Giải mã giá trị văn hóa trong tranh thờ của người Dao ở Yên Bái

Nghệ thuật tạo hình là dùng ngôn ngữ bố cục, đường nét, hình khối, màu sắc... để tạo ra tác phẩm nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu về cái đẹp trong đời sống tinh thần, tình cảm của con người. Thông qua nghệ thuật tạo hình, con người được thưởng thức, chiêm nghiệm, đối chiếu bằng tác phẩm để cảm nhận các vấn đề của cuộc sống một cách sâu sắc hơn, từ đó mong muốn tạo ra những giá trị mới. Nghệ thuật tạo hình dân gian là một dòng chảy mang trong mình những giá trị được kết tinh qua nhiều thế hệ, mang tính ổn định của dân tộc, tính vận động của phát triển xã hội; mang những giá trị truyền thống, đồng thời tiếp thu những giá trị mới; vừa là kết quả của quá trình tích lũy và kế thừa, vừa là kết quả của sự tìm tòi khám phá phát hiện và sáng tạo.

     1. Vài nét về tranh thờ

     Tranh dân gian Việt Nam đã tồn tại từ rất lâu, lưu truyền từ đời này qua đời khác, cứ vào dịp Tết đến xuân về, tranh lại được mang bán ở khắp các chợ từ nông thôn tới thị thành, với những màu sắc rực rỡ, được nhân dân yêu chuộng và được phổ biến rộng rãi. Tranh dân gian Việt Nam có tranh thờ, tranh Tết được sử dụng cho việc trang hoàng nhà cửa trong gia đình của người dân khắp đất nước vào mỗi dịp xuân mới. Dưới chế độ phong kiến thực dân, đời sống của nhân dân cơ cực, tranh Tết là sản phẩm tinh thần của người dân, phản ánh những ước vọng, khát khao của người nông dân vào một cuộc sống thanh bình, no đủ, ấm êm và hạnh phúc, làm dấy lên những hy vọng vào cuộc sống, thỏa mãn những nhu cầu về một đời sống tinh thần hồn hậu.

     Tranh thờ cúng giữ vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa tinh thần, gắn bó với đời sống tâm linh của nhân dân. Tranh thờ không phải để treo chơi trong dịp Tết, mà được sử dụng để thờ cúng trong điện, hoặc cúng xong thì đốt đi như đồ mã. Sự xuất hiện của tranh thờ biểu hiện tính tôn giáo của nhân dân, từ tín ngưỡng kết hợp với Phật giáo và Đạo giáo nhân dân đã xây dựng một hệ thống hình tượng những vị thần linh trong thần điện, lập thành một một tín ngưỡng cổ truyền trong kho tàng dân gian Việt Nam. Những vị tiên, thánh trong tranh thường hiển linh giúp nhân dân trừ tai ách, giúp nước đánh giặc ngoại xâm, biểu hiện các quan niệm về vũ trụ, nhân sinh, về sức mạnh và giải trừ bệnh tật... trong đời sống của nhân dân.

     Cùng với tranh thờ cúng của nhân dân miền xuôi, các tộc người anh em ở miền núi như: Tày, Nùng, Dao... cũng có những bộ tranh thờ. Cư dân miền núi có những quan niệm về vũ trụ, về nhân sinh, cuộc sống con người được bảo trợ bởi các vị thần linh. Thông qua các thày mo, thày tào là thế lực quan trọng tạo mối liên hệ vô hình giữa con người với thế giới thần linh, giữa thực và hư, tạo niềm tin tôn giáo để con người vượt qua khó khăn, chống lại thiên nhiên khắc nghiệt, gắn kết cộng đồng. Khi hành lễ, các thày mo, thày tào thường sử dụng các bộ tranh thờ, với ý nghĩa mời các vị thần linh về chứng giám công việc trọng đại trong gia đình, là thế lực vô hình che chở, mang lại cuộc sống bình an, no đủ, giúp cho thóc lúa đầy nhà, cây cối tươi tốt, gia súc gia cầm sinh sôi... Như vậy, tranh thờ tham gia khi hành lễ, đã in dấu ấn của dân gian, làm cho các bức tranh thờ có giá trị đặc biệt về lịch sử văn hóa và nghệ thuật, phản ánh một cách sinh động về chủ đề đấu tranh với thiên nhiên và ước vọng hạnh phúc của con người.

