu Lam Châu mời Gagarin qua cầu treo sông Mãng để thưởng thức cảm giác bồng bềnh, dập dềnh trên vũ trụ, thầm hát theo “điệu tính ngọt ngào, say đắm” và “tiếng lượn sli đằm thắm”; đưa Puskin trên Núi Nhạn đêm trăng để viết kiệt tác thơ Epghenhi Ônheghin của nhân loại; tín nhiệm Nguyễn Tuân làm quan lang, dẫn đoàn nhà trai sang mường bên cạnh, trổ hết tài thơ phú để xin nhà gái mở cửa, mời rượu và đón cô dâu trẻ về mường của mình; sôi nổi trò chuyện với Nadim Hikmét về phong tục hát đối đáp giao duyên của trai gái trong phiên chợ vùng cao. Từ sự giả định tuyệt vời bay bổng đó, sự đồng hiện giao thoa của các nền văn hóa đến một cách hết sức tự nhiên.

4. Cội nguồn hình thành sự GTVH trong thi ca Triệu Lam Châu

Sự GTVH trong thi ca Triệu Lam Châu được hình thành thứ nhất, từ trải nghiệm cá nhân.

Triệu Lam Châu có may mắn trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác nhau. Sinh trưởng ở Cao Bằng, văn hóa Tày thấm đẫm trong từng hơi thở và thành máu thịt của nhà thơ. Học tập ở đại học Mỏ Xanh Petecbua và tốt nghiệp năm 1976, Triệu Lam Châu mở rộng tâm hồn chào đón văn hóa Nga từ thuở hoa niên và gắn bó với nền văn hóa thứ hai này suốt đời qua dịch thuật văn học Nga và sáng tác thơ. Trở thành kỹ sư địa chất, về nước và trở thành giảng viên tại Tuy Hòa (Phú Yên), văn hóa Việt là nền văn hóa trung gian kết nối các nền văn hóa trong trải nghiệm văn hóa của Triệu Lam Châu.

Thứ hai, sự GTVH trong thi ca Triệu Lam Châu được hình thành do ý thức sáng tạo nghệ thuật. Năm 2001, Triệu Lam Châu đã viết khi bình chú cho tác phẩm Gagarin qua cầu treo sông Mãng: “Mãi đến năm 1992 tôi mới tìm được lối đi riêng cho thơ mình: cho những nhân vật văn hóa Nga vĩ đại lên thăm Cao Bằng. Nếu làm thành công theo hướng đó, bài thơ vừa có chất Tày vừa có chất Nga. Tôi gọi đó là bút pháp GTVH” (2). Trong nhiều bài viết ngắn bình chú của các tác phẩm khác, Triệu Lam Châu cũng nhắc đến bút pháp GTVH trong tác phẩm.

Thứ ba, tài năng và tâm hồn nghệ đã góp phần hình thành sự GTVH trong thi ca Triệu Lam Châu một nhà thơ - dịch giả - nhạc sĩ tài năng. Triệu Lam Châu am hiểu, thông thạo tiếng Nga, tiếng Tày và tiếng Việt. Năng lực sáng tạo dồi dào và tư chất nghệ sĩ thể hiện qua hồn thơ dạt dào, sáng tác hàng trăm thi phẩm và nhạc phẩm. Khả năng tưởng tượng phong phú lại cộng hưởng với nghề địa chất gần gũi với thiên nhiên, mộng mơ, lãng mạn nên tư chất nghệ sĩ càng dạt dào, bay bổng.

Cuối cùng, tình yêu tha thiết với dân tộc Tày là cội nguồn sâu thẳm hình thành sự GTVH trong thi ca Triệu Lam Châu. Yêu thiên nhiên, yêu đồng bào là điều tất yếu, Triệu Lam Châu hết sức coi trọng ngôn ngữ, yêu văn hóa, hiểu biết sâu sắc và trân trọng bản sắc dân tộc mình. Bởi vậy, văn hóa Tày được dụng công thể hiện trong thơ ông rất đa dạng: thiên nhiên, con người, văn hóa vật chất, phương thức lao động sản xuất, phong tục tập quán, tư duy, tình cảm... Vì tình yêu sâu sắc với dân tộc, Triệu Lam Châu dốc lòng đền ơn dân tộc Tày và mảnh đất Cao Bằng đã hào phóng ban tặng thiên nhiên tuyệt đẹp và nền văn hóa độc đáo để chung đúc tâm hồn bằng sự nghiệp văn học nghệ thuật của mình. 

Như vậy, GTVH Tày - Việt - Nga là đặc điểm nổi bật trong sáng tạo thi ca của Triệu Lam Châu. Sự giao thoa đặc sắc của các nền văn hóa thể hiện trên cả phương diện sử dụng ngôn ngữ và phương diện đồng hiện sự đa dạng của các nền văn hóa. Bên cạnh hứng thú dạt dào với các nền văn hóa, Triệu Lam Châu cũng thể hiện tài năng khi sáng tạo ra những thủ pháp GTVH độc đáo như sự hồi tưởng, sự liên tưởng và sự hư cấu, giả định. Chúng tôi cũng cho rằng, cội nguồn sự GTVH trong sáng tạo thi ca của Triệu Lam Châu đến từ sự trải nghiệm văn hóa phong phú của cá nhân tác giả, từ ý thức sáng tạo nghệ thuật sâu sắc, từ tài năng và tâm hồn nghệ sĩ và trên hết là tình yêu sâu thẳm của Triệu Lam Châu với nền văn hóa Tày truyền thống. Khái quát trình tìm hiểu, ta có thể khẳng định nhà thơ Triệu Lam Châu, theo một con đường độc đáo, góp phần quan trọng bảo tồn và phát huy nền văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày trong đời sống văn hóa, văn học Việt Nam hiện đại (3).

_______________

1. Triệu Lam Châu, Đề xuất một số từ ngữ tiếng Tày hiện đại, Tạp chí Trí thức Phú Yên, số 45+46- 2016, tr.41- 42, 52.

2. Hoàng Quảng Uyên, Một mình trong cõi thơ, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2000, tr.116 - 124.

3. Các tác phẩm trong bài dẫn từ tập thơ, thơ dịch của Triệu Lam Châu: Trăng sáng trên non, 1998, Hội VHNT Phú Yên; Ngọn lửa rừng, 1999, Nửa phần sự thật, 2000, Giọt khèn, 2001, Đêm trắng, 2002, Thầm hát trên đồi, 2004, Ba vỉa hồn ngầm, 2015 của Nxb Văn hóa Dân tộc.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 407, tháng 5 - 2018

Tác giả : ĐÀO THỊ ANH LÊ

;