     2. Tranh thờ của người Dao ở Yên Bái

     Yên Bái là tỉnh cửa ngõ vùng núi Tây Bắc, nơi sinh sống của cộng đồng 31 dân tộc anh em với lịch sử phát triển lâu đời. Trong các dân tộc anh em sinh sống ở Yên Bái, người Dao là dân tộc có dân số khá đông, khoảng 62.000 người, chiếm 9,1% dân số toàn tỉnh. Địa bàn cư trú của người Dao chủ yếu ở vùng tiếp giáp giữa vùng thấp và vùng cao. Người Dao hiện sinh sống ở tỉnh Yên Bái có 4 nhóm chính là: Dao Đỏ (còn gọi là Dao Sừng, Dao Đại Bản), Dao Quần Chẹt (còn gọi là Dao Nga Hoàng, Dao Sơn Đầu), Dao Quần Trắng và Dao Làn Tuyển (còn gọi là Dao Tuyển).

     Tộc người Dao ở Yên Bái vốn có nhiều phong tục, tập quán đẹp mang giá trị văn hóa cao. Đó là các nghi lễ thờ cúng tổ tiên và các vị thần linh như: thờ cúng trong ngày Tết, lễ cấp sắc, Tết nhảy... Các nhóm Dao đều thờ cúng tổ tiên và thờ Bàn Vương. Thờ cúng tổ tiên là việc thờ cúng chủ yếu trong gia đình. Bàn Vương được coi như thủy tổ của các dòng họ nên cũng được thờ cúng chung với tổ tiên. Trong nghi lễ thờ cúng của mình, người Dao ở Yên Bái luôn sử dụng rất nhiều tranh cúng và trong mỗi nghi lễ lại có những loại tranh riêng. Ngoài ra, tranh thờ còn được dùng mỗi khi Tết đến xuân về và nghi thức không thể thiếu đó là vẽ tranh treo bàn thờ. Đây là nét văn hóa lâu đời, phản ánh sống động đời sống tâm linh và cuộc sống ấm êm no đủ của gia đình người Dao.

     Tộc người Dao ở Yên Bái có quan niệm mỗi gia đình khi ra ở riêng đều phải có bộ tranh dùng cho tín ngưỡng thờ cúng của gia đình. Bộ tranh thờ là sự hiển hiện của các vị thần linh, che chở cho cuộc sống của gia đình. Tuy các gia đình đều lo cuộc sống, làm ăn riêng, nhưng họ đều có chung các vị thần linh trên bầu trời che chở, tạo nên sự gắn kết cộng đồng bền chặt. Người Dao có tục treo tranh mới hoặc vẽ lại các bức tranh khi đã quá cũ, tùy vào điều kiện kiện kinh tế của gia đình, chủ nhà. Có thể sử dụng tranh thờ được lưu truyền từ ông cha, hoặc có thể nhờ thày mo, thày tào vẽ tranh mới. Vào dịp cuối năm, người chủ gia đình phải mang lễ đến nhà thày cúng để nhờ thày xem giúp tuổi của mình hợp với ngày nào trong tháng. Thày mo sẽ chọn ngày phù hợp với tuổi của gia chủ, sau khi cúng lễ sẽ tiến hành vẽ tranh. Vẽ xong tranh phải chọn ngày tốt, làm lễ nhập thần cho tranh, sau đó gia đình mới được dùng trong thờ cúng, với ý nghĩa từ đây gia đình chủ nhà có các thần linh che chở và để cầu phúc cho gia đình mình.

      Tranh thờ được coi là vật linh thiêng với các quy tắc bảo vệ chặt chẽ. Ngoài các bộ tranh cổ được lưu truyền qua nhiều thế hệ, hiện nay, việc vẽ tranh được một số rất ít các ông thày mo, thày tào thực hiện. Việc vẽ tranh thực hiện trong một không gian riêng, trong suốt thời gian vẽ tranh phải kiêng kỵ nghiêm ngặt, người vẽ không được làm điều ác, không chặt cây ngoài vườn, không giết mổ gia súc, gia cầm, không nặng lời với con cháu, nữ giới không được có mặt. Các vị thần linh trong tranh được vẽ hoàn chỉnh các chi tiết lớn, riêng đôi mắt không được hoàn thiện ngay, phải được xem ngày tốt, giờ tốt mới được các ông thày mo làm lễ cúng và hoàn thiện, gọi là mở mắt cho tranh, bộ tranh trước khi mang về cho gia chủ sử dụng, phải làm lễ nhập thần. Tranh thờ được cuốn gọn treo cạnh bàn thờ, vào những dịp trọng đại trong năm như: lễ cấp sắc, Tết nhảy, rằm tháng bảy, năm mới… gia chủ phải mời thày tào về cúng, chỉ khi đủ các nghi lễ trọng thể mới được mở tranh ra treo trên các vách nhà bên cạnh bàn thờ để làm lễ. Cúng xong, lại phải làm lễ thu hồi âm binh thần tướng trở lại trong tranh, rồi cuộn lại cất đi.

     Các bộ tranh thờ của người Dao thường có những nội dung, cách thể hiện tương đối giống nhau (nếu cùng một khu vực địa lý); ở những vùng khác nhau trong tỉnh, tranh cũng có những sự khác biệt, do các ông thày mo, thày tào vẽ vào những thời kỳ khác nhau, hoặc tranh lưu truyền qua nhiều thế hệ, chịu ảnh hưởng của văn hóa và tập tục của mỗi địa phương. Tranh thờ của người Dao được tồn tại đến nay dưới những dạng thức: bộ tranh thờ cổ được lưu truyền qua nhiều đời từ cha ông để lại xuất sứ có thể được vẽ từ các họa công người Trung Quốc; có bộ tranh được lưu giữ do các nghệ nhân dân gian Hàng Trống, Đông Hồ được các cư dân miền núi về tận miền xuôi đặt vẽ; số bộ tranh thờ còn lại (tranh thờ mới) đều được ông thày mo, thày tào vẽ tại địa phương.

     Nội dung và hình thức thể hiện các bức tranh theo từng họ nhưng tương đối thống nhất, giống nhau về số lượng cho mỗi dòng họ: dòng họ Lý trên bàn thờ treo đủ 3 bức tranh lớn và tranh nhỏ (quân lính); còn họ Triệu, họ Phùng và họ Bàn khi vẽ tranh phải có đủ 18 bức tranh lớn, 4 tranh nhỏ và 1 tranh dài, kích thước của mỗi bức tranh lớn là 40cm x 100cm. Những vị thần linh được vẽ chung trên một bức tranh, hoặc vẽ riêng từng thần một gồm: thần Ngọc Thanh (Tồ tác) - ông thần coi giữ bầu trời, thần Thượng Thanh (Lềnh pú) - ông thần coi giữ mặt đất, thần Thái Thanh (Lềnh sị) - ông thần coi giữ âm phủ… Đây là các thần linh thiêng mà khi thờ cúng các vị Tam Thanh luôn được đặt cao hơn, ở vị trí trung tâm so với tất cả các thần khác.

     Tranh được vẽ theo chiều dọc, tính từ phía dưới lên trên, biểu hiện các hoạt động của con người và thần linh từ mặt đất đến tận bầu trời bao la, từ núi sông đến biển cả, từ địa ngục tới tiên cảnh tùy theo trí tưởng tượng của người vẽ tranh. Trong cùng một khuôn tranh, người ta bắt gặp đủ các lớp không gian, thời gian, thực và ảo khác nhau. Bố cục tranh được sắp xếp đan xen giữa các vị thần, con người và ma quỷ trên cùng một mặt tranh. Lối vẽ không theo luật viễn cận mà theo quan niệm về vai trò và chức trách của các vị thần, các thần chính được vẽ to, chiếm diện tích lớn, choán hết mặt tranh, thần phụ, con người, quân lính được vẽ nhỏ, đôi khi rất nhỏ, làm tăng sự tập trung và oai nghiêm của thần chính trên mặt tranh. Không gian tranh rộng lớn như vô tận, khoảng cách giữa con người và thần linh trên cùng một mặt phẳng nhưng trở nên vô định, điều đó tạo ra sự phân định thứ bậc ngay trong tâm tưởng. Xét về mặt không gian, đây là một trong những điểm đáng chú ý của về mặt tư tưởng, là một điểm nhấn trong sáng tạo của các họa công tranh thờ.

     Màu sắc được sử dụng trong các bức tranh thiên về gam màu nóng, sử dụng các màu nâu, đỏ vàng là chủ đạo, tạo hòa sắc trầm ấm, tương phản với màu nhẹ tạo chiều sâu cho các bức tranh. Màu sắc biểu hiện ở trên da và trang phục các nhân vật theo cách phản ánh trực diện, tạo ra sự biểu hiện tính cách nhân vật rõ nét, người xem dễ cảm nhận và phân định tính cách. Các vị thần hiền hậu, mang lại điều tốt lành, được biểu hiện bằng màu da mịn màng, sáng trắng, trang phục biểu hiện nhiều sắc rực đỏ, cam, vàng; ngược lại, các thần hung dữ lại được biểu hiện bằng cách dùng màu sám, lạnh. Các nét vẽ được sử dụng màu đen, chắc khỏe, làm cho tương quan bức vẽ thêm chiều sâu, ở không gian điều kiện chiếu sáng là đèn, nến, các bức tranh trở nên sâu thẳm huyền bí.

     Hệ thống nét, được vẽ hoàn toàn trực tiếp, bộc lộ rõ khả năng thuần thục, rất hoạt của các họa công, nét vẽ mềm mại, thoáng, liền mạch tạo cho các nhân vật thần linh sự ung dung tự tại, ngay thẳng. Các nhân vật con người có diện tích nhỏ, nét vẽ ngắn, thô hơn biểu hiện cái bình dị mộc mạc, tạo nên sự khác biệt giữa con người và thần linh.

     Trong mỗi bộ tranh, các bức tranh được xắp sếp theo một thứ tự và nguyên tắc nhất định, các thần chính được xếp ở vị trí trung tâm, các thần có vị thế thấp hơn được xếp ở hai bên và đều hướng góc nhìn vào thần chính, tùy theo vị trí, vai trò thứ bậc của từng vị thần mà tranh được xếp cạnh nhau theo đúng trật tự, biểu hiện rành mạch về tính tổ chức, phép tắc, trên dưới. Mỗi bức tranh gắn với một nội dung cụ thể với ý nghĩa răn đe, giáo hóa con người.

     Tranh thờ của người Dao ở Yên Bái có những đặc điểm khác với các bộ tranh của đồng bào miền núi phía Bắc. Qua các bức tranh có thể thấy được những giá trị về lịch sử văn hóa, tộc người, bản sắc văn hóa truyền thống của các nhóm người Dao bản địa. Nội dung trong các bộ tranh thờ chứa đựng nhiều vấn đề về tâm linh, ý nghĩa xã hội sâu sắc và những ước vọng của con người, với những giá trị văn hóa nổi bật là đạo giáo, ma thuật ẩn sâu trong tiềm thức nhân gian. Phản ánh được quá trình sáng tạo lưu truyền và gìn giữ và những nét đẹp văn hóa của người Dao đã có từ xa xưa.

     Tranh thờ và hệ thống tranh dân gian nói chung là một tài sản vô cùng quý giá không phải ở giá trị vật chất, mà chính là nội hàm văn hóa ẩn chứa sau mỗi bức tranh. Mỗi bộ tranh là một kho tàng quý, về quan niệm nhân sinh, ần chứa những giáo lý, răn đe hướng con người đến cái thiện rời xa cái ác. Để thấu hiểu được đầy đủ ngôn ngữ các giá trị văn hóa nghệ thuật ẩn sâu trong các bộ tranh, để hệ giá trị đó đi vào cuộc sống, cần phải có một quá trình nghiên cứu bền bỉ, công phu dưới góc nhìn của nhiều ngành khoa học và nghệ thuật, của các nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực khoa học.

     Chuyên chở toàn bộ ý nghĩa của các bức tranh thờ đến với con người là hình thức biểu đạt của các tác phẩm, là ngôn ngữ của nghệ thuật tạo hình, bằng sự cảm nhận của thị giác hình ảnh các vị thần linh được thể hiện thông qua bố cục, đường nét, hình khối, không gian, màu sắc... Thông qua tạo hình, hình ảnh các thần linh được hiển hiện, ở những trạng thái nhất định, tính cách các vị thần được khắc họa điển hình để tạo nên hình tượng nhân vật sâu sắc, tương đồng với những giá trị văn hóa, đạo giáo, ma thuật sâu xa trong nhân gian. Như vậy, trong tranh thờ ngoài ý nghĩa tâm linh, ý nghĩa giáo dục, còn hàm chứa, lưu giữ nhiều những giá trị về nghệ thuật tạo hình độc đáo của các họa công tạo nên tác phẩm.

     Các vị thần linh là xương sống cơ bản trong các bộ tranh thờ miền núi nói chung, nhưng khi đi qua từng vùng miền, có sự ảnh hưởng của những phong tục tập quán địa phương và tín ngưỡng của cư dân bản địa, khiến cho các bức tranh thờ của từng vùng miền rất khác nhau. Qua các bức tranh có thể hình dung được nét văn hóa truyền thống của các dân tộc đã sản sinh ra nó, phản ánh được sự lưu truyền, gìn giữ và quá trình sáng tạo; nhận diện được những yếu tố tạo hình nhân vật, xác định được bước đi của nghệ thuật hội họa, nghệ thuật vẽ tranh của đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương miền núi phía bắc trên một chặng đường dài.

     Trong quá trình đổi mới, hội nhập, giao lưu và phát triển hiện nay, đời sống người Dao ở Yên Bái đã có nhiều thay đổi, tuy vậy, họ vẫn lưu giữ được những nét đẹp truyền thống, những nghi lễ của dân tộc mình như: lễ cấp sắc, Tết nhảy, cầu an, tang ma... Trong các buổi lễ cúng của người Dao ở Yên Bái hiện nay, không thể thiếu các bức tranh thờ, văn hóa truyền thống vẫn tiếp tục theo dòng chảy của cuộc sống hiện tại, nhu cầu vẽ tranh vẫn song cùng với nó. Hiện nay, số người vẽ tranh thờ còn rất ít, tại xã Nậm Lành huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái chỉ còn cụ Lý Hữu Vượng nay đã ở tuổi ngoài 70. Cụ bắt đầu vẽ tranh thờ cho bà con trong khu vực từ 1995, là một thày mo, thày tào cao tuổi, cụ vẫn miệt mài vẽ những bộ tranh với sự cẩn trọng, tỉ mỉ, và sự thấu hiểu về giá trị văn hóa nghệ thuật huyền bí ẩn sau mỗi bức tranh. Hiện tại ở địa phương và cả khu vực lân cận chưa có ai có khả năng làm được việc này. Như vậy, các bức tranh thờ được tiếp tục kết nối giữa quá khứ, hiện tại và mai sau là một điều còn bỏ ngỏ.

     Nhiều công trình nghiên cứu về tranh thờ của các tác giả, các nhà nghiên cứu đã khái quát giá trị văn hóa của tranh thờ trong đời sống tâm linh của đồng bào dân thiểu số vùng Tây Bắc nói chung, của người Dao nói riêng. Những công trình nghiên cứu nói trên có giá trị lớn về văn hóa tâm linh của tranh thờ, nguồn gốc xuất sứ, giá trị nhân văn, giáo dục, nội dung, chất liệu, ngôn ngữ biểu đạt... nhưng còn đó những vấn đề về ngôn ngữ của nghệ thuật tạo hình là một thành tố quan trọng trong hình thức thể hiện lên các bộ tranh thờ, với vai trò tạo hình nhân vật là đối tượng của sự nhìn, dẫn dắt thị giác con người vào cõi thần linh cao siêu, để truyền đạt các ý tưởng đạo giáo thì vẫn còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu và giải quyết. Nhân sinh quan của con người kết hợp với nét văn hóa truyền thống địa phương, khả năng mô phỏng sao chép và sáng tạo, tranh thờ của người Dao ở Yên Bái mang trong mình những nguyên tắc tạo hình độc đáo nhất định. Một vũ trụ quan trong tâm linh người xưa được thể hiện qua ngôn ngữ tạo hình trong các bộ tranh thờ vẫn còn là điều để chúng ta cùng nhau suy ngẫm và tìm hiểu.

 

Tác giả: Nguyễn Sinh Phúc

Nguồn: Tạp chí VHNT số 415, tháng 1 - 2019

;